Elle - Não trạng của biến thái hay chủ nghĩa hậu nữ quyền? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
05 Thg 12, 2020
Điện ẢnhDVD

Elle - Não trạng của biến thái hay chủ nghĩa hậu nữ quyền?

Sự nhục nhã không phải là một thứ cảm xúc đủ mạnh để ngăn cản chúng ta làm gì đó. Tin tôi đi.

Elle - Não trạng của biến thái hay chủ nghĩa hậu nữ quyền?

.

Elle (Nàng) là nhan đề của bộ phim tâm lý do đạo diễn người Hà Lan Paul Verhoeven dàn dựng, từng tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 2016 và gây tranh cãi vì chủ đề táo bạo của nó. Một số nhà phê bình coi đây là “rape comedy” – phim hài châm biếm về chủ đề hiếp dâm; trong khi một số khác thì nhận định đây là một tác phẩm khai thác chủ nghĩa hậu nữ quyền khi đi sâu khám phá bản chất của một người phụ nữ không dày vò, không hối lỗi, chưa bao giờ coi mình là nạn nhân hay tỏ ra là nạn nhân.

Hơn cả thế, qua khả năng diễn xuất xuất chúng của nữ diễn viên tài năng nhất điện ảnh Pháp đương đại Isabelle Huppert, bộ phim này còn trở thành một mẫu mực để nghiên cứu nhân vật (character study) – một hình mẫu nhân vật biến thái về não trạng.

Hành trình leo núi Everest không bình ô-xy

Một cây bút phê bình khi nhận định về bộ phim Elle (2016) đã so sánh quá trình xem bộ phim này với hành trình leo núi Everest mà không mang theo bình ô-xy. Một thứ không khí gây xâm xoàng choáng mắt. Và tất nhiên, là nguy hiểm chết người!

Tôi cho rằng đó là một mô tả khá chính xác cảm giác của người xem khi họ trở thành kẻ thứ 3 theo dấu chân của nhân vật nữ chính - Michèle Leblanc trong suốt hành trình của bộ phim. Một cuộc hành trình mà bà ta không vắng mặt bất cứ phân cảnh nào.

alt
Ống kính dõi từng bước đi của Michèle. | Nguồn: Sony Pictures Classics

Gần như 100% các phân cảnh của bộ phim đều có sự xuất hiện của Michele, bà ta di chuyển liên tục từ đầu đến cuối. Ống kính của ông đạo diễn Paul Verhoeven (Hà Lan) như một kẻ rình mò, bám theo dấu chân của bà ta ở khắp mọi nơi, và như một kẻ chỉ ghi lại tất cả những hành động của bà ta mà không đưa ra bình luận, không phán xét hay cảm thông gì cả. Đơn giản là "tôi thấy vậy và tôi ghi lại rồi để đây mà không nói gì".

Elle, Nàng, Cô ấy - ngôi thứ 3 chỉ giống cái. Nàng là một nửa thế giới. Nàng vừa là một cá thể duy nhất. Elle của Paul Verhoeven với diễn xuất đáng sợ của Isabelle Huppert thì đích xác là một cá thể duy nhất, một trong vài nhân vật nữ chính mang trong mình bản năng hủy diệt, một thứ giống cái có khả năng lật nhào cả thế giới và những kẻ ở cự ly gần khó có khả năng yên ổn.

Mở đầu phim là một cảnh hiếp dâm khá tàn bạo xảy ra ngay tại nhà của Michèle, một người phụ nữ trí thức trung niên thành đạt, đồng sở hữu một công ty sản xuất game, li dị chồng, sống với một con mèo mun mập ú. Một kẻ mang mặt nạ đột nhập từ cánh cửa sổ, quật ngã Michelle thô bạo xuống sàn, đập đầu bà ta xuống nền nhà, xé quần áo rồi hiếp dâm và đánh đập.

alt
Kẻ hiếp dâm. | Nguồn: Sony Pictures Classics

Xong việc, hắn lau tinh dịch, kéo quần và chuồn đi. Điều đáng nói là sau phút đầu hoảng loạn chống cự lúc bị hiếp, Michèle có vẻ thản nhiên sau đó. Bà ta kéo quần, lau dọn đống bát đĩa vỡ ngổn ngang, chẳng có ý định báo cảnh sát lẫn người thân, và... bốc điện thoại gọi sushi mang đến nhà.

Những mối quan hệ phức tạp và chồng chéo sau đó qua những cú máy trung cận bám đuổi và luôn có mặt ở những nơi Michèle xuất hiện đã dần dần mô tả thêm chân dung của người đàn bà quái đản này. Một dạng vừa là đàn bà thép ở công ty vừa là một mẫu phụ nữ tai quái khó tiêu hóa nổi trong các mối quan hệ gia đình hay bạn bè.

alt
Một người sinh ra đã khó ưa? | Nguồn: Sony Pictures Classics

Ở công ty, Michèle đúng là mẫu hình của một người đàn bà lãnh đạo có quyền sinh quyền sát với đám đàn ông ngầm chống đối. Trong mối quan hệ đời thường, Michèle và người chồng lăng nhăng có một đứa con trai có vẻ vô dụng và nhu nhược. Bà mẹ của Michèle còn kinh khủng hơn, sắp lên chức cụ nhưng đi cặp kè với một gã trai bao đáng tuổi cháu.

Bản thân Michèle hiện đang cặp kè với là chồng của cô bạn tri kỷ, đồng sở hữu công ty game. Michèle cũng mời căp vợ chồng hàng xóm sang ăn Giáng sinh để rồi đưa chân lần mò hạ bộ của anh chồng điển trai đã đánh mắt từ lâu.

alt
Nguồn: Sony Pictures Classics

Chưa hết, trong một quán ăn, một người đàn bà lớn tuổi đổ một khay rác thức ăn lên người Michèle và gọi bà ta là "mụ đàn bà quái đản". Mẹ của Michelle cũng gọi bà ta là quái dị. Thằng con trai, trong phút điên cuồng vì bạn gái mắng xối xả vào mặt do bà mẹ tác động, chửi vào mặt bà ta là một thứ quái thai hết thuốc chữa.

Những manh mối từ quá khứ lần lượt được khơi ra qua những cuộc đối thoại giữa các nhân vật. Hơn 30 năm về trước, một vụ án mạng rùng rợn gây chấn động cả nước Pháp. Một gã đàn ông có vẻ ngoài hoàn toàn bình thường, gia đình hạnh phúc yên ổn, không hiểu vì động cơ gì, một mình ra tay hạ sát dã man 26 mạng người, giết chết thêm 6 con chó và 3 con mèo. Hắn ta chỉ tha mạng cho một con chuột hamster. Gã đàn ông đó là cha của Michèle.

Những hệ quả từ biến cố kinh hoàng này đã mãi mãi phá hỏng Michèle vào năm 10 tuổi, khiến bà ta trở thành một kẻ quái đản, không có khả năng đón nhận hạnh phúc và thích kiểm soát, điều khiển kẻ khác. Và đó là lý do mà tận hơn 30 năm sau, vẫn có người đàn bà đổ khay thức ăn thừa vào người Michèle và gọi bà ta là "mụ đàn bà quái đản".

Người đàn bà mang mầm mống hủy diệt

Đấy chỉ là phần tóm lược của khoảng 1/3 bộ phim; và khi đã ít nhiều cung cấp đường dây nhân vật và những mối nối cơ bản, bộ phim bắt đầu mô tả những hành vi và cách hành xử không thể hiểu nổi của Michèle, một nhân vật mà từ khi xuất hiện đến khi kết thúc hoàn toàn không có sự thay đổi nào về tâm lý hay phát triển về tính cách.

Ta chỉ có thể lý giải những hành vi và động cơ của Michèle là một dạng hậu chấn thương tâm lý tuổi thơ tàn khốc làm biến dạng nhận thức của bà ta về một cuộc sống bình thường. Trong các mối quan hệ xung quanh Michèle luôn tỏ ra khó chịu khi kẻ khác hạnh phúc và tìm cách phá đám các mối quan hệ có dấu hiệu bền vững.

alt
Rình mò, và tấn công. | Nguồn: Sony Pictures Classics

Và dần dần khi bức màn được vén lên, choáng váng hơn bất cứ cú ‘twist’ (chi tiết đảo chiều) nào, ta hiểu rằng người đàn bà này đã vô phương cứu chữa, và có lẽ bà ta cũng không cần được cứu chữa.

Michèle vừa là một dạng đàn bà quái đản mang chứng sadomasochism (ác-thống dâm), vừa là một kẻ rối loạn hoạt động bản năng kiểu say mê xung động trong Tâm thần học của Freud. Đó có thể là hậu quả của sang chấn tâm lý tuổi thơ, cũng có thể là mầm mống điên rồ di truyền của ông bố, kẻ mà đến 30 năm sau bà ta vẫn thù hận và không bao giờ tha thứ.

Michèle là một vai diễn kinh khủng của Isabelle Huppert. Kinh khủng này xin hiểu trong ngoặc kép, một vai diễn như đã nói, xuất hiện trong tất cả các phân cảnh của bộ phim. Và ở mỗi phân cảnh, bà ta lại mang đến một mầm mống của tai họa hay sự hủy diệt.

alt
Ai sẽ là người tiếp theo bị huỷ hoại? | Nguồn: Sony Pictures Classics



Những dạng đàn bà nguy hiểm như thế này không phải là không có trên màn ảnh, nhưng tất nhiên đừng so sánh nhân vật này với kiểu "femme fatale" (nhân vật phụ nữ luôn mang đến hiểm họa cho đàn ông trong các mối quan hệ), một kiểu đàn bà hủy diệt hoàn toàn khác.

Nếu có thể so sánh, Michèle phần nào giống Amy Dunne trong bộ phim Gone Girl (Cô gái mất tích) vài năm trước, nhưng nhân vật này thiên về "pop" và gần gũi với văn hóa đại chúng kiểu Mỹ hơn là một dạng “hậu nữ quyền” đậm chất cựu lục địa như Elle.

Một dạng nhân vật nữ biến thái kiểu Michèle chỉ có thể là Erika Kohut trong The Piano Teacher (Cô giáo dương cầm - 2001), được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Áo đoạt giải Nobel văn chương Elfriede Jelinek. Cô giáo dương cầm do đạo diễn Michael Haneke dàn dựng, cũng chính do Isabelle Huppert đóng vai chính. Hai vai diễn đàn bà biến thái này là hai đỉnh cao trong sự nghiệp của Huppert, hai mẫu đàn bà đều có chung một mẫu số sadomasochism, mà để thỏa mãn bản năng của họ, nói như Michèle trong Elle: "Sự nhục nhã không phải là một thứ cảm xúc đủ mạnh để ngăn cản chúng ta làm gì đó. Tin tôi đi".

Isabelle Huppert – nữ diễn viên Pháp xuất chúng

Michèle Leblanc (Elle) và Erika Kohut (The Piano Teacher) là hai đỉnh cao về nhân vật và diễn xuất của Isabelle Huppert trong vòng 15 năm qua. Nhưng tôi muốn nhắc thêm một vai diễn xuất sắc khác của nữ diễn viên người Pháp này, đó là Nathalie Chazeaux, nữ giáo sư triết học trong bộ phim Things to Come (2016).

Điều may mắn là dù có hoàn cảnh ít nhiều giống hai nhân vật kia, Nathalie Chazeaux là một mẫu nhân vật mang “tính người” tuyệt đối, người chấp nhận những nghịch cảnh đến với mình bằng một thái độ mẫn tuệ. Câu nói của nữ giáo sư triết học này, có lần tôi đã nhắc tới, là "I'm lucky to be fulfilled intellectually" (Tôi may mắn vì được đủ đầy về trí tuệ).

Trong khi đó, Michelle và Erika là hai mẫu nhân vật mà sự biến thái kiểu "devil" (quái vật) chỉ có thể lý giải bằng não trạng, và tuyên ngôn của bọn họ là: "Shame isn't a strong enough emotion to stop us from doing anything at all. Believe me." (Sự nhục nhã không phải là một thứ cảm xúc đủ mạnh để ngăn cản chúng ta làm gì đó. Tin tôi đi).

alt
Nguồn: Sony Pictures Classics

Những vai diễn xuất sắc này biến Isabelle Huppert trở thành nữ diễn viên huyền thoại của điện ảnh Pháp đương đại, ngang tầm với Meryl Streep của điện ảnh Mỹ hay Hellen Mirren của điện ảnh Anh.

Bà vừa được tờ The New York Times bình chọn đứng thứ 2 trong 25 diễn viên vĩ đại nhất của thế kỷ 21, tính đến năm 2020.