Có phải các ứng dụng hẹn hò muốn bạn độc thân? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
21 Thg 03, 2022

Có phải các ứng dụng hẹn hò muốn bạn độc thân?

Nếu ai cũng có người yêu thì còn ai sử dụng ứng dụng hẹn hò?
Có phải các ứng dụng hẹn hò muốn bạn độc thân?

Nguồn: Pexels

Sự ra đời của các ứng dụng hẹn hò đã thay đổi cách mà thế hệ trẻ gặp gỡ và tìm hiểu nhau. Giai đoạn tìm đối tượng và làm quen giờ chỉ còn rút gọn với hai thao tác quẹt trái và phải.

Ban đầu, ứng dụng hẹn hò được dùng để giúp những người đồng tính nam ghép đôi. Tới năm 2012, sự ra đời của Tinder đã thay đổi hoàn toàn thị trường hẹn hò trực tuyến.

Tuy nhiên, các ứng dụng hẹn hò có thực sự muốn bạn có người yêu khi mà những người độc thân mới là đối tượng khách hàng chính? Để đạt được điều này, các ứng dụng hẹn hò đã áp dụng nhiều mẹo tâm lý, khiến chúng ta luôn quay lại sử dụng ứng dụng:

1. Trải nghiệm hẹn hò như chơi game

Cách thức hoạt động của ứng dụng hẹn hò tương tự như một trò chơi điện tử, khiến bạn dễ nghiện và quay lại tìm tới nó. Sean Rad, đồng sáng lập của Tinder, cũng từng nói rằng ông xem giao diện của Tinder như một trò chơi. Khi so sánh với các ứng dụng khác, người dùng cũng miêu tả trải nghiệm với Tinder rất vui. Nhưng chính xác thì Tinder hay các ứng dụng hẹn hò giống một game ở điểm nào?

Đầu tiên, đặc điểm của một trò chơi nằm ở việc luôn có thắng và thua. Tương tự, khi sử dụng ứng dụng hẹn hò, bạn “thắng" khi tìm được một người trùng (match) với mình và “thua" khi không có lượt match. Để tránh nhàm chán khi bạn cứ luôn thắng hay mãi thua thì thuật toán của Tinder sẽ luôn xen kẽ những lượt "match" vào trong trải nghiệm sử dụng của bạn.

alt
Tưởng hẹn hò nhưng thật ra là "trò chơi tình ái" | Nguồn: CTV

Tuy nhiên chỉ thế thôi sẽ không đủ khiến bạn tiếp tục hứng thú với trò chơi này. Điều khiến Tinder thu hút còn nằm ở tính khó dự đoán (theo Psychology Today). Bạn không biết đối tượng tiếp theo mình gặp là ai, làm gì hay có vẻ ngoài ra sao và sẽ xuất hiện khi nào. Cơ cấu này tương tự với các trò chơi đánh bạc. Khi bạn thắng một cách bất ngờ, não tiết ra dopamine như một phần thưởng khiến bạn cảm thấy hào hứng hơn hẳn.

Bên cạnh đó, theo như tâm lý học tiến hóa, bạn cũng sẽ được “thưởng dopamine" khi tiếp cận với đối tượng hẹn hò tiềm năng, hay nói cách khác là cơ hội duy trì nòi giống. Vậy nên, cảm giác này là lý do khiến bạn cứ mãi quay lại với "trò chơi" hẹn hò.

2. Bạn thích tín hiệu tốt hơn là trải nghiệm hẹn hò

Ban đầu khi mới sử dụng ứng dụng hẹn hò, bạn dễ cảm thấy thỏa mãn nhờ vào chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Theo thời gian, não bắt đầu quen với việc này và sẽ học được cách nhận biết các dấu hiệu tốt, có khả năng giúp não được "thưởng dopamine". Lúc này, chỉ cần tín hiệu tốt xuất hiện, dopamine sẽ được tiết ra. Chúng ta cảm thấy vui trước khi sự kiện đó bắt đầu.

Tinder làm được điều này bằng cách gửi thông báo rằng chúng ta đã quẹt trúng một đối tượng. Khi đã sử dụng Tinder được một thời gian dài, não bạn đã học được rằng đây là dấu hiệu tốt và bắt đầu tiết ra thêm dopamine gây hứng khởi. Vậy nên, việc nhận được tín hiệu có người "để ý" mình lại vui hơn là khi trò chuyện với họ.

3. Bạn có nhiều sự lựa chọn hơn cần thiết

Ứng dụng hẹn hò luôn đưa cho bạn rất nhiều sự lựa chọn, nhưng điều đó không có nghĩa bạn sẽ dễ dàng đưa ra quyết định hơn. Đây chính là paradox of choice hay nghịch lý của sự lựa chọn.

alt
Số lượng tỷ lệ nghịch với mức độ thõa mãn | Nguồn: Unsplash

Bạn sẽ khó đạt được sự hài lòng khi có quá nhiều ứng cử viên bày ra trước mắt. Lúc này, người dùng dễ mang tâm lý rằng ngoài kia chắc chắn sẽ có một sự lựa chọn tốt hơn đang đợi. Vậy nên, càng dùng Tinder nhiều, bạn lại càng khó tìm thấy đối tượng khiến bản thân thỏa mãn. Đây là cách mà bạn mãi loay hoay trong vòng lặp của Tinder.

Vậy nên, Helen Fisher, nhà nhân chủng học của Viện Kinsy, khuyên rằng, dù Tinder cho bạn 100 lượt quẹt mỗi ngày thì bạn cũng chỉ nên dừng ở 9 đối tượng mà thôi (nguồn: Vox).

4. Bản miễn phí cho bạn cả các “ứng cử viên" không thực sự phù hợp

Một thuật toán giới thiệu phổ biến mà các ứng dụng hẹn hò thường sử dụng là “collaborative filtering". Theo đó, hệ thống sẽ dựa trên hành vi và sở thích của một nhóm có điểm tương đồng với bạn để đưa ra gợi ý về đối tượng hẹn hò. Nói cách khác, bạn sẽ không thể thấy hết tất cả các lựa chọn khả thi phù hợp với mình, mà chỉ thấy được đối tượng phù hợp nhất với “nhóm" của bạn.

alt
Cách thức hoạt động của collaborative filtering | Nguồn: Research Gate

Bên cạnh đó, khi bạn đã quẹt trái quá nhiều lần và bỏ qua quá nhiều đối tượng, khả năng cao Tinder sẽ “tái chế” lại những lựa chọn cũ của bạn. Vậy nên, lựa chọn mới chưa chắc đã tốt hơn.

Vậy nên, khi bạn đang lướt trong vô vọng, những quảng cáo mua gói Tinder sẽ nhảy ra như một giải pháp cứu cánh ngay lập tức. Những quảng cáo này cũng áp dụng decoy effect (hiệu ứng chim mồi) với 3 lựa chọn gói sản phẩm dành cho bạn.

alt
Không có ứng dụng miễn phí nào thực sự miễn phí

Bên cạnh đó, gói cước mà ứng dụng muốn chúng ta mua sẽ có thêm chứng nhận "phổ biến nhất" (most popular). Đây chính là một dạng social proof (hiệu ứng lan truyền) khiến một người tin vào lựa chọn của mình dựa trên quyết định của đám đông.

5. Bạn không thật sự đi tìm tình yêu

Rất nhiều người sử dụng Tinder với mục đích khiến bản thân tự tin hơn. Thông qua số lượng người "hợp cạ" với mình trên ứng dụng, mức độ hài lòng về bản thân cũng tăng cao.

Điều này giải thích cho lý do một số người dù đang ở trong một mối quan hệ vẫn sử dụng Tinder để xác nhận “giá trị" của mình trên thị trường hẹn hò. Bên cạnh đó, Tinder thường sẽ không tiết lộ lý do tại sao bạn không hợp với một người. Bằng cách này, lòng tự trọng của bạn được bảo vệ.

Bên cạnh đó, ở phiên bản trả phí của Tinder, bạn còn có thể biết được hồ sơ của những người có hứng thú với bạn.

6. Ứng dụng hẹn hò không quan tâm tới việc bạn bị “bơ"

Sự bùng nổ của dịch vụ hẹn hò số đã thay đổi hành vi của con người. Một trong số đó chính là ghosting. Ngoài đời thật, việc cho một người ăn bơ được xem như thô lỗ và dễ đặt chúng ta vào tình trạng khó xử. Tuy nhiên, khi mọi tương tác là số hóa, việc từ chối cũng dễ dàng hơn.

Một phần nguyên nhân tới từ giao diện của các ứng dụng hẹn hò đã “vật hóa" một đối tượng, khiến họ giống nhân vật trong game hơn là người thật. Điều này làm gia tăng tính ái kỷ của người dùng khiến họ dễ trở nên ích kỷ và ghost người khác, bất chấp việc tạo ra thương tổn cho đối tượng.

alt
Bị ăn bơ tổn thương hơn bạn tưởng | Nguồn: Unsplash

Đối diện với hiện tượng ghost ngày càng phổ biến, các ứng dụng hẹn hò cũng đã có nhiều phương pháp “nhắc nhở” người dùng hãy trả lời tin nhắn nếu họ lơ quá lâu. Một số ứng dụng còn đưa ra những gợi ý câu trả lời cho người dùng.

Tuy nhiên, hành vi này có khả năng phản tác dụng. Theo nhà tâm lý học Maya Borgueta, những người ghost vì họ muốn tránh tranh cãi và đối diện với người khác. Vậy nên, những lời nhắc nhở này khiến người dùng cảm thấy họ đang bị đối chất bởi ứng dụng hẹn hò và bị ép làm điều họ không muốn. Vậy nên, các ứng dụng hẹn hò gần như đang không có giải pháp nào giúp chúng ta thoát khỏi sự tổn thương khi bị ghost cũng như ngăn chặn chuyện này xảy ra.

Kết

Ứng dụng hẹn hò cũng có những mặt trái tiêu cực của nó khi là một phần của nền kinh tế độc thân và góp phần thay đổi hành vi của con người. Tuy nhiên thì trong cuộc sống, đây cũng là nơi kết duyên cho nhiều cặp đôi.

Hiểu được bản chất của một công cụ giúp chúng ta biết cách sử dụng nó hiệu quả cũng như không rơi vào bẫy tâm lý. Bởi suy cho cùng, mục đích tối thượng của một doanh nghiệp vẫn quay về hai chữ lợi nhuận, các ứng dụng hẹn hò không thể nào làm ăn nếu ai cũng nhìn phát yêu luôn.