Ta có thể giúp gì cho nạn nhân bị xâm hại tình dục, ngoài nói “Cố lên”? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 05, 2022

Ta có thể giúp gì cho nạn nhân bị xâm hại tình dục, ngoài nói “Cố lên”?

Hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục thế nào để vừa tránh việc vô tình đổ lỗi, vừa xoa dịu một cách khoa học?
Ta có thể giúp gì cho nạn nhân bị xâm hại tình dục, ngoài nói “Cố lên”?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Phần 1: Giải mã “Sao đến giờ mới nói?” cùng nhiều câu hỏi đổ lỗi về xâm hại tình dục

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, chỉ từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước đã có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại (hơn 3.600 trẻ là nữ). Các số liệu này còn có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.

Nhưng đây chỉ mới là những con số thống kê được, của những vụ việc mà trẻ em là nạn nhân. Vẫn còn có những con số chìm vào im lặng, của những nạn nhân là người lớn. Vụ việc của chị Dạ Thảo Phương cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Mỗi ngày, chúng ta luôn có thể bắt gặp một bài đăng kể lại việc bị xâm hại tình dục của một ai đó, thậm chí, là người thân của mình.

Theo như chia sẻ của chị Hạ Nguyễn, chuyên viên tham vấn tâm lý đang công tác tại Chi hội tâm lý ứng dụng Giáo dục cộng đồng Hoa Súng, 6 tiếng đầu ngay sau khi xảy ra sự việc là “thời điểm vàng” để hỗ trợ tinh thần cho nạn nhân. Tuy nhiên, không phải ai sau khi gặp sự việc cũng kịp đến gặp chuyên viên tâm lý.

Với những người chưa có chuyên môn trong việc điều trị tâm lý, liệu có cách nào để hỗ trợ tinh thần cho người bị xâm hại, trừ việc liên tục đặt những câu hỏi đổ lỗi, hoặc chỉ đơn giản động viên “Cố lên”?

1. Gọi tên cảm xúc

Lúc còn bé, khi bạn bắt đầu những bước đi đầu tiên và vô tình vấp ngã, người lớn đã làm gì? Thông thường là sẽ đánh cho chừa con đường, hoặc cái ghế, hay chiếc xe đã làm bạn bị ngã. Cách tìm thứ khác để đổ lỗi giúp xoa dịu sự xót xa, lo lắng, hay sự tổn thương của chính người lớn vì những việc không hay đã xảy ra với bạn.

Nguồn Tragrave Nhữ averagetea cho Vietcetera
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Trong quá trình tham vấn, chị Hạ Nguyễn cũng đã gặp một số tình huống người thân của trẻ bị xâm hại liên tục hỏi nạn nhân “Tại sao con lại đi chơi khuya?” hay “Tại sao con lại để việc này xảy ra?” Dù ẩn sau đó là sự bất lực, hay cay đắng, nhưng việc làm này cũng vô tình gây tổn thương cho nạn nhân.

Bởi chúng ta đã sống trong nền văn hóa không quan tâm nhiều đến cảm xúc của cái “tôi” quá lâu, dẫn đến việc không có thói quen bộc lộ cảm xúc thực sự. Thay vì nói “ba/mẹ cảm thấy đau lòng/xót xa/thương con rất nhiều khi con trở thành người bị hại”, họ sẽ quen thuộc hơn với những mẫu câu “con không cẩn thận/con dễ tin người để xảy ra nông nỗi này.

Thử thách của người giúp đỡ là tìm cách chuyển ngôi từ ngôi trò chuyện số 2, số 3 (bạn/cô ấy/anh ấy...) về ngôi trò chuyện số 1 (Tôi) trong tình huống lắng nghe và trò chuyện với người bị hại, hay bất cứ ai khác trong cuộc sống. Việc chuyển ngôi trò chuyện sẽ có vai trò lắng nghe, nâng đỡ và tính cùng chịu trách nhiệm với mọi điều đã hoặc đang xảy ra.

Vì vậy, để tránh việc chính người thân, hoặc người nghe xong câu chuyện mà nạn nhân kể, thốt lên những câu hỏi đổ lỗi, các nhà tham vấn thường gợi ý họ trả lời trước câu hỏi: “Tôi đang cảm thấy như thế nào?”

Gọi tên được cảm xúc của mình, nhận biết mình đang lo lắng, buồn bã hay tức giận (với thủ phạm) giúp họ bình tĩnh hơn, từ đó thận trọng hơn trong việc chọn lựa câu từ, không gây ảnh hưởng đến tâm lý đang bất ổn của nạn nhân.

2. Ngăn nạn nhân đổ lỗi cho bản thân

Nguồn Tragrave Nhữ averagetea cho Vietcetera
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Không cần đến bất kỳ ai đổ lỗi, bởi tự nạn nhân cũng đã chìm trong nỗi ân hận ngay từ khi sự việc xảy ra. Những câu hỏi như “Tại sao tôi lại không chạy ngay đi?” hay “Liệu có gì sai với tôi không?” cũng luôn xuất hiện và ám ảnh họ. Để hỗ trợ nạn nhân, bạn có thể:

Cung cấp thông tin khoa học

Việc nạn nhân không chạy trốn ngay lúc sự việc xảy ra là chuyện có thể giải thích bằng khoa học. Về cơ bản, sợ hãi là cảm giác sinh tồn. Sự sợ hãi khiến cơ thể tiết ra adrenaline làm tăng huyết áp, nhịp tim, hô hấp từ đó bật chế độ “chiến.” Nhưng có những người không “chiến” được, mà chỉ có thể đứng im (tê liệt).

Bạn có thể cung cấp kiến thức về cơ chế tâm lý của con người khi đối diện với nguy hiểm, để nạn nhân không phải tiếp tục đổ lỗi cho chính mình.

“Nếu có một người bạn đang trong hoàn cảnh tương tự, bạn sẽ nói gì?”

Đây là một câu hỏi giả sử mà một số nhà tham vấn tâm lý sử dụng để hỏi nạn nhân. Khi chuyển sự chú ý qua một người thân thuộc, nạn nhân có thể chia sẻ những suy nghĩ bao dung hơn. Từ đó, bạn có thể hướng họ đến sự yêu thương bản thân.

“Nếu bạn cũng thương yêu người bạn của mình như thế, hẳn họ cũng muốn nói với bạn rằng họ cũng yêu và thương bạn rất nhiều. Vì bạn đã trải qua một cuộc chiến, và đang hiện diện ở đây.”

3. Nói với nạn nhân “Bạn an toàn rồi”

Khi bắt đầu tham vấn tâm lý, điều đầu tiên những nhà tham vấn làm không phải là tiến hành giải đáp những vấn đề liên quan đến sự kiện khiến nạn nhân sang chấn. Quan trọng nhất, vẫn là cho nạn nhân biết họ đang ở một nơi an toàn.

An toàn là khi câu chuyện hoàn toàn được giữ kín giữa cả hai, nạn nhân không phải lo lắng về việc bị phán xét, và được lắng nghe một cách trọn vẹn. Để làm được điều này, đôi khi người lắng nghe không cần thiết phải biết cụ thể chuyện gì đã xảy ra với nạn nhân. Việc bạn có mặt, là để chia sẻ với cảm xúc của họ.

Để giúp nạn nhân nhận biết điều này, bạn cần nói với họ rằng “Bạn đang ở nơi an toàn, có tôi ở đây, để lắng nghe câu chuyện của bạn.”

4. Có hiểu, rồi mới có thương

Đôi khi, nạn nhân sẽ “xù lông nhím” với người giúp đỡ, lúc chia sẻ câu chuyện của mình. Họ có thể im lặng dù bị gặng hỏi, thậm chí tỏ ra khó chịu hoặc từ chối sự giúp đỡ. Nhưng không phải bởi họ không muốn được giúp, mà vì đó là thời điểm cơ chế tự vệ vẫn được bật, dẫn đến những hành động này. Đó là chưa kể, xã hội vẫn còn những định kiến khắt khe dành cho nạn nhân.

Nguồn Tragrave Nhữ averagetea cho Vietcetera
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Đây là lúc người lắng nghe cần thể hiện sự kiên trì. Bạn cần chuẩn bị sẵn tâm lý rằng sự giúp đỡ của mình có thể bị từ chối, hoặc bị phản ứng ngược, để không cảm thấy bị tổn thương. Bạn có thể cùng im lặng với họ, đến khi họ cảm thấy thoải mái kể ra câu chuyện của mình. Song song với việc này, bạn có thể tiếp tục tạo mọi điều kiện cho họ biết họ đang an toàn.

Theo chia sẻ của chị Hạ Nguyễn, thử thách của một người giúp đỡ đôi khi là biết ranh giới phù hợp để không biến sự đồng hành của mình thành nguy cơ gây hại đối với các bạn trải qua xâm hại hoặc bị lạm dụng tình dục.

Ranh giới ở đây thể hiện qua việc người giúp đỡ giận thay, phẫn nộ thay hoặc muốn hành động thay cho nạn nhân. Chẳng hạn, khi nghe kể chuyện về việc bị xâm hại, nếu không giữ vững tinh thần, bạn sẽ có xu hướng muốn tố cáo giúp, hay bằng mọi giá thuyết phục nạn nhân tố cáo.

Nhưng sau cùng, dù là nhà tham vấn hay là một người chỉ muốn giúp đỡ, lòng trắc ẩn thôi là không đủ. Bạn vẫn cần thấu hiểu cho mọi quyết định của người bị xâm hại, dù cho họ lựa chọn cất tiếng nói, hay không. Bởi phải có nhiều lý do dẫn đến quyết định ấy. Và là một người giúp đỡ, bạn vẫn luôn cần hiểu trước.

Chỉ khi hiểu đúng, ta mới biết cách thương đúng.

Bốn bước cơ bản này sẽ giúp bạn "cấp cứu" tinh thần cho nạn nhân. Tuy nhiên, vì hệ quả của hành vi xâm hại có thể gây ra nhiều khó khăn tâm lý ở nạn nhân cũng như cả ở người thân của nạn nhân, vậy nên việc tìm kiếm những cá nhân hay tổ chức hỗ trợ chuyên nghiệp vẫn là điều cần thiết.