Quy luật đảo ngược – Khi cố quá thành "quá cố" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 12, 2021

Quy luật đảo ngược – Khi cố quá thành "quá cố"

Theo Mark Manson rất nhiều thứ trong cuộc sống này không hoạt động theo quy luật tuyến tính, tức tỷ lệ giữa nỗ lực và phần thưởng là 1-1.
Quy luật đảo ngược – Khi cố quá thành "quá cố"

Nguồn: Buổi huấn luyện chống đuối nước của SEAL/wikimedia

Được chuyển ngữ từ bài viết "Why the Best Things in Life Are All Backwards" đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Bài học từ khóa huấn luyện chống đuối nước

Chống đuối nước là một phần trong khóa huấn luyện của đội Biệt kích Hải quân SEAL. Trong buổi huấn luyện, hai tay của bạn sẽ bị trói ra sau lưng, hai chân bị buộc chặt và người ta sẽ ném bạn xuống một cái hồ với độ sâu gần 3 mét.

Nhiệm vụ của bạn là cố tồn tại trong vòng 5 phút.

Giống như hầu hết các khóa huấn luyện của SEAL, đại đa số các học viên đều thất bại. Khi bị ném xuống nước, nhiều người trong số họ hoảng sợ và la hét để được đưa ra ngoài. Một số vật lộn cho đến khi đuối nước, bất tỉnh và rồi được vớt ra ngoài để hồi sức. Thậm chí trong suốt những năm qua, một vài học viên đã tử vong trong quá trình tập luyện.

Nhưng cũng có người đã vượt qua thử thách. Và họ làm được nhờ vào việc ngộ ra hai bài học phản trực giác.

Bài học đầu tiên của thử thách chống đuối nước là một nghịch lý: càng cố nổi, bạn càng dễ chìm.

Khi cả tay và chân đều bị trói chặt, bạn không thể duy trì trạng thái nổi trong suốt 5 phút. Tệ hơn, những nỗ lực để giữ cho cơ thể nổi sẽ chỉ khiến bạn chìm nhanh hơn. Mẹo để chống đuối nước là thực sự để bản thân chìm xuống. Sau đó, bạn đẩy nhẹ người khỏi đáy bể bơi và để quán tính đưa bạn trở lại bề mặt. Khi đó, bạn tận dụng thời gian để hít thở thật nhanh và lặp lại toàn bộ quá trình.

Kỳ lạ thay, để không chết đuối bạn chẳng cần có bất kỳ siêu năng lực hay sức bền phi thường nào. Bạn thậm chí không cần phải biết bơi. Ngược lại, nó đòi hỏi bạn không biết bơi. Thay vì chống lại định luật vật lý để rồi “ngủm”, bạn phải phó thác và tận dụng nó để cứu lấy mạng mình.

Bài học thứ hai hiển nhiên hơn một chút, nhưng cũng là một nghịch lý: càng hoảng loạn, bạn càng tiêu tốn nhiều oxy, càng dễ bất tỉnh và chìm nghỉm hơn. Một cách dị hợm, bài huấn luyện khiến bản năng sinh tồn chống lại bạn. Càng khao khát được thở, bạn càng không thể thở. Càng muốn được sống, bạn càng dễ “đi đời”.

Chống đuối nước không chỉ là một bài kiểm tra thể chất mà là kiểm tra khả năng tự kiểm soát cảm xúc của mỗi học viên trong các tình huống cực kỳ nguy hiểm. Liệu anh ta có khống chế những thôi thúc của chính mình? Liệu anh ta có thể thư giãn khi đối mặt với cái chết tiềm tàng? Anh ta có thể sẵn sàng mạo hiểm mạng sống để phục vụ giá trị hoặc mục tiêu cao cả hơn?

Những kỹ năng này quan trọng hơn nhiều so với khả năng bơi lội. Chúng quan trọng hơn khả năng phục hồi, thể chất dẻo dai hay tham vọng của anh ta. Chúng quan trọng hơn việc anh ta thông minh như thế nào, đã từng học ở đâu, hay anh ta trông bảnh bao ra sao trong bộ vest Ý.

Quy luật đường thẳng tuyến tính

Khả năng buông bỏ quyền kiểm soát khi đang khao khát nó nhất là kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc sống mà bất kỳ ai cũng có thể phát triển, không chỉ với SEAL.

Phần lớn mọi người cho rằng mối quan hệ giữa nỗ lực và phần thưởng là 1-1. Chúng ta nghĩ rằng thời gian làm việc gấp đôi sẽ tạo ra kết quả gấp đôi. Rằng quan tâm đến một mối quan gấp đôi sẽ khiến mọi người cảm thấy được yêu thương gấp đôi. Rằng hét to gấp đôi sẽ khiến quan điểm của mình đúng gấp đôi.

Chúng ta cho rằng cuộc sống tồn tại trên một đường thẳng tuyến tính, rằng tỷ lệ giữa nỗ lực và phần thưởng là 1-1.

Quy luật đường thẳng tuyến tính - Khi nỗ lực và phần thưởng là 1:1

Nhưng với tư cách là một người vừa thử uống gấp đôi lượng Red Bull để có thể hoàn thành việc chỉnh sửa bài viết này, điều này gần như chẳng bao giờ đúng. Hầu hết mọi thứ trên đời không tồn tại trên đường thẳng tuyến tính.

Mối quan hệ tuyến tính chỉ tồn tại đối với những công việc lặp đi lặp lại vô tri như lái xe ô tô, điền vào hàng đống thủ tục giấy tờ, dọn dẹp phòng tắm, v.v. Ở những trường hợp này, làm một việc gì đó trong hai giờ sẽ cho hiệu suất gấp đôi so với một giờ nhưng đơn giản là vì chúng không buộc bạn phải nghĩ.

Quy luật lợi suất giảm dần

Hầu hết các hoạt động trong cuộc sống không vận hành theo đường thẳng tuyến tính giữa nỗ lực và phần thưởng bởi vì chúng không hề đơn giản hay vô tri. Hầu hết chúng đều rất phức tạp, tác động đến tinh thần và/hoặc cảm xúc cũng như đòi hỏi bạn phải thích nghi.

Vì thế, chúng tạo ra một đường cong lợi suất giảm dần. Lợi suất giảm dần có nghĩa là bạn càng trải nghiệm điều gì đó nhiều thì nó càng trở nên ít tưởng thưởng hơn.

Ví dụ kinh điển là tiền. Sự khác biệt giữa kiếm được 20.000 đô la và 40.000 đô la là rất lớn và có thể thay đổi cuộc sống. Sự khác biệt giữa kiếm được 120.000 đô la và 140.000 đô la có nghĩa là xe hơi của bạn có bộ sưởi đẹp hơn một chút. Sự khác biệt giữa kiếm được 127.020.000 đô la và 127.040.000 đô la về cơ bản là một lỗi làm tròn trên tờ khai thuế.

Quy luật lợi suất giảm dần - Khi càng nỗ lực không đồng nghĩa với phần thưởng càng cao.

Khái niệm lợi suất giảm dần áp dụng cho hầu hết các trải nghiệm và mới lạ, thậm chí là trải nghiệm trần tục. Số lần tắm rửa hằng ngày, số cánh gà mà bạn ăn trong giờ khuyến mãi, số lần bạn về nhà thăm mẹ trong năm - đây là những trải nghiệm thoạt đầu có giá trị cao nhưng về sau giảm dần khi bạn làm chúng thường xuyên hơn.

Một ví dụ khác: nghiên cứu về năng suất lao động cho thấy rằng chúng ta chỉ hiệu quả trong vòng 4 đến 5 tiếng đầu mỗi ngày. Mọi thứ trở về sau giảm sút nghiêm trọng, đến mức sự khác biệt giữa làm việc trong 12 giờ và 16 giờ về cơ bản là bằng không (đó là không tính đến việc thiếu ngủ).

Tình bạn cũng vận hành dựa trên quy luật này. Có được một người bạn là rất quan trọng. Có 2 rõ ràng là tốt hơn 1. Nhưng có 10 thay vì 9 sẽ chẳng tạo nên nhiều khác biệt trong cuộc sống. Và có 21 thay vì 20 chỉ tổ khiến việc nhớ tên mọi người thêm phần khó khăn.

Tình dục, ăn, ngủ, rượu chè, tập thể thao, đọc sách, đi nghỉ dưỡng, tuyển dụng, uống cà phê, tiết kiệm để nghỉ hưu, lên lịch gặp gỡ đối tác, học để thi cử, thủ dâm, thức khuya để chơi điện tử cũng vận hành theo quy luật lợi suất giảm dần - các ví dụ là vô tận. Phần thưởng trở nên ít đi kể cả khi bạn làm nhiều hơn, cố nhiều hơn hoặc có nhiều hơn.

Quy luật đường cong đảo ngược

Còn một quy luật nữa mà bạn có thể chưa từng thấy hoặc nghe qua - và đó là bởi vì đây là quy luật mà tôi nghĩ ra. Nó được gọi là đường cong đảo ngược:

Đường cong đảo ngược là khi nỗ lực và phần thưởng tỷ lệ nghịch. Bạn càng cố để nổi trên mặt nước, bạn càng dễ chìm hơn. Tương tự bạn càng muốn thở, bạn càng dễ bị sặc nước hơn.

Hẳn là bạn đang nghĩ “Rồi sao? Ai thèm quan tâm?”

Cũng đúng thôi, chỉ có vài điều trong cuộc sống vận hành trên đường cong đảo ngược. Nhưng những điều này lại vô cùng quan trọng. Thực ra, tôi cho rằng những trải nghiệm quan trọng nhất và mục tiêu cuộc sống đều tồn tại trên nguyên lý này.

Quy luật đường cong đảo ngược - Khi càng nỗ lực càng chẳng được gì.

Nỗ lực và phần thưởng có mối quan hệ tuyến tính đối với những hành động vô tri và đơn giản. Nỗ lực và phần thưởng có mối quan hệ lợi suất giảm dần đối với những hoạt động phức tạp và đa biến hơn.

Nhưng nếu hành động đó dựa trên tâm lý thuần túy - tức những trải nghiệm chỉ tồn tại trong ý thức của ta - thì mối quan hệ giữa nỗ lực và phần thưởng sẽ đảo ngược.

Càng theo đuổi hạnh phúc, càng khiến nó xa vời. Càng cố kiểm soát cảm xúc, càng khiến nó trở nên khó nắm bắt hơn. Càng khao khát tự do, càng khiến ta cảm thấy bị mắc kẹt. Càng muốn được yêu thương và chấp nhận, càng ngăn cản chúng ta yêu thương và chấp nhận chính mình.

Còn tiếp...