Meta: Doanh nghiệp Việt Nam đang trên đà phục hồi sau đại dịch

Trong năm thứ ba của đại dịch, bất chấp những trở ngại do biến thể Omicron gây nên, nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi.
Vietcetera
Các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam có nhiều dấu hiệu phát triển. | Nguồn: Shutterstock

Các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam có nhiều dấu hiệu phát triển. | Nguồn: Shutterstock

Theo Báo cáo về tình hình doanh nghiệp nhỏ (State of Small Business) năm 2022 của Meta, khảo sát gần 24.000 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, được thực hiện vào tháng 1 năm 2022, 20% doanh nghiệp trên toàn cầu đã đóng cửa, cao hơn 3% so với tháng 7 năm 2021. Mức tăng này là nhỏ so với những biến động được ghi nhận trước đó, kể từ khi Meta bắt đầu khảo sát các DNVVN toàn cầu vào năm 2020. Con số này cũng đã phản ánh tác động của làn sóng Omicron trong khu vực.

Tình hình doanh nghiệp nhỏ Việt Nam: Đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc

Làn sóng Omicron đã gây ra không ít khó khăn cho các DNVVN tại Việt Nam, khi 75% DNVVN sử dụng Facebook cho biết họ đang duy trì vận hành hoặc có các hoạt động tạo ra doanh thu, giảm 5% so với tháng 9 năm 2021. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc, khi 23% DNVVN tại Việt Nam hoạt động trên Facebook ghi nhận sự tăng trưởng trong doanh số bán hàng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 6%, và 67% ghi nhận doanh thu sụt giảm, giảm 9% so với giai đoạn tháng 9.

Những quan ngại về dòng tiền cũng như nhu cầu thị trường cũng đã phần nào cải thiện so với 6 tháng trước. Hiện có 32% số DNVVN đang hoạt động trên Facebook cho biết họ có thể phải đối mặt với những thách thức liên quan đến dòng tiền, và 42% quan ngại về sự sụt giảm nhu cầu hoặc thiếu hụt khách hàng trong vài tháng tới, cả hai đều giảm khoảng 1/3 so với các số liệu ghi nhận hồi tháng 9.

Nhờ sự cải thiện trong kinh doanh, số lượng DNVVN phải cắt giảm nhân sự đã giảm 9% so với tháng 9/2021, xuống còn 44%. Bên cạnh đó, có tới 55% doanh nghiệp tự tin vào khả năng duy trì hoạt động trong ít nhất 12 tháng tới, nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn, tăng gần gấp đôi so với khảo sát hồi tháng 9 năm 2021.

Trong khi những biện pháp giãn cách xã hội vẫn được tiếp tục do ảnh hưởng của dịch bệnh, thì việc chuyển đổi sang mô hình trực tuyến đã trở thành xu thế tất yếu đối với doanh nghiệp toàn cầu cũng như các doanh nghiệp Việt. Có tới 59% DNVVN cho biết doanh số từ bán hàng online trong thời gian qua chiếm ít nhất 25% tổng doanh thu, tăng 13% so với báo cáo hồi tháng 9 năm ngoái.

Bên cạnh nỗ lực vượt qua khó khăn của các DNVVN Việt, sự cải thiện đáng kể trong tình hình kinh doanh và phục hồi kinh tế tại Việt Nam có được là nhờ sự chung tay của các cơ quan hữu quan. 9% DNVVN hoạt động trên Facebook cho biết họ đã nhận được hỗ trợ tài chính dưới hình thức trợ cấp tiền mặt hoặc các khoản vay từ một nguồn chính phủ kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc đồng hành, khích lệ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch và phục hồi mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Vận hành hỗn hợp là xu thế làm việc trong tương lai

Các công cụ kỹ thuật số trở nên quan trọng hơn đối với nhiều DNVVN, giúp họ thích ứng và vượt qua những thách thức hiện tại. Nhiều doanh nghiệp đang gặt hái được thành công trên nền tảng trực tuyến. Tại Châu Á Thái Bình Dương, gần một nửa số DNVVN đang vận hành trên Facebook cho biết ít nhất 25% doanh thu tháng vừa qua đến từ nền tảng kỹ thuật số.

Cuộc khảo sát cho thấy các DNVVN đang ngày càng hướng tới việc quay trở lại không gian vật lý song song với việc duy trì vận hành trên không gian số. Phần lớn các DNVVN (khoảng 69%), dự định vận hành song song trên cả hai nền tảng kỹ thuật số và vật lý. Tương tự, 40% DNVVN kỳ vọng việc vận hành hỗn hợp là cần thiết trong tương lai.

“Tôi rất vui mừng khi thấy các doanh nghiệp trong khu vực đang trên đà phục hồi ổn định bất chấp những thách thức. Khi các DNVVN chuyển đổi sang hình thức kinh doanh hỗn hợp, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho họ các công cụ và thiết bị hỗ trợ cần thiết để giúp họ thành công”, ông Khôi Lê, Giám đốc Quốc gia của Meta tại thị trường Việt Nam cho biết.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất