Huỳnh Lập: “Sợ mình viết ra một châm ngôn cuộc sống”

Thành công và được yêu mến, phía sau năng lượng sôi nổi, ê hề trên màn ảnh của Huỳnh Lập liệu trong tâm tư anh có gì nặng lòng?
Phương Thảo
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Huỳnh Lập - Một nghệ sĩ nổi tiếng với nhiều vai trò ở cả phía trước và đằng sau ống kính nhưng anh tự nhận muốn được biết đến với danh xưng diễn viên nhất, bởi đó là ước mơ từ rất lâu, dù đi đường vòng cũng phải chạm tới đích.

Trò chuyện với Huỳnh Lập, cùng nhìn lại cả một chặng đường dài làm nghề, từ thời sinh viên hăng máu, làm “hài nội bộ”, nhịn ăn nhịn đói nhịn khát để ra sản phẩm, cho đến ngày hôm nay khi đã có không ít những thành tựu anh vẫn là một Huỳnh Lập như thế “sợ” đồ hiệu nhưng đầu tư cả 10 tỷ cho phim.

Ở anh luôn là sự hết mình vì khán giả, sự tâm huyết cháy bỏng dành cho nghệ thuật. Và phía sau cái năng lượng sôi nổi, ê hề trên màn ảnh để mang đến những gì tươi nhất, vui vẻ nhất cho người xem là những suy tư, trăn trở khôn nguôi của một người nghệ sĩ nặng lòng với nghề.

Con đường đến với nghề: Chuyện Huỳnh Lập kể

Huỳnh Lập từng trải qua một biến cố gặp tai nạn nghiêm trọng gãy mất bốn răng cửa và để lại rất nhiều sẹo. Đến giờ nó thành một miếng hài để anh tung hứng: “Em hài hước sau khi bị xe đụng. Em chưa bao giờ tự ti về cái việc em nhỏ con, em làm răng sứ, em sửa mũi. Đó không phải những khuyết điểm, đó là những bài học để mình quý trọng cơ thể mình hơn.”

Nhưng trước khi có được một tâm thế như hiện tại Huỳnh Lập đã trải qua một giai đoạn dậy thì cực kỳ nhạy cảm. Có những hôm đi học rồi phải quành về lấy răng gắn vô, lúc nào cũng sợ đang nói chuyện là cái răng của mình nó rớt xuống. Ngày đó anh thường ngồi một mình, chẳng nói chuyện với mấy ai, trong đầu lúc nào cũng suy nghĩ quá nhiều thứ.

Anh không nghĩ là mình đủ hài, kiểu đứa bạn hài nội bộ trong nhóm vậy thôi chứ diễn công chúng vô duyên lắm. Nhưng rồi bạn bè ủng hộ, kêu anh làm lớp phó phong trào, được thầy cô giao cho phụ trách văn nghệ, anh bắt đầu được mọi người khen làm hay quá, dễ thương quá.

Đó là lúc Huỳnh Lập nhận ra: “Ồ mình cũng có năng khiếu đó chứ”. Dần dà nó nuôi dưỡng sự tự tin của nam diễn viên, giúp anh mạnh dạn hơn khi đứng trước đám đông.

Đến thời sinh viên, quen biết và thành lập nhóm với Dam TV có những clip parody viral hàng triệu view, Huỳnh Lập nhìn nhận chưa thể đánh giá đó là tác phẩm nghệ thuật. Nhưng khoảng thời gian này, tiếp thêm cho anh niềm tin rằng mình phù hợp với con đường này.

Cho tới khi giành quán quân Cười Xuyên Việt, Huỳnh Lập mới thấy mình chọn đúng đường. Bởi vì anh đã chinh phục được những thứ cao cấp hơn, những tiểu phẩm văn minh hơn và thấy bản thân chuyên nghiệp hơn.

Kẻ độc hành chọn đi nhiều mình

Tự thấy mình là người hay lo xa, Huỳnh Lập cố gắng mỗi thứ đều biết chút chút để nếu mai này lỡ có thất nghiệp còn có nghề khác nhảy qua. Nhờ vậy nam diễn viên có khả năng làm chủ được sân chơi trong tất cả các khâu, để đảm bảo cho ra đời những sản phẩm mang đậm màu sắc, dấu ấn cá nhân của cái tên Huỳnh Lập.

Tự tin dẫn dắt cả một ekip phía sau đi theo ý tưởng của mình như vậy không phải đến từ một cái tôi mù quáng cao ngất mà là sự am hiểu thấu đáo của Huỳnh Lập. Anh biết rõ mình đang làm gì, biết công thức quăng miếng làm sao cho hiệu quả, và biết khán giả của mình muốn gì?

Học nhiều vai trò cũng giúp Huỳnh Lập hiểu rõ và trân trọng công sức của mọi người hơn. Nam diễn viên luôn nhớ kỹ: “Bản thân em không tự làm cho em được như ngày hôm nay. Em luôn trân quý những ai đồng hành với em ở phía sau bởi vì khán giả không thấy được họ. Mình may mắn là được khán giả biết mặt thôi, khán giả đâu có biết các anh cực khổ như thế nào.

Không chỉ vậy, nam diễn viên còn lo cho cả lứa đàn em sau mình. Nhìn con đường mình đi, từ YouTuber lấn sân sang làm nghệ thuật chuyên nghiệp, không đầy đủ theo hướng chính quy nên đã phải nhận nhiều đánh giá tiêu cực.

Giờ thấy lứa diễn viên mới đi ra từ TikTok bị đánh giá không xứng đáng với nghề, anh cũng khuyên nhủ tâm tình: “Hồi xưa anh cũng như các em vậy. Nên giờ mấy đứa cứ cố gắng làm những sản phẩm hiệu quả, trong tương lai khán giả sẽ dần dần công nhận. Chứ giờ người ta chê mà mình chùn bước là không được.”

Nuôi dưỡng lửa nghề với sân khấu

Mỗi một môi trường, một nền tảng đều là một cơ hội đáng quý được phục vụ khán giả mà Huỳnh Lập trân trọng. Nhưng giữa vài triệu lượt xem trên mạng với vài trăm khán giả trong khán phòng xem kịch, anh chọn sân khấu là nơi mình sẽ dùng đến 200% công lực.

Bởi sân khấu là nơi nuôi dưỡng lửa nghề, được trực tiếp nghe khán giả cười với những mảng miếng hài hước, nghe những tiếng sụt sùi khi tới phân đoạn bi kịch. Một nơi giao thoa cảm xúc của diễn viên, nhân vật, khán giả ở cùng một không gian mà nếu không đi xem kịch sẽ không thể hiểu được.

Nếu xem phim chỉ là tái hiện lại trên màn ảnh, ở sân khấu mọi thứ đang diễn ra trực tiếp, hơi thở diễn viên là thật, nó không thể dừng lại được ngay cả khi sân khấu mất điện diễn viên vẫn phải tiếp tục sống với vai diễn của mình.

Linh hồn của một bộ phim là đạo diễn, diễn viên diễn chưa hay có thể về cắt ghép lại, chèn thêm nhạc, dùng hiệu ứng để vá lại. Nhưng với một vở kịch đó là diễn viên. Hay, dở, khóc cười là diễn viên thể hiện hết.

Với Huỳnh Lập sân khấu thú vị ở điểm đó mỗi đêm diễn là một cơ hội mới để thử sức trong kỹ năng diễn xuất, mỗi đêm diễn là một cuộc hành trình mới với 3 tiếng đồng hồ để chinh phục khán giả.

Tích đức, có tâm

Huỳnh Lập nói anh giống mẹ, sống tình cảm nên làm gì cũng cố gắng chu toàn vì sợ người ta hiểu lầm mình, sợ một mối quan hệ sẽ đổ vỡ. Hẳn là vì luôn lo lắng cho những mối quan hệ xung quanh như vậy nên dù không phải sống một cuộc sống quá khó khăn nhưng không vì thế mà anh quên đi cuộc sống này vô thường, vẫn còn nhiều người khó khăn lắm.

Anh học đau thương từ những người khác, nghe bạn bè tâm sự, đọc trên mạng xã hội và dùng những chất liệu đó biến đổi thành tác phẩm. Cho nên, dù là bi hài hay kinh dị thông điệp Huỳnh Lập mang lại luôn là sự yêu thương, thấu hiểu, là tình người, vì mình là con người. Thế giới tồn tại đến tận bây giờ là nhờ tình người và nó sẽ luôn là những giá trị được truyền đời còn mãi.

Đọc những bình luận tranh cãi của khán giả: "Mày không có học nên mày không có cười" làm anh nặng lòng. Anh không bao giờ muốn phân tầng khán giả học thức mà tất cả đều xoay quanh những gì rất đời, rất người, ai cũng có thể cảm nhận được.

Huỳnh Lập rất sợ mình viết ra một cái châm ngôn cuộc sống xa vời nào đó. Với anh, trách nhiệm của người nghệ sĩ phải lắng nghe hơi thở của thời đại.

Quan tâm tới xã hội không phải để tham sân si gì mà mình phải biết xã hội đang phát triển như thế nào để mình linh hoạt, mình biến hóa bản thân để có đủ khả năng phục vụ cho những khán giả ngày càng đa dạng hơn.

Kết

Mượn câu trả lời của Huỳnh Lập thay cho đoạn kết. Như anh nói nếu một ngày mình sống quá tẻ nhạt nó sẽ là một ngày không có ý nghĩa, mình không mang đến giá trị gì. Nhưng việc tạo giá trị không cần phải to tát mà đó là những cái rất đời thường.

Những gì Huỳnh Lập chia sẻ ngày hôm nay có thể không làm thế giới này tốt đẹp hơn. Nhưng chỉ cần một bạn nào đó vô tình lướt qua bài viết này, nhìn thấy mình trong câu chuyện anh đã sẻ chia và cảm thấy được an ủi thì đó là một giá trị nhỏ anh đã mang được đến cho mọi người.


Read full article

Most viewed