Làm sao để vận dụng quy luật đảo ngược trong cuộc sống? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
26 Thg 12, 2021

Làm sao để vận dụng quy luật đảo ngược trong cuộc sống?

Theo Mark Manson tâm lý của chúng ta là một nghịch lý. Càng theo đuổi một trạng thái tâm lý ta sẽ càng không đạt được nó.
Làm sao để vận dụng quy luật đảo ngược trong cuộc sống?

Nguồn: Unsplash

Tiếp nối bài viết "Quy luật đảo ngược – Khi cố quá thành 'quá cố'" dưới đây là phần tiếp theo của bài viết "Why the Best Things in Life Are All Backwards" , được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Nghịch lý của tâm trí

Aldous Huxley đã từng viết “Càng cố làm điều gì đó một cách ý thức, cơ hội thành công của ta càng thấp hơn. Sự thông tuệ và kết quả chỉ đến với những ai hiểu được nghệ thuật nghịch lý giữa làm và không làm, giữa hoạt động và nghỉ ngơi.”

Tâm lý của chúng ta về cơ bản là nghịch lý. Khi chúng ta cố ý tạo ra một trạng thái tâm trí, một trạng thái khác sẽ được sinh ra và thường thì nó đối lập với trạng thái mà ta khao khát.

Sự thông tuệ và kết quả chỉ đến với những ai hiểu được nghệ thuật nghịch lý giữa làm việc và nghỉ ngơi. | Nguồn: Unsplash

Đây được gọi là “Quy luật đảo ngược” mà tôi đã giải thích trong chương 1 của cuốn sách ‘Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm’: khao khát trải nghiệm tích cực tự nó là một trải nghiệm tiêu cực, chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực là một trải nghiệm tích cực.

Điều này trải dài đến hầu hết (nếu không muốn nói là tất cả) các khía cạnh của sức khỏe tâm tâm thần và mối quan hệ của chúng ta:

1. Sự kiểm soát

Càng cố kiếm soát cảm xúc và thôi thúc của bản thân, chúng ta càng cảm thấy bất lực hơn. Đời sống tình cảm của ta luôn khó nắm bắt và khao khát kiểm soát chỉ khiến mọi thứ tệ hơn. Ngược lại, càng chấp nhận cảm xúc và thôi thúc của mình, chúng ta càng có nhiều khả năng định hướng và xử lý chúng.

2. Tự do

Trớ trêu thay, khao khát tự do lại hạn chế chúng ta. Nhưng bằng cách đặt ra giới hạn - chỉ lựa chọn và cam kết thực hiện một số điều nhất định - chúng ta mới thực sự nắm bắt tự do của mình.

3. Hạnh phúc

Càng cố trở nên hạnh phúc ta càng cảm thấy ít hạnh phúc hơn. Chấp nhận khổ đau mới khiến ta hạnh phúc.

4. Sự an toàn

Càng cố khiến cho bản thân cảm thấy an toàn, chúng ta càng cảm thấy bất an hơn. Thoải mái trước những gì không chắc chắn mới mang lại cảm giác an yên.

5. Tình yêu

Càng cố làm cho người khác yêu thương và chấp nhận chúng ta, họ sẽ càng ít yêu ta. Quan trọng hơn, ta càng cảm thấy ít yêu thương và chấp nhận mình.

Càng cố làm cho người khác yêu ta, ta càng ít yêu thương chính mình. | Nguồn: Unsplash

6. Sự tôn trọng

Càng đòi hỏi sự tôn trọng từ người khác, họ sẽ càng ít tôn trọng ta hơn. Sự tôn trọng ta dành cho người khác sẽ tỷ lệ thuận với sự tôn trọng mà ta nhận được.

7. Niềm tin

Càng cố khiến cho mọi người tin tưởng, họ sẽ có xu hướng ít làm vậy hơn. Càng trao đi niềm tin, chúng ta sẽ càng nhận về nhiều hơn.

8. Sự tự tin

Càng cố cảm thấy tự tin, ta càng tạo ra nỗi bất an và lo âu nhiều hơn. Càng chấp nhận lỗi lầm của bản thân, ta càng thoải mái hơn với chính mình.

9. Sự thay đổi

Càng khao khát thay đổi bản thân, chúng ta sẽ luôn cảm thấy mình chưa đủ. Trong khi đó, càng chấp nhận bản thân, ta sẽ càng trưởng thành và tiến bộ hơn bởi vì chúng ta thực sự quá bận rộn để thực hiện những điều thú vị mà có khi chẳng nhận thấy.

10. Ý nghĩa

Càng theo đuổi ý nghĩa hoặc mục đích sâu sắc trong đời, chúng ta sẽ càng trở nên tự ám ảnh và nông cạn hơn. Càng cố gắng tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống của người khác, chúng ta sẽ càng cảm nhận được tác động sâu sắc đến mình.

Để tâm trí đạt được những điều nó khao khát

Những trải nghiệm tâm lý nội tại này tồn tại trên một đường cong đảo ngược bởi vì chúng vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của cùng một thứ: tâm trí của chúng ta. Khi bạn khao khát hạnh phúc, tâm trí của bạn vừa đang khao khát vừa đang trở thành mục tiêu được khao khát.

Khi nhắc đến những mục tiêu hiện sinh, trừu tượng, cao cả này, tâm trí của chúng ta giống như một chú chó. Sau một đời săn bắt các sinh vật nhỏ bé khác, đã quay lại và quyết định tự đuổi theo chiếc đuôi của mình.

Điều này có vẻ hợp lý dưới góc nhìn của chú chó. Suy cho cùng, nhờ vào trò đuổi bắt mà nó đã tóm được nhiều thứ.

Nhưng một con chó không bao giờ có thể bắt được đuôi của chính mình. Càng đuổi theo, nó càng vuột mất cái đuôi. Đó là bởi vì con chó thiếu góc nhìn để nhận ra rằng mình và chiếc đuôi là một.

Mục đích là khiến tâm trí bạn - thứ đã dành cả đời để chạy đuổi theo những sinh vật khác nhau - nhận ra rằng nó nên ngừng đuổi theo cái đuôi của chính mình. Ngừng theo đuổi ý nghĩa, tự do và hạnh phúc bởi vì điều đó chỉ càng đẩy chúng ra xa.

Hãy khiến tâm trí của bạn nhận ra nó lên ngừng đuổi theo cái đuôi của mình. | Nguồn: Getty Images

Hãy dạy tâm trí đạt được những gì nó khao khát bằng cách buông bỏ chính những điều ấy, khiến nó thấy rằng cách duy nhất để nổi là chìm xuống.

Và làm thế nào để ta thực hiện điều đó? Bằng cách chấp nhận, từ bỏ và quy hàng. Không bắt nguồn từ sự yếu đuối mà đến từ sự tôn trọng dành cho những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của ta.

Bằng cách nhận ra rằng chúng ta mong manh, hữu hạn và chỉ là những đốm sáng tạm thời trong khoảng thời gian vô hạn. Bằng cách từ bỏ quyền kiểm soát, không phải vì cảm thấy bất lực, mà bởi vì bạn quyền lực.

Bạn quyết định buông bỏ những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Bạn quyết định chấp nhận rằng đôi khi mọi người sẽ không thích bạn, rằng sẽ có những lúc mình gặp thất bại, rằng bạn thường không biết mình đang làm gì.

Bạn chìm vào nỗi sợ hãi và bất định, và chỉ khi bạn nghĩ rằng mình sắp chết đuối, ngay khi bạn chạm đến đáy, nó sẽ đưa bạn trở lại sự cứu rỗi của mình.