Phân biệt giới tính sinh học, bản dạng giới và xu hướng tính dục | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 06, 2020

Phân biệt giới tính sinh học, bản dạng giới và xu hướng tính dục

Để hiểu hơn về cộng đồng LGBT+ và khó khăn của họ, trước tiên cần phân biệt những khái niệm cơ bản này.
Phân biệt giới tính sinh học, bản dạng giới và xu hướng tính dục

Phân biệt giới tính sinh học, bản dạng giới và xu hướng tính dục

Chúng ta đang sống trong một xã hội không ngừng đấu tranh cho việc công nhận, tôn trọng sự đa dạng về giới và xu hướng tính dục. Để làm được điều đó, việc hiểu biết về các khái niệm liên quan là điều tối quan trọng, dù bạn có thuộc cộng đồng LGBT+ hay không. Có như vậy, mỗi cá nhân mới có thể trao đổi thuận lợi và đồng cảm hơn với những vấn đề mà cộng đồng LGBT+ đang đối mặt.

Trong số những khái niệm và định nghĩa thường được nhắc đến, “giới tính”, “bản dạng giới” và “xu hướng tính dục” là những khái niệm thường bị nhầm lẫn nhiều nhất. Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu về sự khác biệt giữa những khái niệm cơ bản này trong bài viết sau.

Giới tính sinh học/ Giới tính khi sinh ra (Biological sex/ Sex assigned at birth)

Giới tính sinh học (biological sex) được xác định qua các yếu tố sinh học như giải phẫu học (anatomy), nội tiết tố (hormones) và nhiễm sắc thể (chromosomes). Từ đó, chúng ta biết được một người là nam (male) hay nữ (female).

Tuy nhiên, giới tính sinh học không chỉ có hai. Một người được gọi là liên giới (intersex) khi ngay từ lúc sinh ra, cơ thể của họ đã có những biến thể về cơ quan sinh dục và nhiễm sắc thể. Họ có thể có cơ quan sinh dục của cả nam và nữ, hoặc có cơ quan sinh dục đặc trưng của một giới nhưng nhiễm sắc thể của họ lại đại diện cho giới còn lại.

Theo cộng đồng Liên giới tính Bắc Mỹ (ISNA), tỉ lệ liên giới tính bình quân chiếm khoảng 1 trên 2,000 ca sinh (theo báo Sức khỏe đời sống).

Cụm từ “giới tính khi sinh ra” (sex assigned at birth) được khuyến khích sử dụng thay cho từ “giới tính" (sex) hay “giới tính sinh học" (biological sex) để tránh sự mập mờ không mong muốn khi nhắc đến cộng đồng người chuyển giới.

Bản dạng giới — Cách thể hiện giới (Gender identity — Gender expression)

Bản dạng giới (gender identity) được hình thành từ những yếu tố về văn hoá, xã hội và môi trường sống (Nguồn: verywellmind.com). Nó đại diện cho những suy nghĩ bên trong bạn về giới tính của mình, là cách bạn nhận thức bản thân và muốn được người khác xưng hô thế nào.

Higravenh ảnh bởi Gerd Altmann trecircn Pixabay
Hình ảnh bởi Gerd Altmann trên Pixabay.

Bản dạng giới có thể giống hoặc khác với giới tính của bạn khi sinh ra. Khi chúng khớp với nhau, bạn được gọi là cisgender (người hợp giới). Ngược lại, bạn là transgender (người chuyển giới).

Bản dạng giới cũng có thể khác với cách thể hiện giới (gender expression) – cách bạn thể hiện bản dạng giới của mình với xung quanh. Cách thể hiện giới thường bao gồm ngoại hình và hành vi bên ngoài, chẳng hạn như cách ăn mặc, trang điểm, kiểu tóc, ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và tên gọi.

Bên cạnh đó, vai trò giới (gender role) thuộc về những tiêu chuẩn xã hội gắn liền với mỗi giới và đã được hình thành từ lâu đời. Chẳng hạn, nữ giới luôn là “phái yếu" và phải nhỏ nhẹ, dịu dàng, trong khi nam giới thì luôn phải tỏ ra mạnh mẽ, kiên cường.

Xu hướng tính dục (Sexual orientation)

Xu hướng tính dục dùng để chỉ “sự hấp dẫn về tình cảm (emotional attraction) hoặc tình dục (physical attraction) hướng tới những người khác.” Bạn có thể đã biết đến xu hướng tính dục qua những định nghĩa thường thấy như dị tính (heterosexual), đồng tính (homosexual) hay song tính (bisexual). Nhưng trên thực tế, có tới 46 thuật ngữ cho xu hướng tính dục (theo healthline.com).

Chẳng hạn, khi một người cảm thấy bị thu hút bởi một cá nhân khác bất kể giới tính của họ là gì thì người đó được coi là toàn tính (pansexual). Người toàn tính xem trọng những đặc điểm làm nên một con người như tính cách, lối sống và cách ăn mặc hơn là tập trung vào giới tính của họ.

Bên cạnh đó cũng có những người vô tính (asexual) – những người không có nhu cầu hay đam mê tình dục với bất kỳ đối tượng nào. Họ vẫn có thể yêu và quan tâm tới người khác, chỉ là họ không cần hoặc không thích quan hệ tình dục.

Vấn đề của hệ nhị nguyên giới (gender binary)

“Nếu không phải là nam thì chắc chắn là nữ,” “Nếu không thích màu hồng thì sẽ thích màu xanh” — những câu nói quen thuộc này chính là biểu hiện của một hệ thống nhị nguyên (binary system) đã vận hành từ lâu trong xã hội. Tuy nhiên, giới tính không chỉ tồn tại trên một cán cân như vậy.

Hãy nghĩ về giới tính giống như một quang phổ (spectrum). Giới tính của bạn không nằm ở hai cực giới hạn là nam hoặc nữ. Nó có thể nằm ở một điểm bất kỳ, có thể giữ nguyên nhưng cũng có thể thay đổi dựa theo thời gian.

Từ định nghĩa này, những người không muốn gắn cho mình một nhãn mác nào có thể dùng từ xuyên giới (non-binary/gender-queer) để miêu tả bản thân. Họ cũng có thể dùng từ genderfluid, nếu họ thấy bản thân luôn thay đổi trong cách thể hiện giới của mình.

Higravenh ảnh bởi tổ chức Trans Student Educational Resources
Hình ảnh bởi tổ chức Trans Student Educational Resources.

Kết

Giới tính là một chủ đề phức tạp và đang dần nhận được nhiều sự quan tâm hơn khi nó liên quan tới rất nhiều vấn đề xã hội khác. Dù bạn mới chỉ chập chững trên con đường khám phá về bản thân, hay đã tìm hiểu nhiều về những định nghĩa khác nhau của bản dạng giới và xu hướng tính dục, luôn nhớ rằng những gì làm nên con người bạn là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố. Không cần phải ép bản thân vào một định nghĩa nào cả, mà hãy chấp nhận sự khác biệt của chính mình và tìm một cộng đồng yêu thương bạn vì chính con người bạn.

Bài viết được thực hiện bởi Diệu Linh.

Ảnh bìa bởi Mark McGinnis.