4 Dấu hiệu để an tâm nhận thêm việc mà không sợ chịu thiệt | Vietcetera
Billboard banner
19 Thg 04, 2024

4 Dấu hiệu để an tâm nhận thêm việc mà không sợ chịu thiệt

Cách nhận biết mình đang bị giao thêm việc hay được giao thêm việc.
4 Dấu hiệu để an tâm nhận thêm việc mà không sợ chịu thiệt

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Theo một khảo sát trên 1000 người lao động của tổ chức JobSage, có đến 78% nhân viên cảm thấy đang bị “ép" làm thêm việc và không nhận được sự ghi nhận xứng đáng cho công sức bỏ ra. Khái niệm “quiet promotion” từ đó cũng ra đời để chỉ hiện tượng khi khối lượng công việc của bạn tăng lên, nhưng công ty không có thông báo rõ ràng về trách nhiệm và quyền lợi mới.

Thế nhưng cùng là chuyện giao thêm việc, bạn có thể sẽ rơi vào những tình huống rất khác nhau. Một bên là ôm việc, thêm mệt mà sự nghiệp vẫn dậm chân tại chỗ. Còn một bên là những bước chạy đà chuẩn bị cho cú nhảy thăng tiến sắp tới trong sự nghiệp.

Vậy khi nào thì biết sếp đang tạo cho bạn nấc thang thăng tiến để bạn chớp lấy cơ hội chứng tỏ năng lực của mình? Dưới đây sẽ là những dấu hiệu chỉ dẫn để giúp bạn nhận biết tốt hơn lúc nào cần từ chối những đầu việc thừa, và lúc nào cần dấn thân để thoát ra khỏi vùng an toàn.

Nghệ thuật giao việc của người làm quản lý

Ngày nay do tình hình chung của thị trường, các lãnh đạo ngày càng quản lý nhiều người hơn. Do đó, để giảm bớt áp lực công việc và tận dụng tốt nguồn lực sẵn có, các sếp sẵn sàng giao phó những công việc quan trọng cho cấp dưới của mình bằng phương pháp “delegation”.

“Delegation” là cách giao việc có tính rõ ràng cao, trái ngược với thuật ngữ “quiet promotion” nhắc tới ở trên. Đây là một phương pháp mà cấp trên sử dụng để phân phối công việc theo cách tận dụng thế mạnh của nhân viên.

Hãy tưởng tượng rằng công ty vừa nhận một dự án lớn, người quản lý đảm nhận sẽ phân chia nhiệm vụ sao cho mỗi người đều có phần việc riêng để tập trung làm tốt và đóng góp cho dự án chung, còn riêng người quản lý sẽ chịu trách nhiệm cho kết quả sau cùng.

alt
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Lúc này sếp có thể sẽ giao thêm những phần việc đôi khi không có trong mô tả nhưng phù hợp với năng lực của bạn. Người sếp áp dụng tốt phương pháp này sẽ giúp hạn chế tình trạng một người “gánh team” và đảm bảo các thành viên đều sẽ được học hỏi cũng như thể hiện mình.

Bạn có thể an tâm cống hiến và biết mình đã có một người sếp tốt nếu gặp những tín hiệu sau.

4 Dấu hiệu tích cực để bạn sẵn sàng nhận thêm việc

1. Sếp giải thích cho bạn yêu cầu công việc một cách rõ ràng

Giao việc một cách rõ ràng là sếp cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin phần việc cần làm là gì, thời gian hoàn thành trong bao lâu, nhân lực hỗ trợ cho bạn có những ai. Đôi khi bạn vẫn còn những thắc mắc thì sếp sẽ không ngần ngại giải đáp thêm để làm rõ.

Thậm chí, cho dù bạn nắm rõ công việc được giao nhưng tâm lý lại có cảm giác hoang mang tại sao tự dưng lại có một đầu việc “trên trời rơi xuống” như này, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi với sếp để đôi bên hiểu nhau hơn.

Nếu sếp của bạn có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ đầu, họ sẽ có lời giải thích rõ ràng giúp bạn hiểu mắt xích công việc của mình trong trong toàn cảnh dự án ở công ty hơn. Bạn cũng nên nói rõ với sếp nếu cảm thấy công việc này không phù hợp với những định hướng tương lai hay quá thử thách với cá nhân bạn.

2. Sếp quan tâm tới khối lượng công việc của bạn

Sếp luôn cố gắng quan sát và kịp thời nhận ra những dấu hiệu kiệt sức của nhân viên. Bạn có thể sẽ hay nghe những câu hỏi thăm về tình hình như: “Ổn không, có cần anh/chị hỗ trợ gì thêm không?"

Nếu bạn không quá thường xuyên nhận những thăm hỏi như vậy thì ít nhất một người sếp tốt sẽ cho bạn cảm giác an tâm, có thể tìm đến bất cứ khi nào gặp khó khăn. Hoặc nếu không giải quyết được, họ cũng cố gắng tìm kiếm những nguồn lực trợ giúp cho bạn.

alt
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Về phía mình, bạn cũng nên tự đánh giá khi nhận thêm những đầu việc mới này có ảnh hưởng đến những đầu việc hằng ngày không. Theo một khảo sát của Flexjobs, 75% nhân viên đi làm đã từng trải qua kiệt sức trong công việc, đặc biệt những dấu hiệu này sẽ khó phát hiện ở giai đoạn đầu.

Vì vậy, nếu bạn cảm thấy không xuể với khối lượng công việc được giao, hãy chủ động mở lời trước với cấp trên của mình. Bạn có thể nhờ sếp chọn lọc ra những việc quan trọng cần hoàn thành trước và linh hoạt deadline nếu cần.

3. Sếp không “đem việc bỏ chợ”

Theo Forbes, một khi người lãnh đạo chấp nhận ủy thác bất cứ trách nhiệm quản lý nào cho nhân viên, họ phải chắc chắn có thể theo sát được từng tiến độ dù là nhỏ nhất, chứ không phải giao việc rồi là phủi tay quay đi. Hãy để ý xem sau khi giao việc rồi, sếp của bạn có để tâm tới những chuyện dưới đây không:

  • Sếp có thói quen cập nhật thông tin, dành thời gian định kỳ để trò chuyện, cập nhật tình hình và hỗ trợ những khó khăn nhân viên gặp phải.
  • Sếp không chỉ quan tâm đến tiến độ công việc, mà còn là sức khoẻ và tâm lý của bạn có ổn không?
  • Sếp có tầm nhìn xa, luôn bao quát hết hoạt động của nhóm và điều phối hoạt động giữa các cá nhân nhịp nhàng với nhau. Sếp sẽ đưa ra những đánh giá, câu hỏi có giá trị như “Bước tiếp theo của chúng ta là gì?”, giúp cho bạn đi đúng hướng và thể hiện tốt nhất năng lực của mình.

4. Sếp trao cho bạn sự tin tưởng và khen thưởng xứng đáng

Theo Digital Enterprise, có 4 cách thức tự chủ mà sếp có thể trao cho nhân viên khi giao việc:

  • Tự chủ làm phần việc mình mong muốn
  • Tự chủ thời gian làm việc
  • Tự chủ chọn người làm việc cùng
  • Tự chủ trong phương pháp làm việc

Không dễ để sếp có thể cho bạn sự tự do trong cả 4 khía cạnh. Nhưng việc sếp tin tưởng và cho bạn quyền tự quyết ở một khía cạnh nào đó đã là bước khởi đầu rất thiện chí. Một khi bạn thể hiện tốt và từng bước tạo được sự tín nhiệm, sếp hoàn toàn có thể để bạn tự quyết nhiều vấn đề hơn trong công việc.

Có được sự thoải mái như vậy đã là một điều tuyệt vời, việc đi làm sẽ còn ấm lòng hơn nếu một buổi sáng khởi động ngày làm việc bằng ly cà phê được sếp mời, nhận được tin nhắn "Chị thấy em làm tốt đấy", hoặc số dư tài khoản của bạn tăng lên.

Những lời khen hoặc sự ghi nhận từ sếp sẽ cải thiện hiệu suất làm việc và xốc vác lại tinh thần của bạn nhất là khi bạn đang trong trạng thái dễ nản lòng với quá nhiều việc cần giải quyết.

Kết

Mong muốn nhận được những công việc có phần thử thách giúp phát triển bản thân là một nhu cầu cần thiết với nhiều người. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi mà người lao động đặc biệt nhạy cảm với áp lực công việc và coi trọng sức khỏe bản thân hơn, việc quyết định có nhận thêm công việc từ cấp trên hay không sẽ được cân đo đong đếm lợi hại kỹ càng.

Vì vậy, chuyện giao và nhận việc cần có sự ứng biến, tương tác hòa hợp để nâng cao mức độ hài lòng cũng như năng suất làm việc của cả đôi bên. Bamboo Careers - ứng dụng tra cứu lương và cố vấn tăng lương mong muốn giúp bạn mở lời câu chuyện khó nói với sếp. Với chức năng soạn thảo văn bản bằng AI, bạn sẽ có thể tự tin viết email trao đổi với sếp, đề xuất tăng lương,... để chủ động lèo lái sự nghiệp của mình.