5 Phim châu Á về những người cô đơn ở đô thị để bạn mở lòng với bản thân | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
11 Thg 11, 2021
Điện Ảnh

5 Phim châu Á về những người cô đơn ở đô thị để bạn mở lòng với bản thân

Phim về những người cô đơn, dành cho những người cô đơn khác.

5 Phim châu Á về những người cô đơn ở đô thị để bạn mở lòng với bản thân

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

Độc thân và cô đơn thường được đi kèm với nhau. Tuy nhiên, cô đơn cũng có nhiều kiểu. Với những người sống ở thành phố, sự lạc lõng này đôi khi được khuếch đại hơn giữa chốn đông người lạ. Với ngôn ngữ điện ảnh, cảm xúc trơ trọi này được truyền tải một cách rõ rệt tới những người yêu phim. 

Với góc nhìn của những đạo diễn Châu Á, Vietcetera hy vọng bạn tìm được một sự đồng cảm nhất định với những cô đơn lạc lõng của những nhân vật trong phim. Để rồi từ đó, chúng ta tìm được sự an ủi cho nỗi niềm của bản thân. 

Millennium Mambo (Hầu Hiếu Hiền, 2001)

“Tôi đã chia tay với Hạo Hạo".

Bộ phim mở đầu bằng một cảnh quay dài của Vicky, bước đi loạng choạng trong đường hầm, hoài niệm kể về Hạo Hạo và bản thân cô của 10 năm về trước. 

Xuyên suốt bộ phim, giọng nói bình thản của Vicky dẫn dắt ta qua từng mảnh ký ức, từng cuộc tình và cả những đêm dài cô đơn. 

Nỗi lòng của Vicky gần với đa phần những người trẻ mới bước chân vào ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành. Họ thường bất an về hiện tại và mơ hồ về tương lai. Sự trống rỗng bên trong lại thường đối nghịch với sự nhộn nhịp của cuộc sống thành thị. 

Vicky làm việc ở một hộp đêm náo nhiệt và hào nhoáng nhất Đài Bắc. Lọt thỏm giữa những bản nhạc sôi động, nỗi cô đơn của Vicky ẩn mình một cách khéo léo. Ánh đèn và âm thanh của thành phố lớn ồn ã cũng phần nào át đi tiếng lòng của chính Vicky. 

Cô chắp vá sự trống rỗng và thiếu định hướng trong cuộc sống bằng cuộc tình với Hạo Hạo, như thể đó là chiếc phao cứu sinh của cô tại thành phố này.  

Vì sao phải xem phim này?

Vicky của 10 năm sau chia sẻ về quá khứ của mình, như thầm an ủi những người trẻ rằng, khó khăn của hiện tại rồi cũng trôi qua.

An Elephant Sitting Still (Hu Bo, 2018)

“Con voi ngồi lặng im" là bộ phim đầu tay dài gần 4 tiếng của đạo diễn Hu Bo, đồng thời cũng là bức thư tuyệt mệnh của anh. Năm Hu Bo 27 tuổi, anh tự sát sau khi hoàn thành bộ phim, chỉ vài tuần trước khi tác phẩm đoạt giải cao nhất của Liên hoan phim Kim Mã.

Bộ phim kể về 4 nhân vật, 4 mảnh đời mắc kẹt trong những vấn đề cá nhân mãi không có lời giải: người đàn ông ngủ với vợ bạn; cậu trai vô tình gây ra cái chết của kẻ bắt nạt; ông lão cô đơn sau khi chú chó qua đời và cô học trò có mối quan hệ với thầy hiệu phó. 

Mạch kể của bộ phim chậm rãi, đào sâu vào thâm tâm của mỗi nhân vật. Suốt 4 tiếng ta nhận ra 4 cá thể này quá khác nhau, quá riêng biệt. Tuy nhiên, có lẽ vì ai cũng mang trong mình một nỗi niềm khó nói, nên họ cùng cô đơn và cùng chia sẻ một sự cảm thông. 

Vì sao phải xem phim này?

Đôi khi ta không cần thấu hiểu tận tình câu chuyện của một người, nhưng vẫn có thể cùng nhau mở lòng mình để chia sẻ cảm xúc cô đơn. 

Xích Lô (Trần Anh Hùng, 1995)

Xích Lô là nhân vật chính bi kịch trong bộ phim cùng tên được đạo diễn bởi Trần Anh Hùng. Xuất thân nghèo khó, sống ở tận đáy của xã hội, Xích Lô vật vã chỉ để có thể sống và tồn tại trong thành phố lớn. Anh tồn tại như một cá thể trơ trọi giữa đời bị xô đẩy rồi dính vào con đường phạm tội. 

Mỗi người trong xã hội đều được mang một cái tên, giúp định vị chỗ đứng của họ trong xã hội. Nhưng những nhân vật trong bộ phim họ không có tên, họ được gọi bằng những biệt danh như bà Buồn, Nhà Thơ hay Xích Lô. 

Sự nghèo đói khiến nhân vật Xích Lô lọt thỏm giữa Sài Gòn đông đúc, chật chội, được lấp đầy bởi những kẻ lạ mặt. Bộ phim xoáy sâu về các vấn đề xã hội, từ đó làm nổi bật lên mảnh đời của những con người sống ở đáy, bị cô lập như một giống loài xa lạ. 

Xem phim ta choáng ngợp bởi mồ hôi, máu, nước mắt và bạo lực. Đồng thời, ta cảm nhận được nỗi trơ trọi của những cuộc đời dị biệt giữa lòng Sài Gòn, một Sài Gòn lạ kỳ, thô thiển và hỗn loạn.

Vì sao phải xem phim này?

Không chỉ làm ta choáng ngợp bởi thực tại tàn khốc, sự cô đơn của một tầng lớp của xã hội còn gợi lên sự đồng cảm. Ta học cách thương mình, từ việc thấu hiểu nỗi khổ của người khác. 

Like Someone In Love (Abbas Kiarostami, 2012)

Cùng tên với một bản nhạc Jazz, Như một người đang yêu gợi lên những cảm xúc không chắc chắn, đầy mâu thuẫn của Akiko, một cô sinh viên có 2 cuộc sống.

Để có đủ tiền cho việc học và cả cho cuộc sống, mỗi đêm Akiko bắt đầu công việc thứ 2: gặp gỡ và qua đêm với những người đàn ông lạ. 

Khác với những người đàn ông khác, giáo sư Takeshi  là một khách hàng kỳ lạ. Ông chỉ muốn được cùng ăn, cùng trò chuyện với Akiko. Hình ảnh một người đàn ông già, tri thức chỉ muốn được có người cạnh bên gợi nhớ nhiều đến tác phẩm văn học kinh điển của Nhật: Những người đẹp say ngủ của Kawabata Yasunari.

Mắc kẹt trong mối quan hệ cô đơn với người bạn trai thiếu học và bạo lực, Akiko, một cô sinh viên chật vật ở thành phố lớn dần cảm nhận lại được hơi ấm đầy tính người. Và đó là cách “một điều gì đó" dần nhen nhóm trong lòng của cả 2 người cô đơn: người đàn ông già nhớ nhung những hoài niệm về tình yêu tuổi trẻ và cô gái lạc lõng, cô đơn trong chính mối tình của mình. 

Vì sao phải xem phim này?

Đôi khi ta tìm được cách để chia sẻ và mở lòng mình với những người lạ mà ta không hề ngờ tới. 

In The Mood For Love (Vương Gia Vệ, 2000)

Câu chuyện tình trong phim được đặt vào một tình huống oái ăm: hai người hàng xóm đã có gia đình sống trong cùng một khu nhà chật hẹp, vách kề vách.

Trong bộ phim ta hiếm khi nào nhìn thấy sự hiện diện của vợ ông Chu và chồng bà Trương. Hai người đàn ông và đàn bà đều đã có đôi có cặp trên giấy tờ, nhưng thật ra lại lạc lõng giữa Thượng Hải. Họ dần tìm thấy xúc cảm bên cạnh nhau. 

Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở, nhưng vẻ đẹp này chỉ tồn tại trong mắt người xem. Nỗi cô đơn và đau khổ của những người yêu nhau trong cuộc tình cấm đoán, đọng lại trong lời thì thầm của ông Chu ở cuối phim. 

Cho dù phim đã kết thúc, dáng đi lặng lẽ trong con hẻm nhỏ của bà Trương và văn phòng ngập khói thuốc của ông Chu, cùng bản nhạc nền Yumeji's Theme, vẫn cứ kẹt lại trong đầu của người xem. Dai dẳng, khắc khoải và đau lòng. 

Vì sao phải xem phim này?

Bộ phim khiến ta nhận ra rằng cô đơn cũng có nhiều kiểu khác nhau, nó len lỏi vào ngay cả trong một mối quan hệ. Thừa nhận rằng mình cô đơn là bước đầu trong việc mở lòng với bản thân.