Nếu chọn một đạo diễn người Việt đại diện cho điện ảnh và tâm hồn người Việt Nam trong thế kỷ 20, với tôi, đó là đạo diễn Đặng Nhật Minh. Và nếu được chọn duy nhất một bộ phim để đại diện cho điện ảnh Việt Nam ra thế giới, tôi sẽ chọn Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười.
Nhân tháng phim Đặng Nhật Minh “Bây Giờ Đã Đến Tháng Mười” trình chiếu 9 bộ phim trong suốt sự nghiệp điện ảnh dài hơn 5 thập kỷ của ông tại rạp DCine Bến Thành (TPHCM), Vietcetera xin giới thiệu 4 bộ phim kinh điển nhất trong số đó, hay nói không quá lời, đây là 4 kiệt tác điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Thị Xã Trong Tầm Tay (1983)
Thị Xã Trong Tầm Tay là phim truyện nhựa đầu tay của Đặng Nhật Minh; bộ phim mà, như ông nói, là kết quả sau nhiều năm bế tắc với công việc biên dịch cho những bộ phim Nga hoặc làm đồng đạo diễn phim tài liệu. Ông muốn làm một điều gì đó để thay đổi. Sự thay đổi này phải bắt nguồn từ chính nội tâm của ông trước sự thay đổi của xã hội và tâm hồn của người Việt Nam khi cuộc chiến tranh đã kết thúc.
Chuyến thực địa lên Lạng Sơn sau khi thị xã này bị tàn phá bởi chiến tranh biên giới (1979) đã mang lại chất liệu và cảm hứng để ông bắt tay vào bộ phim đầu tiên với vai trò biên kịch và đạo diễn.
Bộ phim này cũng mở ra sự nghiệp điện ảnh lớn và biến ông thành một trong số ít tác giả thực thụ (auteur) của điện ảnh Việt Nam. Đạo diễn Đặng Nhật Minh trung thành với con đường đã chọn: chỉ đạo diễn những phim do chính ông biên kịch và phản ánh nhân sinh quan của riêng ông về thân phận con người, suy tư về thời cuộc, xã hội với cái nhìn ít nhiều phản tỉnh thay vì tuyên truyền, ca ngợi một chiều như hầu hết phim cùng thời.
Thị Xã Trong Tầm Tay có bối cảnh ở Lạng Sơn vài năm sau cuộc chiến tranh biên giới 1979. Nó từng khắc ghi mối tình đầu trong sáng lãng mạn giữa Vũ (Tất Bình) và Thanh (Quế Hằng) thời họ đang là sinh viên. Nhưng vì lý lịch "không trong sáng" của Thanh (có cha trốn vào Nam) trong thời điểm chính trị nhạy cảm có thể sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp đang mới bắt đầu của Vũ, anh ta rời bỏ Thanh để tránh liên lụy đến mình.
Phim mở đầu bằng chuyến tàu của Vũ, lúc này là một nhà báo - lên Lạng Sơn hai năm sau cuộc chiến biên giới để viết phóng sự về sự tàn phá của Trung Quốc lên thị xã bé nhỏ này. Trong tiếng ầm ào của đoàn tàu, Vũ nhớ lại những hồi ức về mối tình đầu trong sáng.
Thủ pháp đan xen giữa quá khứ và hiện tại này xuyên suốt bộ phim, đi theo dòng tâm tưởng và những cắn rứt lương tâm của Vũ, một người trí thức trẻ tuổi hơn là một cuộc mô tả trực diện về thời cuộc, dù hình ảnh đổ nát sau chiến tranh của một thị xã bé nhỏ xuất hiện xuyên suốt làm bối cảnh cho bộ phim của ông. Hay nói cách khác, thông qua hình ảnh của Vũ, đạo diễn muốn thể hiện một thông điệp mạnh mẽ của thời cuộc lúc bấy giờ sau cuộc chiến tranh biên giới: “Hèn nhát cũng có thể là một tội ác”.
Đây là thủ pháp điện ảnh đầy hiện đại và rất mới, có lẽ chưa bao giờ xuất hiện ở thời điểm đó. Đặng Nhật Minh trong cuốn hồi ký điện ảnh gần đây cũng thừa nhận đó là bộ phim đậm chất điện ảnh nhất của ông.
Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười (1984)
Chỉ một năm sau bộ phim truyện dài đầu tay Thị Xã Trong Tầm Tay giành giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ sáu năm 1983, đạo diễn Đặng Nhật Minh tiếp tục giành giải Bông sen vàng lần thứ hai với bộ phim thứ hai Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười tại LHP Việt Nam lần thứ bảy năm 1985.
Không chỉ vậy, bộ phim này còn trở thành một kiệt tác kinh điển của điện ảnh Việt Nam thời hậu chiến, giành nhiều giải thưởng quốc tế. Năm 2008, Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười được kênh CNN của Mỹ vinh danh là một trong mười tám bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại, cùng với những bộ phim kinh điển của các tên tuổi lớn như Akira Kurosawa (Nhật Bản), Trương Nghệ Mưu, Giả Chương Kha (Trung Quốc), Vương Gia Vệ (Hồng Kông), Bong Joon-ho (Hàn Quốc), Apichatpong Weerasethakul (Thái Lan)...
Với bộ phim này, đạo diễn Đặng Nhật Minh hướng ống kính của ông đến những thân phận của con người bình dị hoặc dễ bị bỏ quên trong xã hội trong một câu chuyện tréo ngoe của số phận. Kịch bản được ông viết từ những trải nghiệm thực tế, vừa là nỗi đau của gia đình ông (bố ông, giáo sư-bác sĩ Đặng Văn Ngữ hy sinh trong chiến tranh) vừa là nỗi đau của hàng triệu gia đình mất con, hàng trăm ngàn phụ nữ trở thành những hòn vọng phu mòn mỏi chờ chồng trở về sau chiến tranh.
Câu chuyện phim diễn ra ở một làng quê nghèo, với dòng sông chảy qua làng, với cánh đồng lúa thẳng tắp, với sân đình, chiếu chèo, miếu Thành hoàng... thấm đẫm không gian văn hóa Bắc Bộ.
Phim mở đầu với hình ảnh Duyên (Lê Vân đóng), một phụ nữ đang đi trên cánh đồng làng, tay xách nách mang. Máy quay cận cảnh gương mặt với nỗi buồn u ẩn và dường như đang tính toán xa xăm điều gì đó. Chị trở về nhà sau chuyến đi thăm chồng ở biên giới Tây Nam với nỗi đau phải chôn giấu: người chồng đã hy sinh trên mặt trận.
Trên chiếc thuyền qua sông, khi nhìn lại tấm giấy báo tử, Duyên đau đớn đến ngất xỉu và ngã xuống sông rồi được thầy giáo Khang (Hữu Mười) nhảy xuống cứu. Trở về nhà, Duyên phải giấu cái chết của chồng với gia đình, đặc biệt là người bố chồng đang bị bệnh nặng và đứa con trai nhỏ đang mong ngóng người cha trở về. Chôn chặt nỗi đau vào trong, cũng có thể cùng với một niềm hy vọng mong manh người ta báo tin nhầm, Duyên nhờ thầy giáo Khang “đóng giả” chồng viết những lá thư gửi về cho gia đình, đặc biệt là trong ngày giỗ của người mẹ, vốn là thời điểm cả gia đình, dòng họ cùng đoàn tụ.
Ngoài Duyên, chỉ có thầy giáo Khang là người duy nhất biết bí mật của chị. Thương Duyên phải chịu đựng nỗi đau một mình, Khang viết cho Duyên một lá thư khuyên chị hãy nói sự thật với gia đình nhà chồng. Nhưng lá thư này không đến tay Duyên mà rơi vào tay người chị dâu, khiến vợ chồng họ nghi ngờ Duyên và thầy giáo Khang có quan hệ yêu đương bất chính trong khi chồng Duyên đang phục vụ ngoài mặt trận...
Đạo diễn Đặng Nhật Minh sử dụng rất nhiều thủ pháp điện ảnh để mô tả nỗi đau và tình thế ngang trái, trớ trêu của Duyên. Khi trở về nhà, một mặt chị phải nuốt nước mắt vào trong, một mặt chị phải vờ thể hiện niềm vui của một người vợ vừa vào chiến trường thăm chồng trở về trước mặt người cha già đang ốm yếu, đứa con trẻ ngây thơ và hàng xóm láng giềng hiếu kỳ.
Để rồi khi còn lại một mình, chị đối diện với nỗi đau không thể chia sẻ cùng ai. Ở những cảnh này, đạo diễn sử dụng thủ pháp hồi ức, dẫn dắt khán giả trở về quá khứ để tái hiện lại sự trong trẻo của Duyên và mối tình lãng mạn của cô với người chồng (do Đặng Lưu Việt Bảo đóng), một chàng thanh niên đam mê thả diều trên bến sông.
Tiếng cười lanh lảnh hồn nhiên của Duyên ở bến sông lúc đang trêu đùa người chồng có tính cách trẻ con và nỗi đau của người góa phụ với giọt nước mắt trên mi là hai hình ảnh đối lập, dù với một thủ pháp điện ảnh cổ điển, nhưng vẫn tạo hiệu quả tuyệt vời về mặt cảm xúc.
Một trong những cảnh xuất sắc nhất là cảnh Duyên diễn cảnh chèo ở sân đình, với trường đoạn người vợ tiễn chồng lên đường ra trận, nguyện thay mặt anh ở nhà chăm sóc mẹ già. Đang trong tâm trạng rối bời và chịu đựng nỗi đau khôn tả, tâm trạng của người vợ trong trích đoạn chèo Trương Viên cũng chính là tâm trạng của Duyên. Không chịu đựng được nỗi đau này, Duyên đã không diễn hết trích đoạn chèo mà bỏ chạy ra khỏi sân khấu, chạy đến miếu thờ Thành hoàng.
Mượn một trích đoạn chèo cổ để thể hiện tâm trạng của nhân vật là thủ pháp lồng ghép chuyện trong chuyện, kịch trong phim. Nó có thể không mới về thủ pháp, nhưng là một sáng tạo về dàn cảnh và diễn xuất của nhân vật. Và ở cao trào của nó, nỗi đau của nhân vật (ở đây là người vợ trong vở chèo) và nỗi đau của diễn viên (Duyên) như hòa làm một và khiến khán giả nhòa lệ.
Mãi đến sau này khi xem Bá Vương Biệt Cơ (1994) của đạo diễn Trần Khải Ca, tôi mới gặp lại một cảnh dàn dựng chuyện trong chuyện, kịch trong phim (cảnh Ngu Cơ - do Trương Quốc Vinh đóng - vĩnh biệt người chồng là Sở Bá Vương Hạng Vũ - do Trương Phong Nghị đóng) đạt đến hiệu quả thẩm mỹ và xúc cảm tương tự. Bá Vương Biệt Cơ ra mắt sau Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười gần một thập kỷ.
Ngay sau cảnh trích đoạn vở chèo dang dở trên sân đình làng, Đặng Nhật Minh tiếp tục sử dụng một chất liệu tâm linh mang tính dân gian - cảnh phiên chợ Âm Dương ở miếu Thành Hoàng, nâng bộ phim lên một tầm cao mới. Cảnh tái diễn phiên chợ Âm Dương này là một trong những cảnh siêu thực có tính tâm linh đặc sắc nhất trong điện ảnh Việt Nam đến nay, đồng thời cũng nâng tầm tư tưởng và tính nhân bản của Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười, cho dù lúc mới làm xong, bộ phim đã phải trải qua 13 lần kiểm duyệt vì cho rằng “mang màu sắc huyền bí và tuyên truyền mê tín dị đoan”.
Nếu chọn một phim Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế, một bộ phim hoàn hảo từ nội dung đến nghệ thuật, từ sáng tạo của đạo diễn đến diễn xuất tinh tế của diễn viên; một bộ phim mang đậm bản sắc và tâm hồn của người Việt Nam, với tôi, Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười có lẽ là lựa chọn xác đáng nhất.
Thương Nhớ Đồng Quê (1996)
Thương Nhớ Đồng Quê là một trong hai bộ phim mà Đặng Nhật Minh không viết kịch bản từ ý tưởng gốc của ông, mà chuyển thể từ tác phẩm văn học (các phim còn lại đều do ông đạo diễn từ kịch bản của chính mình). Nhưng cho dù được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp, Thương Nhớ Đồng Quê vẫn rất gần với phong cách những phim nổi bật trước đó của ông, điển hình là Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười và Mùa Ổi.
Phong cách tác giả của Đặng Nhật Minh được thể hiện qua cách ông chọn khai thác những đề tài về con người bình thường trước những biến động của thời cuộc hay lịch sử. Dấu ấn Việt Nam thể hiện đậm nét trong phim của ông qua những tập tục, tín ngưỡng hay văn hóa truyền thống, những nét sinh hoạt dung dị đời thường và thường được lồng ghép khéo léo vào mạch tự sự của câu chuyện.
Vẻ đẹp trong phim ông tự nhiên, nhuần nhị mà giàu cảm xúc; góc nhìn khách quan, ít can thiệp, sắp đặt nhưng chi tiết sống động, ngồn ngộn sức sống, đặc biệt là hình ảnh làng quê nông thôn miền Bắc Việt Nam...
Chính những điều này làm nên sự riêng biệt và xác lập một vị thế không thể trộn lẫn của Đặng Nhật Minh trong điện ảnh Việt Nam. Thương Nhớ Đồng Quê một lần nữa làm đậm thêm phong cách tác giả của ông.
Cho dù bộ phim vẫn được kể lại qua quan sát và tự sự độc thoại của Nhâm, Thương Nhớ Đồng Quê của Đặng Nhật Minh khác truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp ở chỗ ông không tập trung vào một nhân vật trung tâm, mà hướng ống kính vào ba nhân vật chính, tạo thành một tam giác ảnh hưởng và bổ trợ cho nhau. Đó là Nhâm, chị Ngữ, Quyên. Ở Nhâm, ta thấy tâm hồn nhạy cảm của một chàng trai mới lớn mơ mộng và nhiều ưu tư. Ở chị Ngữ, ta thấy chân dung của một phụ nữ ở làng quê với những nỗi niềm bị kìm nén. Và Quyên, như một con rắn đã lột da, với sự tự do, phóng khoáng của kẻ đã ra đi lẫn những ký ức ngọt ngào ở đồng quê thời thơ ấu của mình, là hình mẫu mà cả Nhâm lẫn chị Ngữ đều hướng tới.
Ngoài ba nhân vật chính này, hệ thống các nhân vật phụ trong phim, dù có tính cách hay được điểm xuyết qua lời kể của Nhâm, vẫn hiện lên sống động. Cuộc sống của người nông dân ở làng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, vẫn mắc kẹt trong cái vòng tròn luẩn quẩn của khổ cực, đói nghèo, thiếu học, tha hương kiếm sống cứ lặp đi lặp lại từ đời này qua đời khác. Chi tiết này được thể hiện qua cuộc đối thoại giữa người thầy giáo và Quyên trên một chuyến đò.
Thương Nhớ Đồng Quê là một bộ phim mô tả vẻ đẹp bình dị của cuộc sống làng quê và mang đậm dấu ấn Việt Nam, nhưng ẩn sau sự bình yên đó là một thế giới hiện thực khắc nghiệt với nhiều đắng cay của người nông dân trước số phận ngàn đời của mình cũng như trước những thay đổi khó lường của cuộc sống bắt đầu bước vào giai đoạn kinh tế thị trường.
Mùa Ổi (2000)
Đặng Nhật Minh là đạo diễn Việt Nam hiếm hoi mà trong mỗi bộ phim đều thể hiện một cái nhìn về thời cuộc, về xã hội ông đang sống thông qua những câu chuyện điện ảnh. Ông không tham vọng đại tự sự mà thường hướng ống kính đến những phận người nhỏ bé, những kẻ bên lề, bị chối bỏ, bị tước đoạt không gian sống và ký ức tuổi thơ.
Mùa Ổi, lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về người thân của ông (gia đình bên vợ) và được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên do chính ông viết là một bộ phim như thế, một dụ ngôn cay đắng về sự đánh mất ký ức, mà nói như bình luận của một tờ báo Pháp khi bộ phim được chiếu thương mại ở nước này: “Mùa ổi có hương vị một trái ổi nhỏ của Proust.”
Nhân vật chính của Mùa Ổi là ông Hòa (Bùi Bài Bình đóng), một người đàn ông trung niên không bình thường, sống cô độc không vợ con. Tuổi đã ngoài bốn mươi, ông vẫn giữ ký ức của một đứa trẻ mười ba tuổi. Năm đó, một lần trèo cây ổi hái quả trong căn nhà của gia đình mình, ông bị ngã, và di chứng của tai nạn đó khiến trí óc ông mãi mãi dừng lại ở độ tuổi trẻ thơ này.
Người thân duy nhất và yêu thương, quan tâm đến ông là Thủy (Lan Hương đóng), người em gái tần tảo thường đến nhà để chăm sóc ông. Thế giới nhỏ bé quanh ông còn có một cô gái Hà Nội xinh đẹp, chủ nhân ngôi nhà nơi gia đình ông từng cư ngụ, và một cô gái quê lên Hà Nội đi làm mẫu vẽ thuê cho sinh viên mỹ thuật, những người phần nào đồng cảm với sự thiệt thòi của ông.
Những người còn lại xung quanh đều coi ông như một kẻ dở hơi. Trong một lần trèo vào căn nhà xưa được sống trong ký ức tuổi thơ, ông Hòa bị khép tội đột nhập trái phép và buộc phải đưa đi bệnh viện tâm thần. Được em gái đón trở về nhà, sự hoảng sợ đã khiến ông Hòa đã đánh mất hoàn toàn ký ức, kể cả là ký ức của một đứa trẻ mười ba tuổi, mặc cho những trái ổi chín mà em gái ông chuẩn bị để đánh thức khứu giác tuổi thơ của ông...
Nhờ đào sâu vào những trăn trở thầm kín của ký ức, nhờ cái nhìn nhạy cảm và tinh tế về thời cuộc, nhờ những hình ảnh nhiều sức gợi hơn là biểu hiện, Mùa Ổi lưu giữ lại ký ức của một con người, một xã hội, một đất nước với những ẩn dụ khéo léo và ngôn ngữ điện ảnh của một bậc thầy thấu cảm được tâm lý của những nhân vật bên lề xã hội. Đây có lẽ là lý do khiến Mùa Ổi của Đặng Nhật Minh nhận được đánh giá tích cực của giới phê bình quốc tế, đoạt giải thưởng tại những LHP tiếng tăm như Locarno (Thụy Sĩ) và được mua bản quyền để chiếu thương mại tại Pháp.
Trong những đánh giá của giới phê bình điện ảnh Pháp, tôi đặc biệt chú ý đến hai nhận định của hai tờ báo lớn. Tờ Studio gọi Mùa Ổi là “một kiệt tác đầy chất thơ. Tiết tấu về dàn cảnh, vẻ đẹp hình ảnh và lối diễn xuất dung dị của diễn viên đã hài hòa với nhau một cách hoàn hảo”.
Còn tờ Le Monde thì nhận định: “Mùa Ổi đã đưa ra cái nhìn phê phán những biến đổi tiêu cực của xã hội từ thời bao cấp sang thời kinh tế thị trường, khi đồng tiền ngự trị. Trong phim căn nhà đã nhiều lần đổi chủ. Chủ nhân đầu tiên là một luật sư thuộc tầng lớp tiểu tư sản trí thức của Hà Nội, sau đó căn nhà thuộc quyền sở hữu của nhà nước rồi đến một doanh nhân của thời kinh tế thị trường và cuối cùng là một công ty liên doanh với nước ngoài. Ẩn dụ này phản ánh sự biến động của một xã hội bị lối sống hám lợi xói mòn. Cái vẻ điên của ông Hòa tự nó nói lên nhiều điều hơn chúng ta tưởng”.