Làm sao để yêu mà không đánh mất chính mình? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
28 Thg 02, 2021

Làm sao để yêu mà không đánh mất chính mình?

Cải thiện mối quan hệ phụ thuộc một phía, từ không-thể-sống-thiếu-nửa-kia trở thành yêu-nhưng-không-đánh-mất-chính-mình.
Làm sao để yêu mà không đánh mất chính mình?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Codependent relationship, hiểu chính xác nhất là “mối quan hệ đồng phụ thuộc” hoặc “mối quan hệ phụ thuộc một phía”, là khi hai bên đều quá lệ thuộc vào người còn lại, tới mức không thể sinh hoạt độc lập. Trong mối quan hệ này, bên bị động (passive) không thể tự đưa ra quyết định, còn bên ưu thế (dominant) thì có cảm giác thỏa mãn và được cần đến.

Nếu nhận ra mình hoặc người yêu, người bạn đời đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng không-thể-sống-thiếu-nửa-kia, tiếp theo nên làm gì?

Cải thiện mối quan hệ phụ thuộc một phiacutea 1
Làm sao để thoát khỏi việc phụ thuộc một phía, vẫn yêu nhưng không đánh mất chính mình?

Đâu là hình thái lành mạnh hơn mà bạn nên hướng tới?

Trái với mối quan hệ phụ thuộc một phía, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau (interdependent relationship) là một hình thái lành mạnh và bền vững cho đôi bên hơn.

Trong đó, cả hai người sẽ tôn trọng sự hiện diện của nhau và chủ động lựa chọn cách mình tham gia vào mối quan hệ. Họ tạo ra sự kết nối và gắn bó thân mật nhưng vẫn không đánh mất nhận thức về bản thân. Đồng nghĩa với việc cả hai sẽ cùng hy sinh cho một mục tiêu chung và cùng được nhận lại một lợi ích nào đó.

Cải thiện mối quan hệ phụ thuộc một phiacutea 2
Trạng thái lành mạnh là khi cả hai người sẽ tôn trọng sự hiện diện của nhau và chủ động lựa chọn cách mình tham gia vào mối quan hệ.

Các mối quan hệ phụ thuộc một phía luôn “chững lại" tại trạng thái một người “cần" người kia, nhưng mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau luôn tạo điều kiện cho sự thay đổi.

Nó giúp cả hai dễ dàng chừa không gian để nói ra nỗi lo, mong muốn, nhu cầu và ranh giới của mình, dù chúng biến chuyển theo thời gian. Nhờ đó, mỗi bên có không gian cho bản thân để tự do đưa ra quyết định mà không cần lo sợ ảnh hưởng lên mối quan hệ của mình.

Sự khác nhau giữa hai trạng thái: Phụ thuộc một phía và phụ thuộc lẫn nhau

Sự khaacutec nhau giữa mối quan hệ phụ thuộc một phiacutea vagrave mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau Nguồn thocircng tin VerywellMind
Sự khác nhau giữa mối quan hệ phụ thuộc một phía và phụ thuộc lẫn nhau. | Nguồn thông tin: VerywelMind

Chuyển từ phụ thuộc một phía sang phụ thuộc lẫn nhau

1. Phân biệt đâu là tình yêu lành mạnh

Không phải tất cả các mối quan hệ độc hại là mối quan hệ phụ thuộc một phía, nhưng các mối quan hệ phụ thuộc một phía chắc chắn là các mối quan hệ độc hại. Điều đó không có nghĩa những mối quan hệ này sẽ kết thúc bi đát, bạn hoàn toàn có thể học cách nhận biết và xây dựng một mối quan hệ lành mạnh.

Tuy hình thức khác nhau nhưng vẫn có một số tiêu chí cốt lõi để nhận ra đâu là một mối quan hệ lành mạnh. Nó thường bao gồm 6 yếu tố: tin tưởng, cởi mở và chân thành, tôn trọng lẫn nhau, thương yêu, giao tiếp, cho và nhận.

2. Dành thời gian cho bản thân

Trong quá trình thoát khỏi những rắc rối của một mối quan hệ phụ thuộc độc hại, bước quan trọng nhất là tách riêng sự tồn tại cá nhân ra khỏi người còn lại. Đồng nghĩa với việc bạn nên dành thời gian cho riêng mình, cho những sở thích, hoạt động của riêng bạn, hoặc cùng với bạn bè của mình.

Khi cuộc sống càng mở rộng ra bên ngoài, bạn sẽ càng ít phụ thuộc vào người còn lại hơn. Tự kéo mình ra khỏi thói quen là chuyện cần rất nhiều nỗ lực, nên hãy kiên nhẫn với chính mình nhé.

Cải thiện mối quan hệ phụ thuộc một phiacutea 3
Khi biết mình muốn gì và cuộc sống càng mở rộng ra bên ngoài, bạn sẽ càng ít phụ thuộc vào người còn lại hơn.

3. Tạo ra và tuân theo những giới hạn

Tạo ra những giới hạn khác nhau như giới hạn về thời gian, tài chính, và tình dục. Nói không với người mình yêu không phải lúc nào cũng dễ dàng và dễ chịu, nhưng nó vô cùng cần thiết để bảo vệ bản thân cũng như ngăn chặn sự hình thành mối quan hệ độc hại.

Nhờ đó, bạn có sự tự do trong giao tiếp, được quyền theo đuổi sự nghiệp riêng, có thời gian chăm sóc bản thân, dành thời gian cho bạn bè và gia đình của mình, và có quyền nói không với đối phương.

Tham khảo những lưu ý khi vạch ra ranh giới cá nhân tại đây. Cần nhớ rằng, tuy ranh giới cá nhân do bạn đặt ra, nhưng nó nên được trao đổi và áp dụng cho tất cả mọi người để tránh hiểu lầm không đáng có. Chẳng hạn đôi khi bạn chỉ muốn một vài tiếng yên tĩnh cho mình, người bạn đời lại nghĩ bạn đang thờ ơ hoặc xa cách với họ.

4. Tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia nếu cần thiết

Để thay đổi mối quan hệ phụ thuộc một phía, cả hai bạn phải cùng phá vỡ và cùng xây dựng lại mối quan hệ. Đây có thể là một ý định và trải nghiệm đáng sợ, vì bạn chỉ vừa nhận ra vai trò trong mối quan hệ của mình có vấn đề. Có thể bạn sẽ không biết nên bắt đầu từ đâu, phương pháp đó có hiệu quả không hay chỉ khiến mọi thứ tệ hơn.

Lúc này, tìm đến chuyên viên tư vấn hoặc bác sĩ tâm lý sẽ giúp bạn bớt bối rối và vững tâm hơn. Bạn có thể đi tư vấn một mình hoặc đi cùng nhau tùy vào tình trạng của mối quan hệ. Không có gì xấu hay đáng sợ khi bạn nhận thức được và đang cố gắng cải thiện mối quan hệ của mình.