Điều gì làm nên một công việc có ý nghĩa? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 02, 2023
Chất Lượng Sống

Điều gì làm nên một công việc có ý nghĩa?

Cách để có một công việc ý nghĩa đôi khi là đừng quá lo lắng về nó.
Điều gì làm nên một công việc có ý nghĩa?

Nguồn: Anh Thư Ng @immortal_wurst cho Vietcetera

Sáng nay tôi đi làm sớm hơn thường lệ. Vẫn phơi người 40 phút dưới cái nắng nheo nheo mắt, đường xá vẫn tua tủa người. Nhưng thay vì căng người ra để đến công ty đúng giờ, tôi “thả” suy nghĩ của mình đi chơi, đưa mắt nhìn phố phường bắt đầu ngày mới. Những chiếc xe đang cố không va vào nhau trên đường đang lái đến những địa điểm nào? Đằng sau những lớp khẩu trang, gương mặt của mọi người đang có những cảm xúc gì?

Tôi đoán địa điểm họ đang đến, cảm xúc họ đang mang, nhưng chắc chắn chịu chết với câu hỏi họ có yêu công việc của mình không.

Người ta nói thật đáng thương nếu phải dành ra gần như cả đời để làm việc gì đó mình không thích. Nếu thế thì có lẽ có đến hàng triệu người đáng thương trên thế giới này. Theo một cuộc khảo sát trên 12.000 người đi làm của Harvard Business Review, trung bình cứ 2 người thì có 1 người nói rằng họ cảm thấy công việc của mình không có giá trị gì. Một thống kê khác trên 230 ngàn người ở 142 quốc gia cũng cho thấy chỉ có 13% số người được khảo sát yêu thích công việc của mình.

Nhiều ý kiến cho rằng sự bất mãn đó đến từ sự ngột ngạt của thế giới công sở. Họ không có nhiều quyền kiểm soát trong công việc chính nên phải chủ động tìm đến “side hustle” – nghề tay trái.

Thế nhưng, tôi tự hỏi side hustle có giúp cuộc đời của chúng ta “có nghĩa” hơn không, hay chúng ta sẽ chỉ hối hả hơn. Nếu có thể may mắn được dành phần lớn cuộc đời mình cho một công việc có ý nghĩa, thì công việc đó sẽ có những đặc điểm gì?

Mang theo câu hỏi đó suốt một thời gian và may mắn là chưa nghỉ công việc viết lách này trước khi tìm thấy câu trả lời tạm hài lòng, tác giả bài viết này mời bạn cùng nhập cuộc bàn luận.

Công việc có ý nghĩa là…

Công việc thoả mãn nhu cầu về thành tựu

Thuyết “nhu cầu về thành tựu” (need for achievement) của David McClelland là một trong những thuyết phổ biến được dùng để giải thích về động lực làm việc của con người.

Ông cho rằng con người luôn mong muốn được thoả mãn các nhu cầu: (1) tìm kiếm cảm giác thành tựu, (2) tạo ảnh hưởng đến người khác, (3) thoả mãn nhu cầu tương tác xã hội. Công việc ý nghĩa sẽ là công việc thoả mãn 3 nhu cầu trên.

Lý thuyết này khá tương ứng với kết quả khảo sát từ 374.000 người truy cập trên trang PayScale. Cụ thể, bác sĩ phẫu thuậtbác sĩ gây mê đứng đầu trong danh sách những công việc có ý nghĩa nhất về mặt chuyên môn và thỏa mãn nhất về mặt tài chính (nhưng đồng thời cũng là những công việc căng thẳng nhất.)

Theo sau là các công việc “phục vụ cộng đồng và xã hội” như lính cứu hỏa, nhà trị liệu, giáo sĩ, giáo viên. Mặc dù phần thưởng tài chính đối với các công việc này có thể không cao như bác sĩ, luật sư, giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhưng trên 60% những người làm công việc này trong cuộc khảo sát cảm thấy được khen thưởng xứng đáng theo cách khác.

Một điểm chung của những công việc này là chúng cho phép người làm thường xuyên có sự tiếp xúc trực tiếp với “khách hàng đích,” những người mà họ trực tiếp tạo ảnh hưởng đến. Trên tờ Harvard Business Review, tác giả Dan Cable cũng cho rằng đây là một trong những yếu tố hiệu quả nhất để giúp công việc trở nên ý nghĩa. Nó hiệu quả hơn nhiều lần so với với việc nghe ban giám đốc phát biểu về tầm nhìn, sứ mệnh công ty trong các buổi họp thường quý, thường niên.

Và đây có chăng cũng là một trong những lý do khiến nhiều nhân viên tập đoàn lớn rời bỏ công việc chuyên môn ngàn đô của mình để tìm đến những công việc linh hoạt hơn, như làm YouTuber chẳng hạn, để thoả mãn nhu cầu tương tác xã hội.

Tuy nhiên, thuyết nhu cầu về thành tựu không giải thích được những trường hợp cá nhân vẫn tìm thấy ý nghĩa trong công việc dù họ không trực tiếp nhận được lời công nhận hay “phần thưởng” nào đó từ người khác.

Công việc “hoà quyện” vào cuộc sống

Công việc có ý nghĩa hơn khi nó phù hợp với cách con người tự nhìn nhận về bản thân.

Khi đó bạn không cố cân bằng cuộc sống - công việc (work-life balance), vì công việc (phần nào đó) đã được “tích hợp” vào cuộc sống thường ngày của bạn. Bạn không cảm thấy rằng mình ở công ty và mình ở nhà là hai bản thể quá khác nhau, vì công việc mang lại các giá trị khớp với các giá trị cá nhân của bạn. (Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Mahdi Ebrahimi, trường ĐH Bang California).

alt
Công việc có ý nghĩa hơn khi nó giúp bạn củng cố danh tính, thay vì khiến bạn phải biến hình thành "cá mập" ở chỗ làm, còn ở nhà là "cá con", hoặc ngược lại.

Khái niệm lấy nền tảng thiên về động lực nội tại (intrinsic) của con người, hơn là động lực ngoại sinh (extrinsic) như thuyết nhu cầu thành tựu ở trên. Động lực nội tại nói đơn giản là nhiệt huyết có sẵn trong người bạn. Bạn vẫn làm công việc đó dù không quá thỏa mãn với lương, thưởng hay các phúc lợi khác của công ty. Gọi là “có sẵn” nhưng không có nghĩa là nó có ở đó ngay lúc bạn ra đời, thay vào đó, nó có thể gắn với một sự kiện “đậm đặc” cảm xúc nào đó mà chỉ riêng bạn mới trải qua.

Chẳng hạn, theo thuyết thành tựu, bác sĩ là công việc ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa tới mức nào lại là câu chuyện của mỗi người. Có người quyết tâm theo nghề vì được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ một tấm gương, ví dụ như một bác sĩ giỏi nào đó đã cứu sống họ khi nhỏ. Có người lại theo nghề vì kỳ vọng của gia đình. Hai hoàn cảnh khác nhau sẽ cho ra hai mức độ ý nghĩa khác nhau.

Đáng chú ý, các nhà khoa học tại trường Đại học Sussex và Greenwich cho rằng: trái với suy nghĩ của nhiều người, ý nghĩa của một công việc có thể sinh ra từ (những) trải nghiệm có phần cay đắng, thay vì những trải nghiệm tích cực. Chẳng hạn một người bị bạo hành gia đình, bị kìm kẹp tiếng nói, có thể thấy sự tự do và dễ dàng thể hiện nội tâm của các nghệ sĩ là một điều đáng quý.

Nếu nói một trải nghiệm có thể ít nhiều “điêu khắc” tính cách của một con người, thì những trải nghiệm tiêu cực là thứ có lực tác động rất lớn đến bản sắc của họ. Do đó, nếu được làm một công việc mà đâu đó họ giải quyết được bài toán cảm xúc cá nhân đó, họ sẽ cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có những trải nghiệm gây tác động mạnh đến cảm xúc, hay có thể định nghĩa được rõ danh tính của mình. Thế nên, lúc này công việc ý nghĩa với họ có thể thiên về mặt kỹ thuật hơn, như khái niệm về công việc ý nghĩa bên dưới đây.

Công việc bền vững

Sự đảo lộn của thế giới trong khoảng thời gian đại dịch COVID đã mở ra nhiều cuộc tranh luận về ý nghĩa của công việc. Đó là khi người ta có cái nhìn khác với những công việc thường được cho là hiển nhiên trong cuộc sống thường ngày, như đầu bếp quán ăn, nhân viên siêu thị, shipper, nhân viên vệ sinh môi trường.

“Mình từng nghĩ cuộc sống còn gì nếu con người ngừng khám phá những vùng đất mới. Nhưng COVID đã vả cho mình một cú trời giáng. Chôn chân ở nhà mình nhận ra, mẹ mình, một người buôn bán trái cây, bao nhiêu năm chưa từng rời khỏi mảnh đất mình sinh ra, lại đang làm một công việc ý nghĩa hơn mình gấp nhiều lần.” – Lam, một travel blogger chia sẻ. Trải nghiệm đó làm cô rơi vào chiếc hố khủng hoảng danh tính.

“Cho tới một sáng nọ, mình còn đang ngáp ngắn ngáp dài thì mẹ đưa cho một chiếc lọ đo đỏ rồi hỏi ‘Biết làm mứt không?’ Trong khoảnh khắc mình nhận ra, mình quá nghiêm trọng trong việc tìm ý nghĩa trong công việc. Ngay cả mẹ cũng từng cảm thấy ghen tị với những người có thể chế biến nông sản thành sản phẩm bảo quản được trong thời gian dài, thay vì chỉ bán trái cây tươi.

Mình quyết định tạm nghỉ không làm nội dung du lịch theo hệ “xê dịch” nữa. Thay vào đó, mình ngồi một chỗ chia sẻ sâu về câu chuyện văn hoá, ẩm thực và “dịch vụ tinh thần” của một số địa điểm mà mình đã đi qua. Dường như công việc nào cũng tiến hoá theo thời gian. Miễn là nó đáp ứng được những nhu cầu cốt lõi nhất của con người thì nó còn ý nghĩa.”

Ý mà Lam nhắc đến đó cũng là một trong những khái niệm về công việc bền vững – những công việc luôn có giá trị nội tại dù thời đại thay đổi như thế nào.

alt
Những công việc đơn giản nhất (nhưng không nhàn hạ nhất) có khi là công việc ý nghĩa nhất.

Tuy nhiên theo David Graeber - tác giả của tựa sách Bullshit Jobs, thế giới tồn tại một nghịch lý rằng: có những công việc tồn tại rất bền vững, nhưng không mang lại giá trị lâu dài. Một trong số đó là công việc quản lý. Các nhà quản lý phải đốc thúc cấp dưới làm điều họ không muốn làm và phải đứng ra hứng chịu hậu quả nếu kết quả không như mong muốn. Đây là một chủ đề gây tranh cãi mà tôi hy vọng có thể bàn luận ở bài viết sau.

Nhưng về cơ bản, ý kiến này đặt ra câu hỏi, vậy công việc bền vững nào mới thực sự “bền vững”? Tác giả Sennet của tờ BBC cho rằng, đó là những công việc có tính “thủ công” (craftsmanship), nghĩa là có đủ chỗ trống về mặt kỹ thuật để người làm không ngừng phát triển qua nhiều năm. Nó không hẳn phải là những công việc liên quan đến tay chân như thợ mộc, làm gốm,... mà có thể là những công việc trí óc, như quản lý hệ thống xử lý rác thải. Còn bạn, bạn nghĩ công việc bền vững là gì?

Thế nhưng, công việc ý nghĩa không phải lúc nào cũng mang lại cảm giác thoải mái

Tìm thấy ý nghĩa trong công việc không đồng nghĩa với sự thoả mãn trong công việc. Vì sự thoả mãn trong công việc có thể bị tác động bởi các yếu tố khó kiểm soát khác, chẳng hạn như chất lượng mối quan hệ đồng nghiệp, sếp - nhân viên tại công ty.

Nghiên cứu từ trường đại học MIT cho ra một kết quả đáng chú ý rằng: chất lượng lãnh đạo không được nhắc đến khi các nhân viên nói đến ý nghĩa của công việc, nhưng việc quản lý kém lại là nhân tố hàng đầu “huỷ diệt” cảm giác ý nghĩa đó.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng “công việc ý nghĩa” đôi khi chỉ là cảm giác. Tức là hôm nay bạn có thể thấy công việc của mình ý nghĩa, nhưng ngày mai thì không. Nó có tính tức thời, phụ thuộc vào sự kiện nào đang diễn ra trong đời bạn.

Giống như việc chúng ta sẽ khó cảm thấy hạnh phúc nếu như cứ chạy theo hạnh phúc, cách để có một công việc ý nghĩa đôi khi là đừng quá lo lắng về nó.

Làm trong ngành truyền thông, Hải từng tham gia vào nhiều dự án sáng tạo có hơn 20 người. Anh chia sẻ rằng bản thân từng cảm thấy rất khó chịu khi sản phẩm bị chỉnh sửa nhiều. Nhưng dần dần anh nhận ra, nếu chi tiết nhỏ đó không ảnh hưởng đến tổng dự án thì việc khó chịu đó hoàn toàn vô nghĩa. Vì so với sự to lớn của vũ trụ này thì hàng vạn lời tranh cãi của con người có khi còn chưa đáng một hạt bụi. Khi chấp nhận sự hư vô đó thì ngạc nhiên thay anh thấy công việc cũng trở nên “đáng yêu” hơn.

Ngoài ra, có lẽ một trong những cách tốt nhất để thấy công việc có ý nghĩa hơn là làm ít hơn. Đầu năm 2023, nhiều nước châu Âu cũng đã chính thức áp dụng chính sách một tuần làm việc 4 ngày. Khi cuộc sống bên ngoài công việc của chúng ta có nhiều hạnh phúc thì “có việc để làm” thôi đã đủ khiến chúng ta yêu đời hơn. Không nhất thiết phải yêu cầu công việc đó đảm bảo tất cả các yếu tố tạo nên ý nghĩa.

Ngoài ra, sự phát triển của máy móc và trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây có lẽ cũng là một tín hiệu về một thế giới con người làm việc ít hơn, và hiệu quả hơn, để cải thiện chất lượng sống. Đồng ý rằng AI có thể đang khiến nhiều người rơi vào rủi ro bị mất việc, nhưng đó có khi cũng là cách giúp họ dứt khoát hơn với công việc mình không yêu thích và thôi chất vấn một đề tài hiện sinh như “ý nghĩa công việc.”

Tuy nhiên, nếu bạn cần một giải pháp cụ thể hơn khi thấy công việc của mình không ý nghĩa, cũng như không thấy thoả mãn trong công việc, hãy thử tham khảo gợi ý của các nhà nghiên cứu tại MIT.

Đó là đánh giá lại vị trí của bạn trong một hệ sinh thái bao gồm: ý nghĩa sứ mệnh của công ty, ý nghĩa công việc, ý nghĩa nhiệm vụ được phân công, và ý nghĩa các mối quan hệ xã hội trong công việc. Nếu bạn tìm được thấy ý nghĩa trong hơn một khía cạnh thì bạn có lý do để ở lại với công việc đó.

Kết

Ý nghĩa công việc là chủ đề lớn mà một bài viết khó có thể trả lời thỏa mãn. Một người có thể cảm thấy công việc của mình ý nghĩa theo một trong ba khái niệm đề cập đến trong bài, hoặc là kết hợp cả ba và hơn thế nữa.

Và có khi không cần đặt nặng ý nghĩa của công việc, vì bài toán của cuộc đời có chăng không phải là tìm thấy được một công việc “sứ mệnh” để làm đến hết đời, mà đơn giản là được một công việc phù hợp với bộ kỹ năng và mục đích của bản thân trong từng giai đoạn nhất định. Thế nên, nếu hôm nay bạn thấy công việc này ý nghĩa, ngày mai nó lại chẳng có nghĩa lý gì thì cũng chẳng có gì sai.

Với bạn, một công việc ý nghĩa là như thế nào?