Vì sao lời khuyên tài chính của thế hệ trước đã lỗi thời? | Vietcetera
Billboard banner
13 Thg 03, 2020
Sự NghiệpTài Chính Cá Nhân

Vì sao lời khuyên tài chính của thế hệ trước đã lỗi thời?

Liệu ưu tiên mua một căn nhà có còn là ưu tiên của nhiều người trẻ hiện đại? Vì sao những lời khuyên tài chính của bố mẹ không còn hữu dụng ngày nay?

Vì sao lời khuyên tài chính của thế hệ trước đã lỗi thời?

Trong một bài báo trên Entrepreneur, Phil Town – Một quản lý quỹ phòng hộ, cũng là một trong những người có sách bán chạy nhất nước Mỹ, chia sẻ:

Lời khuyên tài chính của bố mẹ bạn được đưa ra vì chúng áp dụng tốt với họ khi còn trẻ. Nhưng thế giới đã thay đổi rất nhanh. Và với thế hệ bây giờ, rất tiếc chúng phần lớn không còn hữu dụng nữa.

Và không chỉ ở các nước Âu Mỹ, điều này cũng áp dụng với Việt Nam.

Lời khuyên 1: An cư lạc nghiệp

Khá dễ hiểu khi các phụ huynh khuyên thế hệ millennials dành dụm tiền mua nhà ngay khi còn trẻ. Tuy nhiên với ảnh hưởng chủ yếu bởi trượt giá và bong bóng bất động sản, cơ hội sở hữu một căn nhà hiện tại không còn rộng mở.

Nhiều người trẻ đô thị có mục tiêu sắm nhà cửa, xe cộ… nhưng điều đó không dễ dàng. Với thu nhập ở mức trung bình, người trẻ khó tích cóp được tài sản.

 

Theo chia sẻ của Thạc sĩ xã hội học Lê Minh Tiến. Với những người đang sống cùng gia đình, gánh nặng này có đôi phần giảm bớt. Nhưng những trường hợp đang thuê trọ, việc mua nhà là hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, cũng không nhiều người muốn “ôm” vào người những món nợ lên đến hàng chục năm từ việc vay ngân hàng.

Đặc biệt, Việt Nam chưa có nhiều chính sách hỗ trợ người trẻ mua nhà sớm. Bảng giá đất áp dụng cho năm 2020 – 2024 dự kiến sẽ tăng bình quân 15 – 30% tại Hà Nội và 41% tại TP.HCM so với khung giá cũ… Điều này khiến người trẻ càng khó có khả năng cạnh tranh với các nhà đầu tư mạnh vốn đang lăm le mua tài sản gấp trước khi giá tăng.

Câu chuyện của người viết:

“Thời bố mẹ, giá nhà rẻ và nếu làm cho cơ quan Nhà nước, họ còn có thể được cấp nhà theo chế độ. Như bố tôi làm bảo vệ cho một cơ quan Nhà nước, sau vài năm bố được cấp cho căn nhà trong tập thể. Sau nhiều năm tiết kiệm, bố mua được một căn nhà nhỏ mặt phố ngoài trung tâm. Bố tôi kể lại chủ căn nhà đó bán nhà để có tiền mua con xe máy Dream Thái.

Sau 30 năm, căn nhà ngoài trung tâm ấy trở nên đông đúc. Khu vực được coi là ngoại ô thời đó giờ được coi là trung tâm với nhiều cửa hàng sầm uất và phố xá hiện đại. Điều đó đồng nghĩa giá nhà bố tôi mua 30 năm trước đã tăng đáng kể. Thời đó các thành phố lớn bây giờ như Hà Nội còn thưa người và đất trống cũng còn nhiều. Vì thế giá nhà rẻ hơn. Với hỗ trợ của Nhà nước, tiền thuê nhà những năm bao cấp cũng chỉ chiếm 1-3% thu nhập hàng tháng của người dân.”

Lời khuyên 2: Hãy vào đại học

Đại học là mục tiêu phấn đấu mọi phụ huynh muốn con hướng tới. Nhưng cũng như giá nhà, tiền học và tiền sinh sống ở các thành phố ngày nay cũng tăng theo thời gian.

Nhiều sinh viên phải vay mượn tiền để trang trải cho cuộc sống đại học và họ kỳ vọng sẽ trả được nợ khi nào tốt nghiệp, đi làm. Tuy nhiên, bạn phải đi làm bao lâu để trả món nợ đó? Và sau khi trả nợ học, bạn còn bao nhiêu? Không phải sinh viên nào ra trường cũng kiếm được việc làm ngay. Năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trình độ đại học trở lên cao gấp 3,2-3,9 lần so với các nhóm trình độ thấp hơn. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trình độ đại học trở lên:

  • Cao gấp 1,6 lần nhóm lao động trình độ cao đẳng.
  • Cao gấp 2,6 lần so với nhóm lao động trình độ trung cấp chuyên nghiệp.
  • Cao gấp 6 lần so với nhóm lao động dạy nghề.

 

Đặc biệt ở các thành phố lớn, để có được những công việc đúng ngành, hoặc lương cao, sinh viên phải cạnh tranh khốc liệt.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 175.000 nghìn sinh viên vào đại học, trong khi thành phố chỉ có 150.000 việc làm mới. Chưa kể trường hợp cạnh tranh với các lao động nước ngoài hay du học sinh trở về nước. Thời bố mẹ, đất nước vẫn còn loạn lạc hay kinh tế chưa phát triển, vấn đề cơm áo gạo tiền đa số vẫn được ưu tiên hơn so với học vấn. Vì thế một tấm bằng đại học khi đó khó tìm và giá trị hơn hẳn. Những số ít sở hữu bằng đại học gần như chắc chắn tìm được công việc lương cao, trọng vọng, đủ trang trải sinh hoạt phí cho cả gia đình.

Ngoài ra, khác với thế hệ trẻ bây giờ, bố mẹ sinh ra trong thời kì bao cấp, khi nơi ăn ở và tiền học được nhà nước tài trợ. Thị trường việc làm cũng không cạnh tranh như hiện tại và nhiều trường hợp có thể được hỗ trợ cả công việc khi tốt nghiệp. Học đại học dĩ nhiên quan trọng. Nhưng theo Phil Town, tùy từng trường hợp và định hướng, sẽ có những lựa chọn phù hợp hay tối ưu hơn. Vì thế, hãy luôn cân nhắc đến con số thực tế phải bỏ ra và xét xem liệu đại học có phải là con đường hiệu quả giúp bạn đạt được những gì mình mong muốn không.

Lời khuyên 3: Luôn tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu

Thực ra, bạn có thể nếu thực sự tiết kiệm. Vấn đề là cha mẹ bạn không phải chi trả cho mức sinh hoạt phí cao như hiện tại. Vì thế họ có thể tiết kiệm nhiều hơn bạn trước khi nghỉ hưu.nQuan trọng hơn, ưu tiên của một phần không nhỏ người trẻ bây giờ đã thay đổi.

Thay vì dành dụm cho việc nghỉ hưu hay sự ổn định, họ muốn sử dụng nguồn tiền tiết kiệm để bắt đầu kinh doanh, mở rộng các trải nghiệm, đầu tư vào con đường học tập, nghiên cứu, làm việc, hay theo đuổi các mục tiêu lớn lao cho xã hội…

Vì thế việc tiết kiệm trong dài hạn không còn nằm trong danh sách bắt buộc của cuộc đời.mĐiều này xảy ra vì tư tưởng của người trẻ hiện đã bị chi phối khá nhiều bởi các lý tưởng sống một cuộc đời ý nghĩa hay lớn lao. Họ bắt đầu nhận ra mình có thể làm nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn. Họ nhìn thấy nhiều tấm gương trên thế giới, kết nối được với nhiều người hơn, được hỗ trợ nhiều hơn để tạo ra các giá trị lớn, không phục vụ cho riêng cá nhân mình. Có thể nói, thay vì tiết kiệm để có cuộc sống an nhàn, đầu tư mới là mục tiêu nhiều người theo đuổi.

Theo Phil Town, để tập thói quen đầu tư hãy bắt đầu học hỏi và thử nghiệm ngay bây giờ. Hãy tìm một số công ty để đầu tư. Việc đó không mất quá nhiều thời gian của bạn. Các công ty có thể giúp mở rộng tài chính của bạn. Hãy học cách trở thành nhà đầu tư thông minh khi bạn vẫn còn trẻ. Điều đó có thể giúp bạn được nghỉ hưu sớm và đi bất cứ nơi đâu bạn muốn.

Kết luận

Theo Phil Town, thật dễ hiểu khi bố mẹ lại khuyên người trẻ những điều trên. Họ đưa ra những kinh nghiệm thành công của họ, nhưng sau chục năm, thật đáng tiếc chúng không còn chính xác.

Ông khuyên millennials phải đánh giá lại những lời khuyên ấy. Hãy nhìn chúng với phương diện mới và đánh giá chúng dựa vào các con số và thực tế. Hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn trong 20 đến 30 năm tới để đưa ra hành động.

Bài viết được thực hiện bởi Hằng Nguyễn, lấy cảm hứng từ bài nói chuyệncủa Phil Town trên Entrepreneur.

 

Xem thêm:

[Bài viết] Một vài bí quyết cho người mới vào làng đầu tư bất động sản

[Bài viết] CEO RealStake James Vương chia sẻ về cơ hội đầu tư bất động sản với lượng tiền nhỏ và linh động tại Đông Nam Á