Susan Cain, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Im lặng: Sức mạnh của hướng nội trong một thế giới không ngừng nói” cho rằng chúng ta đang sống trong một nền văn hoá thiên vị người hướng ngoại và thiếu công bằng với người hướng nội. Vị thế của người hướng nội trong xã hội hiện đại tương tự địa vị của phụ nữ thập niên 50 tại Mĩ.
Trong gia đình, những đứa trẻ nói nhiều thường được người lớn chú ý, khen ngợi. Trong lớp học, những “hoạt náo viên” thường được lòng thầy cô, bạn bè. Trong công ty, tổ chức, những cá nhân năng động thường được đánh giá cao và trao những vị trí chủ chốt.
Không khó để nhận ra môi trường chúng ta tiếp xúc từ khi còn là một đứa trẻ tới lúc trưởng thành luôn ưu ái tính cách hướng ngoại. Đến mức William Whyte cho rằng “xã hội như một ngôi trường đào tạo những giá trị hướng ngoại”. Nhưng trái với những định kiến xã hội, sự yên lặng của tính cách hướng nội thực chất ẩn chứa sức mạnh không thua kém và chỉ bị lãng quên bởi sự bùng nổ của nền kinh tế thị trường.
Salesman – hiện thân của hướng ngoại trở thành hình mẫu lý tưởng
Tại Mĩ và các nước Tây Âu, sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và sự phát triển của kinh doanh từ đầu thế kỉ 20 đã sản sinh ra những tập đoàn khổng lồ, kèm theo là sự ganh đua khốc liệt. Trong bối cảnh cạnh tranh đó, salesman (nhân viên bán hàng) đương nhiên là trụ cột không thể thiếu với vai trò tăng thu nhập cho công ty và dần trở thành hình mẫu lý tưởng của xã hội. Những đặc điểm của như kĩ năng ngoại giao duyên dáng, khả năng diễn thuyết hùng hồn trước công chúng, sẵn sàng hoà mình trong những bữa tiệc đông người và thu hút sự chú ý trở thành chuẩn mực mà mọi người hướng tới.
Thời điểm này tạo ra bước ngoặt của nền văn hoá, chuyển đổi từ Văn hoá tư cách (Culture of character) sang Văn hoá tính cách (Culture of personality). Nghĩa là thay vì tôn vinh phẩm hạnh đạo đức khi đánh giá một người, chúng ta chuyển sang đề cao sự tự tin, tính cách tạo ra sự nổi bật của người đó. Đồng thời, con người suy nghĩ (Man of thought) không được đánh giá cao bằng con người hành động (Man of action).
Sự dịch chuyển trong văn hoá đã tạo ra môi trường học tập và làm việc thiên vị cho những phẩm chất hướng ngoại của chúng ta ngày hôm nay. Brainstorming, teamwork hay thuyết trình,… cơ bản là những kĩ năng mà những người tìm năng lượng từ sự ồn ào có ưu thế học hỏi nhanh và sử dụng thành thạo hơn. Trong khi đó, sức mạnh từ sự yên lặng chưa được khai thác và tạo điều kiện để phát triển.
Sự thật đằng sau sự yên lặng của người hướng nội
Nếu người hướng ngoại thường muốn gây ấn tượng với người đối diện và toả sáng giữa đám đông, người hướng nội bị thúc đẩy sâu sắc bởi mục đích, ý nghĩa của hành động. Nhiều người hướng nội có kĩ năng giao tiếp, thuyết trình trước đám đông, teamwork tốt là do họ có niềm tin vững chắc vào việc họ đang theo đuổi.
Với bản tính suy nghĩ thấu đáo, sự kiên nhẫn lắng nghe và thấu hiểu, người hướng nội có thể giao tiếp rất hiệu quả trong nhóm nhỏ. Nếu chúng ta cho họ thời gian cần thiết để chuẩn bị, người hướng nội có thể đóng góp những ý kiến giá trị trong những dự án làm việc nhóm và thuyết trình một cách thuyết phục.
Người hướng nội là những người sáng tạo
Trong lĩnh vực sáng tạo, tính cách hướng nội rất được đề cao. Khoa học đã chứng minh trạng thái cô đơn chính là môi trường lý tưởng cho sáng tạo thăng hoa. Yên lặng cho phép người hướng nội lắng nghe suy nghĩ của chính mình và tập trung cao độ, gạt bỏ tiếng ồn từ xung quanh và tìm thấy tiếng nói khác biệt của chính họ. Albert Einstein, Eleanor Roosevelt, Audrey Hepburn,… là một trong số những nhà khoa học, nghệ sĩ nổi tiếng được biết đến là những tâm hồn hướng nội.
Lãnh đạo hướng nội mang lại hiệu quả lâu dài cho tổ chức
Chúng ta thường cho rằng tự tin, thích giao tiếp đồng nghĩa với khả năng lãnh đạo tốt. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Lãnh đạo được định nghĩa là khả năng thúc đẩy một nhóm người hành động để đạt được mục đích chung. Thực tế, những tính cách đặc trưng của người hướng nội rất phù hợp để làm điều này. Sẽ là sai lầm lớn nếu cho rằng người hướng nội sẽ sẽ không lãnh đạo tốt bằng người hướng ngoại.
Nghiên cứu từ Harvard đã chứng minh rằng lãnh đạo hướng nội mang lại hiệu quả lâu dài cho tổ chức, đặc biệt trong môi trường phức tạp, khó dự đoán. Người hướng nội có khả năng tập trung cao độ, suy nghĩ thấu đáo để giải quyết gốc rễ vấn đề và hạn chế hậu quả trong tương lai.
Người hướng nội dễ dàng lắng nghe, tiếp nhận ý kiến từ đồng nghiệp, nhân viên để có sự đánh giá toàn diện và chính xác. Họ đưa ra giải pháp tốt nhất cho tổ chức thay vì chứng tỏ ý kiến của mình đúng. Quan trọng là họ nỗ lực để đạt mục tiêu của tập thể hơn là chú trọng vào sự toả sáng bản thân. Lãnh đạo hướng nội đặc biệt hiệu quả khi dẫn dắt những cá nhân năng động, độc lập.
Lãnh đạo hướng nội cũng có xu hướng xây dựng và bồi đắp những mối quan hệ có chiều sâu với đối tác, nhân viên, đồng nghiệp. Điều này tạo cảm hứng làm việc cho mọi người, là nền tảng cho sự phát triển của tổ chức.
Trên thế giới, có nhiều chính trị gia, nhà điều hành doanh nghiệp đã chứng tỏ sức mạnh của phẩm chất hướng nội như Mahatma Gandhi, Barak Obama, Bill Gates, Elon Musk, Warren Buffet,…
Bài viết được thực hiện bởi HA.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.
Xem thêm:
[Bài viết] 5 Điều người hướng nội mong bạn hiểu
[Bài viết] 5 Bí quyết giúp bạn trò chuyện với người hướng nội