Payday routine là gì? Cách để lương cả tháng không tiêu xả láng trong 3 ngày | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
17 Thg 04, 2024

Payday routine là gì? Cách để lương cả tháng không tiêu xả láng trong 3 ngày

Để không còn cảnh túng thiếu với câu hỏi chờ bao giờ cho tới ngày nhận lương tiếp theo?
 Payday routine là gì? Cách để lương cả tháng không tiêu xả láng trong 3 ngày

Nguồn: Pexels

“Mỗi tháng một lần, một tuần là hết". Đây chính là câu nói cô đọng súc tích mô tả tình trạng chung của phần lớn mọi người sau khi nhận lương. Nhiều bạn chia sẻ cho dù mức lương không hẳn là thấp so với thị trường, nhưng vẫn cảm thấy thu nhập hàng tháng để chi tiêu còn không đủ, chứ đừng nói tới chuyện xa hơn là có thể dành dụm tiết kiệm.

Tốc độ lương tăng không theo kịp với mức độ lạm phát giá cả của hàng tiêu dùng. Bên cạnh tiền sinh hoạt phí, chi tiêu ăn uống, thì còn có cả các gói dịch vụ đăng ký hàng tháng như Netflix, Spotify… Các khoản này nhìn chẳng đáng bao nhiêu nhưng cộng dồn hết lại cũng tốn kém chẳng ít.

Đặc biệt, nhóm người dùng trẻ được đánh giá là những khách hàng cực kỳ tiềm năng khi cởi mở, sẵn sàng thử cái mới và mạnh dạn rút hầu bao để chi trả. Cho nên, các công ty càng đánh mạnh quảng bá để thúc đẩy nguồn doanh thu từ nhóm đối tượng này. Vì vậy, theo National Retail Federation, không tránh được Gen Z đang là thế hệ tiêu xài mạnh mẽ nhất.

Thế nhưng, chẳng nhẽ cứ chấp nhận mãi vòng luẩn quẩn nhận lương, rủng rỉnh vài ngày rồi lại mòn mỏi đợi chờ tới lần trả lương tiếp theo? Có một giải pháp cho tình trạng này tên là payday routine, đang nổi lên như một xu hướng trên TikTok toàn cầu.

Payday routine là gì?

Payday routine là một hoạt động công khai mức thu nhập của mình và mô tả cách mình phân bổ khoản tiền đó cho từng hạng mục chi tiêu ra sao.

Nhìn vào sự thịnh hành của các xu hướng về tài chính trong thời gian qua, có thể thấy payday routine là một sự kế thừa và kết hợp giữa hai xu hướng minh bạch lương và “loud budgeting”(tiết kiệm không giấu giếm). Payday routine thúc đẩy minh bạch lương bằng cách công khai thu nhập. Đồng thời chia sẻ cách thức quản lý chi tiêu lý và các mẹo để có thể tiết kiệm chi phí hơn, đó chính là hành động “loud budgeting”.

Một ví dụ cụ thể với video payday routine của Lexi Larson, một trong những người đi đầu xu hướng đã công khai mức thu nhập 70 nghìn đô. Ngoài ra, cô cũng chia sẻ thêm về cách chi tiêu, trả nợ, đóng quỹ và cuối cùng chừa lại 20% để tiết kiệm.

alt
Nội dung chia sẻ về payday routine của Lexi Larson.

Một ví dụ khác là Danny Perev, một sinh viên 21 tuổi đang kinh doanh trực tuyến trên Etsy đã chia sẻ mức thu nhập kiếm được trong hai tuần. Anh còn đính kèm những mẫu ghi chép mình đã sử dụng để người xem có thể học hỏi cách theo dõi chi tiêu của mình. Đảm bảo luôn ý thức được mình đã tiêu bao nhiêu và còn bao nhiêu để tiêu, tránh trường hợp tiêu xài thả ga cho những tình huống không cần thiết.

alt
Cách Danny Perev quản lý chi tiêu của mình với payday routine.

Tại sao payday routine lại phổ biến?

Nhiều người tham gia xu hướng khi được phỏng vấn đã trả lời rằng payday routine tạo nên sức hút của nó với ba lý do: giáo dục, sự minh bạch và khả năng truyền cảm hứng.

Gaby Mendes, founder của loạt podcast Talk Twenties, cũng đồng tình rằng những nội dung về payday routine đã tạo tác động tích cực đến người trẻ. Cô cho rằng các bạn trẻ luôn muốn nghe câu chuyện từ những người xung quanh, qua đó rút ra kinh nghiệm riêng cho bản thân mình.

Theo chia sẻ của My (25 tuổi, nhân viên văn phòng), cô cho biết bản thân vẫn phụ thuộc vào ngày trả lương của công ty để chi trả những khoản nợ. Nhờ các video về payday routine, My biết được nhiều trường hợp có chung hoàn cảnh với mình, nhờ vậy, cô cảm thấy được san sẻ gánh nặng về mặt tâm lý và có thêm kiến thức để chủ động hơn trong việc quản lý chi tiêu của mình.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần cân nhắc kỹ trước khi công khai những thông tin này trên mạng xã hội. Trường hợp của Lexi Larson nhắc đến ở trên, trước khi có thể thoải mái chia sẻ về thu nhập của mình như hiện tại, cô đã từng bị sa thải khi tiết lộ mức lương của mình trong quá khứ.

Thế nên, cô khuyên trước khi chia sẻ về payday routine của mình chúng ta nên tìm hiểu kỹ về quy định của công ty. Đồng thời trình bày rõ mục đích tại sao bản thân muốn làm vậy không gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới công ty, đó có thể là mong muốn giúp đỡ đồng nghiệp, bạn bè đang bị trả lương thấp hoặc cần tìm lời khuyên từ người khác,...

Payday routine được áp dụng ở Việt Nam thế nào?

Ở Việt Nam, việc chia sẻ lương vẫn còn nhiều hạn chế tuy nhiên một số bạn trẻ đã không ngần ngại công khai trên TikTok thông tin về thu nhập và chi tiêu của bản thân. Phần đa các bình luận mang tính tích cực như hỏi bí quyết, xin lời khuyên tiêu dùng tốt hơn. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi những bình luận mang tính chủ quan và công kích độc hại.

Vì thế một bộ phận người dùng muốn chia sẻ về payday routine đã chuyển tới những nền tảng thân mật và ít công khai hơn như Threads hay các nhóm trên Facebook. Blogger, YouTuber Dino Vũ đã tiết lộ các khoản chi phí cố định hàng tháng của mình. Anh thừa nhận rằng những dịch vụ đăng ký như Netflix, Adobe, Spotify chiếm một khoản không nhỏ trong đó.

Nhờ bộc bạch ra như vậy anh đã nhận được nhiều lời khuyên bên dưới phần bình luận chia sẻ các mẹo nhỏ để giảm bớt chi tiêu nhỏ lẻ hơn như gộp gói với bạn bè, tìm hiểu thêm các nhà cung cấp dịch vụ khác...

alt
Các khoản chi tiêu hàng tháng được Dino Vũ thống kê.

Bên cạnh đó, còn có các nội dung chia sẻ hành trình đạt được mức lương và mở ra chủ đề thảo luận để truyền cảm hứng cho mọi người. Trung Dũng, một photographer từng chụp cho nhiều nhãn hàng, nghệ sĩ nổi tiếng cũng đã công khai mức thu nhập qua từng năm kèm theo những lời khuyên thực tế cho các bạn trẻ.

alt
Chia sẻ của Trung Dũng cho mọi người thấy một góc nhìn thực tế về thu nhập của nghề nhiếp ảnh gia.

Ngoài ra, payday routine không bắt buộc bạn phải chia sẻ và công khai hoạt động tài chính của mình lên mạng xã hội. Thay vào đó bạn có thể tự thống kê và theo dõi payday routine của mình để quản lý tài chính cá nhân một cách lành mạnh hơn.

  • Hãy theo dõi chi tiêu của bạn trong một tháng để xem bạn đang tiêu tiền cho những khoản nào từng mục ngốn hết một khoản tiền bao nhiêu. Đánh giá xem có khoản tiền nào mình đang tiêu quá lố (mua sắm, du lịch, ăn uống…) và khoản tiền nào mình chưa dành đủ sự quan tâm đúng mực hay không (học tập).
  • Sau khi trừ đi hết các khoản chi tiêu bạn còn lại bao nhiêu tiền. Với khoản tiền dư ra này bạn dự tính sẽ phân bổ cho các mục tiết kiệm, đầu tư, trả nợ như thế nào.
  • Cuối cùng khi đã có được cái nhìn tổng quan về hoạt động tài chính của mình. Hãy đặt ra các mục tiêu và nghiêm túc thực hành. Một mẹo để bạn tránh rơi vào cảnh tiêu xài quá trớn, vào ngày nhận lương hãy tự động hóa các giao dịch chuyển khoản ví dụ như chuyển vào tài khoản tiết kiệm 10% thu nhập, thanh toán khoản trả góp mua xe máy và gửi tiền vào một quỹ từ thiện. Như vậy bạn sẽ chỉ tiêu xài số tiền còn lại thôi, chứ không còn cảnh hứng lên là tiêu rồi lại đờ người không còn tiền để tiết kiệm rồi.

Kết

Payday routine và các xu hướng chia sẻ tình hình tài chính khác trên mạng xã hội đang cho thấy một góc nhìn khác về người trẻ. Mặc dù được cho là thế hệ tiêu tiền mạnh tay, người trẻ không phải chỉ có chi tiêu hoang phí mà cũng đang rất quan tâm đến tài chính và nỗ lực tìm hiểu nhiều phương pháp để tăng thu nhập cũng như quản lý chi tiêu hợp lý hơn.

Với Bamboo Careers - ứng dụng tra cứu lương và cố vấn tăng lương cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về mức lương thị trường của vị trí bạn cần tìm. Nhờ vậy, bạn có thể lên lộ trình thăng tiến và hình dung tốc độ tăng lương, từ đó có được tầm nhìn xa hơn cho những kế hoạch thu chi của mình.