Sau tốt nghiệp, cần làm gì để tránh độc thoại tiêu cực? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 04, 2024

Sau tốt nghiệp, cần làm gì để tránh độc thoại tiêu cực?

Từ khi tốt nghiệp đến lúc tìm được việc, các tân cử nhân sẽ trải qua nhiều thay đổi lớn. Quản trị độc thoại là kỹ năng cần thiết giúp bạn tránh sa đà vào suy nghĩ tiêu cực.
Sau tốt nghiệp, cần làm gì để tránh độc thoại tiêu cực?

Nguồn: Minh Thu @hazysoda21 cho Vietcetera

Một mùa tốt nghiệp nữa lại đến - thời điểm các tân cử nhân đầy háo hức vì đã hoàn thành khóa luận, không còn đối mặt với các bài luận hay thi cử. Nhưng bước khỏi giảng đường đại học, một nỗi lo khác lại ập đến: tìm việc và tự lập tài chính.

Với các tân cử nhân, từ khi tốt nghiệp đến lúc có công việc toàn thời gian đầu tiên, các bạn sẽ trải qua nhiều thay đổi. Một trong số đó là mạng lưới giao tiếp bị thu hẹp lại, khiến bạn dễ thu mình vào một góc phòng. Không ít người vì vậy đã hình thành xu hướng độc thoại tiêu cực (negative self-talk) với bản thân.

Khi mạng lưới quan hệ bỗng “co rúm” lại

Theo chia sẻ của Nhung Loren, một headhunter với hơn 690,000 người theo dõi trên Facebook, đây là tình trạng thường thấy ở các sinh viên mới tốt nghiệp. Những người bạn xã giao hay trong câu lạc bộ đều bỗng dưng “biến mất”. Các nhóm chat thường ngày xôm tụ cũng trở nên im ắng khi người đi làm, người thực tập, người lao vào tìm việc.

Thời điểm này nhiều bạn cũng tập trung vào xây dựng profile LinkedIn, sửa CV, làm portfolio để gửi đi ứng tuyển các nơi. Việc này “ngốn” kha khá thời gian của các bạn, dẫn đến nhu cầu đăng ảnh, viết status trên mạng xã hội cũng giảm dần. Bạn cũng khó làm điều này trên LinkedIn, bởi đó là nơi bạn phải xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp nhất có thể.

Nếu sống cùng gia đình, bạn có thể cũng sẽ… sợ những cuộc đối thoại với bố mẹ. Bởi ngày nào bạn cũng bị hỏi đã kiếm được việc chưa, định hướng tương lai thế nào… hay thậm chí tranh thủ “dồn cưới” khi chưa có việc gì làm. Ra ngoài chơi thì lại sợ tốn tiền, bởi bạn vẫn đang ở “giai cấp vô sản” và cần một lý do chính đáng để xin tiền phụ huynh.

24apr2024240423negativeselftalk1jpg
Mạng lưới quan hệ bị thu hẹp lại khiến cuộc sống của bạn thu vào một góc phòng.

Tất cả những điều này khiến cuộc sống của bạn thu vào một góc phòng nhỏ bé, với chiếc điện thoại và máy tính bầu bạn. Ngoài những lúc tìm việc, bạn chỉ luẩn quẩn lướt mạng 24/7 mà không biết làm gì khác.

Bạn buồn bã tự vấn rằng, vì sao học trường top, tốt nghiệp loại giỏi mà chưa tìm được việc. Bạn không hiểu vì sao bạn bè đều đã có công việc mà bạn vẫn đang nằm xó nhà. Rồi bạn cho rằng mình kém cỏi, không đủ cố gắng hoặc chọn sai ngành học. Những màn độc thoại tiêu cực cứ như vậy bám lấy bạn dai dẳng, khiến bạn hoài nghi chính mình và hoang mang về tương lai.

Điều này có bình thường không?

Theo tiến sĩ Jeffrey Hutman, độc thoại tiêu cực là hệ quả khi bạn suy nghĩ quá mức (overthinking). Và vì não bộ con người có thiên kiến tiêu cực, bạn có xu hướng tự cắt nghĩa những gì đang xảy ra với mình theo hướng không mấy tốt đẹp. Điều này dẫn đến một loạt suy nghĩ tiêu cực mà bạn không biết giãi bày cùng ai.

Bên cạnh đó, việc mất đi mối quan tâm chính hàng ngày (bất kể là công việc, tình cảm hay học tập) cũng khiến bạn rơi vào tình trạng trên. Đây chính là điều xảy ra với sinh viên mới tốt nghiệp. Bởi khi còn đi học, bạn luôn bận rộn với trường lớp, bạn bè và các câu lạc bộ. Sau khi tốt nghiệp, bạn đột ngột mất đi những điều đó mà chưa tìm được mối quan tâm mới (công việc).

Cuối cùng, tình trạng suy thoái kinh tế và thị trường việc làm khó khăn hiện nay cũng góp phần dẫn đến độc thoại tiêu cực. Khi một sinh viên mới ra trường, chưa tìm được công việc lại phải đối mặt với suy thoái kinh tế, thì việc hình thành các suy nghĩ tiêu cực và hoài nghi về chính bản thân mình là hoàn toàn dễ hiểu.

24apr202457722d82260e4445a3bb31692a7004e2jpeg
Để phá tan bầu không khí căng thẳng này, mời các bạn xem meme của elm Pam. | Nguồn: PamelaFC

Nên làm gì trong khoảng thời gian này?

Việc buồn chán khi chưa có việc, hay lo sợ cho tương lai vô định là khó tránh trong thời điểm này. Chúng ta cũng không thể tự bảo bản thân “lạc quan lên”, bởi ta chưa có cái gì để mà lạc quan. Đó là chưa kể, cách làm này hoàn toàn phủ nhận cảm xúc và các vấn đề ta đang gặp.

Điều ta có thể làm là hướng sự chú ý của mình sang cái khác, để hạn chế tác động tiêu cực do độc thoại gây ra. Bạn có thể tham khảo 3 hoạt động sau đây:

Nếu tâm trí đang trì trệ, đừng để cơ thể cũng thế

Khi nhận thấy bản thân đang độc thoại tiêu cực, việc tiếp tục chui rúc trong chăn và lướt điện thoại sẽ không khiến tâm trạng tốt lên. Thay vào đó, bạn thử ra ngoài đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng trong 15-30 phút. Lý tưởng hơn nữa, bạn rủ bạn bè/hàng xóm cùng đánh cầu lông hay chạy bộ với mình. Đây đều là những môn thể thao không hề tốn chi phí.

Nếu không thể ra ngoài thì bạn dọn dẹp nhà cửa, bố trí lại phòng ốc hay tắm cho thú cưng cũng sẽ đỡ căng thẳng ít nhiều. Các hoạt động thể chất trên đều góp phần sản sinh endorphin - hormone giúp giảm căng thẳng, khiến chúng ta vui vẻ, dễ chịu hơn. Cố gắng biến chúng thành thói quen hàng ngày, sức khỏe tinh thần bạn sẽ cải thiện rõ rệt.

Tận hưởng những gì trước kia bạn trì hoãn vì bận học

Bản chất độc thoại tiêu cực đến từ việc mất đi mối quan tâm hàng ngày. Nếu chưa tìm được công việc, bạn có thể tự tạo ra mối quan tâm riêng, và sở thích chính là một ví dụ. Thử nghĩ xem có điều gì bạn luôn muốn làm, nhưng luôn trì hoãn cho đến tận bây giờ? Đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để thực hiện chúng.

Học đan móc len, vẽ màu nước, làm bánh, viết blog hay làm thiện nguyện đều là những sở thích có chi phí khá thấp để bạn theo đuổi mà không lo “cháy túi”. Hoặc thậm chí bạn có thể cày phim, show truyền hình hay “đu” thần tượng cũng đã là những mối quan tâm mới, khiến tâm trí bạn bận rộn hơn, không bị “vô công rồi nghề”.

Nên nhớ rằng khi bắt đầu đi làm, bạn sẽ lại vùi đầu vào deadline và hiếm có thời gian cho những sở thích này. Vì vậy, hãy tranh thủ tận hưởng chúng khi có thể.

24apr2024240423negativeselftalk2jpg
Nếu chưa tìm được công việc để quan tâm, thì chúng ta tự tạo mối quan tâm cho mình.

"Hấp thu" sự hài hước của thế giới

Xem nội dung vô tri không xấu, nó chỉ xấu khi bạn xem vô tội vạ không biết điểm dừng. Đặc biệt trong thời điểm bạn suy nghĩ tiêu cực, những meme hài hước, ảnh chó mèo cute hay video chọc cười sẽ tiếp thêm cho bạn liều dopamine thần tốc và hiệu quả.

Dù vậy, bạn chú ý bấm thời gian không để sa đà vào xem quá lâu, và đặc biệt hạn chế xem những nội dung này trước khi ngủ. Bởi dopamine vốn mang tính chất kích thích, nên khi tiết ra quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn.

Chưa kể nếu bạn để chế độ tự chạy (autoplay), nó có thể vô tình dừng ở video buồn hoặc các nội dung tiêu cực khác. Khi đó, thuật toán của các mạng xã hội sẽ gợi ý thêm kiểu nội dung tương tự. Và xem trúng video buồn vào đêm khuya - thời điểm bạn vốn dễ suy nghĩ tiêu cực - không khác gì đổ thêm dầu vào lửa.