Bạn có thua cuộc không khi vẫn đi “làm công”, trong khi ai cũng muốn làm chủ? | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 09, 2023

Bạn có thua cuộc không khi vẫn đi “làm công”, trong khi ai cũng muốn làm chủ?

“Main character syndrome” - Hội chứng nhân vật chính, giúp bạn lý giải tại sao ai cũng ôm mộng làm chủ và quay lưng với văn phòng. Liệu đâu mới là lựa chọn đúng đắn?
Bạn có thua cuộc không khi vẫn đi “làm công”, trong khi ai cũng muốn làm chủ?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera.

Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi, nếu bạn:

  • Là một người trẻ đang ổn với việc “làm công ăn lương”.
  • Nhưng khi quan sát nhiều người bỏ việc về làm chủ, thì lại FOMO và hoài nghi lựa chọn chính mình.

Khi ai cũng tham vọng làm chủ, vậy người chọn “làm công” có phải là… thất bại?

Nằm vùng mạng xã hội đủ lâu, bạn sẽ nhận thấy phần lớn nhân viên văn phòng đều chất chứa nhiều nỗi niềm với công việc của họ. Khảo sát từ Harvard Business Review cho thấy, cứ 2 người đi làm thì có 1 người cảm thấy công việc hiện tại chẳng mang lại giá trị gì.

“Nghề chọn người chứ người… ai chọn đi làm”.

Một câu nói của nhà sáng tạo nội dung Tạ Quốc Kỳ Nam, đã viral khắp mạng xã hội từ trước đến nay nhờ sự đồng cảm với người trẻ.

Đi làm một thời gian, ta không còn lạ gì những câu bông đùa bỏ việc về làm chủ. Từ bạn đồng nghiệp “về quê startup bánh tráng” đến người chị nghỉ làm quản lý về mở homestay kinh doanh.

Chưa biết họ có thành công hay không, nhưng làn sóng bài xích làm thuê và khuyến khích làm chủ này đã ít nhiều ảnh hưởng lên quan niệm của chúng ta về một “sự nghiệp thành công”.

Ta vô thức lầm tưởng rằng việc “mở” một cái gì đó cũng dễ thôi, và cho rằng người dám bỏ việc văn phòng để theo đuổi đam mê mới là người có chí lớn.

Những “người ở lại” làm công ăn lương, vì thế lại dễ bị coi là an nhàn, an phận, thậm chí… thất bại vì không có chí tiến thủ.

alt
Có thật "trên con đường thành công, không có dấu chân của người làm công"?

Một hiện tượng mang tên “Main character syndrome” - Hội chứng nhân vật chính, sẽ lý giải những mộng tưởng mà chúng ta đang đặt ra cho con đường làm chủ, cũng như định kiến ta áp lên người làm công.

Main character syndrome: Hội chứng “Nhân vật chính” khiến ai cũng nghĩ mình có thể làm chủ

Main character syndrome là gì?

Main character syndrome là khi một người tự cho mình là vai chính trong bộ phim cuộc đời, dẫn đến những đánh giá quá cao về năng lực thật của họ. Trong công việc, đây sẽ là những người:

  • Tự cho mình là trung tâm sự chú ý.
  • Luôn đề cao ý kiến bản thân hơn người khác.
  • Thiên hướng muốn làm chủ và lãnh đạo người khác.
  • Sẽ thất vọng nếu bạn không nghe theo lời họ.

Theo tác giả Jack Kelly chia sẻ trên Forbes, một đồng nghiệp có “Main character syndrome” sẽ đôi lúc gây khó dễ và ảnh hưởng đến môi trường làm việc nhóm. Bản thân họ cũng không hài lòng khi bị bó buộc trong cuộc sống văn phòng. Họ sẽ hạnh phúc hơn nếu được dẫn đầu, lãnh đạo, làm chủ và hoạt động tự do.

Theo tác giả Phil Reed từ Psychology Today, Main character syndrome là kết quả của văn hóa truyền thông nơi mạng xã hội liên tục khuyến khích người trẻ khởi nghiệp làm giàu. Điều này sản sinh ra một thế hệ trẻ với chí lớn... trên mặt giấy, khi phần lớn hình ảnh Gen Z gắn liền với cá tính táo bạo, bước ra khỏi vùng an toàn, hay “khởi nghiệp đầu tư từ ghế nhà trường”.

Tác động của Main character syndrome đến tâm lý người trẻ

Ở mặt tích cực, Hội chứng Nhân vật chính cho người trẻ sự tự tin khi khuyến khích họ bứt phá sự nghiệp. Song, quyết định “dứt áo ra đi” từ bỏ công sở khi chưa có đủ nền tảng về kinh doanh tự do, lại là một nước đi… vào lòng đất.

Nếu bạn muốn nghiêm túc kinh doanh, đó sẽ là một chặng đường dài đầy thăng trầm. Số liệu từ CB Insights cho thấy, khoảng 70% các công ty khởi nghiệp đã không thể kéo dài hoạt động sau 10 năm.

Để thoát khỏi cái bẫy “nhân vật chính”, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận rằng dù làm công hay làm chủ cũng đều tiềm ẩn nhiều rủi ro và cơ hội khác nhau.

Và dĩ nhiên, không lựa chọn nào là “cao quý” hơn lựa chọn nào.

alt
Không có lựa chọn nào "cao quý" hơn lựa chọn nào. Vậy làm sao để hạnh phúc khi mình vẫn làm 9-to-5 đây?

Nếu bạn không muốn hoặc không thể làm chủ, thì cũng chẳng sao cả. Bạn vẫn có thể xây dựng một sự nghiệp thành công với con đường “chậm mà chắc” từ công sở.

Dưới đây là 4 phương pháp từ tờ Entrepreneur, giúp bạn tận dụng những năm tháng 9-to-5 của mình để xây dựng sự nghiệp thực tế hơn.

“Làm công ăn lương” không hề tệ, khi bạn biết tận dụng 4 cơ hội sau đây

Xây dựng nền tảng tài chính từ thu nhập ổn định

Mặc dù mức lương “làm công” không thể đảm bảo cho bạn… mua được nhà, nó có thể là nền móng thu nhập ổn định để bạn tích cóp.

Năng nhặt chặt bị, bạn có thể tiết kiệm khoảng tiền mình kiếm được ở giai đoạn đầu sự nghiệp để chuẩn bị cho một kế hoạch lớn hơn trong tương lai.

Networking với những tên tuổi lớn trong ngành

Ngay cả khi bạn phỏng vấn một tập đoàn và… rớt, đó cũng là cơ hội để bạn networking với những bậc senior trong ngành. Mỗi một sự gặp gỡ mới với cấp trên, đều là cơ hội để bạn học hỏi và mở rộng network của mình.

Đừng ngại mở lời nếu mình vẫn là junior, hãy có cho mình những mentor chí cốt dẫn dắt bạn qua từng chương sự nghiệp.

Ổn định tinh thần với những đồng nghiệp thân thiết

Không thể phủ nhận tác động của những tương tác xã hội lên tâm lý con người, đặc biệt là ở môi trường công sở. Với bản năng và thiên hướng xã hội, chúng ta “vận hành” tốt hơn khi thuộc về một đội nhóm và tập thể nào đó.

Khảo sát từ Global Human Capital Trends cũng cho thấy 93% người khảo sát đồng ý rằng họ sẽ làm việc năng suất hơn khi cảm thấy được hòa nhập với tập thể, hay có nơi để thuộc về (sense of belonging).

Gắn kết xã hội này giúp bạn không trở thành “chú sói đơn độc”, và tự tin hơn khi tìm thấy những người cùng chí hướng.

Cạnh tranh để phát triển bản thân

Làm việc nhóm cho bạn cơ hội để cạnh tranh. Khi ta ở trong một tập thể với nhiều kết quả cao thấp đa dạng, ta sẽ dễ so sánh với nhau và thúc đẩy bản thân sản xuất ra thành phẩm tốt hơn.

Đương lúc bạn chỉ cần 8 tiếng mỗi ngày ở công sở, đây chính là cơ hội để bạn trau dồi bản thân ngày một tiến bộ. Vì chỉ khi dứt ra làm chủ, bạn sẽ hiểu “làm việc khi nào cũng được”, chính là “làm việc liên tục không ngơi tay”.

Kết

Không phải ai cũng là “main character” - nắm trong tay đầy đủ tư duy kinh doanh và tiềm lực tài chính để bắt đầu làm chủ một thứ gì đó.

Ý thức được điều này, bạn sẽ vững tâm theo đuổi một sự nghiệp của riêng mình. Khi bạn đã biết thế mạnh mình nằm đâu, bạn sẽ không còn băn khoăn với lựa chọn của người khác, đồng thời cũng nhìn nhận công tâm hơn trước sự muôn màu của thế giới.