Virus corona và truyền thông nhiễu: Khi nỗi sợ lây nhanh hơn dịch bệnh | Vietcetera
Billboard banner
13 Thg 02, 2020
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Virus corona và truyền thông nhiễu: Khi nỗi sợ lây nhanh hơn dịch bệnh

Không nguy hiểm bằng SARS, tại sao virus corona COVID-19 vẫn khiến thế giới khiếp sợ?

Virus corona và truyền thông nhiễu: Khi nỗi sợ lây nhanh hơn dịch bệnh

Đến 11/2/2020, số ca nhiễm chủng mới của virus corona (tên mới là COVID-19) đã vượt qua 43,000 ca trên 29 quốc gia. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh những thông tin thời sự và khoa học, truyền thông đang bị pha loãng bởi những nguồn tin sai lệch (infodemic). Với đa số chúng ta, nhiều câu hỏi cốt lõi vẫn chưa được trả lời.

Liệu đây có phải là virus nguy hiểm nhất lúc này? Giữa cơn bão truyền thông, liệu sự lo lắng của chúng ta có thỏa đáng? Là một cộng đồng, chúng ta có thể làm gì?

Các số liệu khoa học có thể cho thấy câu trả lời không giống những gì bạn tưởng.

Bị nhiễm COVID-19 có phải là một “án tử”?

COVID-19 có khả năng lây nhiễm tương đối cao, với hệ số lây nhiễm cơ bản (basic reproduction number), hay còn gọi là R-naught hoặc R0, ở ngưỡng từ 2.2 – 3.5.

Hệ số này thể hiện rằng mỗi người nhiễm bệnh có thể truyền virus tới 2.2 – 3.5 người khác. Để so sánh, R0 của Ebola là 2.0, và SARS là 3.0.

Mặc dù số ca tử vong do COVID-19 đã vượt qua dịch SARS năm 2003, chủng virus corona này không nguy hiểm đến tính mạng bằng SARS.

Tại sao vậy? Lý do là vì các nhà khoa học đã tính toán được tỉ lệ tử vong theo trường hợp (case fatality rate), tức số ca tử vong trên số người nhiễm bệnh.

Và tỉ lệ tử vong của COVID-19 tương đối thấp.

COVID-19: Dễ lây nhưng độc lực tương đối thấp

Tại họp báo của WHO, một phân tích chỉ ra rằng 82% trên tổng số 17,000 ca được ghi nhận tại Trung Quốc là những ca nhẹ. Cho tới sáng 11/2, mới chỉ có 2 ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục.

Với các ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại Trung Quốc, tỉ lệ tử vong là dưới 3%. Để so sánh, SARS gây tử vong cho 10% số các ca nhiễm bệnh trên 26 nước, và MERS có tỉ lệ tử vong đến 35%.

Khả năng gây tử vong cột dọc và khả năng gây lây nhiễm cột ngang của các chủng virus thường gặp Hộp màu cam là dự đoán về virus 2019nCoV Nguồn ảnh The New York Times
Khả năng gây tử vong (cột dọc) và khả năng gây lây nhiễm (cột ngang) của các chủng virus thường gặp. Hộp màu cam là dự đoán về virus 2019-nCoV. (Nguồn ảnh: The New York Times)

Các tình trạng bệnh cấp tính, bao gồm suy nội tạng và tử vong, sẽ dễ xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch đã có tổn thương hoặc các biến chứng tiềm ẩn khác. Tuy nhiên, kể cả đối với nhóm này, tỉ lệ tử vong giao động ở ngưỡng 4-5%, theo bác sĩ Bành Chí Dũng từ Bệnh viện Trung tâm Nam Vũ Hán.

Hầu hết các bệnh nhân trải qua trung bình 3 tuần để biểu hiện tất cả các triệu chứng và kháng lại virus. Vì vậy, với càng nhiều ca mới đang được ghi nhận, khả năng cao số người bình phục cũng sẽ tăng tương đương trong vài tháng tới.

Hiện nay virus nguy hiểm nhất không phải là các chủng corona

Trong lịch sử loài người, trước dịch COVID-19 này, đã có nhiều đại dịch chết người hàng loạt khác diễn ra.

Hiện, các nhà khoa học đã tìm ra 7 chủng virus corona. Cả 7 chủng này đều có độc lực thấp hơn nhiều so với cúm gia cầm.

H1N1, chủng cúm gây ra đại dịch cúm Tây Ban Nha những năm 1918-1919, đã dẫn đến 50 triệu ca tử vong và 500 triệu ca nhiễm bệnh, tương đương 1/3 dân số thế giới tại thời điểm đó.

Trong các năm 2003-2014, tỉ lệ tử vong do H5N1 là 60% – tức là cứ 10 người nhiễm bệnh sẽ có 6 ca tử vong. H7N9, một chủng cúm gia cầm khác, gây dịch bệnh từ 2013-2015 tại Trung Quốc, có tỉ lệ tử vong được ước tính ở mức 67.4% tới 80%, tùy vào cấp độ nghiêm trọng.

virus corona

Virus cúm A (influenza A subtype) đặt tên theo 2 loại thụ thể trên bề mặt chúng, Hemagglutinin (“H”) và Neuraminidase (“N”) – bao gồm 18 loại H và 11 loại N khác nhau.

Nếu không tính đột biến, sự kết hợp ngẫu nhiên của H và N có thể cho ra 198 chủng cúm. Nếu có sự đột biến, khả năng xuất hiện một chủng virus mới, gây chết người hơn các chủng khác đã được ghi nhận, là gần như vô tận.

Đô thị hóa cao độ và bài toán y tế

Ngày nay, xã hội hiện đại xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm tối đa hóa sự hiệu quả. Đi kèm với điều đó là cái giá của sự tập trung hóa (centralization) cao độ.

Theo Liên Hợp Quốc, 79% các đại đô thị nằm ở các nước đang phát triển. Tới năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành thị. Điều này đặt ra những thử thách lớn cho việc phân bổ hệ thống giao thông và y tế hiệu quả.

Chúng ta đứng trước một câu hỏi lớn: khi đại dịch toàn cầu tiếp theo diễn ra, liệu nền văn minh loài người có đủ nguồn lực và sự kiên cường để chiến đấu?

Tại sao bạn nên lạc quan về hiện tại và tương lai

Con người chúng ta không có khả năng miễn dịch tự nhiên để chống lại bất kỳ chủng virus mới nào, bất kể chúng có dễ lây lan và gây chết người hay không. Với sự gia tăng tuổi thọ, loài người sẽ càng dễ gặp một chủng virus mới trong vòng đời của mình.

Tuy nhiên, ở năm 2020, với những bước tiến khoa học và công nghệ, chúng ta có nhiều cơ hội hơn để ngăn chặn một căn bệnh lạ trong tương lai. Và nếu viễn cảnh này xảy ra, chúng ta sẽ có nguồn lực mạnh hơn rất nhiều so với quá khứ để ứng phó với chúng.

Khi đại dịch toàn cầu tiếp theo diễn ra liệu loài người có đủ nguồn lực và sự kiên cường để chiến đấu
Khi đại dịch toàn cầu tiếp theo diễn ra, liệu loài người có đủ nguồn lực và sự kiên cường để chiến đấu?


Khi một chủng virus mới xuất hiện, nó thường khiến ta phát hoảng .

Hoảng sợ là một phản ứng tự nhiên trước một sự kiện mà chúng ta không ngờ tới, hoặc chưa từng có sự chuẩn bị. Nhưng nỗi sợ này sẽ không tạo nên hành động. Nó khiến ta bị động, cô lập, và ngăn không cho ta bước tiếp.

Nhưng trong hoàn cảnh tiêu cực, có một chân lý tồn tại: không giống như những virus kí sinh, con người chúng ta là những sinh vật sống. Theo bác sĩ Paul Kalanithi, “đặc tính cơ bản của một sinh vật sống là việc chiến đấu không ngừng nghỉ”.

Như vậy, loài người chỉ có thể tiếp tục tiến lên phía trước.



Bài viết được thực hiện bởi Evelyn Nguyen và được chuyển ngữ bởi Trà Nhữ.

Evelyn Nguyen là nghiên cứu sinh tiến sĩ với hơn 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu về miễn dịch học, sinh học ung thư và phát minh thuốc điều trị ung thư. Cô từng nghiên cứu tại Memorial-Sloan Kettering (New York), Viện Ung thư Dana-Farber/Đại Học Y Harvard (Boston), Bệnh Viện K và Viện Công Nghệ Sinh Học.

Tại Vietcetera, Evelyn viết về chủ đề Y Sinh học, y tế công cộng và chăm sóc sức khoẻ.

Xem thêm:

[Bài viết] Chút chuyện chill: 8 Tin tốt về virus corona

[Bài viết] Khủng hoảng nỗi sợ mùa dịch: Cảnh giác trước ‘đại dịch thông tin’