5 Điều “có thì giữ, mất đi tìm” trong văn hóa đi làm | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

5 Điều “có thì giữ, mất đi tìm” trong văn hóa đi làm

Tín hiệu nào cho bạn thấy môi trường làm việc hiện tại là tích cực để tiếp tục gắn bó?
5 Điều “có thì giữ, mất đi tìm” trong văn hóa đi làm

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Để mắt tới những dấu hiệu “cờ đỏ” luôn là một trong những việc mà bản năng luôn thôi thúc chúng ta làm khi bắt đầu một công việc mới.

Tuy nhiên, cũng giống như xe cộ lưu thông trên đường, để phát triển trong công việc, chúng ta còn cần để ý đến cả những tín hiệu “đèn xanh” - những điều cho bạn thấy môi trường làm việc hiện tại là tích cực để tiếp tục gắn bó và phát huy.

1. Bạn được gặp gỡ những người khác mình

Làm việc với người có tính cách tương đồng với mình thường mang lại sự dễ chịu, thoải mái. Nhưng trong một tập thể nếu ai cũng giống nhau thì chưa chắc bạn đã cảm thấy vui. Ai cũng nhiều năng lượng thì thành chiếc rạp xiếc không ngừng diễn. Ai cũng ít nói thì team thành cái hang động không người.

“Lúc mới vào team, mình là đứa ít nói cực. Nhưng chưa bao giờ có đồng nghiệp nào cảm thán sao mình ít nói thế cả. Mọi người vẫn rủ mình đi chơi ngoài giờ làm. Cách họ cười đùa bên cạnh và tôn trọng sự yên lặng của mình, làm mình cảm thấy rất vui.” - Ngọc, 25 tuổi.

Sự khác biệt ở đây có thể không chỉ là về tính cách, mà còn là giới tính, xuất thân. Một doanh nghiệp mạnh mẽ và phát triển là nơi mà bạn có cơ hội gặp gỡ và làm việc với những người từ nền văn hóa và quan điểm khác nhau. Sự đa dạng này không chỉ mang lại các giải pháp độc đáo cho các vấn đề mà còn giúp bạn làm phong phú vốn sống mà không cần phải xê dịch nhiều.

Báo cáo đa dạng của McKinsey "Diversity Wins" năm 2020 cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp có đội ngũ quản lý cấp cao đa dạng về giới tính có khả năng đạt hiệu suất tài chính cao hơn 25%.

Trao đổi coacute thể căng thẳng nhưng đừng đaacutenh rơi sự tocircn trọng lẫn nhau
Trao đổi có thể căng thẳng nhưng đừng đánh rơi sự tôn trọng lẫn nhau.

2. Trao đổi công việc có thể căng thẳng, nhưng đồng đội luôn tôn trọng nhau

Tại Netflix, có một chính sách được gọi là “No Brilliant Jerks”, tức là công ty không chấp nhận những người tài giỏi mà tự cao, không biết tôn trọng người khác.

Bạn có thể nói “không” với một ý tưởng, nhưng không được nói “không” với một người nào đó, hay nói cách khác là tấn công hay phủ nhận sự cố gắng đóng góp của một người chỉ vì ý kiến họ đưa ra không hợp ý bạn.

Trong bất kỳ tổ chức nào, việc trao đổi công việc đôi khi có thể trở nên căng thẳng nảy lửa. Tuy nhiên, điểm làm nên sự khác biệt giữa môi trường lành mạnh và độc hại là cách mọi người tiếp nhận và xử lý cảm xúc khi lắng nghe ý kiến của người khác. Sự tôn trọng giúp tạo ra một nơi an toàn để mọi người thoải mái bày tỏ quan điểm và đóng góp vào thành công chung.

3. Mọi người thoải mái chia sẻ những ý tưởng ngẫu nhiên

Một trong những dấu hiệu tích cực nhất trong môi trường đi làm là việc mọi người có thể tự do bày tỏ ý tưởng của mình, kể cả khi những ý tưởng đó có vẻ ngẫu nhiên hay “vô tri”. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho sự sáng tạo và đổi mới mà còn cho thấy sự tin tưởng và tôn trọng các cá nhân trong tổ chức.

“Làm ở team sáng tạo nội dung, nhiều bài mình viết xuất phát từ những cuộc nói chuyện… ‘hỗn loạn’ nào đó trong giờ ăn trưa. Chẳng hạn hôm nọ nhỏ đồng nghiệp chung team thấy bạn designer bàn bên đi xe đạp đi làm. Ngạc nhiên và ngưỡng mộ, tụi mình lân la và có luôn bài viết Nhật Ký: Mình đi làm bằng xe đạp để tìm người yêu.” - Rachel, 23 tuổi.

Tuy nhiên, việc chia sẻ ý tưởng cũng cần có giới hạn nhất định để nơi làm việc không trở thành nơi bàn chuyện phiếm.

4. Đồng nghiệp hiểu những câu đùa của bạn, và ngược lại

Theo khảo sát “State of the American Workplace” của Gallup vào năm 2017, có 70% nhân viên cho rằng có bạn bè tại nơi làm việc là yếu tố quan trọng để tạo nên một môi trường làm việc tích cực.

Nhưng khi nào thì ta xem ai đó là bạn bè, hoặc nếu chưa phải là bạn bè, thì cũng trên mối quan hệ đồng nghiệp một chút? Có nhiều câu trả lời, nhưng một trong số những dấu hiệu lớn là khi ta có thể cười đùa cùng đồng nghiệp, về những ý tưởng trong công việc hay trong đời sống nói chung.

“Ở công ty cứ sơ hở là tự nhiên một ngày thấy mình có meme trên hệ thống chat của công ty.” - Hải, 30 tuổi.

Việc đồng nghiệp hiểu những câu đùa của bạn và ngược lại chứng tỏ môi trường làm việc hiện tại đang đủ thân thiện để mọi người có thể thoải mái thể hiện tính cách và tạo dựng mối quan hệ ngoài công việc. Khi nhân cách của bạn không phải tách bạch hẳn giữa đời sống cá nhân và công việc, bạn sẽ thấy công việc, và cả cuộc sống, trở nên có ý nghĩa hơn.

Nguồn cottonbro Pexels
Có "bạn bè" tại nơi làm việc là yếu tố quan trọng để tạo nên một môi trường làm việc tích cực.

5. Bạn không phải mang cảm giác tội lỗi vì “nghỉ phép có lý do”

Một dấu hiệu tốt khác là bạn không cần phải “nói dối” khi giải trình lý do tại sao bạn xin nghỉ phép.

“Work-life balenciaga: đây là một trong lý do nghỉ phép của mình mỗi khi cảm thấy sức khỏe tinh thần không ổn. Biết ơn vì môi trường công ty đủ cởi mở để mình không phải ốm liệt về mặt thể chất thì mới được nghỉ ngơi.” - Lê, 27 tuổi.

Trên tờ HuffPost, Keni Dominguez, tham vấn viên về nghề nghiệp và chiến lược văn hóa doanh nghiệp chia sẻ rằng: “Nghỉ phép có lương là một quyền lợi mà bạn và công ty đã thỏa thuận từ ban đầu. Nghỉ phép vì lý do gì là lựa chọn của bạn và bạn không cần giải thích dài dòng. Tuy nhiên, lưu ý là hãy báo sớm về việc nghỉ phép của bạn để các đồng đội trong team có sự sắp xếp công việc phù hợp.”

Ngoài ra, việc nghỉ phép ở đây cũng có thể hiểu là việc bạn vắng mặt ở những cuộc hẹn sau giờ làm. Những cuộc hẹn sau giờ làm không phải là điều xấu. Việc bạn bị ép phải tham gia chúng mới là báo động đỏ. Khi bạn được phép nói “không” nghĩa là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân của bạn được coi trọng.

Bên trên là một vài dấu hiệu để bạn tham khảo khi đánh giá văn hoá của một doanh nghiệp. Để kết luận đâu là nơi phù hợp, bạn hãy xem xét thêm cả định hướng công việc và giá trị cá nhân mà bạn coi trọng nhé. Với bạn, đâu là tín hiệu đèn xanh trong văn hoá doanh nghiệp?