Bí quyết cho một cuộc trò chuyện sâu sắc: Đừng nói nhiều về bản thân | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 04, 2020
Chất Lượng Sống

Bí quyết cho một cuộc trò chuyện sâu sắc: Đừng nói nhiều về bản thân

Hầu như trong mọi cuộc nói chuyện, ai cũng chăm chăm vào bản thân mình. Chủ ngữ “Tôi…” liên tục xuất hiện trong các cuộc đối thoại cho đến những bài viết trên

Bí quyết cho một cuộc trò chuyện sâu sắc: Đừng nói nhiều về bản thân

Nguồn: Pexels.

Hầu như trong mọi cuộc nói chuyện, ai cũng chăm chăm vào bản thân mình. Chủ ngữ “Tôi…” liên tục xuất hiện trong các cuộc đối thoại cho đến những bài viết trên mạng xã hội. Khi tham gia một sự kiện networking, bạn dễ dàng nhận thấy mọi người đang cố hơn thua nhau trong việc gây ấn tượng. Cách điều hướng mọi câu chuyện xoay quanh bản thân khiến nội dung câu chuyện bị xem nhẹ và hình ảnh cá nhân bị thổi phồng.

Vì vậy tôi đã thực hiện một thử nghiệm nhỏ. Trong vòng 2 ngày, tôi sẽ không nói bất cứ điều gì về bản thân trong mọi cuộc trò chuyện. Và dưới đây là những gì tôi đúc kết được.

Mọi người cảm thấy bạn để tâm đến họ

Khi nói ít đi, bạn lắng nghe nhiều hơn. Khi bạn không còn chia sẻ quá nhiều về bản thân nữa, bạn sẽ phải chú tâm đến những gì người đối diện đang nói. Bạn sẽ nghe từng chi tiết trong câu chuyện của họ. Bạn sẽ học hỏi được nhiều hơn từ họ. Bạn sẽ bắt đầu chú ý đến những điều mà trước đây bạn chưa từng chú ý.

Người đang nói chuyện với bạn cũng thích điều đó, vì ai cũng thích nói về bản thân. Họ nóng lòng muốn cho bạn biết họ thích làm gì, đã đạt được những thành tựu gì. Khi bạn ngưng nói về bản thân tức là đang nhường ánh đèn sân khấu lại cho họ, họ sẽ thấy vui sướng trong lòng dù có thể không nhận ra điều đó.

Nếu bạn cảm thấy việc giao thiệp quá khó khăn thì hãy thử cách này xem: ngừng nói về bản thân mình, và chờ xem điều gì sẽ xảy ra.

Bí quyết cho một cuộc trò chuyện sâu sắc Đừng nói nhiều về bản thân0
Khi nói ít đi, bạn lắng nghe nhiều hơn.

Thế giới bớt ồn ào hơn

Hãy tưởng tượng nếu phải ở một nơi mà ai cũng tranh nhau nói, chẳng ai nhường ai tiếng nào thì ầm ĩ đến mức nào. Hơn nữa, lúc nào cũng phải nghĩ xem nên nói gì thì rất mệt mỏi. Khi bạn ngưng nói về bản thân, các âm thanh nhiễu loạn sẽ giảm bớt đi, bạn sẽ nhìn thế giới với một cái nhìn thấu suốt hơn.

Bạn hỏi được nhiều hơn

Nếu không nói về mình thì cách duy nhất để bạn tham gia đóng góp cho cuộc đối thoại là đặt câu hỏi. Sau một thời gian ngắn, bạn sẽ nhận ra mình thu được lợi lớn từ việc đặt câu hỏi.

“Nói thêm cho mình nghe về…”

“Lúc đó cảm thấy sao?”

“Người ta phản ứng thế nào?”

“Có thấy sợ chút nào không?”

“Gia đình nói sao về chuyện đó?”

“Có định thử lại lần nữa không?”

Có rất nhiều cách để phát triển câu chuyện chỉ bằng cách hỏi khi bạn đưa cá nhân mình ra khỏi trọng tâm.

Mối quan hệ được nâng cấp

Tôi nhận ra những mối quan hệ của mình đã đạt một tầm cao mới chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhờ vào việc ngưng thao thao bất tận về mình hơn. Nhờ đó mà việc xây dựng mối liên kết với khách hàng, bạn bè mới hoặc đồng nghiệp trở nên dễ dàng đến ngỡ ngàng.

Khi họ đặt câu hỏi, tôi sẽ chuyển sự chú ý ngược về phía họ. Tôi không còn mất thời gian để xây dựng các mối quan hệ nữa, bởi vì giờ đây tôi hiểu rõ quan điểm và khó khăn của họ hơn chỉ bằng việc lắng nghe. Nhờ vậy mà sau cuộc trò chuyện, những lời khuyên hoặc ý kiến của tôi trở nên hữu ích hơn nhiều.

Bí quyết cho một cuộc trò chuyện sâu sắc Đừng nói nhiều về bản thân1
Khi đưa trọng tâm khỏi vòng xoay quanh mình, bạn hỏi về người khác và hiểu về họ nhiều hơn.

Bạn không cần vắt óc suy nghĩ nên nói gì tiếp theo và chỉ cần lắng nghe

Mỗi lần trò chuyện, ta thường tốn rất nhiều thời gian để lục lại trải nghiệm trong ký ức của mình để tìm cách tiếp lời. Khi bạn ngăn sự thôi thúc bản năng muốn tìm câu nói gây ấn tượng, bạn sẽ chăm chú lắng nghe người đối diện hơn.

Sau lần thử nghiệm nói ít đi, tôi nhận ra việc tập trung vào bản thân tưởng chừng rất tự nhiên và dễ dàng hóa ra lại mệt mỏi ra sao, và thói quen này khiến khả năng lắng nghe kém đến mức nào. Một người chỉ quen nghe vào tai này rồi cho ra tai kia, không lĩnh hội được trọn vẹn câu chuyện thì đương nhiên khả năng lắng nghe không thể tốt được.

Là một liệu pháp tuyệt vời

Trong thời gian gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý, tôi đã phải tìm đến biện pháp trị liệu chuyên nghiệp. Nhờ đó tôi nhận ra có một người hoàn toàn lắng nghe mình, không bao giờ chen ngang khi mình đang trải lòng, chia sẻ suy nghĩ, trải nghiệm hay thành quả cá nhân là một điều tuyệt vời nhường nào.

Có những buổi trị liệu mà bác sĩ không hề nói gì cả, chỉ ngồi đó lắng nghe rồi ghi chú. Cảm giác như được giải thoát đó thật sự rất thoải mái.

Khi bạn ngừng đưa mình vào cuộc trò chuyện và chỉ tập trung lắng nghe người còn lại, bạn đã sở hữu được thứ phép thuật mà những nhà tâm lý sử dụng để trị liệu những vấn đề tâm lý, và đó là một loại quyền năng diệu kỳ.

Mọi người muốn được trò chuyện với bạn

Bản năng của con người là nghiện được người khác lắng nghe. Đây là điều tôi nghiệm ra được qua lần thử nghiệm này. Tôi bỗng dưng được giới thiệu với nhiều người hơn bình thường. Mọi người muốn nói chuyện với tôi, chính họ cũng không rõ vì sao. Người giới thiệu tôi với họ cũng không hiểu nốt.

Ít nói về bản thân là một năng lực kỳ lạ. Nó vô hình, và mọi người cũng chẳng mấy để ý đến sự im lặng đó của bạn. Họ thường sẽ tập trung nói về bản thân và cuộc sống của họ. Điều đó khiến họ muốn được làm quen với bạn hơn, từ đó vòng kết nối xã hội của bạn được mở rộng.

Bí quyết cho một cuộc trò chuyện sâu sắc Đừng nói nhiều về bản thân2
Khi bạn nói ít về bản thân và tập trung lắng nghe người khác, mọi người sẽ muốn được làm quen với bạn hơn, từ đó vòng kết nối xã hội của bạn được mở rộng.

Bạn có sức ảnh hưởng hơn trong cuộc trò chuyện

Lời của những người ít khi lên tiếng thường có sức nặng hơn. Chúng ta thường mắc một lỗi cơ bản đó là đánh giá thấp người luôn chỉ ngồi ở cuối phòng và im lặng lắng nghe. Không phải lúc nào người nói to nhất, nói không ngừng nghỉ mới là người có sức ảnh hưởng. Ngược lại, đó là người biết lúc nào nên nói, chỉ nói những gì cần thiết và tập trung lắng nghe.

Thử nghiệm ngắn ngủi trên đã giúp tôi nhận ra nhiều điều, và nó vẫn chưa kết thúc đâu. Tôi vẫn đang tiếp tục tập luyện để ít nói đi, lắng nghe nhiều hơn, và rèn sự khiêm tốn của mình.

Bài viết được thực hiện bởi tác giả Tim Denning trên trang P.S. I Love You, chuyển ngữ bởi Anastasia.

Xem thêm:

[Bài viết] Ta thường dễ tâm sự chuyện thầm kín với người lạ, tại sao?

[Bài viết] 3 Công thức cho một cuộc sống hạnh phúc, theo tâm lý học