Blade Runner và "tương lai thì quá khứ" | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 09, 2021

Blade Runner và "tương lai thì quá khứ"

Dù đã hơn 3 thập kỷ kể từ khi ra đời, những câu hỏi hiện sinh trong Blade Runner vẫn hữu quan hơn bao giờ hết trong thời đại 4.0 ngày nay.

Blade Runner và "tương lai thì quá khứ"

Blade Runner và những dự đoán của tương lai hơn 3 thập kỷ trước | Nguồn: Blade Runner (1982)

Sản xuất năm 1982 bởi đạo diễn Ridley Scott, Blade Runner là bộ phim lớn đầu tiên ở thể loại cyberpunk. Bộ phim đóng vai trò như lời cảnh tỉnh, tác phẩm đi ngược lại hoàn toàn đa số những dự đoán tích cực về thế giới tương lai trước đây trong điện ảnh. Những tư tưởng trong Blade Runner hữu quan hơn cả thời đại nó ra đời, xét về công nghệ và những ảnh hưởng của nó lên con người.

Kẻ đặt nền móng cho cyberpunk

Chuyển thể từ truyện ngắn Do Androids Dream of Electric Sheep? của Philip K. Dick, Blade Runner góp phần đặt tiền đề cho aesthetic (tạm dịch: thẩm mỹ) cyberpunk về sau. Bộ phim làm điều này thông qua việc kết hợp thể loại neo-noir với các yếu tố khoa học viễn tưởng của truyện.

Thẩm mỹ ấy được thể hiện qua những phim về sau như Ghost In The Shell, The Matrix hay Akira. Đó đều là những tác phẩm tuân theo chủ nghĩa “retro-futurism” (hay như cách dịch phổ biến, chủ nghĩa “tương lai thì quá khứ”).

Đặc điểm của phong cách retro-futurism là sự kết hợp giữa những chất liệu của quá khứ với những dự đoán (thường là không chính xác) về tương lai. Ví dụ như một bà nội trợ thập niên 1950 đang ngồi trên một chiếc xe oto bay để đưa con trai mình đến trường.

Blade Runner là một trong những ví dụ đầu tiên của retro-futurism và vẫn là một trong những tác phẩm được đánh giá cao nhất ở dòng phim này. 

 

Blade Runner dự đoán về thập niên 2010 ở thập niên 1980. | Nguồn: Blade Runner

Thẩm mỹ vượt thời đại 

Thông thường, người ta phải dùng những tính từ như “có tầm ảnh hưởng” hay được lặp đi lặp lại nhiều nhất là “đi trước thời đại” để miêu tả chất liệu thẩm mỹ của bộ phim. Nó bao gồm thời trang, cách sử dụng màu sắc, âm nhạc, và cốt truyện mang tính chất neo-noir đặt trong bối cảnh giả tưởng. 

Những ví dụ về các phim ảnh hưởng từ Blade Runner: The Matrix của chị em nhà Wachowski trong thập niên 1990; thập niên 2000 với Minority Report của Steven Spielberg. Thập niên 2010 với Ex Machina của Alex Garland và chính phần tiếp theo của Blade RunnerBlade Runner 2049

Cyberpunk không chỉ giới hạn trong điện ảnh. Trong thập nên 20, cũng có một tựa game tên là Cyberpunk 2077 với sự góp mặt của Keanu Reeves.

Trong âm nhạc, synthwave là một thể loại lấy cảm hứng từ những âm thanh trong các phim cyberpunk của thập niên 1980. Tại Việt Nam, synthwave đã có những bước đầu nhen nhóm phát triển trong cộng đồng âm nhạc underground.

Hơn một tác phẩm khoa học viễn tưởng

Blade Runner mang những nét nhân văn hiếm thấy ở các tác phẩm sci-fi. | Nguồn: Blade Runner

Khi so sánh với những phim sci-fi cùng thời, tầm nhìn của đạo diễn Ridley Scott về công nghệ tương lai ở trong Blade Runner mang nét nhân văn hơn. Cách truyền tải của bộ phim không chỉ đứng ở phương diện lý tính mà còn là cảm tính, thông qua diễn xuất của những gương mặt như Harrison Ford, Rutger Hauer, và Sean Young.

Nói theo một cách khác, Blade Runner là một bộ phim khắc họa nội tâm của con người có thể loại khoa học viễn tưởng, chứ không phải là phim khoa học viễn tưởng đơn thuần.

Những trope (dụ pháp) thường thấy như "thám tử cô độc" và femme-fatale (nhân vật nữ mang đến hiểm họa) cũng có mặt ở trong Blade Runner, nhưng được làm một cách có phần châm biếm. Điều này không làm mất đi những đặc tính khiến cho những trope đó lại lôi cuốn người xem.

Thực tại tăm tối trong Blade Runner

Hãy xét tới những gì mà Blade Runner đã dự đoán về mặt công nghệ. Ở thời điểm ra mắt, bộ phim đã gây nên nhiều bàn cãi khi đưa ra những dự đoán không mấy khả quan về sự phát triển của khoa học: xe oto bay, người máy với hình dạng con người, các kỹ thuật máy tính ứng dụng trong quân đội. Ví dụ như, chiếc máy tính cá nhân, một công nghệ đột phá ở đầu thập niên 1980 trong Blade Runner là một công cụ được khai thác để điều tra tung tích (một điều nay đã trở thành sự thật).

Khi ta so sánh với thời điểm bây giờ, những tiên đoán của Blade Runner không thực sự quá xa vời. Vào thập kỷ 2020, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo là minh chứng đầu tiên cho thấy nhân loại đang tiến vào thời đại mới, nơi máy móc và nhân tính ảnh hưởng lên nhau một cách rõ rệt.

Hai câu hỏi được đặt ra trong Blade Runner vẫn có thể được áp dụng vào thời đại ngày nay. Liệu loài người đã sẵn sàng để đón nhận những công nghệ mới - ở phạm trù nhận thức lẫn đạo đức? Và liệu máy móc sẽ hoàn thành đúng nhiệm vụ của nó?

Trong thời đại mà chiếc smartphone trở thành một thứ gắn liền với chính người sử dụng, ta có quá nhiều khả năng ở trong một cú chạm ngón tay lên màn hình. Chẳng phải khả năng nào cũng là theo hướng tích cực. Công nghệ, theo đúng trọng trách của nó, nên bổ trợ cho đời sống về tinh thần lẫn vật chất của con người. 

Có lẽ, ta nên nhìn nhận những tác phẩm như Blade Runner như một lời cảnh tỉnh, và cẩn trọng hơn trong cách sử dụng, nếu không muốn bị chính công nghệ...sử dụng chúng ta. 

Kết.

Bối cảnh trong cốt truyện của Blade Runner là năm 2019. Chúng ta đã đi qua nó được hai năm. Nhiều phim sci-fi kể từ khi Blade Runner ra đời đã có những concept lạ lẫm hơn và có thể là chính xác hơn về thế giới trong tương lai. Tiêu biểu như là Blade Runner 2049, phần kế tiếp của Blade Runner, ra mẳt năm 2017 có những dự đoán về tương lai năm 2049. 

Khi nhìn lại, Blade Runner vẫn là một trong các tác phẩm viễn tưởng được nhắc đến nhiều nhất ở dòng phim cyberpunk.

Có lẽ Blade Runner nằm bên ngoài quy phạm của không gian và thời gian vì cách thể hiện của nó về thực tại khó có thể gắn với một mốc nào đó trong lịch sử mà ta đang sống. Và cũng có lẽ, chính vì sự “mù mờ” về không-thời gian này đã khiến những tác phẩm như Blade Runner mới bất tử đến vậy.