Giải mã “Sao đến giờ mới nói?” cùng nhiều câu hỏi đổ lỗi về xâm hại tình dục | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Giải mã “Sao đến giờ mới nói?” cùng nhiều câu hỏi đổ lỗi về xâm hại tình dục

"Không biết tránh" hay "không tố cáo" cũng là những "chỉ trích" thường gặp trong các bài tố cáo hành vi xâm hại tình dục. Bài viết sẽ giải đáp những thắc mắc này dưới góc nhìn khoa học tâm lý.
Giải mã “Sao đến giờ mới nói?” cùng nhiều câu hỏi đổ lỗi về xâm hại tình dục

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Năm 2020, các nạn nhân của Ngô Hoàng Anh quyết định đứng lên tố cáo việc bị quấy rối tình dục. Dù với một tập hợp hơn 10 bức ảnh và video clip bằng chứng, thì bên dưới phần bình luận, vẫn có nhiều người hỏi: “Sao đến giờ mới nói?” hoặc “Sao lúc ấy không biết đường mà tránh đi?”

Hai năm sau, vào đầu tháng Tư, khi bài viết tố cáo hành vi xâm hại và lạm dụng tình dục của chị Dạ Thảo Phương được đăng tải, những bình luận thể hiện thái độ tương tự vẫn xuất hiện.

Liệu có những cách lý giải khoa học nào cho những thắc mắc này?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Hạ Nguyễn, một chuyên viên tham vấn tâm lý đang công tác tại Chi hội tâm lý ứng dụng Giáo dục cộng đồng Hoa Súng. Chị Hạ đã có trải nghiệm hơn 2 năm làm việc với các bạn bị xâm hại và lạm dụng tình dục.

Bài viết tham khảo kiến thức chuyên môn của chị Hạ để giải mã những câu hỏi thường gặp trong những vụ việc tố cáo quấy rối, xâm hại hoặc lạm dụng tình dục.

“Tại sao lúc xảy ra chuyện lại không làm gì hết?”

Trong vụ việc của chị Dạ Thảo Phương, hay với kẻ bị tình nghi quấy rối là Ngô Hoàng Anh, nhiều luận điểm cho rằng nếu lúc ấy nạn nhân biết chống cự, biết phản đối, thì mọi chuyện đã khác. Thậm chí, vì nạn nhân có vẻ không phản công, nhiều người lại cho rằng đây là việc thể hiện sự đồng thuận.

Nhưng chống cự hay không, đôi khi không phải xuất phát từ chuyện muốn là có thể làm. Nó là câu chuyện của bộ não.

Nguồn Fstoppers
Nguồn: Fstoppers

Vỏ não trán trước (prefrontal cortex) có chức năng lập kế hoạch và dự định, cảm giác thời gian và bối cảnh, ức chế các hành động không phù hợp, thể hiện sự thấu cảm và thông cảm. Vùng não trán trước điều hành sự tập trung, quá trình suy nghĩ hợp lý và cả việc ra quyết định. Trong trạng thái đối mặt với những tình huống nguy hiểm, như việc bị tấn công tình dục, vỏ não trước trán bị ức chế và hoạt động không hiệu quả.

Thời điểm này, hạch hạnh nhân – vùng phân tích các ý nghĩa về cảm xúc hoạt động mạnh mẽ hơn. Khi các kích thích nguy hiểm như hành vi tấn công tình dục xảy ra, nếu mối đe dọa của hạch hạnh nhân quá mãnh liệt, người bị tấn công sẽ mất khả năng kiểm soát các phản ứng khẩn cấp tự động ví dụ như những cơn giật mình, sợ hãi, hoặc sự mất kiểm soát kéo dài.

Quá trình này giải phóng rất nhiều các hormone stress bao gồm cortisol và andrenaline. Từ đó làm tăng nhịp tim, huyết áp và tốc độ hô hấp để chuẩn bị cho cơ chế chiến (chống trả) - biến (bỏ chạy) - hoặc có thể rơi vào trạng thái tê liệt (bị đơ không phản ứng).

Nhiều trường hợp đối mặt với hành vi tấn công tình dục rơi vào tình trạng tê liệt, mất đi khả năng kháng cự và chống trả. Đó là cách chúng ta có thể giải thích cho những thắc mắc “tại sao họ không phản kháng, không chống trả” dưới góc nhìn khoa học thần kinh và não bộ.

“Tại sao đến giờ mới nói?”

Sau khi bị tấn công tình dục, họ phải đối mặt với những hệ quả nghiêm trọng và lâu dài về mặt tâm lý. Họ phải đấu tranh với những tiếng nói tổn thương bên trong rất lâu để tìm kiếm những khoảnh khắc an toàn, trước khi có đủ sự sẵn sàng, can đảm lên tiếng. Riêng chị Dạ Thảo Phương, việc đó tốn của chị đến 23 năm.

Hoảng loạn và sợ hãi là trạng thái tâm lý đầu tiên của nạn nhân sau khi đối mặt với hành vi xâm hại tình dục. Nỗi sợ hãi sự trả thù của thủ phạm, sợ hãi sự không thông cảm của mọi người xung quanh, nỗi sợ mặc cảm và xấu hổ gia tăng. Ngoài ra, họ có nguy cơ rất cao với những biểu hiện của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).

Từ quan sát thực tế của chị Hạ Nguyễn, có một số biểu hiện có thể xảy ra:

Nguồn Unsplash
Nguồn: Unsplash

1. Tái trải nghiệm (flashback)

Tái trải nghiệm là việc những ký ức đau buồn, sợ hãi, kinh tởm… đột ngột xuất hiện, xâm nhập vào tâm trí dù không muốn. Những người trải qua bị xâm hại tình dục không có nhu cầu nhớ về những điều tồi tệ đã xảy ra, nhưng các ký ức tổn thương liên tục tra tấn tinh thần họ.

Các kích hoạt có thể từ những điều rất nhỏ, như địa điểm, mùi hương, ánh mắt, gương mặt, tiếng động như tiếng bước chân, tiếng quát,… mà người bị xâm hại đã trải qua.

Chẳng hạn, lúc ấy, nếu thủ phạm có mùi hương như mùi rượu hoặc nước hoa, thì chỉ cần nạn nhân vô tình ngửi lại mùi hương ấy ở đâu đó trong cuộc sống của họ, các hình ảnh hồi tưởng về sự cố bị tấn công tình dục sẽ hiện ra trong tâm trí.

2. Phân ly cảm xúc/ý nghĩ

Người bị xâm hại vẫn có thể cười và thể hiện tôi hoàn toàn ổn khi kể lại chuyện của mình. Điều này dẫn đến việc nhiều người nhầm lẫn rằng họ đã vượt qua sang chấn. Nhưng thực tế, đây có thể là dấu hiệu của phân ly cảm xúc. Chúng ta có thể hiểu rằng, đó là một sự kiện họ không bao giờ muốn nhớ về, muốn chôn vùi hoàn toàn.

Một trường hợp khác, họ có thể trải qua việc bị mất một đoạn ký ức. Tức khi kể về sự kiện, họ bị quên các chi tiết, câu chuyện cũng không liền mạch và không logic. Các mảng kí ức của nạn nhân bị ức chế đưa vào trạng thái quên. Nhưng thực chất, nó không biến mất hoàn toàn giống như người mất trí nhớ, nó sẽ hoạt động theo cơ chế tái trải nghiệm lại các ký ức theo từng mảnh vụn vỡ, không đầu, không đuôi như đã đề cập ở trên.

3. Không coi trọng/yêu thương bản thân

Một số người trải qua hành vi bị xâm hại cảm thấy ghê sợ với cơ thể của mình, dẫn đến việc không coi trọng bản thân. Họ có nguy cơ tham dự các hoạt động tình dục không an toàn. Dưới góc nhìn tâm lý, có thể coi đó là một sự bất lực. Khi không thể làm gì để bảo vệ bản thân, họ quay ngược trở lại trừng phạt chính mình.

Tuy nhiên, tuỳ vào từng trường hợp bị xâm hại khi ở từng độ tuổi mà nhận thức về bản thân sẽ khác nhau. Tìm kiếm sự hỗ trợ sớm từ các chuyên gia tâm lý có thể hữu ích với quá trình chữa lành những tổn thương tâm lý.

“Tại sao không tố cáo từ sớm?”

Trước khi đặt câu hỏi này, bạn cần trả lời câu hỏi “Việc tố cáo này mang lại những lợi ích, cũng như hệ quả nào, cho nạn nhân?”.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai đã nêu những điều quan trọng của việc nạn nhân không tố cáo trong bài viết về các lý do khiến nạn nhân im lặng. Xã hội hiện tại, dù đã đứng về phía nạn nhân nhiều hơn, nhưng vẫn còn đó những làn sóng cho rằng họ “phải làm gì đó mới bị như thế”.

Những làn sóng có khả năng nhấn chìm những ai vốn đã không vững mạnh về mặt tinh thần. Và đó là lý do lớn khiến họ chần chừ trong việc nói ra.

Nguồn NBC News
Nguồn: NBC News

Đằng sau hành vi không tố cáo ấy là những khó khăn gì. Nó có thể là quyền lực mềm từ phía thủ phạm, nó có thể là ảnh hưởng tinh thần từ phía chính nạn nhân. Khi tố cáo, họ có thể còn phải đối diện với việc tái sang chấn.

Trong nhiều hành trình tố cáo thủ phạm xâm hại tình dục mà chị Hạ Nguyễn được biết, gia đình nạn nhân đã phải luôn bên cạnh và ủng hộ họ. Nếu chỉ đơn độc, nạn nhân sẽ khó có can đảm để tự lên tiếng.

Khi đặt câu hỏi này, ta phải chấp nhận một sự thật. Rằng chúng ta không bao giờ có thể chịu đựng thay nỗi đau của người bị xâm hại. Người đối diện với làn sóng chỉ trích khi tố cáo, luôn là chính họ.

Vậy nên công việc của nhà tham vấn tâm lý, và cả chúng ta nữa, là luôn đảm bảo quyền được an toàn về tinh thần của họ trước tiên.

Phần 2: Chúng ta có thể làm gì cho nạn nhân bị xâm hại tình dục, trừ câu “Cố lên”?