Nghệ sĩ Việt kiếm được bao nhiêu tiền từ âm nhạc?

Để sản xuất một sản phẩm âm nhạc, nghệ sĩ phải đầu tư số tiền “khủng” để làm album, quay MV, quảng bá… Đó là lý do ngành công nghiệp nhạc Việt về cơ bản là… lỗ.
Hiền Lê
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Lắng nghe và theo dõi các tập podcast “BizFF” tại: Podcast Vietcetera | Spotify | Apple Podcast | YouTube

Đối với thế hệ 8x và 9x thời nhỏ, việc nghe nhạc gắn liền với những chiếc CD lậu, những kênh truyền hình âm nhạc và những mẩu lời bài hát chép nắn nót trong sổ. Thuở ấy CD có bao nhiêu bài thì ta nghe ngần đó, TV phát bài gì thì ta nghe bài ấy.

Lớn hơn một chút, ta có chiếc iPod và các trang web tải nhạc để tự tạo playlist cho riêng mình. Và giờ đây mọi thứ “gói gọn” lại trong Spotify, YouTube Music hay TikTok, nơi bạn có thể để thuật toán gợi ý nhạc cho playlist của mình.

Sự phát triển công nghệ cũng dẫn tới nhiều thay đổi lớn ở ngành công nghiệp âm nhạc Việt trong thời gian tương đối ngắn. Ngoài sáng tác, sản xuất hay quảng bá, còn những điều gì thú vị mà những người trong ngành chưa từng tiết lộ?

Tất cả sẽ được giải đáp trong tập 4 của BizFF - Hội bạn thân thương trường với chủ đề Ngành công nghiệp âm nhạc. Đồng hành cùng host Minh Beta trong tập lần này là 2 gương mặt tưởng lạ mà quen: VJ Thùy Minh và đạo diễn Đào Đức Thành.

Từng là phóng viên mảng Âm nhạc cho báo Hoa Học Trò, chị Thùy Minh đã chứng kiến quá trình chuyển giao với vô số thay đổi của làng nhạc Việt. Còn anh Đào Đức Thành chính là cái tên đứng sau hàng loạt MV của các nghệ sĩ nổi tiếng như Sơn Tùng, Châu Bùi & Khánh Linh. Họ sẽ có những góc nhìn và chia sẻ khác nhau thế nào?

Nghệ sĩ nhạc Việt kiếm tiền bằng cách nào?

VJ Thùy Minh nhận định, ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam về cơ bản là… lỗ. Vì trong hơn 5500 nghệ sĩ hoạt động tại Việt Nam hiện nay, hiếm ai có thu nhập thuần túy từ việc ra nhạc và đi tour. Với mỗi sản phẩm âm nhạc, họ đều phải phân chia lợi nhuận với hãng đĩa, nền tảng phát hành và các bên liên quan.

Đó là còn chưa kể chi phí bỏ ra cho một sản phẩm âm nhạc có khi lên tới hàng tỷ, không ít nghệ sĩ phải vay tiền để thực hiện. Vì ngoài sản xuất album, họ phải đầu tư quay MV và các chi phí truyền thông, quảng bá. Bên cạnh đó, các thuật toán gợi ý của Spotify hay TikTok cũng mang tính “nước chảy chỗ trũng”, khiến những nghệ sĩ nhỏ khó tìm được chỗ đứng trong làng nhạc.

Vì vậy đa phần nghệ sĩ nhạc Việt có thêm các nguồn thu từ việc đi hát ở các phòng trà hoặc event, dù đây là yếu tố họ không thể chủ động.

Cũng theo anh Đào Đức Thành, các chương trình tạp kỹ, show thực tế, show sống còn… có thể mang lại nguồn thu khá lớn. Tuy nhiên khi tham gia các show này, nghệ sĩ phải biết thêm nhiều kỹ năng về diễn xuất, tấu hài… để thu hút lượng fan hùng hậu cho mình và “kéo” rating cho nhà đài.

Nghệ sĩ gen Z có phải là “thế lực mới” trong làng nhạc Việt?

Tại lễ trao giải Làn Sóng Xanh 2023, nam ca sĩ Wren Evans đã chiến thắng tới 2 hạng mục Album của năm và Ca sĩ đột phá. VJ Thùy Minh nhận định, việc một ca sĩ gen Z được vinh danh tại một giải thưởng âm nhạc khá lâu đời như vậy phần nào cho thấy sức ảnh hưởng của lớp nghệ sĩ trẻ hiện nay.

Cũng theo đạo diễn Đào Đức Thành, dù hiện nay nghệ sĩ gen Z “phủ sóng” phần lớn thị trường nhạc Việt, các ca sĩ thế hệ trước cũng không hề thiếu cơ hội. Điển hình phải kể đến chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, nơi diva Mỹ Linh, Trang Pháp “bùng nổ” và thu về một lượng lớn fan hâm mộ gen Z.

Điều này cho thấy, đã là nghệ sĩ có thực tài thì luôn có thể tỏa sáng, chỉ cần họ tìm thấy cơ hội phù hợp. Và nếu họ có thể hợp tác với các ca sĩ/producer gen Z hiện nay, sẽ là một tình huống hoàn hảo cho cả hai bên phát triển: lớp trẻ có cơ hội học hỏi, còn nghệ sĩ lớn tuổi có dịp “refresh” và khám phá những cách làm nhạc mới.

Còn theo host Minh Beta, các nghệ sĩ trẻ đã thành công kết hợp chất liệu dân gian với âm nhạc đương đại, giúp người trẻ Việt gần gũi hơn với văn hóa đất nước mình. Hoàng Thùy Linh được coi là người đã khởi xướng trào lưu này, tiếp đến là DTAP, Phương Mỹ Chi, Hòa Minzy với nhiều sắc màu mới. Đồng tình với quan điểm này, VJ Thùy Minh mong rằng đây sẽ không chỉ là trào lưu nhất thời, mà sẽ trở thành hướng đi bền vững, nên có của nhạc Việt.

Các xu hướng tiếp theo của ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam?

Host Minh Beta nhận định, việc ra các single và EP (đĩa mở rộng) chưa từng xuất hiện trong thị trường nhạc Việt trước đây, nhưng sẽ ngày một phổ biến trong tương lai. Bởi trong bối cảnh thời đại nhạc số và chi phí sản xuất âm nhạc lớn, việc ra 1-2 bài hát nhỏ sẽ giúp nghệ sĩ (đặc biệt những nghệ sĩ mới) “test” thị trường trước mà không phải đầu tư quá nhiều.

VJ Thùy Minh thì cho rằng, AI sẽ trở nên phổ biến hơn trong sản xuất âm nhạc, đặc biệt khi Spotify và các ứng dụng nghe nhạc đã thay đổi thói quen tiêu thụ nhạc của chúng ta. Thậm chí trong tương lai, một mô hình kinh doanh âm nhạc mới kết hợp giữa nghệ sĩ, bài hát và AI giúp âm nhạc trở thành một dịch vụ kiếm tiền là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, nhờ khả năng thúc đẩy kinh tế và du lịch, các lễ hội âm nhạc nhiều khả năng sẽ được đầu tư mạnh tay hơn. VJ Thùy Minh cũng cho rằng, tương lai sẽ có thêm nhiều công ty chuyên quản lý những người “behind the scenes” như producer, nhạc sĩ, người viết lời, làm concept… Bởi ngoài ca sĩ thì đây chính là những nhân vật quan trọng làm nên sự thành công của một sản phẩm âm nhạc.

Đón xem tập thứ 4 của BizFF - Hội bạn thân thương trường trên kênh YouTube Vietnam Innovators by Vietcetera!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất