A Working Woman: Thùy Minh

A Working Woman là series bài viết dành cho những người phụ nữ trẻ đang trong giai đoạn đầu của sự nghiệp và muốn tìm kiếm kinh nghiệm, sự đồng cảm từ những người đàn chị đi trước. Số đầu tiên là những chia sẻ củaThuỳ Minh.

Minh Ng
A Working Woman: Thùy Minh

A Working Woman: Thùy Minh

A Working Woman: Thùy Minh

  • Nghề nghiệp: MC, VJ, tác giả sách
  • Tác phẩm: Boy-ology (2014), #MinhvaLinh – Hai chúng mình đi khắp thế giới (2015)
  • Chương trình: Vân tay IME (VTV6), Ghế Đỏ (YanTV), Bitches in Town, Không Cay Không Về (Billboard Vietnam),…
  • Mẹ của Linh và Midori

Một giá trị ở bản thân mà chị không bao giờ thỏa hiệp. Và nó ảnh hưởng đến sự nghiệp của chị như thế nào?

Nghe thì có vẻ hơi đặt nặng cái tôi nhưng đó là luôn chọn mình, luôn chọn cảm xúc của mình. Mọi người hay nghĩ cảm xúc là một thứ bốc đồng, và giữa hai luồng tư duy nhanh – chậm, cảm xúc hẳn là một loại tư duy nhanh. Nhưng chị luôn có cảm giác là mình phải nói ra những điều mình suy nghĩ trong đầu, mặc dù bản thân ý thức rất rõ những hậu quả mà sự thành thật với cảm xúc của bản thân có thể mang lại.

Chị nghĩ rằng giá trị này ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp làm truyền thông của chị. Những ngày đầu làm báo, có thời điểm những bài mình viết không được đăng tải. Nhưng lúc đó chị chỉ nghĩ là mình viết xong bài này có thấy sướng, thấy đủ chưa? Mà đã thấy đủ rồi thì chuyện nó có được xuất bản hay không chẳng còn quan trọng nữa.

Công việc viết format cho show suy cho cùng cũng chính là một kiểu giải tỏa cảm xúc bản thân. Các chương trình, nội dung chị làm luôn phản ảnh cảm xúc, suy nghĩ của chị tại thời điểm đó. Và cách chị tiếp cận một chủ đề cũng xuất phát từ chính sự hiểu biết và kinh nghiệm sống của mình. Chị nghĩ chỉ có như vậy thì sản phẩm mình làm ra mới đến được tay người khác. Nếu ngay cả bản thân mình cũng không thích những gì mình làm thì sao có thể kỳ vọng người khác thích nó.

Trong cuộc sống cũng vậy, sẽ luôn có những cuộc cãi cọ, tranh luận giữa mình với đồng nghiệp, với người thân và cả kẻ thù, những người không hiểu mình. Lúc đó, chị sẽ suy nghĩ xem hậu quả của cuộc cãi vã này là gì? Mình có bị mất việc hay có làm ai đó tổn thương không? Nhưng đồng thời, chị cũng tự hỏi bản thân đang nghĩ gì, muốn nói ra điều gì, và điều đó có quan trọng với cảm xúc của mình không? Nếu không nói ra thì mình có chết không? Thì chị luôn có cảm giác nếu không nói ra chắc mình sẽ chết.

Vậy nên suy cho cùng, chị chỉ có một giá trị thôi, đó là luôn tôn trọng cảm xúc của mình.

“Mọi người hay nhìn vào và nói chị là một hình mẫu nữ quyền, chị cũng có một bài TED Talks về vấn đề này. Nhưng chị không thích đấu tranh, vì nó tạo cảm giác là mình thấp kém hơn. Nếu mình là phụ nữ, thì mình là phụ nữ.”

Con đường của chị đến với sự nghiệp hiện tại đã diễn ra như thế nào?

Từ bé trong chị đã luôn có một tiếng nói mách bảo rằng chị phải làm cái gì đó liên quan đến việc… giành lại sự công bằng. Sau đó chị dịch ước mơ đó thành việc mình phải đi làm luật sư. Đến năm mười mấy tuổi, chị nguệch ngoạc vẽ một tờ báo, định viết là Tin Tức, nhưng lại nhầm thành Tin Tin. Thế là từ đó chị có một tập báo tự làm cho lớp, rồi cho trường. Hồi đấy chị chẳng nghĩ gì nhiều cả, nhưng thầy cô trong trường đều nói rằng chị phải trở thành người viết chuyên nghiệp. Thế rồi sau đó tập báo của chị được Hoa Học Trò phát hiện và giới thiệu đến độc giả.

Đến lúc thi đại học, chị chọn thi báo chí và mỹ thuật. Rốt cuộc, chị trượt ngành báo chí. Mà tính chị là càng bị làm cho khó khăn, càng bị vùi dập thì lại càng muốn dấn thân vào. Vì thi trượt, nên chị càng quyết tâm trở thành một người viết tài giỏi. Rồi từ nghề báo chị biết mình phải học thêm nhiều nền tảng khác như TV, radio, … Như thế vẫn chưa đủ, chị quyết định đi làm cho một công ty game online. Công việc này mở ra cho chị một thế giới mới, chị bắt đầu nghĩ về digital. Và bây giờ là thời kỳ digital thật.

Có thể nói, chị là một người biết rất rõ sứ mệnh của mình là gì, nhưng trong sự nghiệp, chị cho phép mình không bị bó buộc trong bất cứ một ngành nghề nào, và xem sự ngẫu hứng đó dẫn mình đến đâu. Chị nghĩ con đường sự nghiệp nên thử qua thật nhiều thứ, và tùy vào từng thời điểm, môi trường khác nhau mà tính cách và quan điểm của mình lại phù hợp với một kiểu nghề khác. Suy cho cùng, hành trình của một người đi làm việc hoàn toàn là hành trình của họ đi tìm bản thân mình.

“Em có tin vào cung hoàng đạo không? Chị nghĩ đó cũng là một đặc quyền của phụ nữ (cười). Tin vào cung, vào những dấu hiệu đến từ thiên nhiên, vũ trụ.”

Công việc đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của chị?

Chị luôn thích làm nhiều nghề và khoả lấp thời gian của mình bằng những công việc khác nhau. Vì chị tin rằng khi làm công việc khác thì đầu mình sẽ chuyển sang trạng thái khác, và nó sẽ giúp mình quên đi cái bí bức ở trạng thái cũ. Thế nên những người phụ nữ làm việc là những người phụ nữ hạnh phúc nếu họ biết cách tận dụng cái sự hạnh phúc đấy. Đó là được “xả”, được lao mình vào những thử thách mới, được chia nhỏ mình ra thành từng lát cắt khác nhau. Vì vậy chị không nghĩ công việc là một thứ gì đó tách rời khỏi cuộc sống của mình, ngược lại, công việc là hơi thở, là một phần con người, và nó góp phần định nghĩa rất rõ mình là ai.

Hãy chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống và sự nghiệp của chị.

Có hai khoảnh khắc mà chị nhớ mãi, một là lần đầu tiên chuyển đến một thành phố mới. Bây giờ những thành phố mới với chị là một sự hưng phấn, nhưng khi còn trẻ, đó là sự cô đơn. Chị còn nhớ lúc ấy chị có viết một bài báo mang tên “Một thành phố mới”, cái cảm giác hoang mang của một người còn quá trẻ vừa mới đặt chân đến một thành phố mới, chưa biết phải làm gì mà lại còn có cảm giác như phải kham luôn cả thế giới. Thế mà bề ngoài vẫn tỏ ra mình là một người mạnh mẽ, biết hết mọi thứ.

Khoảnh khắc thứ hai chính là lúc chị lựa chọn sinh con, nó đồng nghĩa với việc sự nghiệp của mình bị ngưng trong vòng một năm. Hồi ấy chị lại hay dẫn chương trình sân khấu và những show dài hơi, vậy nên có những show dù muốn lắm nhưng vẫn phải nhường lại cho người khác. Lúc đó mình cũng chưa nói ngay được là mình có em bé, mình ốm nghén, uể oải trên sân khấu… mọi thứ cũng vì thế mà chững lại.

Đó là hai khoảnh khắc mà chị có hơi chút bỡ ngỡ, hoang mang. Nhưng sau đó thì đâu cũng vào đấy.

“Chị luôn tin là ở một ngóc ngách nào đấy, vào một khoảnh khắc nào đấy, sẽ luôn có một người mà mình có thể học hỏi được một điều gì đấy.”

Có bao giờ chị thu mình lại trong chính sự nghiệp của mình chưa?

Chị tin rằng kể cả trong một sự nghiệp rạng rỡ nhất cũng có 1-2 năm mọi thứ dường như đóng băng và không có gì diễn ra suôn sẻ cả. Năm 25 tuổi chị đã từng rơi vào tình huống như vậy. Hồi đấy, vì một lý do nhỏ mà người ta ngưng chương trình của chị trong vòng 3 tháng. Đó là lần duy nhất mà chị rơi vào trạng thái trầm cảm, không muốn làm gì, không muốn gặp ai. Lúc nào cũng có cảm giác như là mọi sự cố gắng, nỗ lực của mình sẽ không đi đến đâu. Mọi thứ đều phản bội lại niềm tin của mình. Chị đã tự giam mình trong nhà vài tuần.

Nhưng rồi chị hiểu rằng sẽ luôn có lựa chọn khác đang đợi mình, cuộc sống này không có kế hoạch B thì có kế hoạch C, D. Nó quay về việc học cách thỏa mãn cảm xúc cá nhân, hiểu rằng hạnh phúc chính là nơi mình đang đứng chứ không phải là một cái đỉnh nào đó cao hơn mà mình phải chinh phục. Chị nghĩ phụ nữ cần phải biết hạnh phúc trước rồi mới nghĩ đến việc chinh phục cái này, cái kia, chứ không phải ngược lại.

Chị có người cố vấn (mentor) cho sự nghiệp của mình không? Và lợi ích của những mối quan hệ này là gì?

Có chứ! Nếu không có người dẫn dắt cho từng giai đoạn trong sự nghiệp thì sẽ không bao giờ có chị của ngày hôm nay. Và chị may mắn ở chỗ những người cố vấn cho chị đều là phụ nữ. Họ là những người nhìn thấy khả năng của mình trước khi chính mình nhìn thấy và dạy dỗ mình từng tí một lúc mới vào nghề. Ví như chị Hoàng Mai ở tòa soạn Hoa Học Trò, MC Diễm Quỳnh ở VTV, hay gần đây là tiến sĩ Phương Mai, người đã truyền cảm hứng để chị đi học thêm về Thần kinh học.

Những người làm cố vấn chắc chắn là những người có nhân cách tuyệt vời. Và có thể là do hồi trẻ họ cũng được dẫn dắt bởi đàn anh, đàn chị, nên việc bảo ban người mới cũng là cách để họ đền ơn lại những người đã giúp mình trong quá khứ.

Còn trong ngành truyền thông, việc dẫn dắt người trẻ mang đến một cái lợi, đó là mình không bao giờ bị lỗi thời. Chị hay nêu quan điểm từ góc nhìn của mình, và hỏi xem các bạn phản ứng lại như thế nào. Với chị, người trẻ là hơi thở của thời đại, và họ cho mình những góc nhìn mà ở mình đã lỗi thời, đó là một sự trao đổi, một cái lợi của việc dẫn dắt các thế hệ tiếp theo.

“Mọi người hay hỏi và chị cũng nghĩ mãi về điều này, nhưng thật sự chị chả thấy tự hào về điều gì cả, hoặc là cái sự tự hào nhất nó chưa đến…”

Lời khuyên của chị dành cho những người trẻ đang ấp ủ ước mơ làm việc trong lĩnh vực truyền thông là gì?

Chị chỉ có một lời khuyên rất chung, vì chị luôn nghĩ con người là một cái gì đấy biến thể, luôn thay đổi một cách linh hoạt, thế nên hãy học nhiều, đọc nhiều, gặp nhiều người hay, chịu khó lao mình ra, và đương đầu với một cái gì đó khiến mình sợ hãi… chỉ như thế thôi!

Một thay đổi mà kể từ khi làm mẹ chị mới cảm nhận được. Và bí quyết để chị lấy lại năng lượng trong guồng quay cuộc sống và công việc tất bật?

Đối với những bà mẹ đi làm, có một “bất lợi”, đó chính là mối ràng buộc của mình đối với con cái. Cái mối dây vô hình đó chị e là các ông bố không cảm nhận mạnh mẽ bằng các bà mẹ. Bây giờ mỗi lần họp trùng giờ đi đón con là chị lại nhấp nhổm, cái sự nôn nóng được về nhà với trẻ con là có thật. Có hôm chị đi làm về muộn, bay chuyến từ Hà Nội về Sài Gòn lúc 1 giờ rưỡi sáng, chưa mở cửa vào nhà mà con đã tỉnh dậy. Tức là trẻ con gắn với mẹ đến độ nó biết được là mẹ sắp về với nó. Vậy thử hình dung là cả quá trình mình ở xa thì những hoóc-môn, những cái dây thần kinh của mình nhớ con, và phân tâm mình như thế nào. Có con rồi thì phụ nữ ai cũng có những thứ bản năng như vậy.

“Chị hay trêu đàn ông có một cái hộp ở trong não, gọi là hộp “doing nothing”. Thế nhưng phụ nữ thì không có cái hộp này, bởi vì lúc nào mình cũng đang làm một cái gì đấy.”

Vậy nên sau này chị đặt ra cho mình cái luật, gọi là luật “kéo ra”, phải hiểu mình là một cá thể, và con mình là một cá thể. Các bà mẹ Việt Nam thường có suy nghĩ mình với con là một. Nhưng đứa trẻ từ năm 6 tuổi trở đi đã không còn cần sự can thiệp của bố mẹ nữa rồi, vì lúc đấy nó đang rất bận với việc tìm hiểu bản thân nó. Lúc đó mình chỉ còn đóng vai trò quan sát và hỗ trợ nếu con cần. Vì thế mình hoàn toàn có thể phân bổ một thời gian biểu ngăn nắp, chia vào những múi giờ rõ ràng: giờ cho công việc, giờ cho con, và giờ cho bản thân mình.

Một bí quyết khác của chị là đi du lịch ngắn ngày một mình, chỉ cần đảm bảo trong thời gian đó con được chăm sóc một cách tử tế. Thời gian dành riêng cho bản thân quan trọng vì nó giúp phục hồi rất nhiều năng lượng.

Cách nuôi dạy bé trai và bé gái của chị có khác nhau không?

Trên bề mặt thì là tương đồng, nhưng đối với bé gái, gần đây chị có nhặt được bí kíp từ chiến dịch Biti’s khuyến khích bé gái nói những điều tích cực về bản thân mình. Chị hay hỏi con gái chị là ai xinh, ai giỏi? Và bé sẽ trả lời là: “Em xinh, em giỏi!”.

Chị nghĩ kết cấu xã hội không thể có sự thay đổi ngay được, văn hóa cũng không thể thay đổi ngay được, nhưng thứ mình có thể thay đổi được là bản thân mình. Vì thế chị mong muốn trẻ con và cả phụ nữ tự ý thức được giá trị của bản thân, tự tin hơn, và biết quan tâm đến mình hơn. Biết được thế mạnh và yếu điểm của bản thân để có thể phát triển thành phiên bản tốt nhất của mình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất