Thích cô Mị bản EDM của Hoàng Thùy Linh? Hãy gặp Hàn Mặc Tử bản rock của Hạc San | Vietcetera
Billboard banner
30 Thg 04, 2024
Âm Nhạc

Thích cô Mị bản EDM của Hoàng Thùy Linh? Hãy gặp Hàn Mặc Tử bản rock của Hạc San

Hạc San dùng nhạc rock để kể chuyện Thạch Sanh và thương cho Hàn Mặc Tử. Họ chứng minh rằng rock có thể rất da diết, và những sự da diết hoàn toàn có thể "rock."
Thích cô Mị bản EDM của Hoàng Thùy Linh? Hãy gặp Hàn Mặc Tử bản rock của Hạc San

Nguồn: Hạc San

Từ sau album Hoàng (2019), Hoàng Thùy Linh chắc chắn là cái tên đầu tiên mà khán giả đại chúng nghĩ tới khi nói về việc sử dụng chất liệu dân gian hay tác phẩm văn chương trong âm nhạc đương đại.

Sau thành công của cô, văn chương và văn hóa dân gian chính thức trở thành mỏ vàng của nền âm nhạc đại chúng, với ví dụ điển hình là album Vũ Trụ Cò Bay (2023) của Phương Mỹ Chi, hoặc các bài hát của ca sĩ Hà Myo hay rapper Rtee.

Nhưng không phải ai cũng biết rằng, có một nhóm nhạc Việt mà toàn bộ kho tàng âm nhạc của họ đều được xây dựng bằng chất liệu văn học. Đó là nhóm nhạc rock Hạc San, với hai album là Sét đánh ngang trời (2015) và Hồn - Trăng - Máu (2020).

29apr2024128917989948682372541265924132033242911659ojpg
Bức họa năm thành viên. | Nguồn: Hạc San

Hạc San và ba điểm lạ với đại chúng

Cá nhân tôi biết tới Hạc San sau rất nhiều lần "nghe lỏm" từ một người anh. Là một khán giả đại chúng, tôi thấy nhạc của họ không dễ nghe, bởi nó ồn ào với rất nhiều âm thanh và ý tưởng được thực hiện cùng một lúc.

Nhưng khi đã vượt qua được những chấp niệm ban đầu, khó mà có thể cưỡng lại sự phức tạp và thái độ thách thức trong âm nhạc của Hạc San. Có thể nói, âm nhạc của họ là những thử thách cho người nghe, chờ đợi ta vượt qua để nắm lấy phần thưởng quý giá.

Thử thách 1: Thị trường nghe chuyện ngắn, Hạc San viết truyện dài

Những album nhạc thường là tuyển tập những câu chuyện ngắn, còn nhạc của Hạc San là một tiểu thuyết chương hồi.

Mỗi chương tương ứng với một bài nhạc, mỗi bài nhạc kể một thứ, nhưng khi ghép tất cả vào thứ tự trong album, ta sẽ thấy một mạch tự sự xuyên suốt thành hình trong cả kỹ thuật âm nhạc lẫn kỹ thuật kể và thông điệp truyền tải.

Hạc San dồn sức và kiên trì với việc làm những concept album như vậy. Những câu chuyện họ kể tốt hơn nhiều concept album khác ở chỗ độc giả có thể nghe được từng phần của câu chuyện với những trường đoạn khác nhau, có vai trò thiết kế không gian và chia phần tác phẩm.

Trong Sét đánh ngang trời, Hạc San kể lại chuyện Thạch Sanh với bốn trường đoạn liên kết bằng bài ca quan họ Xe chỉ luồn kim. Sự thống nhất còn nằm ở cách mà các ca khúc trong một trường đoạn chuyển tiếp nhịp nhàng theo mạch kể, ví dụ như ở trường đoạn 3, khi tiếng sóng biển trong đoạn kết Bí mật của người ra đi đưa khán giả bước ngay sang Tái Sinh.

Thử thách 2: Đi tìm "mỏ vàng" đại chúng trong nhạc Hạc San

29apr2024image20240429143934615png
Không khó để nhận ra Phương Mỹ Chi đã rất thích thú với chương trình văn học phổ thông. | Nguồn: Sơn Hoàng cho Vietcetera

Không ai nghĩ Sét đánh ngang trời là một phiên bản hiện đại của câu chuyện cổ tích Thạch Sanh. Câu chuyện cổ tích chỉ phảng phất mơ hồ qua những tên bài hát như Tiều phu, Mũi tên đen, hay Tiếng đàn hàm oan.

Chất liệu dân gian trong âm nhạc thường cô đọng ở cách đặt tên ca khúc, cách chọn nhạc cụ hay những giai điệu quen thuộc. Nguồn cảm hứng của Hạc San không hiển lộ như vậy, giống như cách ta nghe mãi mới thấy họ dùng nhạc cụ dân gian.

Phải nghe toàn bộ album, ta mới hiểu rằng tia sét kia chính là tia sét trừng phạt hai mẹ con Lý Thông ở cuối truyện cổ tích. Tiều phu kia chính là chàng Thạch Sanh, người đã bắn mũi tên hạ đại bàng cứu công chúa, rồi đàn lên khúc đàn minh oan cho mình.

Thử thách 3: Một bài hát dài hơn 29 phút

Vâng, bạn không đọc nhầm đâu, Hạc San có một ca khúc dài 29 phút 2 giây, nằm trong album Hồn - Trăng - Máu (2020).

Đây là lựa chọn can đảm trong nền âm nhạc đại chúng đã phân mảnh, nơi mà chẳng mấy ai nghe toàn bộ album, hoặc nếu có thì cũng là nghe album như một playlist nhiều bài, chứ không phải như một tổng thể.

Mặt khác, đây là câu chuyện dựa trên cuộc đời của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Hạc San nói rằng, cuộc đời con người thì chỉ có một, thế nên album cũng sẽ chỉ có một câu chuyện mà thôi.

Hạc San, tại sao không?

Tôi hy vọng rằng ba thử thách trên là đủ để kích thích trí tò mò của bạn với nhóm nhạc này. Còn nếu chưa, thì sau đây là những lý giải cho câu hỏi tại sao chúng ta nên bỏ thời gian để nghe âm nhạc của họ (trả lời thật ngắn gọn: vì bạn xứng đáng nghe nhạc hay, và họ xứng đáng được biết tới nhiều hơn)

29apr20242062685515634810637261711785698216964369078ojpg
Hạc San tại Sài Gòn, 2017. | Nguồn: Hạc SanN

Nghe Thạch Sanh và gặp Hàn Mặc Tử phiên bản rock, tại sao không?

Hạc San không đơn thuần bê nguyên cái mà dân gian, mà văn chương đã có vào trong nhạc phẩm. Ở họ, ta thấy sự biến tấu, sự thay đổi cho phù hợp hơn với văn cảnh hiện đại hay ý đồ nghệ thuật của nhóm.

Ví dụ, chàng Thạch Sanh của Hạc San khác chàng Thạch Sanh trong cổ tích. Dân gian đã dựng nên một nhân vật có tính tượng trưng với sự hoàn hảo không tì vết - một con người trượng nghĩa trăm phần.

Chàng Thạch Sanh của Hạc San thì không - chàng biết yêu, biết oán thù và căm hận, biết cả những phần tối trong con người mình. Để có thể trở thành con người trượng nghĩa của dân gian, chàng phải vượt qua những góc khuất trong mình.

Ở album Hồn - Trăng - Máu, nhóm dựa vào các chi tiết thật trong cuộc đời Hàn Mặc Tử để phóng tác nên câu chuyện về một sinh linh cô đơn đi tìm sự sống. Với tôi, điều ấn tượng của album này nằm ở sự dụng công và tâm huyết của các thành viên.

29apr20249245785437007774566631776816391485647224832njpg
Kết cấu bài hát, à nhầm album. | Nguồn: Hạc San

Họ đã thực sự đọc thơ Hàn Mặc Tử, đã cố gắng cảm nỗi đau ông đau, thấy những bóng hình ông mơ tưởng. Để có thể kể câu chuyện về một Hàn Mặc Tử hiện đại, họ đã sử dụng những biểu tượng tinh túy nhất của ông: là hồn, trăng máu, là đam mê và đau đớn, tình yêu và sự chia ly.

Chính sự dụng công này đã khiến tôi ngây ngất.

Hiểu thêm về rock Việt, tại sao không?

Nhắc tới rock Việt, khán giả đại chúng thường sẽ chỉ nghĩ tới Bức Tường, tới Chillies, tới Mèow Lạc; ai nghe nhiều hơn có thể kể thêm Lý Bực, Mủn Gỗ, Ngũ Cung, v.v. Nghe Hạc San, tôi hiểu rằng rock Việt còn nhiều hơn thế nữa, với những mảng màu progressive rock rất đặc sắc.

Điểm nhấn của progressive rock là phá vỡ cấu trúc của một bài hát thường thấy để tạo ra những tổ khúc (suite) với những phân đoạn nhạc được mở rộng và những đoạn dạo dài. Đây là chỗ để từng nhạc công thể hiện ngón nghề của mình với những câu đàn, đoạn trống phức tạp hay những pha đảo phách bất ngờ.

Hạc San làm điều này một cách ấn tượng và cân bằng. Có đủ đất diễn cho guitar, keyboard, trống, bass, và vocal khoe tài, nhưng không làm tác phẩm bị lệch, cũng không tạo cảm giác phô trương kỹ thuật với những đoạn solo lê thê.

Cuối cùng, dấu ấn của Hạc San đôi khi nằm ở sự trầm mặc của họ trong những khâu phát hành. Họ không rầm rộ, không dựa vào truyền thông để đẩy sản phẩm, mà trông cậy vào những cộng đồng nghe nhạc nhỏ nhưng vững chắc. Điều đó biến họ thành một mạch ngầm thân thương và đáng trân quý bên cạnh những dòng nhạc đại chúng khác.

Bạn yêu âm nhạc và muốn thưởng thức âm nhạc chất lượng được tuyển chọn?

RadioOnTV là kênh âm nhạc giải trí phát sóng 24/7 trên nền tảng Youtube, được sản xuất và vận hành bởi Vietcetera, SpaceSpeakers, BEAT Network và Dentsu Redder. Đừng bỏ qua 24 giờ nội dung đời sống thú vị, những playlist âm nhạc tuyển chọn và hàng loạt show độc quyền chỉ có trên RadioOnTV.

Bật RadioOnTV ngay hôm nay để sống cùng dòng chảy âm nhạc đương đại!