Đi qua tổn thương: Vẻ đẹp của những người phụ nữ ở gần ta nhất

Phải làm gì để thấy được vẻ đẹp của “những điều bình thường”?
Bích Hồ
Nguồn: Khooa Nguyễn

Nguồn: Khooa Nguyễn

Người ta thường nói “không có thay đổi nào xảy ra trong ngày một ngày hai”. Nhưng sự thật là mỗi ngày, đều có những điều rất quan trọng xảy ra nhưng chúng ta không thể thấy:

  • Cơ thể loại bỏ khoảng 200 tỷ tế bào hồng cầu để duy trì chức năng vận chuyển oxy.
  • Khoảng 500 triệu tế bào da chết và bong ra để tái tạo lớp bảo vệ cơ thể.
  • Khoảng 50-100 sợi tóc rụng tự nhiên để nhường chỗ cho những sợi tóc mới.

Và cũng có những thứ ở ngay trước mắt, nhưng chúng ta lại không nhận ra. Như vẻ đẹp của những người quen thuộc ta gặp gần như hàng ngày, là bà, là mẹ, là chị, là những người đồng nghiệp. Hay thậm chí là của người mà hôm nay ta hữu duyên được gặp, nhưng không biết bao giờ sẽ tái ngộ.

Phải làm gì để thấy được vẻ đẹp của “những điều bình thường” đó? Cùng lắng nghe câu chuyện của các cô gái đến với chương trình Have Many Sips trong số mới nhất nhé.

Ôm lấy chính mình để tìm thấy tự do - Uyên tóc xoăn

Mẹ mình là người yêu cái đẹp theo cách rất thuần tự nhiên. Với mẹ, những điều không hoàn hảo, như nếp nhăn hay dấu đồi mồi là điều hết sức bình thường.

Nhưng mình lại không sớm học được điều đó từ mẹ.

Trong liên tục gần 10 năm, từ những năm cấp 2, mình đã cố ép thẳng mái tóc mì tôm “chẳng giống ai” này. Mình ghét nó. Duỗi thôi chưa đủ, trước giờ đi học, lúc nào mình cũng ngồi thật lâu dùng máy ép phần chân tóc mới ra cho thẳng. Dù chỉ vài chục phút sau những lọn tóc sẽ lại bung ra đâu vào đấy, nhưng mình vẫn muốn là kẻ lì lợm hơn.

Chỉ đến khoảng 3 năm trước mọi thứ mới dừng lại. Mình đã chạm tới ngưỡng giới hạn, không thể nào chịu nổi vòng lặp cắt, rồi duỗi, rồi ép nữa.

Khoảnh khắc mình cắt được phần ngọn duỗi thẳng, chỉ còn lại phần tóc xoăn tự nhiên, có một cảm giác tự do khó tả lắm. Cuối cùng mình đã cho phép mái tóc của mình được sống cuộc đời tự nhiên của nó. Cuối cùng, mình cũng đã chấp nhận bản thân.

Rồi không chỉ chấp nhận, mình còn bắt đầu chăm sóc để tóc có nếp xoăn đẹp nhất và đăng nó lên mạng xã hội. Và hạnh phúc không ngờ tới là sự thay đổi này không chỉ mang đến tích cực cho mình, mà còn cho người khác, khi nhiều bạn nhắn cho mình rằng: “Nhờ Uyên mà em đã yêu mái tóc này ❤️”

Sau này nếu có đổi kiểu tóc, mình sẽ nhuộm cam giống công chúa Brave!

Tình yêu là chất xúc tác để mình “đẹp” hơn - Thiên Trúc

Thời đi học mình từng bị gọi là bạch tuộc vì mái tóc xoăn. Lớn lên tóc mình bớt xoăn đi, không còn là bạch tuộc nữa, mình lại có biệt danh mới là “mực một nắng” - vì làm công việc hướng dẫn viên du lịch.

Trước đó mình từng làm phục vụ, làm trong ekip quay phim, chạy event, rồi đi hát ở phòng trà. Kiểu tóc của mình cũng thay đổi theo xoành xoạch. Xanh, đỏ, đủ màu. Tới khi tóc mình bạc nhất (phần do nhuộm, phần vì bạc thật), cũng là khoảng thời gian khó khăn với mình nhất. Có quá nhiều bản thể và mình hoài nghi liệu thứ đang chọn có đúng hay không. Năm đó mình 25 tuổi, cũng gần đây thôi.

Mình vẫn nhớ cái ngày mới nhuộm tóc về nhà, bà ngoại sờ đầu mình rồi hỏi, “Làm hết bao nhiêu, trăm rưỡi hả?” Mình chỉ biết cười, không dám nói. Ngoại bảo mình, “Nhuộm làm gì, tới tuổi ngoại là tự khắc bạc nguyên đầu.”

Nhớ lại khi bà khoẻ hơn, bà đã cùng ông đi du lịch nhiều nơi nhất có thể. Bây giờ bà đã gần 80, không còn đi đâu nhưng vẫn thật yêu đời. Bà thích làm nail, mỗi tối sẽ mở phim Bao Công để xem cùng ông ngoại, mỗi sáng lại chờ ông mua đồ ăn sáng về.

Không biết có phải vì cứ nhìn thấy ông bà như vậy, mà trong tiềm thức mình có thôi thúc khi còn trẻ phải làm một công việc di chuyển nhiều hay không. Mình biết tới một lúc mình sẽ không còn đủ sức làm công việc này nữa, nhưng hiện tại mình đã chọn sẽ cố gắng theo đuổi nó lâu nhất có thể.

Giống như mái tóc đang chờ cắt đi phần tẩy, mình cũng đang dần tìm thấy bản thể mà mình yêu nhất. Đó là một “Trúc có thể nhận ra tình yêu luôn ở xung quanh”. Mình yêu mình khi đi lặn, khi nhảy dù, khi trên sàn đấu võ, khi làm việc, khi ở nhà cùng gia đình, quan sát những người yêu thương.

Tự tin là vẻ đẹp tỏa sáng nhất - Linh Vũ

Mẹ mình đã về hưu, nhưng mình thấy mẹ còn bận rộn hơn cả lúc đi làm.

Bà đăng ảnh suốt, khi thì đi tập, khi thì đạp xe (gần đây là từ Hải Phòng ra Đồ Sơn). Hay khi bà đi du lịch với bố, dù đã gần 60 tuổi, mẹ vẫn mặc bikini. Mặc kệ ai nghĩ gì, mẹ mình vẫn tự tin tạo dáng trồng cây chuối ở mọi bãi biển!

Mẹ con mình đôi lúc khắc khẩu với nhau kinh khủng lắm, nhưng thật lòng mình muốn khoe mẹ cho cả thế giới.

Bà luôn có lời giải cho những vấn đề của mình.

Trong 10 năm đi làm mình đã đổi qua 4 ngành và 7 công ty khác nhau, cũng giống như cách mình đổi kiểu tóc vậy, mình từng để không sót một kiểu nào. Người ngoài nhìn vào hay nghĩ sao mình thoải mái thế, cứ thích là đổi. Nhưng thật ra có những lúc mình đổi không hẳn vì mình thích, mà vì ánh mắt nhìn của người khác đó chứ.

Nhưng đến cuối cùng nhìn lại về mẹ, mình hiểu được giá trị cốt lõi mình cần theo đuổi. Mình có nhiều lựa chọn, nhưng thứ mình chọn, mình có tin vào nó không?

Vì sao chỉ được chọn một, trong khi có thể chọn nhiều vai? - Lâm Gia Hân

Mình từng là một người rất xuề xoà, nhưng trớ trêu thay ngành Beauty lại đến với mình.

Gắn bó với ngành một thời gian mình được gặp gỡ với nhiều phụ nữ vừa xinh đẹp vừa giỏi giang, không hề chỉ có 1 trong 2 như nhiều định kiến thường gặp.

Mình cũng nghĩ, sao chỉ được chọn 1, trong khi có thể chọn nhiều thứ?

Hiện tại thì ngoài công việc văn phòng, mình làm TikToker, và mở thêm lớp dạy tiếng Anh cho các bạn đi làm. Đôi khi mình cũng dạy ở các trung tâm từ thiện nữa.

Hồi nhỏ mình không thể nuốt được thuốc viên nên phải nhai ra, rồi dần quen với vị đắng. Không biết điều này có liên quan gì đến việc mình thích đẩy bản thân đến giới hạn không. Dù là gì thì sự cứng đầu này cũng đang giúp mình đạt được nhiều mục tiêu của bản thân.

Chẳng hạn như gần đây, mình đã vượt qua một cuộc thi rất cạnh tranh của công ty để được chọn tham gia một chương trình cho các lãnh đạo trẻ dưới 30 tuổi tại Canada. Với lịch làm việc dày đặc, mình đã dùng đến AI để hỗ trợ việc làm ‘proposal’, và mình đã không ngại nói ra trước công ty là mình đã sử dụng AI.

Mình nghĩ không có gì xấu hổ khi mình trung thực với điều mình muốn cả. Muốn dấn thân thì phải thử thách định kiến thôi.

Làm bạn với màn đêm, đợi trời sáng - Sầm Linh

Mình biết mình thích pha chế từ năm cấp 3, nhưng vẫn học đại học cho xong mới theo đuổi công việc bartender toàn thời gian.

Nhiều người đến với ngành này vì hình ảnh cool ngầu, hay là thích rượu nói chung. Nhưng thứ hấp dẫn với mình nhất lại là cảm giác khi đứng ở sau quầy bar, quan sát và lắng nghe câu chuyện của những vị khách mình được phục vụ nước.

Mình nhớ mãi về một người chị. Ban đầu hai chị em nói chuyện với nhau rất vui, nhưng sau vài ly chị trầm hẳn và bắt đầu tâm sự. Chị bị hiếm muộn và đã dành rất nhiều tiền bạc, công sức để có con nhưng vẫn chưa được.

“Nếu đã thử mọi cách mà vẫn không được nữa, thì chị sẽ chấp nhận”. Câu nói đó ngắn, nhưng có khi chị đã khóc cạn nước mắt để cuối cùng có thể quyết định như vậy.

Điều hạnh phúc nhất với mình tới bây giờ vẫn là khi thấy một vị khách quay trở lại vì một ly cocktail ngon. Hoặc là khi họ tin tưởng, trải lòng ra với mình, rồi cùng nhau làm bạn với màn đêm, đợi “trời sáng”.

Bạn lấp lánh khi chọn đối diện với tổn thương - Phương Pipou

Mình bị trầm cảm, nhưng bây giờ đã thấy khá hơn nhiều rồi.

Lúc còn chưa nhận ra tình trạng của bản thân, mình chỉ thấy như đang vẫy vùng trong một cái hố đen vô tận, cảm giác cô độc kinh khủng. Lúc đó nhìn sang mẹ mình đã tự hỏi: “Vì sao mình lại khác mẹ thế? Vì sao mẹ lúc nào cũng tỏa sáng được như thế? Nếu mình có nói chắc mẹ cũng không thể nào hiểu được”.

Ôm suy nghĩ đó, mình âm thầm sống với trầm cảm suốt những năm du học.

Tới khoảng năm 21, 22 tuổi, mình có về sống với mẹ một năm. Trong khoảng thời gian đó, hai mẹ con nói chuyện với nhau nhiều hơn, và lần đầu tiên mình đã dám thổ lộ với mẹ rằng:

“Con bị trầm cảm, từ lâu rồi.”

Mình đã nghĩ mẹ sẽ trả lời kiểu: Thế thì tập thể dục đi, yêu đời lên.

Nhưng không, mình lặng người khi nghe mẹ nói “Mẹ hiểu”. Bà từng trải qua một cuộc trầm cảm sau sinh rất nặng, hàng đêm cứ thao thức với những suy nghĩ chằng chịt trong đầu. Nếu không có bạn bè xung quanh hỗ trợ, thậm chí phải đút cơm cho ăn để có sức vượt qua, thì có lẽ giờ này mẹ cũng không còn ở đây.

Rồi mẹ kể về khoảng thời gian trước. Khi chứng kiến bà ngoại bị bạo hành, mảnh ký ức đó đã đóng đinh vào tim mẹ thế nào. Khi bố không trân trọng việc mẹ ở nhà toàn tâm cho gia đình, không chấp nhận mẹ là “người ít học”, mẹ đã đăng ký thi đại học khi còn mang bầu mình. Vài năm sau mẹ còn tiếp tục học thêm một tấm bằng khác.

Lúc đó mình nhận ra bao lâu nay mình chỉ nhìn mẹ như một người mẹ, mà quên mất rằng, mẹ cũng là một người phụ nữ.

Từ đó mình cũng thể hiện tình cảm với mẹ nhiều hơn.

Trước đây mình từng rất khó chịu với việc mẹ hay càm ràm, bảo mình phải sửa cái này, chỉnh cái kia. Nhưng bây giờ thì mình hiểu đó là cách mẹ quan tâm và nói yêu với mình.

Gần đây có một hôm mình đang đứng vu vơ thì mẹ nhìn tay mình rồi bảo: “Sao tay con gân thế?”. Giống như mẹ muốn tìm thứ gì đó để chê, để bảo mình phải sửa, nhưng không có. Lúc đấy mình đã quay sang mẹ mà nói: Con cũng yêu mẹ.

Bây giờ mình đang trong giai đoạn “nghỉ ngơi” sau khi hoàn thành bộ phim hoạt hình đầu tay. Phần tóc nhuộm này là mình nhờ bạn làm cho nhân dịp sinh nhật 30 tuổi. Đây cũng là lần đầu tiên mình nhuộm tóc. Tụi mình đã có một buổi chiều rất vui!

Cảm ơn nhãn hàng Dove đã đồng hành cùng Vietcetera trong chuỗi podcast tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam. Hư tổn là một phần trong hành trình của mỗi người, chúng ta trải nghiệm, để hoàn thiện và tạo nên bản thân ngày hôm nay. Mỗi hư tổn đều có một câu chuyện riêng, và vẻ đẹp riêng.

Phụ nữ - đừng sợ tổn thương. Cứ dấn thân, cứ hư tổn, còn phục hồi để Dove lo.

Tìm hiểu thêm về Dove Việt Nam - dự án The Beauty of Damage, thông qua FacebookTikTok ngay hôm nay!


Read full article

Most viewed