Khi trên kệ của tôi chất thêm nhiều cuốn sách “trưởng thành” về tâm lý, tình cảm, sự nghiệp,... thì cũng là lúc những quyển truyện thiếu nhi thời thơ ấu dày lên một lớp bụi phủ. Có lẽ những vấn đề phức tạp của “người lớn” đã khiến việc bay bổng trong thế giới trẻ thơ trở nên quá xa xỉ và phù phiếm.
Thế nhưng, khi có dịp cho bản thân một cơ hội để hoài niệm và đọc lại những cuốn sách dành cho thiếu nhi ngày xưa, tôi nhận ra rằng tình cảm của mình đối với những tác phẩm ấy vẫn vẹn nguyên. Thậm chí tìm thấy những giá trị mới mẻ hơn cho tâm hồn của một người trưởng thành.
Và rồi tôi nghiệm ra 5 lý do vì sao người lớn nên đọc sách văn học thiếu nhi.
1. Sự đa dạng về thể loại
Nếu những tác phẩm dành cho người trưởng thành được chia thành nhiều thể loại, thì sách dành cho trẻ em lại chỉ được đề cập bằng duy nhất một cụm từ ‘sách thiếu nhi'.
Chính vì điều này, nếu không chú ý, nhiều người sẽ không nhận ra những màu sắc vô cùng phong phú của chúng. Tuỳ vào sở thích của mình, bạn có thể cùng chú bé Tobie Lolness (Tobie Lolness -Timothée de Fombelle) khám phá thế giới sinh sống của những người tí hon, hoặc rùng mình trước những tác phẩm nhuốm màu kinh dị như Coraline của Neil Gaiman.
Dù bạn là ai và có sở thích như thế nào, sẽ luôn có một quyển sách thiếu nhi dành cho bạn. | Nguồn: HarperCollins, Gallimard Jeune
2. Mở ra một góc nhìn mới
Cũng như những tác phẩm văn học người lớn, sách thiếu nhi cũng có thể viết về các vấn đề gây tranh cãi trong xã hội, như sự đa dạng về chủng tộc hay bảo vệ môi trường.
Tác giả Erin Entrada Kelly là một người Mỹ lai Philippines. Khi còn nhỏ, cô thường bị những đứa trẻ xung quanh trêu chọc vì vẻ ngoài khác lạ. Chính vì vậy, tác phẩm Lời Chào Từ Vũ Trụ (Hello, Universe) của cô đã tô đậm nền văn hoá Philippines, với nhân vật chính là cậu bé Virgil có nguồn gốc giống như tác giả, và cũng đối mặt với nhiều vấn đề chỉ vì cậu khác biệt.
Bìa sách 'Lời Chào Từ Vũ Trụ' | Nguồn: HarperCollins
Có thể thấy, không phải vì nhân vật trong những cuốn sách như Lời Chào Từ Vũ Trụ trẻ tuổi mà cách tác giả nhìn nhận và truyền tải vấn đề bị nông cạn. Phần lớn các tác giả viết truyện thiếu nhi thường lấy cảm hứng từ chính thời thơ ấu của họ, nên họ kể câu chuyện trong sáng của trẻ thơ bằng sự sâu sắc của người trưởng thành.
3. Đưa âu lo "đi trốn"
Không chỉ với những mối quan hệ, cuộc sống của người trưởng thành còn gặp nhiều khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần. Đó là lúc những quyển sách thiếu nhi trở thành những “món ăn tinh thần”, xoa dịu những tâm hồn đang mệt mỏi.
'Những quyển sách như Alice lạc vào xứ sở thần tiên (Alice in Wonderland) của Lewis Carroll và James và quả đào khổng lồ (James and the Giant Peach) của Roald Dahl đều mở ra một thế giới, nơi mà con người không còn cảm thấy e dè về bản thân, nơi những mối quan hệ, ranh giới thiện ác đều rõ ràng. Trong khi những mối quan hệ của người lớn lại thường mập mờ và có nhiều mâu thuẫn, không thể thấu hiểu nhau một cách đúng đắn.’ - Tiến sĩ Louise Joy, học giả tại Đại học Cambridge.
Alice In Wonderland đưa ta tới một thế giới kỳ lạ, nhưng không hề phức tạp như thực tế | Nguồn: Puffin Books
4. Lấy lại niềm tin vào cuộc sống
Nếu bạn cảm thấy hoang mang về cuộc sống khi nhìn thấy xung quanh đầy rẫy những câu chuyện đau lòng, những sự kiện rối ren, thì sách thiếu nhi sẽ mang bạn về thế giới trẻ thơ với sự đơn giản của nó: người dũng cảm luôn là anh hùng, lòng tốt không bao giờ bị đặt sai chỗ, và tình thương luôn có một sức mạnh lớn lao.
Dù thực tế khốc liệt có khiến những lý tưởng này nghe sáo rỗng, sâu trong tâm hồn, phải chăng chúng ta vẫn muốn tin vào chúng? Sách thiếu nhi cho chúng ta cơ hội được cảm nhận niềm tin này, từ đó nhìn thấy được những điều tốt đẹp dù là bé nhỏ nhất từ cuộc sống.
5. Thấu hiểu tâm hồn của trẻ em, và chính mình
Như một lẽ thường tình, sách thiếu nhi thường có cốt truyện xoay quanh những nhân vật chính là trẻ em. Qua đó, ta có thể hiểu được điều gì sẽ làm một đứa trẻ cảm thấy buồn hoặc vui, hiểu được những nỗi sợ hãi và ước mơ của chúng.
Và đặc biệt hơn, bạn có thể hiểu hơn về chính mình. Vì chẳng phải bạn cũng đã từng là một đứa trẻ sao? Và con người của chúng ta ngày hôm nay được xây dựng từ điều gì, nếu không phải là những cảm xúc mộc mạc khi còn thơ bé?
Kết
Trong bài luận ‘Why You Should Read Children's Books, Even Though You Are So Old and Wise’ (tạm dịch: Lý do bạn nên đọc sách thiếu nhi, mặc dù bạn đã thật già cỗi và thông thái), tác giả Katherine Rundell nhận ra, khi bà nói với mọi người rằng mình sáng tác truyện thiếu nhi, đối phương nhìn bà như thể bà là kiểu người thích ‘lấy hộp diêm xây nhà tắm mini cho những chú yêu tinh vậy’.
Đằng sau câu chuyện hóm hỉnh ấy là một hiện thực nghiêm túc hơn, là việc văn học thiếu nhi thường bị xem nhẹ. Trong khi đó, các nhà văn vẫn đang cố gắng cập nhật và lồng ghép những yếu tố thời sự vào tác phẩm của mình.
Đó là nỗ lực để viết nên những câu chuyện vừa hấp dẫn, vừa mang tính giáo dục phù hợp với thời đại. Đó là những câu chuyện xứng đáng được thưởng thức bởi tất cả mọi người.