11 Dấu hiệu bạn không-thể-sống-thiếu nửa kia | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 01, 2021
Cuộc SốngThương

11 Dấu hiệu bạn không-thể-sống-thiếu nửa kia

Trong tình yêu luôn có sự phụ thuộc, nhưng ở một số cặp đôi, mức độ này lại vượt quá kiểm soát. Làm sao để biết mình đang trong một mối quan hệ phụ thuộc?
11 Dấu hiệu bạn không-thể-sống-thiếu nửa kia

Bạn có đang trong một mối quan hệ phụ thuộc? | Nguồn: Anh Thư Ng @immortal_wurst cho Vietcetera

Một mối quan hệ lành mạnh và bền lâu cần có sự vun đắp cân bằng từ cả hai phía. Tuy nhiên, trong những mối quan hệ phụ thuộc, cán cân lại nghiêng hẳn về phía một bên.

Trong tình yêu thì luôn có sự phụ thuộc, nhưng nhiều người có thể không tự nhận thức hoặc đánh giá đúng đắn về mức độ phụ thuộc trong mối quan hệ của mình. Vì thế, theo giáo sư tâm thần học Jonathan Becker, nhận biết động lực thúc đẩy hành vi của bạn là bước cơ bản và thiết yếu nhất để cải thiện tình hình.

Mối quan hệ phụ thuộc là gì?

Codependent relationship, hiểu chính xác nhất là “mối quan hệ đồng phụ thuộc” hoặc “mối quan hệ phụ thuộc một phía”, là khi một người tìm kiếm sự công nhận và giá trị của bản thân trong mối quan hệ bằng cách ưu tiên nhu cầu của bên còn lại.

Ban đầu, cụm từ này được Hội Người nghiện rượu Ẩn danh (Alcoholics Anonymous) sử dụng để mô tả việc người nghiện rượu phụ thuộc vào đồ uống có cồn, còn những người yêu thương họ cũng bị ảnh hưởng bởi việc nghiện ngập đó, và vô tình “đồng phụ thuộc" vào cơn nghiện.

Hiện nay, nó được hiểu là một mối quan hệ mà hai bên đều quá lệ thuộc vào người còn lại, tới mức không thể sinh hoạt độc lập. Trong mối quan hệ này, bên bị động (passive) không thể tự đưa ra quyết định, còn bên ưu thế (dominant) thì có cảm giác thỏa mãn và được cần đến.

Mối quan hệ phụ thuộc 1
Không dừng lại ở việc đáp ứng mọi nhu cầu, bạn còn luôn cố gắng gánh vác và hy sinh thay họ.

Codependent relationship thường bị nhầm lẫn với interdependent relationship – mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Khi hai người đang trong một mối quan hệ “interdependent", họ trân trọng sự gắn kết về cảm xúc của cả hai, đồng thời vẫn nhận thức rõ về mình. Đây là hình thái của một mối quan hệ lành mạnh.

Dấu hiệu bạn đang trong một mối quan hệ phụ thuộc

Nhiều người tưởng rằng những hành vi như muốn giúp người mình yêu vượt qua khó khăn, cảm thấy thoải mái khi ở cạnh người yêu, không muốn họ rời khỏi mình,...là sự phụ thuộc. Thực tế chúng chỉ là những biểu hiện thông thường, và bạn chỉ cần tránh để nó vượt quá mức kiểm soát.

Theo giáo sư Becker, sự phụ thuộc bắt đầu đáng báo động khi một người lợi dụng người kia bằng tình cảm hoặc tài chính, tuy rằng có trường hợp họ không thể nhận thức được điều đó.

Theo nhà trị liệu tâm lý Sharon Martin, có người sẽ thể hiện dấu hiệu và mức độ phụ thuộc một phía nghiêm trọng hơn những người khác. Các đặc điểm thường gặp nhất là:

Luôn tạo điều kiện

Theo nhà tâm lý học Mary-Catherine Segota, các hành vi tạo điều kiện (enabling behavior) là những hành vi nhằm giảm bớt các vấn đề trong mối quan hệ do thói quen tiêu cực của người còn lại. Chẳng hạn như liên tục cho họ cơ hội khác, bảo lãnh họ (sau các hành vi phạm pháp), cố gắng cứu chữa vấn đề,...

Lòng tự tôn thấp

Những người phụ thuộc luôn so sánh mình với người khác, luôn cho rằng mình không đủ tốt. Điều này thường khó nhận biết, nhiều người cứ tưởng mình luôn đề cao bản thân, nhưng sâu trong lòng luôn cảm thấy tự hổ thẹn. Đặc điểm này thường dẫn đến việc bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo.

Luôn cố gắng làm hài lòng người khác

Mong muốn làm hài lòng người mình quan tâm không có gì xấu, nhưng nếu nhu cầu được mọi người yêu mến và công nhận vượt lên trên mong muốn, cảm xúc và suy nghĩ cá nhân, vậy thì đây là một dấu hiệu đáng báo động.

Không có ranh giới cá nhân

Ranh giới cá nhân phân chia đâu là của bạn và đâu là của người khác. Nó không chỉ gói gọn trong phạm trù tài sản, mà còn là suy nghĩ, cảm xúc, hành vi. Những người phụ thuộc luôn cảm thấy có trách nhiệm với cảm xúc của người khác hoặc luôn đổ lỗi cho người khác. Việc nói “Không" khiến họ lo lắng, hoặc không thể chấp nhận khi bị người khác từ chối.

Mối quan hệ phụ thuộc 2
Bạn luôn tìm kiếm sự đảm bảo, vì bản thân bạn không cảm thấy an toàn trong mối quan hệ này.

Thiếu hụt khả năng phản ứng với nhận xét của người khác

Hậu quả của việc không đặt ranh giới cá nhân là họ luôn bị ảnh hưởng bởi cảm nhận của mọi người. Họ khó phân biệt được điều nào thật sự phản ánh con người mình, điều nào chỉ đơn thuần là cảm xúc của người khác. Từ đó, họ dễ dàng tin theo người khác và cảm thấy mọi chuyện là do bản thân.

Quan tâm, giúp đỡ quá mức

Điều này thường xảy ra với bên bị động. Khác với việc cảm thông hay thấu cảm, họ luôn đặt người khác lên trên bản thân. Khi họ cần giúp đỡ mà không được chấp thuận, họ sẽ cảm thấy bị từ chối. Hoặc, họ cố gắng gánh vác thay đối phương dù người đó rõ ràng không nghe theo.

Kiểm soát quá mức

Những người phụ thuộc tìm cảm giác an toàn bằng cách kiểm soát người xung quanh. Đôi khi việc làm hài lòng và chăm sóc người khác là một phương pháp để họ thao túng mọi người.

Giao tiếp kém

Họ gặp khó khăn khi phải nói lên suy nghĩ, cảm xúc của mình. Họ không biết mình muốn gì, cần gì. Hoặc họ biết, nhưng sợ phải nói ra sự thật vì nó có thể làm phật lòng người khác. Hệ quả là những lần giao tiếp thường thiếu trung thực, hoặc chỉ vì mục đích thao túng.

Bị ám ảnh bởi mối quan hệ của mình

Những người phụ thuộc luôn suy nghĩ về mối quan hệ của mình, và liệu họ có đang mắc sai lầm nào không. Đôi khi điều này khiến họ rơi vào những ảo tưởng về một mối quan hệ hoặc người yêu như ý hơn để trốn tránh thực tại.

Sợ bị từ chối hoặc bỏ rơi

Những người phụ thuộc cần người khác thích họ để cảm thấy an toàn. Họ luôn thấy chán nản hoặc cô đơn nếu phải ở một mình, vì thế họ hiếm khi giữ tình trạng độc thân được lâu. Điều này khiến họ khó kết thúc một mối quan hệ, dù đó là một mối quan hệ độc hại.

Thường né tránh thân mật

Những người phụ thuộc cũng sợ mình sẽ bị đánh giá hoặc bị từ chối nếu bày tỏ nhu cầu gần gũi với người còn lại. Hoặc họ sợ sẽ đánh mất quyền tự chủ.

Tại sao chúng ta lại vướng vào những mối quan hệ phụ thuộc?

Theo một nghiên cứu, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình không êm ấm, bị bố mẹ ngược đãi về mặt tâm lý hoặc bị bỏ mặc sẽ dễ rơi vào những mối quan hệ phụ thuộc. Điều này có thể lặp lại qua nhiều thế hệ.

Ngoài ra theo tiến sĩ Burn, nếu từng gặp phải một bi kịch lớn, nhất là liên quan đến bạo lực, xác suất trở thành nạn nhân của một mối quan hệ phụ thuộc sẽ cao hơn. Đặc biệt, khi được nuôi dưỡng trong một nền văn hoá có tư tưởng ca ngợi tính hy sinh, bạn sẽ có khao khát được giúp đỡ và muốn được trở nên quan trọng với người khác – một đặc điểm của những người rơi vào mối quan hệ phụ thuộc.

Nếu nhận ra mình hoặc người yêu, người bạn đời đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng không-thể-sống-thiếu-nửa-kia, tiếp theo nên làm gì?