Sau 17 năm gắn bó (10/2007 - 5/2024), Ngũ Cung và Đỗ Hoàng Hiệp chính thức thông báo chia tay. Không ai có thể nói rõ nguyên nhân cuộc “ly hôn” này, chỉ biết rằng sau đó, Đỗ Hoàng Hiệp đã đi “vượt ngàn chông gai” với rất nhiều anh trai, còn Ngũ Cung và đội hình mới thì lên Mai Châu cùng với người con gái khác.
Ngày 7/10, Ngũ Cung ra mắt ca khúc Chung Một Ước Mơ kết hợp với ca sĩ Phương Thanh. Đây là phát súng đầu tiên cho dự án Album III mang tên Di Sản sẽ ra mắt vào tháng 11 sắp tới. Nếu như Chung Một Ước Mơ được quay ở Mai Châu thì các MV tiếp theo sẽ đưa Ngũ Cung qua những Hạ Long, Sơn Đoòng và Hoà Bình.
Cái tên Di Sản cùng với danh sách địa điểm quay đều là kỳ quan tại Việt Nam khiến người hâm mộ hào hứng vào sự trở lại đầy bùng nổ của Ngũ Cung - một trong những ban nhạc đầu tiên ghi dấu ấn với việc kết hợp chất liệu truyền thống vào nhạc rock. Điều này mang đến một tuyên ngôn rõ ràng: dù đội hình có thay đổi nhưng tinh thần của Ngũ Cung vẫn vẹn nguyên, là một ban nhạc Việt rất “Việt”.
Trong lúc đợi Di Sản chính thức ra mắt, chúng ta hãy cùng điểm qua những ban nhạc rock Việt rất “Việt” đã sử dụng đa phần gia tài âm nhạc của mình để tôn vinh giá trị Việt Nam.
Ngũ Cung
Như đã nói, Ngũ Cung là một trong những cái tên không thể không nhắc đến khi nói về sự kết hợp giữa rock và văn hóa Việt Nam.
Kể từ khi xuất hiện tại cuộc thi Rock Your Passion năm 2007, Ngũ Cung trở thành một hiện tượng, một làn gió mới cho làng nhạc Việt. Họ thổi hồn vào những bản progressive rock vốn “gai góc” bằng sự kết hợp độc đáo với âm hưởng nhạc Tây Bắc, tạo nên phong cách riêng biệt đầy cuốn hút.
Không chỉ khai thác các đề tài về cuộc sống, con người, xã hội và văn hóa dân tộc, Ngũ Cung còn khéo léo hòa quyện âm điệu vùng Tây Bắc vào âm nhạc của mình. Ban nhạc sử dụng các nhạc cụ truyền thống như sáo, đàn tính… vào tác phẩm. Thậm chí tiếng khèn giao duyên của người H’Mông cũng được Trần Thắng – guitarist kiêm thủ lĩnh ban nhạc – mô phỏng trên cây guitar đầy quyến rũ và lôi cuốn.
Đáng chú ý hơn, Ngũ Cung còn mang chất liệu chầu văn vào rock một cách đầy mới mẻ và hoàn hảo trong nhạc phẩm Cô Đôi Thượng Ngàn. Nếu bạn chưa thể tưởng tượng nổi câu ca “Cô xinh đẹp quá / Cô hát hay quá / Cô lại đây phát tài phát lộc cho chúng con ạ” có thể hòa cùng nhạc rock ra sao, thì hãy thử lắng nghe ngay. Chắc chắn bạn sẽ bị choáng ngợp bởi sự giao thoa kỳ diệu giữa những âm thanh quen thuộc và lạ lẫm, rồi dần bị cuốn trôi trong những giai điệu cuộn trào của tiếng đàn, tiếng trống đầy sức mạnh và mê hoặc.
Hạc San
“Bắc Ngũ Cung, nam Hạc San” - người ta đã truyền tai nhau như vậy về bản đồ progressive rock tại Việt Nam. Nếu như Ngũ Cung là sự phóng khoáng được thổi từ ngọn gió Tây Bắc, thì Hạc San lại nổi bật với màu sắc huyền thoại đầy chau chuốt từ kho tàng văn học Việt Nam.
Album Sét Đánh Ngang Trời của Hạc San với 11 ca khúc, mỗi bài kéo dài từ 5-7 phút, là một bức tranh âm nhạc chi tiết, tái hiện tỉ mỉ từng khía cạnh trong câu chuyện Thạch Sanh. Không chỉ dừng lại ở đó, sau khi ra mắt ca khúc Hồn - Trăng - Máu, một nhạc phẩm dài 29 phút viết về cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử, Hạc San đã ngay lập tức đăng tải một bài viết dài không kém, cung cấp thông tin và dữ liệu giúp khán giả hiểu rõ hơn về các ý tưởng âm thanh và concept của tác phẩm. Tiếng đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt,... được ban nhạc thu đi thu lại nhiều lần để tạo ra bản phối hoàn hảo nhất.
Điều này đủ để thấy Hạc San đã nghiên cứu chi tiết từ nội dung, bố cục đến chất liệu âm thanh ra sao. Tất cả đều được chăm chút kỹ lưỡng, tạo nên dấu ấn riêng biệt của họ trong làng nhạc rock Việt Nam.
Thú thật, để tóm gọn lại về Hạc San trong một bài review ngắn ngủi, tôi không biết mình phải lựa chọn nói về cái gì. Khi mà chỉ với 1 album, 1 EP và 1 single, Hạc San đã đưa tên mình lên hàng kinh điển trong kho tàng rock Việt.
AnNam
Chỉ cần nghe tên, ta đã cảm nhận được âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ mà AnNam Band mang đến.
Sau khi giành quán quân cuộc thi Ban Nhạc Việt 2018, ban nhạc ra mắt album đầu tay Nam Quốc Sử Ca, lấy cảm hứng từ lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Album mang âm hưởng rock, pha trộn với chất symphonic metal, dựa trên những câu chuyện từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – bộ sử lâu đời nhất nước ta do Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Hậu Lê biên soạn.
Album gồm 8 ca khúc đậm chất sử thi: Nam Quốc Sử Ca, Tiếng Trống Mê Linh, Cột Đồng Mã Viện, Bạch Đằng Ca, Giao Thời Ngoại Kỷ, Anh Hùng Cờ Lau, Thí Đinh Đinh, và Phản Thần. Mỗi bài hát là một lát cắt, tái hiện những khoảnh khắc lịch sử của đất nước, từ những trận chiến kinh điển cho đến những anh hùng huyền thoại.
Khi nghe album này, tôi đã phải thốt lên: đúng là không gì diễn tả sự hùng tráng của sử Việt tốt hơn nhạc rock! Tiếng trống dồn dập, tiếng guitar mãnh liệt, bùng nổ đã vẽ lên một bức tranh âm thanh rực lửa, tái hiện rõ nét khí thế quyết liệt, niềm tự hào và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam qua từng trang sử vàng son.
Mủn Gỗ
Mủn Gỗ, ban nhạc “trẻ” nhất và chăm chỉ nhất trong danh sách. Chỉ vừa thành lập năm 2021, ban nhạc đã liên tiếp cho ra mắt 2 album, 1 EP và hàng loạt sự kiện thành công.
Giao thoa nguồn cảm hứng với Ngũ Cung và AnNam, Mủn Gỗ mang trong mình âm nhạc với hơi thở của đại ngàn Tây Bắc, xen chút sử thi qua những nhạc phẩm Mị Châu và Ông Hoàng Bảy. Không “nặng đô” như Ngũ Cung, không hoành tráng như AnNam, Mủn Gỗ lựa chọn lối viết nhạc cổ điển hơn, dễ tiếp cận đối với khán giả đại chúng. Với những sáng tác ngày càng tinh tế và cầu kỳ, Mủn Gỗ hứa hẹn sẽ là một cây đại thụ tương lai của làng rock Việt.
Điểm nhấn đặc biệt và lợi thế lớn của Mủn Gỗ so với các ban nhạc tiền bối là ở cách họ đưa chất liệu dân gian lên sân khấu một cách trực tiếp và sống động. Trong khi nhiều ban nhạc khác chọn cách tái tạo âm thanh dân gian qua phòng thu hoặc nhạc cụ điện tử, Mủn Gỗ đã mạnh dạn mang tất cả lên sân khấu. Với một không gian đầy ắp tiếng sáo, đàn tranh và dàn bè, họ đã tạo nên một không gian âm nhạc Tây Bắc chân thực, trọn vẹn cho khán giả, làm tăng thêm sức sống và chiều sâu cho mỗi màn trình diễn.