Tôi may mắn được biết đến Hậu Lê những ngày cuối năm 2015, khi anh vừa mới chập chững bước vào làng nhiếp ảnh. Bẵng đi một thời gian, tần suất xuất hiện của anh ngày một nhiều lên – trên những chuyên trang về thời trang như Harper’s Bazaar, L’Officiel, những bộ hình cho nhà thiết kế thời trang Lâm Gia Khang, và lookbook cho các local brand Việt. Thi thoảng, những bức ảnh trong các dự án cá nhân của anh được PhotoVogue bầu chọn là “Best of -” (một cộng đồng dành cho người yêu nhiếp ảnh, được tuyển chọn bởi Vogue Italia).
Tôi thích những bộ ảnh thời trang của Hậu, dù là ở phong cách nào, anh đều lột tả được hết tinh thần mà nhà thiết kế gởi gắm vào trang phục của mình. Tôi cũng thích sự phóng khoáng trong những bộ ảnh cá nhân của Hậu, thích cách anh tập trung ống kính của mình vào những nét đẹp lạ của người mẫu, như anh nói, “tôi không có một quy chuẩn cho cái đẹp.” Và hơn hết, tôi ngưỡng mộ tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi của một nhiếp ảnh gia tự học như anh.
3 năm trong nghề tuy chưa phải là quá dài đối với một nhiếp ảnh gia sinh năm 1993, nhưng chắc chắn là Hậu Lê cũng có những câu chuyện của riêng anh…
Anh bắt đầu bén duyên với nghề nhiếp ảnh từ khi nào?
Thật ra tôi không phải là một nhiếp ảnh gia chính quy, thậm chí khi còn bé, tôi từng rất ghét chụp ảnh. Thế nhưng năm 2015, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Xuất nhập khẩu, đi làm được khoảng nửa năm và nhận thấy đây không phải là môi trường làm việc phù hợp, tôi đã quyết định chuyển hướng. Việc đầu tiên tôi làm là mua một chiếc máy ảnh Canon 5D Mark 1 bằng tiền dành dụm và tiền bán điện thoại, rồi tự mày mò học nhiếp ảnh. Nửa năm sau, tôi nhận được lời mời cộng tác với một vài tờ báo, rồi tiếp đến là các thương hiệu.
Ảnh thời trang có phải là định hướng từ những ngày đầu của anh không? Nó khác gì so với các loại hình nhiếp ảnh khác?
(Lắc đầu) Những bức ảnh thuở mới vào nghề của tôi chủ yếu là ảnh đường phố, đời sống thường nhật. Mãi đến khi Yeah1 ngỏ lời muốn tôi đi chụp hình với người mẫu, từ đó tôi mới bén duyên với nhiếp ảnh thời trang.
Nếu như thông thường chỉ cần chú ý đến cách tạo dáng, biểu cảm khuôn mặt và thần thái của người mẫu, thì khi chụp ảnh thời trang chúng ta còn phải chú ý đến quần áo, người mẫu đang mặc trang phục ra sao, và phải khai thác ở những góc độ nào để có thể truyền tải hết tinh thần của bộ sưu tập.
Trở thành nhiếp ảnh gia tay ngang, anh đã phải “chống chọi” với những khó khăn gì?
Chính là không có việc làm (cười), mà hầu hết ai mới vào nghề cũng gặp phải khó khăn này. Ngày ấy tôi cũng từng ở trong tình trạng “thất nghiệp” khoảng hơn nửa năm, lâu lâu được các tòa soạn gọi đi chụp hình, nhưng tiền thù lao cũng chưa đến một triệu đồng. Và vì mình là người mới, nên đôi khi những đóng góp ý kiến của mình không được tôn trọng…
Theo anh, để trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, có nhất thiết là phải trải qua trường lớp?
Các bạn mới thường không định hình được là mình thích loại hình nhiếp ảnh gì, vậy nên nếu đi học, được thầy cô trợ giúp, định hình thì các bạn sẽ phát triển nhanh hơn là phải tự mình mày mò. Bản thân tôi khi đi học cũng nhận ra nhiều điều. Có những thứ phải mất mấy năm để mình tự nhận ra, việc đi học sẽ giúp mình rút ngắn được khoảng thời gian đó. Còn nếu không đi học, bạn sẽ mất khá lâu để có thể nhận diện thế mạnh của mình, vì chẳng có ai đánh giá hay phân tích giúp mình.
Thật ra tôi cũng chỉ vừa định hình được phong cách của mình trong khoảng một năm trở lại đây, sau khi tham gia lớp học nhiếp ảnh của anh Tuấn Fr. Cái mà tôi học được nhiều nhất ở anh Tuấn là sự tự tin. Lúc trước, khi chụp tôi thường mang tư tưởng sợ, không biết mình chụp như thế này có đúng không. Còn bây giờ thì tôi hoàn toàn tự tin vào ảnh của mình, dù cho mọi người có nhận xét thế nào đi nữa.
Nói tóm lại, nếu có điều kiện tôi vẫn muốn đi học tiếp, học càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, còn phải tự học nữa. Chẳng có ngành nghề nào tự nhiên mà giỏi, đều phải tìm tòi học hỏi cả.
Một nhà thiết kế thời trang mà anh cảm thấy là cộng tác ăn ý nhất.
Tôi rất thích cộng tác với Lâm Gia Khang. Thứ nhất là do hợp gu, thứ hai là được tự do sáng tạo. Thông thường, các nhà thiết kế sẽ tự mình định hướng nghệ thuật và trách nhiệm của nhiếp ảnh gia chỉ là theo sát định hướng đó. Còn với Lâm Gia Khang, nhiếp ảnh gia được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, định hướng hình ảnh. Hiện chúng tôi đã cộng tác cùng nhau trong 3 bộ hình rồi.
Anh có thể chia sẻ về một số dự án cá nhân của mình được không?
Quỹ thời gian của tôi luôn được chia đều cho những bộ ảnh, chụp cho nhãn hàng thời trang và chụp để thỏa mãn đam mê cá nhân của mình. Khi chụp ảnh thời trang, tôi luôn tìm cách để cân bằng giữa tinh thần của bộ sưu tập và sự sáng tạo của bản thân. Những bộ ảnh cá nhân cho phép tôi được tự do sáng tạo về những chủ đề mà mình yêu thích, đặc biệt là ảnh chân dung, và ảnh nude. Đi kèm theo đó là những tone màu nóng, màu đỏ – màu tôi thích.
View this post on Instagram
#haule #LOVE #SEXUAL
A post shared by Hau Le (@_hau.le_) on Nov 3, 2018 at 9:33am PDT
Tính tôi xưa giờ thích chụp những thứ có bố cục rõ ràng, đơn giản, chứ không thích chụp góc rộng hoặc có nhiều tiểu tiết xung quanh. Chụp là để bắt khoảnh khắc, thần thái. Vì vậy, khi lựa chọn người mẫu, tôi không để tâm liệu bạn ấy có nổi tiếng hay không, tôi thích những cá thể lạ, có thần thái tốt, đặc biệt là ánh mắt. Những bộ hình cá nhân này thường khá nhạy cảm nên tôi chỉ đăng tải trên Vogue, hoặc là không công khai.
Nhiếp ảnh Việt Nam liệu có còn hạn chế?
Thiếu thì không thiếu, nhưng vẫn chưa “đã”! Tôi nghĩ điều kiện sản xuất của chúng ta không tốt, nên nhiều khi kết quả cho ra vẫn chưa đúng ý người chụp. Mọi người hay lấy nhiếp ảnh trong nước ra so sánh với các cường quốc năm châu, nhưng tôi nghĩ điều kiện sản xuất của mình không bằng người ta, mình vẫn phải tận dụng có gì làm nấy, thì những gì mình làm ra đã đáng tự hào lắm rồi.
Chúng ta cũng không có nhiều sân chơi cho nhiếp ảnh gia, không tạo điều kiện để nhiếp ảnh gia trưng bày sản phẩm của mình. Hồi trước cũng có người liên lạc hỏi bàn chuyện triển lãm, nhưng sau khi tôi đưa họ xem hình mình chụp, họ muốn tôi phải chọn những tấm an toàn. Nhưng thôi, nếu an toàn thì tôi không làm…
Cuối cùng, anh có thể chia sẻ một số dự án mà mình đang ấp ủ không?
Tôi muốn kết hợp giữa chụp chân dung và chụp thời trang. Hiện tôi vẫn đang làm dự án này một mình. Trong tương lai, hy vọng sẽ tìm được nhiều người phù hợp để hợp tác.
Xem thêm:
[Bài viết] Điểm mặt năm nghệ sĩ nổi bật trong làng nhiếp ảnh Việt