4 Giai điệu làm nên những trích đoạn kinh điển | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
18 Thg 08, 2021
Điện Ảnh

4 Giai điệu làm nên những trích đoạn kinh điển

Cùng Vietcetera điểm qua những trích đoạn kinh điển kết hợp giữa điện ảnh và một nguyên liệu thiết yếu trong nghệ thuật: âm nhạc.

4 Giai điệu làm nên những trích đoạn kinh điển

Âm nhạc và điện ảnh luôn có một mối gắn bó chặt chẽ trong nghệ thuật. | Nguồn: Reservoir Dogs

Từ lâu, âm nhạc và điện ảnh đã có một “mối tình” sâu đậm. Kể từ những âm thanh đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh, khó có thể chối bỏ được ảnh hưởng của âm nhạc lên các thước phim. Không chỉ góp phần tạo nên không gian phim, mà đôi lúc, âm nhạc còn được dùng để đưa những giá trị nghệ thuật cũ trở lại màn ảnh. Ví dụ tiêu biểu là cảnh phim trong Us sử dụng ca khúc Good Vibrations từ năm 1966 của The Beach Boys.

Âm nhạc cũng là một phần không-thể-tách-rời trong phim của các đạo diễn như Quentin Tarantino, Vương Gia Vệ, Stanley Kubrick và David Fincher. Dưới đây là một số trích đoạn kinh điển trong các tác phẩm của họ.

1. California Dreamin' trong Chungking Express

Ảnh hưởng của Chungking Express (Trùng Khánh Sâm Lâm) của đạo diễn Vương Gia Vệ lên các nhánh văn hóa (subculture) là khó có thể chối cãi, đặc biệt là về mặt thời trang cũng như hình ảnh. 

Cảnh phim được tri ân nhiều nhất của phim là cảnh nhân vật nữ chính đang đứng ở tiệm bánh hotdog trong khi giai điệu California Dreamin’ được bật lặp đi lặp lại. Cô bảo là cô thích nhạc, càng lớn càng tốt, khi đang rưới tương ớt và mù tạc lên những chiếc bánh hotdog trong chiếc tạp dề.

Còn gì có thể tuyệt vời hơn, khi bài nhạc đó cất lên, và đặc biệt đó là Vương Phi và Lương Triều Vỹ, vào thập niên 1990, thời đại vàng son của điện ảnh Hồng Kông? Sự kết hợp mang lại cho người xem một cảm giác lạ lùng, một phần nào đó hoài niệm về một khoảng thời gian đặc biệt của Hồng Kông.

2. Stuck In The Middle With You trong Reservoir Dogs

Quentin được mệnh danh là “DJ của điện ảnh” khi các cảnh quay trong phim của ông được kết hợp hài hòa từ âm thanh cho đến hình ảnh. Đôi khi những kết hợp này còn mang lại nỗi khiếp sợ. 

Trong một cảnh phim của Reservoir Dogs, nhân vật Mr Blonde thủ vai bởi Michael Madsen đã cắt tai của một viên sĩ quan cảnh sát bị nghi ngờ là chỉ điểm, trên nền bài hát kinh điển Stuck In The Middle With You của nhóm Stealers Wheel. 

Trong tiếng kêu thất thanh của viên sĩ quan, người xem được phần nào đó chạm đến đỉnh cao của phim Quentin Tarantino đầu thập niên 1990: máu me nhưng không kém những chất liệu nghệ thuật khác thường, ở đây là juxta-positioning (song hành đối lập).

3. Singin' in the Rain trong A Clockwork Orange

Một lời tri ân đến bộ phim ca nhạc cùng tên, Singin’ In The Rain, sản xuất năm 1952 được đạo diễn huyền thoại Stanley Kubrick biến tấu một cách “méo mó” để khiến một bài hát từ mang lại cảm xúc vui tươi và phấn khởi trở nên dựng tóc gáy. 

Trong một cảnh quay, tên cầm đầu băng đảng máu lạnh Alex vừa tra tấn một người đàn ông, vừa cất lên giai điệu một cách mỉa mai: “I’m singing in the rain, just singing in the rain”. 

A Clockwork Orange là tác phẩm được đánh giá cao nhất của Kubrick, nhưng quả thật chẳng dành cho những người với tâm lý không vững vàng.

4. Where Is My Mind? trong Fight Club

Fight Club là một bộ phim sản xuất năm 1999, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Chuck Palahniuk, đạo diễn bởi David Fincher. Ở cuối phim, ca khúc Where Is My Mind? của ban nhạc alternative rock Pixies vang lên như báo hiệu cho một tương lai mở ra của các nhân vật chính. 

Viết theo lối dẫn chuyện mập mờ (unreliable narrative), Fight Club đặt ra những câu hỏi mang tính hiện sinh về tâm thức, nhưng đồng lúc lôi kéo người xem vào thế giới một cách tinh tế qua lời kể của người dẫn chuyện (The Narrator). 

Where Is My Mind? có lẽ là ca khúc kết thúc thỏa đáng cho một tác phẩm không ngần ngại trong việc trêu đùa với tâm trí và cảm xúc của người xem.