5 Lầm tưởng thường gặp về đuối nước | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 03, 2022
Chất Lượng Sống

5 Lầm tưởng thường gặp về đuối nước

Tỉ lệ tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao hơn các nước Đông Nam Á khác. Và việc biết bơi vẫn chưa đủ để phòng tránh tai nạn dạng này.
5 Lầm tưởng thường gặp về đuối nước

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Trong thời gian qua đã xảy ra những vụ tai nạn thương tâm về đuối nước. Nổi bật có vụ lật cano ở biển Cửa Đại khiến 17 người tử vong, nhiều người trong đó đến từ cùng một gia đình.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có đến hơn 2000 trẻ em tử vong do đuối nước hàng năm ở Việt Nam. Còn với người lớn, nguy cơ đuối nước luôn thường trực trong các chuyến đi biển đảo, đặc biệt khi các quy trình an toàn không được tuân thủ đầy đủ.

Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều hiểu lầm về chết đuối và an toàn sông nước nói chung, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Nổi bật trong số đó bao gồm:

1. Chỉ người không biết bơi mới chết đuối

Sau khi học được ít nhất một kiểu bơi, nhiều người dễ có tâm lý chủ quan, cho rằng mình chắc chắn sẽ không bị thủy thần cuốn đi. Điều này là sai lầm, vì người biết bơi hoàn toàn vẫn có khả năng chết đuối nếu bị chuột rút hoặc kiệt sức.

Một trường hợp khác là gặp phải xoáy ngầm (rip currents). Đây là hiện tượng dòng nước rút ra ngoài khơi sau khi bị sóng đưa vào bờ. Do dòng chảy rất mạnh, nhiều người đã chết đuối khi cố gắng bơi ngược dòng về bờ.

title08mar2022hieulamintext1jpg 08mar2022hieulamintext1jpg
Dù đã biết bơi, cũng không được chủ quan với những tai nạn sông nước.

Bên cạnh đó, không phải kiểu bơi nào cũng phù hợp giúp bạn thoát thân. Điển hình như bơi bướm là kiểu bơi dùng nhiều sức lực và thiên về kỹ thuật, phù hợp để thi đấu hơn là cho mục đích sống còn. Thay vào đó, những kiểu bơi nhẹ nhàng, ít tốn sức như bơi ếch, bơi tự cứu…sẽ hiệu quả hơn nếu chẳng may bị ngã xuống nước.

2. Chết đuối chỉ xảy ra ở dưới nước

Nếu nạn nhân vẫn tỉnh táo sau khi được cứu lên bờ, nhiều người dễ tưởng nhầm là nạn nhân đã an toàn. Trên thực tế, đuối nước vẫn có thể xảy ra sau giai đoạn này

Một trường hợp điển hình là đuối nước khô (dry drowning), xảy ra khi hít thở trong nước khiến dây thanh quản co thắt và đóng lại dẫn đến khó thở. Trường hợp thứ hai là đuối nước thứ phát (secondary drowning), xảy ra khi nước đã vào đến phổi, gây ra tình trạng phù phổi. Đặc biệt, triệu chứng của đuối nước thứ phát có thể biểu hiện vài giờ, thậm chí vài ngày sau khi được cứu.

Đuối nước khô và thứ phát chỉ chiếm 1-2% các ca đuối nước, nhưng lại gây tử vong rất nhanh nếu không phát hiện kịp thời. Do đó, trong vòng 72 giờ sau tai nạn mà nạn nhân có biểu hiện ho, tức ngực, chóng mặt, nói chuyện khó khăn, sùi bọt mép…phải can thiệp y tế ngay lập tức.

3. Người đuối nước sẽ luôn kêu cứu

Nhắc đến đuối nước, hình ảnh chúng ta thường nghĩ đến là một người cố gắng vùng vẫy, la hét khi bị rơi xuống nước. Và như vậy thì ai có mặt ở đó đều sẽ nghe tiếng họ mà ứng cứu.

Điều này không sai, nhưng cũng không đúng hoàn toàn. Có những ca chết đuối xảy ra rất nhanh và thầm lặng mà không ai hay biết, chẳng hạn vụ nam thanh niên chết đuối ngay giữa hồ bơi đông người xảy ra tháng 4/2021. Điều này xảy ra do nạn nhân kiệt sức vùng vẫy nên không còn sức lực kêu cứu, hoặc môi trường xung quanh ồn ào nên không ai để ý tiếng kêu cứu của họ.

4. Chỉ cần biết bơi là cứu được người bị đuối nước

Trong phim ảnh hoặc truyện tranh, không hiếm gặp những phân cảnh nhân vật biết bơi lao ra cứu người đuối nước một cách ngoạn mục. Nhưng đời thực thì không đơn giản như vậy.

Do hoảng loạn, một người đuối nước sẽ vùng vẫy, bám chặt vào bất cứ thứ gì họ với được. Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị sức nặng và lực kéo của họ lôi xuống khiến bạn không thể bơi tiếp.

Vì vậy, trừ khi bạn đã được tập huấn về cứu hộ chuyên nghiệp, tuyệt đối không nhảy xuống nước cứu người dù biết bơi. Nếu thấy người đuối nước, điều bạn cần làm là:

  • Hô hoán, ra hiệu cho người xung quanh ứng cứu, gọi đường dây khẩn cấp.
  • Nếu có thể, tìm một cành cây dài hoặc sợi dây thả xuống cho nạn nhân bám vào kéo lên.
  • Khi đưa được nạn nhân lên bờ, đắp chăn hoặc áo để giữ ấm và tiến hành hô hấp nhân tạo (CPR) nếu có thể.
title08mar2022hieulamintext2jpg 08mar2022hieulamintext2jpg
Trừ khi bạn được tập huấn về cứu hộ chuyên nghiệp, tuyệt đối không nhảy xuống nước cứu người.

Trong trường hợp bạn phải tự cứu nạn nhân, hãy thử các cách sau để hạn chế nguy hiểm cho chính mình:

  • Động viên nạn nhân tiến gần khu vực nông hơn và liên tục nhắc họ đá chân để nổi lên. Nếu thành công, họ có thể giữ được đầu trên mặt nước và di chuyển đến nơi an toàn hơn.
  • Ném xuống bất cứ thứ gì có thể nổi cho họ bám: Chai nhựa rỗng, miếng xốp…
  • Nếu buộc phải xuống nước, có thể cởi quần áo buộc thành dây, cho họ nắm một đầu rồi kéo vào bờ. Không để nạn nhân bám trực tiếp vào cơ thể bạn.

5. Chết đuối chỉ xảy ra ở sông hồ, biển cả

Chúng ta thường gán chết đuối với những vùng nước lớn như sông, hồ hay biển. Nhưng thực tế, “chết đuối” là quá trình bị ngạt khi ở trong chất lỏng. Vì vậy, bất cứ tai nạn nào gây ra hiện tượng này đều dẫn đến đuối nước, dù nó xảy ra ở đâu.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ chết đuối trong những đồ vật gia dụng hàng ngày như bồn tắm, xô nước hay thậm chí toilet. Những tai nạn này nguy hiểm ở chỗ, chúng diễn ra ở nơi nước nông, tiết diện hẹp khiến trẻ không thể nổi hoặc bơi theo phản xạ.

Cần làm gì để phòng tránh đuối nước?

Đuối nước luôn là một nguy cơ thường trực cho cả trẻ em và người lớn. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan kể cả khi đã biết bơi. Để phòng tránh chết đuối, chúng ta cần lưu ý:

  • Để ý kỹ môi trường xung quanh, không tắm sông, biển…trong điều kiện thời tiết xấu.
  • Không tự ý ra chỗ nước sâu nếu chưa bơi thạo.
  • Không lên đò, thuyền chở quá tải, không an toàn về mặt kỹ thuật. Luôn mặc áo phao khi đi những phương tiện này.
  • Không để trẻ em chơi gần xô, bồn nước…mà không có người lớn quan sát.

Quan trọng nhất, nếu bạn chưa biết bơi, nên cố gắng học bơi càng sớm càng tốt. Đây là kỹ năng không chỉ giúp bạn tăng cường sức khỏe, mà còn tăng cơ hội sống sót nếu gặp tai nạn về nước.