Nguyễn Đức Khánh: Hành trình trở thành "người sắt" cần kỷ luật, thậm chí đánh đổi

Luyện tập bản năng sẽ giúp chúng ta tiến bộ hơn so với mình của thời gian trước. Nhưng muốn bứt phá thật sự, hãy học cách tiết kiệm thời gian và tối ưu năng lực của mình.
Thư Vũ
Vận động viên Nguyễn Đức Khánh

Vận động viên Nguyễn Đức Khánh

Nguyễn Đức Khánh là một cái tên quen thuộc trong cộng đồng vận động viên thể thao ba môn phối hợp ở Việt Nam, hiện đang làm Product Manager tại công ty VNG. Ở độ tuổi 37, anh có cho mình trải nghiệm ở 9 lần tham dự Ironman và Triathlon, với thành tích tốt nhất ở cự ly 70.3 là 5 giờ 55 phút.

Anh cho biết, để đạt được thành tích này và không ngừng thử thách bản thân, một vận động viên cần duy trì sự kỷ luật và niềm đam mê thật sự với thể thao ba môn phối hợp.

Cuộc trò chuyện của Vietcetera với anh Khánh mở ra những góc nhìn mới về ba môn phối hợp và cách mỗi vận động viên đang luyện tập, để chinh phục những giới hạn của mình trong mỗi giải đấu.

Cơ duyên nào đưa anh trở thành vận động viên ba môn phối hợp và tham gia Ironman?

Khánh đã bắt đầu hành trình ba môn phối hợp từ khoảng năm 2015, với bộ môn chạy bộ. Khi đó, chạy bộ đã khá phổ biến ở Việt Nam, nhưng ba môn phối hợp lại là một khái niệm còn mới mẻ, với khoảng chỉ hơn chục người tham gia vào lúc đó.

Một cách tình cờ, trong nhóm chạy bộ của Khánh có một anh tham gia ba môn phối hợp và thường xuyên chia sẻ trên mạng xã hội. Với sự hứng thú của một người trẻ, Khánh đã tìm hiểu và kết nối sâu hơn với người bạn đó, bắt đầu lên kế hoạch và thử sức với hai môn còn lại.

Sau đó, Khánh đi tìm mua thêm một chiếc xe đạp, đăng ký học bơi với tâm niệm về sự tò mò, thích khám phá mà không nghĩ rằng sẽ gắn bó lâu dài.

Thời gian đó, Ironman là một thương hiệu làm truyền thông rất tốt trong lĩnh vực thể thao ba môn phối hợp. Ngay từ cái tên đã gợi cảm giác hấp dẫn, khuyến khích khát khao chinh phục bản thân và thử thức của những vận động viên sức bền. Vì thế, vào năm thứ hai Ironman được tổ chức ở Việt Nam (2016), Khánh đã đăng ký tham gia và bắt đầu hành trình đều đặn của mình.

Anh thấy điều gì khắc nghiệt và khó khăn nhất khi tham gia ba môn phối hợp?

Theo Khánh, khi những hoạt động thường ngày được coi như sở thích, thì bản thân sẽ không cảm thấy có quá nhiều sự khắc nghiệt hiện diện trong đó.

Khó khăn đầu tiên, với Khánh đó là phải sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý cho việc tập luyện, thi đấu và giao lưu hội nhóm. Mỗi người chỉ có 24 giờ như nhau, vì vậy cách duy nhất để linh hoạt giữa các vai trò của một vận động viên, nhân viên văn phòng và thành viên gia đình, là phải tìm cách cân bằng, quản lý thời gian tốt nhất có thể.

Việc tập luyện đối với mỗi vận động viên của ba môn phối hợp luôn chiếm tương đối nhiều thời gian, nhất là khi bạn xác định tập luyện lâu dài và bài bản. Theo Khánh, trung bình, mỗi người sẽ tập khoảng 8-10 tiếng/ tuần nếu muốn hoàn thành tốt cự ly Ironman 70.3. Còn đối với những cự ly dài hơn thì càng đòi hỏi thời gian tập luyện nhiều hơn thế.

Bên cạnh đó, để duy trì sự kết nối, thông tin và kiến thức, việc kết nối với các thành viên trong hội nhóm tập luyện là một phần không thể thiếu. Vì thế, làm sao để duy trì được cuộc sống cá nhân, sở thích và hoạt động ngày thường luôn là khó khăn thường trực phải đối diện của mỗi vận động viên.

Khó khăn thứ hai, là việc bạn có thể gặp chấn thương trong quá trình tham gia hay tập luyện. Tuy nhiên, đó luôn là rủi ro có thể đi kèm khi bạn tham gia bất kì giải đấu thể thao nào. Hiểu được điều này thì sẽ có sự chuẩn bị và tâm thế đối mặt với vấn đề một cách nhẹ nhàng và đơn giản hơn.

Liệt kê như vậy nhưng không có nghĩa chúng ta sẽ giải quyết được những khó khăn đó một cách triệt để. Theo Khánh, khi nào một vận động viên còn tập luyện thì sẽ luôn phải đối mặt và tìm cách xử lý.

Kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này cho Khánh một cái nhìn bao quát, để sắp xếp cho sự ưu tiên của mình. Đằng sau công việc, gia đình hay bạn bè, Khánh thường dành thời gian cho việc tập luyện. Nhờ ý thức rõ ràng về sở thích cũng như thứ tự ưu tiên, việc tìm ra giao điểm trong cuộc sống của mình cũng trở lên dễ ràng hơn.

Đó là cách Khánh tìm thấy nhiều hơn những người bạn cùng sở thích, làm việc trong một môi trường gắn bó với thể thao như công ty VNG. VNG tạo điều kiện rất nhiều cho nhân viên trong việc tập luyện như cơ sở vật chất (hồ bơi, phòng gym, thiết bị...), thời gian và cả kinh phí thi đấu. Làm việc tại VNG có thể giúp Khánh bù đắp những thiếu thốn về mặt thời gian tập luyện và cân bằng giữa sở thích cá nhân và công việc.

Đâu là tố chất cần có của một vận động viên ba môn phối hợp?

Đối với Khánh, một đức tính quan trọng không thể thiếu trong các môn thể sức bền nói chung như chạy đường núi, hay marathon bình thường nói riêng là kỷ luật và kiên trì.

Nếu kiên trì trong một tuần hay một tháng, nhiều người có thể làm được. Nhưng khi con số được tính bằng năm thì câu chuyện sẽ khác. Khi đó, một vận động viên cần có sự cam kết, kỷ luật với những mục tiêu, kế hoạch mình đặt ra và theo đuổi.

Huyền thoại chạy đường dài Eliud Kipchoge - người đang giữ kỷ lục thế giới về marathon từng nói: "Bạn chỉ có thể tìm thấy sự tự do trong sự kỷ luật. Còn nếu bạn không kỷ luật thì bạn là nô lệ cho cảm xúc của mình."

Đối với những người tập luyện thể thao nói chung và ba môn phối hợp nói riêng như Khánh, đây là kim chỉ nam, đồng thời cũng là cảm hứng thấm thía cho những lần đổ mồ hôi trên đường tập.

Một câu chuyện đáng nhớ nhất trong những mùa Ironman anh từng tham gia là gì?

Khánh cho rằng đó là khi tự mình phá kỷ lục của chính bản thân vào mùa Ironman 2019 (cũng là mùa Ironman gần nhất), sau 4 năm tham gia. Cột mốc năm đó với Khánh là 5 tiếng 55 phút - không quá khó khăn với những người khoẻ, nhưng ở thể lực của Khánh, đó luôn là thành tựu đáng tự hào.

Để đạt được thành công này, theo Khánh, một người vận động viên cần theo đuổi nghiêm túc quá trình tập luyện khoa học và bài bản. Mà điều này cần có một huấn luyện viên để bổ trợ và theo sát.

Luyện tập một cách bản năng sẽ cho bạn những tiến bộ hơn so với mình của thời gian trước. Nhưng muốn bứt phá thật sự, hãy học cách tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa năng lực của mình.

Mỗi một ngành nghề hay lĩnh vực luôn đòi hỏi phương pháp nghiên cứu, thực hành khoa học, ba môn phối hợp cũng không ngoại lệ. Việc cam kết và có người hướng dẫn sẽ giúp bạn nhận được lời góp ý, chỉnh sửa, đốc thúc tốt hơn, khiến bản thân thấy trách nhiệm và tự giác hơn.

Đối với Khánh, những thứ giá trị thường sẽ không miễn phí. Chính vì thế, hãy đầu tư cho việc tập luyện một cách nghiêm túc, ở những giai đoạn cần thiết để nhận lại những giá trị xứng đáng và thành tựu đáng ghi nhận.

Việc tham gia Ironman đã thay đổi cuộc sống của anh ra sao?

Đối với Khánh, đó luôn là một bước ngoặt lớn, khi sở thích đã làm thay đổi con đường sự nghiệp của bản thân mình. Thay đổi lớn nhất của Khánh là ở công việc và sự nghiệp.

Bắt đầu với nền tảng về tài chính trong ngành ngân hàng, đến năm 2016, sau mùa Ironman đầu tiên tham gia, Khánh nhận ra việc phải ngồi văn phòng quá nhiều không còn phù hợp với bản thân lúc đó. Niềm đam mê về một công việc với sự năng động và liên quan đến thể thao đưa Khánh đến với công ty VNG.

Vị trí ban đầu cho sự thay đổi là về phong trào, văn hóa doanh nghiệp liên quan đến thể thao. Tiếp đó là sự dịch chuyển dần sang mảng công nghệ, thiết kế cho ứng dụng, sản phẩm phục vụ thể thao.

Thay đổi nhỏ hơn là về những mối quan hệ cá nhân, sở thích hàng ngày cũng như kết nối với mọi người. Khánh tìm thấy những niềm vui nhỏ bé ở việc thấy mình đang tiến bộ, như cách một ngày thấy mình bơi nhanh hơn, đạp xe cùng một quãng đường với thời gian ngắn hơn.

Kỳ vọng của anh cho tương lai của cuộc thi Ironman ở Việt Nam?

Trong một nền kinh tế đang phát triển, Khánh cho rằng, mình hoàn toàn có thể kỳ vọng một sự chú ý xứng đáng dành cho các hoạt động thể thao, mà đầu tiên là chạy bộ. Khác với việc có khá nhiều rào cản như thời gian, tài chính hay trang thiết bị tập luyện với người mới tham gia ba môn phối hợp, thì với chạy bộ, bạn chỉ cần đầu tư một đôi giày và bắt đầu hành trình của mình.

Những viên gạch nhỏ sẽ lót đường cho bạn đi một hành trình dài bền bỉ mà không bị đuối sức, giống như cách chạy bộ cho bạn khả năng thấu hiểu cơ thể mình, rèn luyện sức bền và làm quen với tính kỷ luật trước khi bước vào những thử thách lớn hơn.

Ngoài ra, Khánh mong muốn sẽ có nhiều sự kiện như Ironman được tổ chức ở Việt Nam vào thời gian tới, để mở ra những cơ hội gặp gỡ, giao lưu và tham gia cho các vận động viên. Nếu nhìn tổng quan trên bản đồ thế giới, vị thế của cuộc thi Ironman Việt Nam còn nhỏ, nhưng bù lại, tốc độ phát triển lại rất nhanh về quy mô tổ chức, cũng như số lượng người tham gia mỗi năm.

Để có thể tiếp tục làm tốt cũng như phát triển hơn nữa điều này, chúng ta vẫn cần nhiều hơn những tiếng nói, truyền thông về sự kiện cộng đồng. Khi một doanh nghiệp tìm được giao điểm về văn hoá, thể thao với một cộng đồng, đó là lúc ta có quyền hy vọng về một tương lai tốt đẹp, cũng như chặng đường mới của bất cứ dự án nào.

VNG IRONMAN 70.3 Việt Nam mùa thứ 6 diễn ra từ ngày 5 đến ngày 8/5/2022 tại TP Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 2.500 vận động viên trong và ngoài nước. VNG là nhà tài trợ chiến lược của sự kiện, đồng thời có đến hơn 90 “người sắt” VNG tham gia thi đấu.

Ủng hộ nhân viên tham gia những môn thể thao sức bền, cân bằng sức khỏe thể chất và tinh thần, sẵn sàng “Đón nhận thách thức” là nét văn hóa đáng chú ý ở VNG.


Read full article

Most viewed