“Cánh bướm” phấp phới tại Venice
Liên hoan phim Quốc tế Venice lần thứ 81, một trong số năm LHP được mệnh danh là “Big Five” của điện ảnh quốc tế, đã chính thức khép lại vào ngày 7/9. Và giữa hàng loạt những “cây đại thụ” của làng phim được vinh danh, đại diện duy nhất của Việt Nam tại Venice năm nay cũng được xướng tên trong hai hạng mục danh giá.
Mưa Trên Cánh Bướm (tiêu đề tiếng Anh là Don’t Cry, Butterfly) là một trong bảy bộ phim được lựa chọn từ hơn 700 tác phẩm toàn cầu tham dự Tuần lễ phê bình phim quốc tế (Settimana Internazionale della Critica) trong khuôn khổ LHP Venice.
Tại đây, bộ phim dài đầu tay của đạo diễn/biên kịch Dương Diệu Linh đã mang về hai giải thưởng bao gồm Circolo del Cinema Verona (giải thưởng cho bộ phim sáng tạo nhất, được đánh giá bởi các nhà phê bình phim quốc tế dưới 35 tuổi) và Iwonderfull Grand Prize (giải thưởng dành cho bộ phim hay nhất tại Tuần lễ phê bình phim quốc tế).
Hòa quyện các yếu tố chính kịch, hài, kinh dị và hiện thực kỳ ảo, Mưa Trên Cánh Bướm kể về câu chuyện của bà Tâm, một người phụ nữ trung niên vô tình phát hiện ra chồng ngoại tình trực tiếp trên sóng truyền hình. Quyết giành lại chồng, bà tìm đến bùa ngải từ một thầy phép trên mạng, và vô tình mời gọi những thế lực siêu nhiên tới xâm chiếm ngôi nhà của mình.
Sau thành công tại Venice, Mưa Trên Cánh Bướm sẽ tiếp tục “chinh chiến” tại LHP Quốc tế Toronto (Canada) và LHP Quốc tế Busan (Hàn Quốc).
“Bướm” không khóc, và “Cu li”cũng không
Mưa Trên Cánh Bướm không phải bộ phim Việt Nam duy nhất trong năm 2024 được vinh danh trên trường quốc tế. Đầu năm nay, Cu Li Không Bao Giờ Khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân cũng đã được lựa chọn cho hạng mục Panorama tại LHP Quốc tế Berlin - hạng mục trình chiếu những bộ phim nghệ thuật độc lập có góc nhìn điện ảnh độc đáo và mới mẻ. Cu Li Không Bao Giờ Khóc đã được vinh danh với giải thưởng “Phim đầu tay xuất sắc nhất”.
Mưa Trên Cánh Bướm và Cu Li Không Bao Giờ Khóc có nhiều điểm tương đồng thú vị. Dễ nhận ra nhất, đó là công thức tên động vật và hành động không khóc trong tiêu đề (tiêu đề tiếng Anh của Mưa Trên Cánh Bướm là Don’t Cry, Butterfly). Cả hai tác phẩm đều được “chèo lái” bởi một nữ diễn viên gạo cội (NSND Minh Châu trong Cu Li Không Bao Giờ Khóc; diễn viên Tú Oanh trong Mưa Trên Cánh Bướm). Mối quan hệ mẹ-con gái là yếu tố quan trọng của cả hai bộ phim.
Nhưng sẽ là giản lược hóa quá đà nếu cho rằng đó là công thức thành công của Mưa Trên Cánh Bướm và Cu Li Không Bao Giờ Khóc. Nếu có tác nhân trực tiếp dẫn đến việc hai tác phẩm được yêu mến bởi giới phê bình quốc tế, điểm tương đồng đầu tiên phải kể đến là sự độc đáo tới từ tính cá nhân trong câu chuyện và chủ đề mà hai đạo diễn trẻ lựa chọn cho bộ phim dài đầu tay của họ. Những chủ đề mà họ đã luôn khai thác trong những bộ phim ngắn trước đây.
Mưa Trên Cánh Bướm được đánh giá là một tác phẩm đồng hành (companion piece) cho chuỗi các bộ phim ngắn của đạo diễn Dương Diệu Linh, bao gồm Mẹ, Con Gái, Những Giấc Mơ (2018), Ngọt, Mặn (2019), và Thiên Đường Gọi Tên (2020). Các tác phẩm này đều xoay quanh chủ đề về cuộc sống của người phụ nữ, mối quan hệ gia đình hay truyền thống văn hóa, và đều được tô điểm bởi các yếu tố hiện thực kỳ ảo.
Trước Cu Li Không Bao Giờ Khóc, đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã khai thác chủ đề về dòng chảy thời gian, về chủ nghĩa hiện sinh và sự phức tạp của xã hội thực tại qua các bộ phim ngắn Giòng Sông Không Nhìn Thấy (2020) và Một Khu Đất Tốt (2019). Cu Li Không Bao Giờ Khóc cũng tới từ những cảm giác đã hằn in trong ký ức của đạo diễn từ thuở nhỏ.
Không chỉ đến từ những xúc cảm và chiêm niệm rất cá nhân của hai người đạo diễn, Mưa Trên Cánh Bướm và Cu Li Không Bao Giờ Khóc cũng được thêu dệt đầy tinh tế những yếu tố văn hóa và xã hội đặc trưng của đất nước, để tạo ra hai câu chuyện đậm chất Việt Nam, chỉ có thể được kể ở Việt Nam.
Nhưng đó là những lát cắt của Việt Nam rất cụ thể, rất riêng, và trước đây hiếm khi được thể hiện qua màn ảnh, chưa nói tới việc giới thiệu cho bạn bè quốc tế.
Bài đánh giá bộ phim Cu Li Không Bao Giờ Khóc của International Cinephile Society truyền đạt chính xác nhất luận điểm này khi nói rằng “[Phạm Ngọc] Lân đã tạo ra một hình ảnh về Việt Nam [...] rất khác biệt so với những gì thường thấy trên màn ảnh”, lấy ví dụ về sự vắng bóng của những khung cảnh phố phường Hà Nội đông đúc nhộn nhịp hay xuất hiện trong các bộ phim khác.
Những tác phẩm như Mưa Trên Cánh Bướm và Cu Li Không Bao Giờ Khóc đánh dấu một thế hệ các nhà làm phim trẻ của Việt Nam được kể những câu chuyện rất riêng biệt và gần gũi với họ. Những góc nhìn và lát cắt văn hóa/xã hội mới mẻ, chưa xuất hiện nhiều trong điện ảnh Việt trước kia, nhưng vẫn “đậm chất Việt Nam” hơn bao giờ hết.
Đó là công thức cho thành công của Mưa Trên Cánh Bướm và Cu Li Không Bao Giờ Khóc, chứ không chỉ đơn giản là tiêu đề về việc không khóc của một loài vật. Nhưng nó vẫn làm ta tự hỏi, liệu con vật nào sẽ không khóc tiếp theo để điện ảnh Việt Nam lại được dịp cười tươi tại các LHP quốc tế?