Nhiều năm trời phát triển bản thân, mình thường được nghe đi nghe lại câu nói “phải bước khỏi vùng an toàn, đừng sống một đời an nhàn, thế mới là một cuộc đời đáng sống”.
Thế nhưng, nói thì dễ hơn làm. Mình từng có lần vượt khỏi vùng an toàn, kết quả là gãy tay phải. Hậu quả là sau này khi học làm phim hoạt hình, phải vẽ 24 khung tranh cho 1 giây chuyển động, vì tay run mà nét vẽ cũng không được hoàn thiện. Thế nên mình đã phải nghỉ ngang ở năm thứ 2 đại học.
Bây giờ, mỗi lần nghe ai đó khuyên hãy bước ra khỏi vùng an toàn, suy nghĩ của mình lại có chút dậy sóng. Liệu cả người khuyên và người được khuyên có thực sự tường tỏ thế nào là vùng an toàn, và làm thế nào để bước ra khỏi vùng an toàn một cách hợp lý, để không vướng phải hậu quả nào đáng tiếc.
Qua bài viết này mình muốn cung cấp thêm một góc nhìn khác về chủ đề này. Đó là thay vì nói “phải bước ra khỏi vùng an toàn”, hãy thay bằng “mở rộng vùng an toàn”.
Đi cùng với tư duy này mình chia sẻ thêm một phương pháp giúp bạn phát triển, mà không yêu cầu bạn phải là một người rất dũng cảm, hay phải quá mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn. Nó có tên là “quá tải luỹ tiến”.
Vì sao “mở rộng” vùng an toàn, chứ không “bước khỏi” vùng an toàn?
Ở Việt Nam người ta thường dịch cụm từ “comfort zone” thành vùng an toàn. Nhưng thực tế, có sự khác biệt nhất định giữa từ comfort là thoải mái và safety là an toàn.
Điểm khác biệt đầu tiên là, ở trong vùng thoải mái không có nghĩa là bạn đang được an toàn.
Chẳng hạn, hiện tại thu nhập của bạn đến từ một công việc hành chính ổn định, nhưng không có nghĩa là bạn đang không chịu rủi ro nào cả. Vẫn luôn tiềm ẩn ở đó những nguy cơ như bị quy trình, công nghệ mới thay thế, hay thậm chí là rủi ro công ty thua lỗ, phải cắt giảm nhân sự hoặc tệ hơn nữa là phá sản.
Điểm khác biệt thứ hai là, thoát ra khỏi vùng thoải mái không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc phải mạo hiểm, phải đánh đổi sự an toàn của mình.
Chẳng hạn, nếu bạn muốn học trượt patin thì phải chấp nhận có thể bị té. Nhưng bạn có thể trang bị thêm cho mình trang phục bảo hộ giúp giảm bớt cơn đau, và tập trong một môi trường an toàn, thuận lợi hơn cho bạn.
Một vấn đề khác ở đây là những lời kêu gọi “phải bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân” như đang dán một cái nhãn xấu xa cho sự thoải mái. Nó vô tình làm cho chúng ta ngầm hiểu rằng, ở trong vùng an toàn đồng nghĩa với sự thoải mái, và xấu xa. Còn bước ra khỏi vùng an toàn, là một điều tốt nhưng đáng sợ.
Và cách chúng ta hiểu, nhìn nhận một vấn đề sẽ ảnh hưởng lên cách chúng ta chọn hướng tiếp cận giải quyết vấn đề đó.
Mình muốn cung cấp thêm một góc nhìn khác. Đó là thay vì nói phải bước ra khỏi vùng an toàn, hãy thay bằng mở rộng vùng an toàn.
Nghĩa là từ cách nghĩ ở trong vùng an toàn là thoải mái, là xấu nên cần phải bước ra chỗ đáng sợ, nhưng tốt hơn, chuyển sang thành cách nghĩ mới, đó là ở trong vùng an toàn là tốt, và mở rộng cái tốt này để tốt hơn.
Cách nghĩ này bắt đầu từ việc, bạn coi vùng an toàn hiện tại là thứ bạn cần và muốn phát triển bản thân trong đó. Đó là nơi bạn cảm thấy thoải mái khi được là chính mình, được sạc lại năng lượng và hoàn thiện bản thân. Khi đó, bạn sẽ bắt đầu tập trung vào những gì bạn muốn phát triển, xây dựng dựa trên những gì bạn đã có và bổ sung những trải nghiệm mới giúp mở rộng năng lực của bạn.
Quá trình mở rộng vùng an toàn cũng sẽ buộc bạn phải đi qua các vùng như: vùng sợ hãi, vùng điểm yếu, vùng học hỏi, vùng phát triển.
Nó cũng giống như bạn đang chơi game và mở rộng bản đồ khám phá của mình. Ban đầu, mỗi bước đi ra khỏi vùng đất quen thuộc có thể sẽ đáng sợ và không chắc chắn. Không biết có những con quái vật, đại diện cho những thử thách nào đang chờ mình. Nhưng mỗi lần bạn chiến thắng được quái vật, vượt qua được một thử thách, bạn lại thêm vào bản đồ của mình một khu vực mới mà bạn có thể tự tin đi lại.
Đây không chỉ là quá trình chinh phục các vùng đất mới mà còn là việc củng cố năng lực và xây dựng lòng dũng cảm của bạn. Cứ thế, từ từ, với mỗi bước tiến, bạn không chỉ mở rộng vùng an toàn của mình mà còn phát triển bản thân, trở nên mạnh mẽ và đa dạng hơn trong kỹ năng và tư duy.
Nhưng nếu chẳng may, lỡ đặt chân vào vùng đất quái vật mạnh hơn quá nhiều so với bạn hiện tại, Đồng nghĩa với việc bạn đang đi vào vùng hoảng sợ, điều này xảy ra nhiều lần sẽ làm bạn dần mất đi sự tự tin vào bản thân cũng như bẻ gãy ý chí của bạn.
Mình cũng sợ điều này xảy ra, nên đã áp dụng một chiến lược riêng có tên là "quá tải luỹ tiến", để mở rộng vùng an toàn một cách an toàn.
“Quá tải luỹ tiến” là gì?
“Quá tải lũy tiến” nghĩa là tập làm quen với những điều không thoải mái, từng bước nhỏ, mỗi ngày.
Trước đây, có thời điểm cân nặng của mình vượt qua con số 80, mập mạp khiến mình trở nên ù lì, dễ stress và cáu giận, thiếu tập trung, khiến cho chất lượng công việc xuống dốc. Thế nên mình đã bắt đầu tập chạy bộ.
Ban đầu mình chỉ cần cố gắng xỏ giày vô đi bộ là được rồi, rồi sau đó cố gắng chạy liên tục không nghỉ trong 5p, rồi tăng lên thành 1 km, rồi 5 km. Có lúc mình đã có thể chạy liên tục được 15km mà không cần nghỉ. Kết quả là sau 3 tháng, mình giảm được 10kg mà thậm chí mình còn không nhận ra điều đó.
Bạn có thể áp dụng chiến lược này cho các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.
Hãy bắt đầu từ việc không thoải mái về mặt thể xác, bằng những hoạt động thể chất trước giờ chưa từng làm, như là dậy sớm, tắm nước lạnh, tập chơi thành thục một môn thể thao vận động, rồi tăng cấp dần lên thành những chuyến đi trekking, leo núi,…
Tiếp đến là không thoải mái về mặt tinh thần, như là nhận biết nỗi sợ, tìm hiểu và đối diện với nó. Chẳng hạn nếu bạn thấy mình đang sợ nói chuyện với đám đông, thì hãy tìm hiểu điều gì đã làm cho bạn hình thành nỗi sợ như vậy.
Sau đó, hãy thử đối diện với nó một cách quá tải lũy tiến. Bắt đầu bằng việc tập nói trước gương, nói trước nhóm bạn thân, phát biểu trong buổi sinh nhật của bạn, xung phong làm workshop ở công ty, cứ thế tăng lên từ từ… cho tới khi bạn không còn sợ điều này nữa.
Hoặc bạn có thể thử thách mình không thoải mái về mặt xã hội, như là học cách bắt chuyện với người lạ, tham gia các câu lạc bộ hoặc hội nhóm mới nào đó. Đầu tiên có thể chỉ là gặp gỡ và trò chuyện với một người mới mỗi tuần, rồi từ từ mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội của bạn.
Rồi đến không thoải mái về mặt trí tuệ, đó là học một kỹ năng mới hoặc nghiên cứu một lĩnh vực bạn không quen thuộc. Có thể bắt đầu từ việc đọc sách, tham gia các khóa học trực tuyến, hoặc thậm chí là viết blog về những điều mới học được.
Còn mình, khi gặp một người đủ trưởng thành về nhận thức, mình thậm chí còn thử thách khía cạnh nhạy cảm hơn nữa, là không thoải mái về đức tin. Tức là đặt các câu hỏi về danh tính và mục đích tồn tại, trò chuyện với người từ các tôn giáo khác cũng như tích cực tìm hiểu và phản biện về các quan điểm tôn giáo. Việc này giúp mình hiểu được sự khác biệt giữa các tôn giáo, học được cách tôn trọng đức tin của người khác.
Ngoài ra, cần thêm gì để áp dụng chiến lược này hiệu quả?
Để có thể áp dụng chiến lược quá tải lũy tiến, thay vì quá tải quá mức làm rơi vào vùng hoảng sợ, bạn cần phải thấy được đâu là những đường biên giới hạn của vùng an toàn một cách rõ ràng. Để làm được như vậy, bạn sẽ cần tới kỹ năng đo lường, hay có thể gọi là tư duy đo lường. Nghĩa là phải có ý thức, nhận thức được việc muốn cải thiện cái gì thì cần phải có sự đo lường cho cái đó.
Chẳng hạn bạn muốn cải thiện, hình thành thói quen đọc sách. Bạn có thể bắt đầu bằng mục tiêu đặt ra năm nay cần đọc ít nhất 16 cuốn sách. Như vậy, chia nhỏ ra mỗi tháng bạn cần đọc 1 cuốn, và trong đó có 4 tháng là phải đọc 2 cuốn.
Khi mục tiêu được chia nhỏ và có thể đo lường như vậy, bạn sẽ dễ dàng biết được nếu ở đầu tháng thứ 3 mà bạn chỉ mới đọc được 1 cuốn, nghĩa là bạn cần phải điều chỉnh lại kế hoạch, dành nhiều thời gian hơn thì mới hoàn thành được mục tiêu 16 cuốn trong 9 tháng còn lại.
Chi tiết hơn nữa, giả sử cuốn sách dài 280 trang, thì trung bình 1 tuần cần đọc được 70 trang, một ngày 10 trang. Như vậy mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn chỉ cần đọc 10 trang sách là đã có thể hoàn thành đc mục tiêu.
Và khi mà bạn thấy có thể duy trì việc đọc 70 trang sách một tuần là tương đối thoải mái, đây là lúc bạn bắt đầu chiến lược quá tải lũy tiến, tăng lên một khoảng nhỏ thôi, như là 80-100 trang là được. Sau một thời gian, việc đọc sách khá là đơn giản đối với bạn.
Đương nhiên sẽ có những khía cạnh không dễ đo lường, như là lượng kiến thức hấp thụ từ sách. Lúc này bạn có thể tiếp cận theo một hướng khác, như là cứ sau 1 tuần, hãy ghi chép lại những ý tưởng, câu nói hay ho từ cuốn sách bạn đang đọc.
Ở đây, có một từ khoá mà mình muốn nhấn mạnh, đó là: mỗi ngày. Kế hoạch những việc cần làm càng chi tiết tới mức “mỗi ngày” kế hoạch đó sẽ càng hiệu quả, và 1 năm sau, 5 năm sau, chúng ta sẽ biết ơn rất nhiều cái “mỗi ngày” bây giờ.
Ngoài ra, bạn sẽ cần đến năng lực thích nghi. Từng bước áp dụng chiến lược quá tải lũy tiến, sẽ giúp nâng cấp năng lực thích nghi, và ngược lại, cũng nhờ vậy mà chiến lược quá tải lũy tiến cũng hiệu quả nhiều hơn.
Năng lực thích nghi giúp bạn linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với các tình huống mới, đặt biệt là có thể vượt qua các rào cản và thách thức trong môi trường sống hoặc làm việc.
Có 3 loại rào cản cần loại bỏ từ từ để thích nghi: thời gian và khoảng cách, quy trình, và tâm lý.
Chẳng hạn với việc tập gym:
- Với rào cản khoảng cách - thời gian, để phá bỏ thì bạn có thể chọn một chỗ gần nhà, sắp xếp lại lịch sinh hoạt phù hợp hơn.
- Còn với rào cản là quy trình thì bạn hãy thử tinh gọn những món đồ cần mang theo, nhờ vậy mà cũng bớt được thủ tục chuẩn bị cầu kỳ.
- Khó nhất với hầu hết chúng ta có lẽ là rào cản tâm lý như lười, sợ bị chê cười khi mới tập, nhưng không có cách nào khác ngoài đối mặt, cứ làm rồi quen dần.
Suy nghĩ cuối
Bạn có thể mở rộng vùng an toàn của mình một cách chậm rãi, hoặc bằng nỗ lực hết sức. Điều quan trọng đó là phải tìm được một tốc độ phù hợp với bạn, mà việc này không thể một sớm một chiều có thể tìm ra, hay là dựa trên sự so sánh với người khác.
Chiến lược quá tải lũy tiến mình nói trong bài viết này là cách để bạn có thể tìm thấy tốc độ phù hợp của mình, một cách hiệu quả và ít phải trả giá.
Cuối cùng, góc nhìn của mình về câu nói “tốt hơn 1% mỗi ngày” nghĩa là vùng an toàn đã được mở rộng hơn 1% mỗi ngày.