Olympic năm nay “bất ổn”? Chưa là gì so với 120 năm trước đâu

Chạy đua bằng xe hơi; uống thuốc chuột; bị chó đuổi; nhập viện vì suýt qua đời;... Đó là những cụm từ ta không bao giờ muốn nghe thấy tại một cuộc đua marathon.
Tuấn Anh
Nguồn: Public Domain

Nguồn: Public Domain

Từ những lo ngại về độ sạch của nước sông Seine tới màn khai mạc gây tranh cãi, việc chủ nhà đọc sai tên hoặc phát nhầm quốc ca của các nước tham dự, hay những lùm xùm thiếu cơ sở về giới tính của vận động viên, “bất ổn” có lẽ là từ chính xác nhất để miêu tả kỳ Olympic Mùa hè tại Paris năm nay.

Thế nhưng đừng nghĩ rằng đây là kỳ Thế vận hội bất ổn nhất, ít nhất là khi so sánh nó với người tiền nhiệm 120 năm trước. Olympic St. Louis năm 1904 - kỳ Olympic đầu tiên được tổ chức tại Mỹ, sẽ luôn được nhớ tới là kỳ Thế vận hội tồi tệ và lạ lùng nhất từng diễn ra.

Và marathon, một trong những nội dung thi đấu nổi tiếng nhất của Olympic, được tổ chức như một nét tri ân cho nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại và đại diện cho sự bền bỉ và kiêu hãnh của con người, năm ấy lại trở thành một tiểu phẩm hài đen (Black comedy).

Cuộc đua kỳ thú năm 1904

Đầu tiên, trong số 32 người tham dự, số vận động viên chuyên nghiệp đã từng tham dự những cuộc thi marathon trước đó chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Phần còn lại là vận động viên bán chuyên, và những người thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy đường đua marathon trên đời.

Điều kiện thời tiết và cách thiết kế đường đua ngày hôm đó cũng không giúp đỡ gì cho họ. Dưới cái nóng hơn 30 độ C, những người này phải chạy 40km qua 7 ngọn đồi và vô vàn những con đường đất đầy ngập cát bụi, nơi những vận động viên phải tự né tránh xe cộ và người đi đường.

Không những vậy, chỉ có đúng một quầy nước (hoặc đúng hơn là một chiếc giếng nước sạch) trong toàn bộ chặng đua, nằm cách vạch xuất phát khoảng 20km. Lý do là bởi người tổ chức cuộc đua muốn thử nghiệm một giả thuyết khoa học phổ biến ở thời điểm đó, cho rằng việc hấp thụ lượng nước tối thiểu có thể gia tăng giới hạn vận động của cơ thể.

Và vào chính xác 3 giờ 03 chiều 30/8/1904, tiếng súng được nổ lên và cuộc đua marathon bắt đầu.

Fred Lorz: Bị tước ngôi vô địch vì chạy đua… bằng xe

Hơn 3 tiếng sau, tại vạch đích, trọng tài và các khán giả nhìn thấy bóng dáng của người vận động viên đầu tiên. Đó là Fred Lorz, một thợ hồ người Mỹ. Trước ngày hôm đó, anh đã tập luyện hàng đêm cho cuộc thi, và kể cả sau khi bị chuột rút giữa đường, anh vẫn cố gắng tiếp tục chạy để về tới đích.

Nhưng ngay khi Lorz đang được trao huy chương vàng, tiếng hò reo của khán giả bắt đầu trở thành những lời la ó. Thì ra sự thật là sau khi bị chuột rút, Lorz đã leo lên một chiếc xe hơi của huấn luyện viên và “quá giang” hơn 18km, trước khi nhảy xuống ở gần vạch đích. Sau khi bị bại lộ, Lorz chỉ cười trừ và nói rằng anh chỉ bước lên bục nhận giải “cho vui”, và không có ý định nhận huy chương vàng.

Có vẻ không phải ai cũng thấy trò đùa này hài hước, và Lorz bị các trọng tài gạch tên khỏi cuộc đua. Anh cũng bị cấm thi đấu vĩnh viễn tại các kỳ Olympic sau đó.

Thomas Hicks: Dùng thuốc chuột làm chất kích thích

Vậy là huy chương vàng được trao cho vận động viên về đích thứ hai, người còn có một cuộc đua kỳ dị hơn gấp bội. Cũng giống như Lorz, Thomas Hicks không phải một vận động viên chuyên nghiệp; anh kiếm sống bằng nghề đóng vai hề.

Hicks nhập cuộc tốt, nhưng tới cây số thứ 11, anh bắt đầu đuối sức. Những gì diễn ra sau đó là lần đầu tiên việc sử dụng thuốc kích thích được ghi nhận tại một kỳ Thế vận hội, khi các huấn luyện viên của Hicks pha chế cho anh một thứ hỗn hợp từ rượu brandy, lòng trắng trứng gà và strychnine sulfate.

Ngày nay, strychnine ở liều lượng nhỏ là một chất kích thích bị cấm bởi Hiệp hội chống Doping Thế giới, và ở liều lượng lớn, là thành phần chính của thuốc chuột.

Hay tin Lorz bị loại, Hicks được tiếp thêm động lực. Và với luồng chất kích thích trong cơ thể, anh bắt đầu tăng tốc. Nhưng nguồn nhiên liệu đó không đốt được lâu. Tới 3 cây số cuối cùng, Hicks bắt đầu mê sảng và van xin các huấn luyện viên cho nghỉ uống nước. Nhưng họ chỉ cho anh uống thêm hỗn hợp “thuốc chuột” và động viên anh chạy tiếp.

Tới đoạn đường cuối cùng, Hicks kiệt quệ tới nỗi các huấn luyện viên phải dìu anh qua vạch đích. Hicks về đích sau 3 tiếng 29 phút, tới nay vẫn là kỷ lục về đích marathon chậm nhất trong một kỳ Olympic. Sau khi nhận huy chương vàng, Hicks được đưa lên cáng bởi các bác sĩ, và chỉ có thể tự đứng dậy sau một tiếng đồng hồ. Anh sụt mất 3.6kg so với lúc khởi đầu cuộc đua.

Félix Carvajal: Ngủ giữa đường, tỉnh dậy vẫn top 5

Một nhân vật đáng chú ý khác là Félix Carvajal, một người đưa thư tới từ từ Cuba. Khác với nhiều đối thủ ngày hôm đó, Carvajal đã có kinh nghiệm trong bộ môn chạy đường dài, và từng việt dã dọc Cuba để huy động tiền tài trợ tới Mỹ dự Olympic.

Nhưng ngay sau khi đặt chân tới Mỹ, Carvajal lập tức đánh bạc hết toàn bộ số tiền của mình. Anh thậm chí không còn tiền ăn hay mua quần áo, và xuất hiện tại vạch xuất phát trong chiếc áo sơ mi trắng, quần âu và đôi giày Tây.

Carvajal được đánh giá là một trong những ứng cử viên sẽ giành huy chương vàng, song sự thân thiện và hoạt ngôn của người đàn ông này khiến anh liên tục dừng lại dọc đường để trò chuyện với khán giả. Thậm chí trong một trong những khoảng giải lao đó, Carvajal với chiếc bụng đói của mình, đã lấy hai trái đào của một khán giả để lót dạ.

Chạy thêm quãng nữa, anh lại dừng lại bên một trang trại để hái trộm vài quả táo. Xui xẻo thay, những quả táo đó đã bị thối, khiến Carvajal bị đau dạ dày và phải nằm ngủ một giấc để hồi sức. Bất chấp tất cả điều này, Carvajal vẫn kịp về đích thứ tư.

Len Taunyane và Jan Mashiani: Đang chạy tự nhiên bị… chó đuổi

Cuộc đua marathon năm đó còn có cả sự góp mặt của các vận động viên tới từ Nam Phi. Len Taunyane and Jan Mashiani là hai thành viên của bộ Tswana, được đưa tới St. Louis cùng nhiều người châu Phi khác để phục diễn lại những trận đánh trong chiến tranh Boer lần thứ hai.

Ngoài ra, những người này cũng được cho tham dự một số nội dung thi đấu tại Olympic St. Louis, trong một chuỗi sự kiện đầy thành kiến phân biệt chủng tộc mang tên Ngày Nhân chủng học. Những người châu Phi được yêu cầu thi đấu các bộ môn thể thao mà họ chưa từng được tiếp xúc, và nếu đạt kết quả tệ, sẽ bị đem ra làm minh chứng cho sự vượt trội của các vận động viên da trắng.

Taunyane và Mashiani dù không phải vận động viên chuyên nghiệp, nhưng đã từng làm liên lạc viên trong chiến tranh, vì vậy không lạ lùng gì với việc chạy đường dài. Họ lần lượt về đích thứ 9 và 12. Nhiều khán giả cho rằng Taunyane, người thậm chí phải thi đấu bằng chân đất, đã có thể về đích sớm hơn nếu không bị một bầy chó hoang đuổi giữa đường.

William Garcia: Nhập viện trong nguy kịch

Và còn có những vận động viên đen đủi hơn rất nhiều, phải bỏ cuộc giữa chừng sau khi nôn mửa hoặc chuột rút. William Garcia, một vận động viên tới từ California, thậm chí suýt trở thành thương vong đầu tiên tại Olympic năm đó, khi các khán giả phát hiện ra anh đang đổ gục và ho ra máu dọc đường.

Sau khi được đưa tới bệnh viện phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện Garcia đã hít phải quá nhiều bụi, nhiều khả năng từ những chiếc xe của huấn luyện viên nầm nập đi phía trước. Bụi đã phủ kín cả khí quản lẫn thực quản của anh, và gây rách niêm mạc dạ dày. Kết hợp với cái nóng thiêu đốt cùng cơ thể bị mất nước, và rất có thể Garcia đã qua đời nếu được phát hiện muộn hơn.

Di sản của “sự kiện sát nhân”

Trong số 32 vận động viên khởi hành từ vạch xuất phát buổi chiều hôm đó, chỉ có 14 người về được tới đích, con số thấp nhất trong lịch sử Olympic. Hai ngày sau, tờ báo Post Dispatch của St. Louis gọi cuộc đua là một “sự kiện sát nhân”, và Ủy ban Olympic Quốc tế đã nghiêm túc cân nhắc về việc hủy bỏ nội dung này tại các kỳ Thế vận hội tương lai.

Còn các vận động viên thì sao? Chỉ một năm sau đó, lệnh cấm thi đấu vĩnh viễn của Fred Lorz được gỡ bỏ, vừa kịp để anh tham dự - và chiến thắng giải đua marathon Boston năm 1905.

Félix Carvajal sau màn trình diễn (tương đối) ấn tượng của mình, đã được chính phủ Cuba tài trợ tới thi đấu trong một cuộc đua marathon ở Athens năm 1906. Tuy nhiên, Carvajal bí ẩn biến mất dọc đường, khiến nhiều người cho rằng anh đã gặp nạn và qua đời. Nhưng còn lạ lùng hơn, một năm sau đó, Carvajal lại đột nhiên xuất hiện tại Havana bình an vô sự, và trong suốt phần còn lại của cuộc đời chưa bao giờ tiết lộ mình đã làm gì trong suốt một năm mất tích.

Còn đối với Len Taunyane và Jan Mashiani, dù có thể họ không biết, nhưng đây là hai người châu Phi da màu đầu tiên tham dự một kỳ Olympic hiện đại, và cũng là những người duy nhất làm điều này cho tới khi chế độ Apartheid được bãi bỏ vào đầu thập niên 90. Sau Thế vận hội năm 1904, Taunyane and Mashiani biến mất hoàn toàn khỏi các ghi chép lịch sử.


Read full article

Most viewed