Tết đến, đi tìm cảm thức thuộc về | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tết đến, đi tìm cảm thức thuộc về

Trong văn hoá đại chúng, lễ tết thường gắn liền với tổ ấm.
Tết đến, đi tìm cảm thức thuộc về

Là một loài động vật xã hội, con người luôn thuộc về đâu đó. | Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera.

Tết đến, đi tìm cảm thức thuộc về

Tại sao con người luôn muốn có cảm giác "thuộc về"?

Không ai có thể sống thiếu đi cảm giác mình thuộc về một cộng đồng. Là một loài động vật xã hội, con người luôn thuộc về đâu đó. Ngay cả khi đời sống kim tiền hiện đại có bắt chúng ta sống cá nhân và vị kỷ đến đâu đi chăng nữa.

Cảm thức thuộc về (sense of belonging) là quá trình con người đặt mình vào một cộng đồng thân thuộc và chia sẻ chung cảm giác đầm ấm với những người xung quanh. Cảm giác này thường gắn liền với căn nhà.

“Cảm giác như ở nhà” trong văn hoá đại chúng thường gắn liền với lễ tết và các hoạt động tôn giáo. Xem quảng cáo về các dịp Giáng sinh, năm mới, sinh nhật… bạn sẽ thấy hình ảnh ngôi nhà xuất hiện nhiều lần như một mô-típ nhất quán bởi mọi nhà sản xuất. Lý do là bởi nhà được định vị là nơi tách rời khỏi chốn làm việc và kinh tế.

Khái niệm “nhà” cũng không nhất thiết phải gắn liền với không gian vật lý. Nhà còn là một chuỗi cảm giác có tính chất văn hoá, khi con người cảm thấy đầm ấm và an toàn bên nhau. Chuỗi cảm giác này không phải tự nhiên mà có, mà con người phải đấu tranh để đạt được và duy trì.

Không ai có thể sống thiếu đi cảm giác mình thuộc về một cộng đồng.

Tết năm 1961 - Tết của sự đoàn viên

Trong số 89 - Tết Tân Sửu năm 1961, báo Phụ Nữ Việt Nam kể một câu chuyện đặc biệt như sau:

Năm đó, cộng đồng người lao động Việt nghèo tha hương ở Tân Đảo - Tân Thế Giới (hay còn gọi là quần đảo Nouvelle-Calédonie thuộc Pháp, nằm giữa Thái Bình Dương) cố gắng tìm đường về quê ăn Tết.

Suốt những tết trước đây, họ bị giới chủ ngược đãi và trừng phạt vì dám dựng bàn thờ, thắp hương vọng để hưởng không khí tết giống như ở nhà. Người ly hương bị miệt thị là “vong quốc”, dù họ buộc phải bỏ xứ ra đi vì hoàn cảnh bắt buộc. Họ ra đi để không chết đói.

Tuy vậy, câu chuyện có cái kết có hậu. Trong tết 1961, hơn 500 người lao động đã được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đón về nhà cũ ăn tết.

Từ trường hợp của những người lao động Việt ở Tân Đảo, ta thấy ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu văn hoá và cảm thức thuộc về vẫn là nhu cầu căn bản. Chúng ta không vì đói kém mà quên đi sự thuộc về.

“Cảm giác như ở nhà” luôn được con người khao khát giữa nghịch cảnh. Nó không thể bị đánh đổi với tiền bạc hay bất cứ giá trị vật chất nào khác.

"Những cánh chim rời tổ", rồi cũng “đi thật xa để trở về”

Trong thời đại toàn cầu hoá, dân trung lưu thành thị thường cổ vũ việc con người đi xa, hơn là ở nhà. Phép ẩn dụ lãng mạn “những cánh chim rời tổ” thường được sử dụng trong áp phích quảng cáo dịch vụ du học.

Việc đi công tác, trao đổi, du lịch và du học trở thành vinh dự đối với nhiều người. Họ thường kể về những cơ hội này của mình với cảm giác tự hào. Sự diễm lệ của những chuyến đi đắt tiền thường khỏa lấp cái bẽ bàng của lao động tha hương.

Hình ảnh đứa con rời khỏi vòng tay của cha mẹ trở thành phép ẩn dụ phổ biến nhất về đời sống công việc. Từ đó ta thấy một logic ngầm: sự di chuyển thường gắn liền với phát triển và cấp tiến, còn căn nhà bị coi là trì trệ, lạc hậu.

Nhưng trong cuộc sống này, dù có tiến xa bao nhiêu thì một người cũng phải có điểm xuất phát, dù điểm xuất phát đó thấp hèn hay cao sang, hạnh phúc hay đổ vỡ.

Khi tết đến, hãy trân trọng hơn mái ấm của mình nếu nó hạnh phúc. Còn nếu nó đổ vỡ, đây là lúc để ta nghĩ về sự tha thứ và hàn gắn.

Dù có tiến xa bao nhiêu thì một người cũng phải có điểm xuất phát, dù điểm xuất phát đó thấp hèn hay cao sang, hạnh phúc hay đổ vỡ.

Kết

Dù bạn đã tiến xa trên con đường sự nghiệp hay mới chập chững tìm lối đi, thì tết là lúc ta nên dành thời gian suy tư về nơi cho mình cảm giác thuộc về.

Cảm giác ấy có thể không xuất phát chỉ từ một căn nhà có thật, hay một gia đình theo nghĩa đen. Nó có thể đến từ nơi chốn hoặc cộng đồng cho ta cảm thấy có nhiều sự đầm ấm nhất.

Tổ ấm có thể ở tất cả mọi nơi, những nơi dung dưỡng và bảo vệ ta giữa dòng đời muôn ngả. Và tết, là khoảnh khắc ta tri ân những gì đáng trân quý ấy

Dọc theo hành trình vạn dặm, Manwah tự hào mang vị lẩu Đài nguyên bản đến với hàng triệu cuộc sum vầy của người Việt mỗi năm. Không chỉ đơn thuần là cùng nhau ăn một bữa, mà Thưởng Lẩu đã trở thành dịp để chúng ta chuyện trò & gắn kết thân tình. Tết này, cùng gặp mặt người thân kể chuyện tâm tình tại Manwah nhé: https://www.facebook.com/Manwah.Taiwanese.Hotpot.GoldenGateGroup/