Quên nước sông Seine đi, đây là 3 điều tích cực đáng nhớ nhất Olympic 2024

Trong ngày Bế mạc Olympic, hãy khép lại bằng những dấu ấn tích cực không phải bàn của Thế vận hội năm nay.
Trọng Hoàng
Nguồn: Wallpapers Wide

Nguồn: Wallpapers Wide

Lễ khai mạc, cơ sở vật chất tại làng Olympic, chất lượng nước sông Seine, hay giới tính của các ngôi sao đang thi đấu? Loạt chuyện bên lề ấy vô tình làm lu mờ các dấu ấn tích cực và rất đáng chú ý của Thế vận hội mùa hè năm nay.

Thể thao cho người chịu chơi, không chỉ người chịu chi

Olympic năm nay đánh dấu một thế trận cân bằng hơn khi người chiến thắng không nhất thiết là người chịu chi.

Nhìn lại các kì Thế vận hội trong thế kỉ 21, ta sẽ chứng kiến hai “đại gia thể thao” Mỹ và Trung Quốc liên tục thống trị với ngân sách hàng tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, Olympic Paris 2024 chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia khác trong một số môn thể thao mà hai cường quốc bên trên coi là trọng điểm đầu tư:

  • Bơi lội: Đoàn bơi Mỹ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đoàn khác, và kết quả là họ chỉ dành được 8 HCV - ít nhất trong vòng 64 năm. Đặc biệt, Australia đã đánh bại Mỹ ở nhiều nội dung thế mạnh như bơi tiếp sức hay cự ly trung bình.
  • Cầu lông: Lần đầu tiên kể từ năm 1996, Trung Quốc không có tay vợt nào lọt vào bán kết nội dung đơn Nam. Đây có thể coi là thất bại của cầu lông Trung Quốc khi họ có tới 2 tay vợt nằm trong top 6 thế giới.
  • Điền kinh: Ở nội dung “nữ hoàng" 100m nữ, nhà vô địch thế giới người Mỹ đã để tuột tấm HCV vào tay Julien Alfred - chân chạy từ đảo quốc Saint Lucia với chưa tới 200.000 dân.

Thành công của các đoàn thể thao khác là kết quả của chiến lược đầu tư khôn ngoan tập trung vào thế mạnh và mượn sức cường quốc để đào tạo vận động viên.

Năm 2023, Nhật Bản chi 250 triệu USD cho việc phát triển thể thao. Con số này chưa bằng 1/10 ngân sách của Trung Quốc nhưng số huy chương vàng họ đạt được bằng ⅓ Trung Quốc.

Nhật Bản không đầu tư dàn trải vào các môn thể thao cần ưu thế thể hình như bơi lội, điền kinh mà tập trung vào các môn đòi hỏi sự khéo léo, phản xạ chính xác như đấu kiếm, thể dục dụng cụ và tận dụng lợi thế trong võ thuật cổ truyền (Judo). Điều tương tự xảy ra với Hàn Quốc khi họ một lần nữa thống trị môn bắn cung với 5/5 tấm HCV, trỗi dậy ở trường bắn súng và khẳng định sức mạnh trong Taekwondo.

Quốc đảo Saint Lucia lại chọn một hướng đi khác. Khi nhìn thấy tiềm năng của Julien Alfred, họ tạo điều kiện cho cô du học tại Mỹ theo diện học bổng thể thao. Nữ VĐV đã nhanh chóng tiến bộ, càn quét đường chạy ngắn ở giải vô địch các trường Đại Học Mỹ nhiều năm liên tiếp, cuối cùng đem về 1 HCV và 1 HCB Olympic cho Saint Lucia.

Nhiều đoàn khác cũng áp dụng chiến lược này và thành công như Thuỵ Điển (HCV nhảy sào nam), Hong Kong (HCV kiếm 3 cạnh cá nhân nữ) hay Tunisia (HCB kiếm chém cá nhân nam). Việc đầu tư chiến lược giúp thu hẹp khoảng cách về thể thao trên thế giới, tạo không khí cạnh tranh bình đẳng và hấp dẫn cho những cuộc thi đấu.

Vị thế của nữ giới trong thể thao và 3 câu chuyện dành cho bạn

Olympic 2024 tại Paris là kỳ Thế vận hội đầu tiên trong lịch sử có số lượng VĐV nữ ngang bằng VĐV nam. Với đoàn thể thao Việt Nam, số VĐV nữ thậm chí còn gấp 3 lần.

Một bước tiến đáng kể với sự kiện thể thao từng cấm phụ nữ vào xem để tránh nhìn thấy đàn ông ăn mặc thiếu vải!

Olympic của những năm gần đây là sự kiện thể thao hiếm hoi giúp VĐV nữ được chú ý bởi xã hội. Như ở Mỹ khi NBC nắm bản quyền phát sóng Thế vận hội mùa hè 2020, đài đã dành tới 58% thời lượng cho các nội dung của nữ. Còn ở Olympic năm nay, bạn chỉ cần lướt qua kênh TikTok chính thức của Thế vận hội để cảm nhận cách thể thao thật sự tôn trọng hiện diện của phụ nữ.

Và còn hàng ngàn cách một sự kiện thể thao có thể truyền cảm hứng về những người phụ nữ, như câu chuyện của 3 vận động viên dưới đây.

Kiếm thủ Nada Hafez

Vận động viên người Ai Cập gây sốc khi tuyên bố mình đang mang thai 7 tháng lúc thi đấu và chiến thắng đối thủ người Mỹ để lọt vào top 16. Câu chuyện của cô trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ bác bỏ những định kiến khi mang thai và làm mẹ.

VĐV thể dục dụng cụ Simone Biles

VĐV thể dục dụng cụ xuất sắc nhất lịch sử nước Mỹ với 7 HCV Olympic được Netflix đầu tư hẳn 1 bộ phim tài liệu riêng. Phim kể về vấn đề sức khỏe tinh thần khiến Biles bỏ cuộc giữa chừng tại Olympic Tokyo 2020 và hành trình trở lại trong mùa giải năm nay.

Tính đến thời điểm bắt đầu Olympic, phim đã có 2 tuần nằm trong top 10 Netflix toàn cầu; tạo một hiệu ứng dõi theo VĐV này tại Paris. Kết quả là ngày thi đấu chung kết nội dung Đồng nội nữ môn thể dục dụng cụ Olympic 2024 phát sóng trực tiếp trên NBC đã thu hút tới 12,7 triệu người Mỹ, khiến nó trở thành một trong những sự kiện tại Olympic phát vào ban ngày trong tuần được xem nhiều nhất từ trước tới nay.

Võ sĩ Hà Thị Linh

Hà Thị Linh là VĐV người dân tộc thiểu số duy nhất của đoàn Việt Nam đặt chân đến Paris. Bà mẹ hai con đã đập tan định kiến "VĐV thường giải nghệ sau khi làm mẹ" bằng việc đoạt vé dự Olympic và nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của chồng con.

Để kịp đi thi đấu, Hà Thị Linh đã quay trở lại luyện tập “nặng đô” ngay khi sinh em bé 4 tháng và vẫn duy trì nuôi con bằng sữa mẹ.

Những cái bắt tay chỉ có tại Olympic

Ngày thi đấu chính thức thứ 6 của Olympic Paris cho ra đời một khoảnh khắc lịch sử, khi các VĐV Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên chụp một bức ảnh selfie cùng nhau trên bục nhận huy chương bộ môn bóng bàn. Diễn ra chỉ vài tuần sau khi căng thẳng chính trị giữa hai nước leo thang, khoảnh khắc này chứng minh một điều không thể chối bỏ: Thể thao là để kết nối con người.

Vào thời Hy Lạp cổ đại khi Olympic được khởi xướng, sự kiện đã thu hút hơn 50.000 khán giả mỗi khi diễn ra.

Sức hút của Olympic khiến hai vị vua hiếu chiến khét tiếng ở Olympia là Iphitos và Cleomenes ký kết một hiệp định đình chiến Olympic. Nghĩa là trước mỗi kỳ Olympic, những người đưa tin sẽ đi khắp Hy Lạp để ngăn chặn bất cứ cuộc chiến nào diễn ra, giúp mọi người di chuyển an toàn đến xem Olympic.

Một trong ba giá trị cốt lõi của Olympic là “tình bạn". Vẻ đẹp của thể thao không chỉ nằm ở việc chiến bại, mà còn ở sự tôn trọng mà vận động viên dành cho nhau. Trong trận chung kết nội dung kiếm chém cá nhân nam, VĐV Hàn Quốc Oh Sang-uk có hành động được hết mực tán dương. Khi đối thủ người Tunisia vô tình vấp ngã, thay vì tấn công kiếm điểm một cách hợp lệ, Oh Sang-uk đã tiến tới giúp đối thủ đứng dậy và tiếp tục trận đấu.

Có thể Olympic hiện đại không còn giúp chiến sự ngừng lại như 2.000 năm trước, nhưng tinh thần trong cái bắt tay giữa hai vị vua hiếu chiến vẫn còn đó, khẳng định sức mạnh kết nối con người của thế thao.

Trong ngày Bế mạc Olympic 2024 tại Paris, người ta bắt đầu điểm lại danh sách dài những điều đáng nói tại kỳ Thế vận hội mùa hè độc đáo này - cả tích cực và tiêu cực. Nhưng trên tất cả, tinh thần Olympic: Tôn trọng, Nỗ lực và Tình bạn vẫn luôn tỏa sáng như cách mà ngọn đuốc Olympic rực cháy khắp năm châu suốt nhiều năm qua.


Read full article

Most viewed