Vì đâu mà các bài trắc nghiệm tâm lý lại cuốn hút? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 05, 2022

Vì đâu mà các bài trắc nghiệm tâm lý lại cuốn hút?

Không chỉ là một công cụ, bản chất của những mô hình trắc nghiệm tâm lý cũng thỏa mãn những mong mỏi rất “người” của chúng ta.
Vì đâu mà các bài trắc nghiệm tâm lý lại cuốn hút?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

MBTI, Ennegram hay Big Five là những bài trắc nghiệm tâm lý (TNTL) phổ biến nhất hiện nay. Không chỉ dừng lại ở mức tìm hiểu bản thân, các bài kiểm tra này đã trở thành một món ăn tinh thần, một hình thức giải trí, thậm chí là một công cụ giao tiếp.

Nếu trước đây mọi người thường hỏi nhau “Cung hoàng đạo của bạn là gì?” như một hình thức xã giao, thì ngày nay câu hỏi sẽ là “MBTI của bạn là gì?” hoặc “Bạn thuộc type mấy trong Enneagram?”

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì đâu các bài trắc nghiệm này lại cuốn hút như vậy?

TNTL là một mô hình không phán xét

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Truyền thông Pamela Rutledge thì TNTL có thể giúp xác định những khía cạnh mà bạn có thể cải thiện, cũng như thế mạnh của bản thân mà bạn đánh giá thấp.

Điểm hay của mô hình phân loại này là nó không hề tồn tại khái niệm đâu là tính cách “xấu” hoặc “tốt” như cách mà chúng ta hay bị nhìn nhận ở ngoài đời thật. Đối với TNTL, dù bạn có hoạt ngôn hay trầm tư, ưa mạo hiểm hay thích an nhàn, tất cả đều được coi là “đặc điểm.”

alt
TNTL không phân loại xấu-tốt, dù tình cách của bạn là gì nó vẫn là một "đặc điểm".

Chẳng hạn như theo trắc nghiệm Enneagram bạn thuộc kiểu người hòa giải (mediator). Như vậy điểm mạnh của bạn sẽ là cởi mở và biết đồng cảm. Vì vậy, bạn là nhân tố quan trọng trong việc duy trì hòa khí của cả nhóm. Đồng thời, điểm yếu của bạn sẽ là không thích va chạm. Do đó, bạn nên tránh việc bỏ qua nhu cầu của bản thân chỉ để tối thiểu mâu thuẫn.

Như đã thấy, dù đặc điểm của bạn là gì, chúng đều tồn tại những điểm mạnh mà bạn có thể phát huy và hạn chế bạn có thể cải thiện. Thứ mà mô hình TNTL trao cho bạn không chỉ là “khả năng hiểu rõ bản thân” mà theo Merve Emre tác giả của cuốn sách The Personality Brokers, đó còn là niềm tin “bạn không cần cảm thấy xấu hổ về bản chất của mình” và “bạn có thể làm chủ vận mệnh của bản thân.”

TNTL thỏa mãn nhu cầu thấu hiểu chính mình và người khác một cách dễ dàng

Theo nhà trị liệu tâm lý Dana Dorfman, TNTL thỏa mãn trí tò mò của chúng ta về bản chất con người, cũng như khao khát lý giải chúng một cách dễ hiểu. Và các bài kiểm tra tính cách tạo nên sự dễ hiểu này bằng cách phân loại và tóm tắt tính cách chúng ta dựa trên các thuộc tính cụ thể.

Chẳng hạn mô hình Big Five sẽ dựa trên các tính từ được dùng để mô tả hành vi và khuynh hướng cá nhân, từ đó phân loại thành 6 khía cạnh chính bao gồm: hòa đồng (agreeableness), tự chủ (conscientiousness), bất ổn cảm xúc (neuroticism), hướng ngoại (extraversion), sẵn sàng trải nghiệm (openness).

Không chỉ với bản thân, mô hình phân loại này cũng được áp dụng lên người khác. Khi tiếp xúc với một người, não chúng ta sẽ phân loại họ theo “nhóm” (category) và lưu trữ thông tin dưới dạng “sơ đồ” (schema).

Càng tiếp xúc với nhiều người, “sơ đồ” của chúng ta càng mở rộng, nó bao gồm những khái niệm và kỳ vọng của ta về cách mà họ cư xử. Ví dụ, khi một người mô tả bản thân thuộc kiểu “hướng nội,” chúng ta sẽ nghĩ rằng họ ít nói, không thích chỗ đông người. Ngược lại, người “hướng ngoại” sẽ hoạt ngôn và thích tương tác xã hội hơn.

TNTL giống não ở chỗ nó cũng là một dạng "sơ đồ". Khi tiếp xúc với những người thuộc về “nhóm” mà chúng ta biết (chẳng hạn như một INFJ), “sơ đồ” sẽ tự động kích hoạt như một bảng chỉ dẫn cách mà chúng ta sẽ cư xử với họ.

TNTL là cách chúng ta tìm được những người “cùng hệ”

Mô hình của các bài TNTL cũng thỏa mãn một bản chất rất “người” khác của chúng ta, đó chính là mong muốn “được thuộc về” (sense of belonging).

Cũng theo nhà trị liệu Dana Dorfman, con người luôn cố gắng cân bằng giữa tính “cá nhân” và tính “bộ lạc.” Chúng ta vừa muốn được công nhận về sự độc nhất của mình, nhưng đồng thời cũng muốn thuộc về một nhóm người chia sẻ sự tương đồng với ta.

alt
TNTL thỏa mãn mong muốn "dù khác biệt nhưng ta vẫn luôn thuộc về một nơi nào đó".

TNTL thỏa mãn nhu cầu tìm “đồng đội” dựa trên nguyên tắc phân loại. Dù bạn có khác biệt đến đâu, kết quả cuối cùng vẫn xếp bạn vào một nhóm nhất định. Nhà trị liệu tâm lý Henry Tajfel giải thích việc phân loại này giúp củng cố mối quan hệ giữa chúng ta với những người "cùng nhóm", vừa cho chúng ta biết đâu là những người "khác nhóm" với mình.

Kết

Nhìn chung, TNTL là một điểm khởi đầu tốt để ta hiểu thêm về bản thân lẫn những người xung quanh. Tuy nhiên sẽ là khá vội vàng nếu đóng khung ai đó dựa vào những câu trả lời trong một mô hình có sẵn. Suy cho cùng tính cách không phải là một thể bất biến. Nó có thể thay đổi theo thời gian, môi trường cùng những trải nghiệm cá nhân.