Mutual abuse - Ai là nạn nhân trong mối quan hệ “lạm dụng song phương”? | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 04, 2022

Mutual abuse - Ai là nạn nhân trong mối quan hệ “lạm dụng song phương”?

Đây có thể là khái niệm được sinh ra để bảo vệ kẻ bạo hành.
Mutual abuse - Ai là nạn nhân trong mối quan hệ “lạm dụng song phương”?

Nguồn: Loi Phan cho Vietcetera

1. Mutual abuse là gì?

Mutual Abuse /ˈmjuːtʃuəl əˈbjuːs/ chỉ hành vi ngược đãi qua lại trong mối quan hệ. Những người tham gia vừa có hành động bạo hành vừa bị bạo hành, không kể giới tính, tuổi tác và số lượng.

Một số ý kiến cho rằng đây thực chất là reactive abuse (lạm dụng phản ứng) - người bị bạo hành phản ứng bạo lực lại với người bạo hành nhằm mục đích tự vệ. Nhưng mutual abuse đa số được dùng trong trường hợp chưa rõ động cơ của người trong cuộc. Nó có thể không chỉ đến từ chủ ý đáp trả và phòng vệ của một phía.

Những ngày gần đây, thuật ngữ này nổi lên xoay quanh ồn ào ly hôn giữa hai diễn viên Johnny Depp và Amber Heard. Cả hai đã chính thức bước vào phiên toà xét xử vụ kiện phỉ báng từ ngày 12/4. Một tình tiết gây chú ý là việc nhân chứng Laurel Avis Anderson - nhà trị liệu từng làm việc với cặp đôi, tiết lộ hai người có hành vi "ngược đãi lẫn nhau."

alt
Vụ kiện giữa Johnny Depp và Amber Heard làm dấy lên nhiều câu hỏi xung quanh khái niệm "mutual abuse" | Nguồn: CNN

Theo cô, họ có mối quan hệ yêu-ghét phức tạp. Họ kích động, hành hạ nhau và đều từng bị lạm dụng thuở thơ ấu. Nỗi sợ bị bỏ rơi khiến Amber sẵn sàng “châm ngòi” cuộc chiến nếu thấy bất an hoặc tổn thương lòng tự trọng. Johnny Depp cũng được cho là đã từng bạo hành và có lời lẽ lăng mạ cô. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin từ lời kể của nhân chứng Anderson.

2. Nguồn gốc của mutual abuse?

Nguồn gốc của mutual abuse hiện chưa có tài liệu ghi chép lại. Nhưng từ những năm 90, các bài nghiên cứu về vấn đề lạm dụng qua lại giữa cặp đôi, con cái - bố mẹ,… đã xuất hiện.

Có thể thay thế mutual abuse bằng symmetrical abuse hoặc reciprocal abuse. Những cụm từ này đều được kết hợp bởi một từ mang tính chất qua lại và từ “abuse,” chỉ hình thức ngược đãi bao gồm về thể chất, tình dục, tinh thần, tài chính.

Đến nay, mutual abuse vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi. Hiệp hội Chống bạo lực gia đình của Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ khái niệm “đồng bạo hành.” Với họ, lạm dụng là sự chênh lệch về quyền lực. Đôi bên có thể cùng hành xử không lành mạnh nhưng cán cân kiểm soát vẫn nghiêng hẳn về một hướng. Tư tưởng “đồng phạm, đồng nạn” đang cổ xúy cho hành vi đổ lỗi nạn nhân (victim-blaming).

3. Tại sao mutual abuse phổ biến?

Bạo hành vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Điều này càng nan giải với những mối quan hệ có sự hoán đổi giữa vị trí bạo hành và bị bạo hành. Đây không chỉ là câu chuyện ngang trái của riêng Johnny Depp và Amber Heard. Theo thống kê tại Mỹ năm 2019, hơn một nửa số cặp đôi đồng giới được phát hiện có hành vi ngược đãi lẫn nhau.

Thực tế, ranh giới giữa nạn nhân và thủ phạm còn khá mong manh. Nhưng về cơ bản, hai vị trí này được phân định dựa trên mưu cầu thay đổi. Một kẻ có tâm cơ bạo hành thường không thừa nhận lỗi lầm, không chịu dừng lại hay tìm đến sự giúp đỡ. Ngược lại, xu hướng chung của các nạn nhân là tự trách bản thân, mặc cảm, nỗ lực cải thiện tình thế trong vô vọng.

Nhà trị liệu tâm lý Janie Lacy cho rằng, quan hệ “lạm dụng lẫn nhau” có thể bắt nguồn từ những sang chấn. Đây là một dạng gắn kết được xây dựng dựa trên những tổn thương (trauma bond), thường thấy giữa người phụ thuộc và người ái kỷ.

Trauma bond xảy ra khi nạn nhân dần thích nghi và sống chung với những cơn đau. Kẻ bạo hành thao túng họ bằng cử chỉ tử tế, ân cần sau những lần ngược đãi. Khi cuộc sống đã quá u tối, chỉ chút ngọt ngào bất chợt cũng đủ trấn an và giữ chân họ. Vòng luẩn quẩn “vừa đấm vừa xoa” này đang là một trong những nguyên nhân chính cho sự gia tăng của tình trạng bạo hành.

Trước hành vi lạm dụng cực đoan, nạn nhân có thể bộc phát cảm xúc và phản ứng bạo lực lại thuận theo cơ chế phòng vệ (trauma reactivity). Tuy nhiên, những phản xạ tự động này có thể trở thành công cụ nhằm quy tội và đe dọa. Thậm chí, chúng sẽ là bằng chứng có lợi cho kẻ hãm hại trước các cáo buộc pháp lý.

Do mutual abuse chưa có định nghĩa chính thống và phổ quát nên những phân tích hiện đều dựa trên reactive abuse. Phản hồi về điều này, Ruth Glenn - chủ tịch của Liên minh quốc gia chống bạo lực gia đình (NCADV) - cảnh báo chúng ta không nên sử dụng một từ khi chưa hiểu rõ về nó. Đặc biệt, trong những phiên tòa công khai và giật gân, các thuật ngữ mô tả hành vi lạm dụng sẽ được lan truyền rộng rãi. Những cụm từ mơ hồ có thể đánh lạc hướng công chúng khỏi vấn đề thực sự của nạn bạo hành.

4. Cách dùng mutual abuse?

Tiếng Anh

A: Have you heard about Johnny Depp and Amber Heard's mutual abuse statement?

B: Just read it on Facebook. This case is really tricky! How can we know who the victim is?

Tiếng Việt

A: Cậu đã nghe về vụ bạo hành qua lại giữa Johnny Depp và Amber Heard chưa?

B: Rồi, tớ mới đọc nó trên Facebook. Ca này khó thật! Làm sao mà biết được nạn nhân là ai?