Mỗi chúng ta đều từng có riêng một vương quốc diệu kỳ, nơi chắp cánh cho trí tưởng tượng bay xa. Tất cả đều nằm trong từng trang truyện thần tiên, nay lại càng sống động hơn khi được đưa lên màn ảnh.
Với chuyển thể điện ảnh, những thông điệp văn học vốn đã sâu sắc còn bộc lộ thêm nhiều khía cạnh ý khác. Dưới đây là 5 bộ phim dựa trên tiểu thuyết/truyện thiếu nhi đã gây ấn tượng với bao thế hệ tuổi thơ.
1. Bridge To Terabithia (Cây Cầu Đến Xứ Sở Thần Tiên)
Bridge to Terabithia là quyển sách bởi tác giả người Mỹ gốc Trung - Katherine Paterson về sự kì diệu của trí tưởng tượng. Tác phẩm được Disney chuyển thể thành phim vào năm 2007 và có lẽ đã đem đến thiếu niên thời đó những xúc động điện ảnh đầu đời.
Jess và Leslie chỉ vừa mới biết nhau và những tưởng cả hai không thể làm bạn được. Bởi Jess thì quá tự ti, ít nói và luôn chìm đắm trong những bức vẽ trừu tượng của mình. Trong khi đó Leslie lại là cô bé hoạt ngôn với cái nhìn đầy sống động và thần kỳ về thế giới xung quanh.
Bắt đầu bằng sự hiềm khích đến gắn bó keo sơn chẳng hề đơn giản, nhưng hai đứa trẻ đã làm được. Nhờ những cuộc phiêu lưu vào vương quốc Terabithia diệu kỳ do Leslie tạo ra, Jess mỗi ngày một thay đổi. Đến cuối là sự chia ly khi Leslie rời đi và cũng là khởi đầu mới của một Jess dũng cảm, vị tha hơn.
Điều khác biệt là bộ phim đi ngược lại hoàn toàn những tiêu chí của một live-action mà Disney thường sản xuất: Không chuyện tình màu hồng, không ca múa nhạc, không kết thúc có hậu. Vậy mà “Bridge to Terabithia” lại chạm đến tâm hồn thiếu niên lẫn người lớn bởi những tình cảm trong sáng.
Mỗi chúng ta đều có một Terabithia cho riêng mình thuở bé, nơi mà trí tưởng tượng mặc sức bung xõa. Để rồi vòng xoáy của gia đình, trách nhiệm, công việc cuốn ta đi và tự gán lên mình 2 chữ “Người Lớn”. Bộ phim chính là tấm vé trở về tuổi thơ mà ai xem qua đều như được bước lên chuyến tàu ấy, mở rộng tâm trí và nhìn cuộc sống dưới góc nhìn tươi sáng hơn.
2. Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh
“Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh” là câu chuyện xoay quanh 2 anh em Thiều, Tường và cô bé hàng xóm Mận. Những tình cảm vu vơ hờn ghen của tuổi mới lớn, tình anh em thắm thiết và tình láng giềng nồng đượm, tất cả tạo nên một tác phẩm nhẹ nhàng và lắng đọng trong lòng độc giả.
Trong bản điện ảnh bởi đạo diễn Victor Vũ, tất cả nhân vật chính đều là trẻ em đảm nhận. Các diễn viên nhí đều diễn tròn vai và truyền tải hoàn hảo những rung động, tâm tư đầu đời. Đạo diễn Victor Vũ đã tận dụng những cảnh quay flycam, slow-motion để khắc họa một làng quê Việt Nam yên bình và nên thơ, nơi những đứa trẻ lớn lên bên những cánh đồng xanh mướt cỏ cây.
Tuy nhiên, bản điện ảnh đã tiêu giảm những giá trị văn chương được bác Ánh đưa vào như vấn đề đạo đức về cái thiện - ác trong nội tâm nhân vật Thiều, định kiến xã hội gán ghép lên ba Mận và cảnh nghèo khổ cùng cực sau trận lũ. Điều này khiến mạch phim đôi khi lan man, người xem cũng đôi phần thắc mắc. Song, bộ phim vẫn là điểm sáng cho điện ảnh nước nhà bởi lối làm phim chỉn chu và hưởng ứng tích cực từ khán giả.
3. Fantastic Mr.Fox (Ngài Cáo Diệu Kỳ)
“Fantastic Mr.Fox” là tiểu thuyết thiếu nhi do nhà văn nổi tiếng người Anh — Roald Dahl — viết vào năm 1970. Tác phẩm từng được trao giải Read Aloud BILBY từ Hội đồng Sách dành cho Trẻ em của Úc.
Truyện kể về ngài Cáo thông minh, mưu mẹo sống cùng vợ và 4 đứa con dưới lòng đất bên một gốc cây. Những phi vụ ăn trộm thức ăn trót lọt của anh đã khiến bộ ba nông dân Boggis, Bunce và Bean điên tiết nên âm mưu phục kích ngay miệng hang. Nhưng nhờ vào mưu trí cùng sự hợp sức của các sinh vật sống dưới lòng đất mà anh đã thoát nạn và tạo một đường hầm bí mật giúp tất cả có thức ăn.
Đây là sản phẩm hoạt hình đầu tay của đạo diễn Wes Anderson khi thử nghiệm thể loại stop-motion. Bộ phim được tạo nên từ 56000 ảnh tĩnh và 535 con rối chuyển động hoàn hảo, bố cục căn giữa cùng tông màu ấm như vàng, cam, đỏ gây ấn tượng mạnh cho người xem. Đạo diễn Wes Anderson lựa chọn tốc độ 12 khung hình/giây giúp giữ được tính cổ điển của không khí thập niên 70. Fantastic Mr.Fox bản điện ảnh truyền đạt đúng nguyên tác mà vẫn cộp mác phong cách của đạo diễn Wes Anderson.
4. Willy Wonka and the Chocolate Factory (Charlie Và Nhà Máy Socola)
Lại là một tác phẩm của nhà văn Anh vĩ đại Roald Dahl, được xuất bản lần đầu tại Mỹ năm 1964 và sau đó là tại Anh năm 1967.
Câu chuyện kể về cậu bé nghèo khó Charlie Bucket sống cùng ông bà nội, cha và người mẹ bệnh nặng. Cũng giống bao đứa trẻ khác, Charlie luôn khao khát có được thanh socola của hãng Willy Wonka nổi tiếng. Bỗng 1 ngày ông chủ Willy tung ra 5 chiếc Vé Vàng, giấu trong 5 thanh chocolate bình thường, ai bắt được Vé Vàng sẽ được ông mời đến tham quan nhà máy.
Bằng nỗ lực và may mắn, Charlie có trong tay vé vàng và bắt đầu cuộc phiêu lưu vào nhà máy với đầy những điều kỳ diệu, nhưng cũng vô vàn cám dỗ ngọt ngào. Cuối cùng cậu và ông mình đã vượt qua thử thách với tấm lòng trong sáng nhất, trở thành người thắng cuộc và được sống trong nhà máy suốt đời.
Vẫn mang đậm phong cách làm phim ma mị đúng chuẩn Tim Burton như phong cảnh được cách điệu cực đại, ngoại hình nhân vật có phần dị thường. Nhưng hơn hết chính là giá trị nhân văn mà đạo diễn muốn truyền tải.
Điểm sáng giá nhất trong phiên bản của Tim Burton đảm nhiệm chính là hậu truyện về Willy Wonka. Phim đã lý giải vì sao anh đam mê kẹo ngọt, ác cảm với trẻ con và tổn thương thuở nhỏ khiến anh không có khái niệm về “gia đình”. Người xem không chỉ rút ra bài học về sự khiêm nhường, tính trung thực mà còn lòng vị tha, yêu thương từ những thành viên trong gia đình.
5. Where The Wild Things Are (Ở Nơi Quỷ Sứ Giặc Non)
Where the Wild Things Are là quyển sách tranh kinh điển của tác giả Maurice Sendak, tác phẩm giành được huy chương Caldecott cho ‘Sách tranh xuất sắc nhất năm’ (1964). Tác phẩm này đã được dịch ra 32 thứ tiếng và là một trong những sách thiếu nhi bán chạy nhất mọi thời đại (hơn 20 triệu bản tính đến nay).
Truyện về chuyến phiêu lưu vào khu rừng rậm đầy những sinh vật hoang dã, chinh phục lũ quỷ sứ giặc non của cậu bé Max... trong chính phòng ngủ của cậu. Để rồi sau đó, cậu được phong lên làm vua và tống những tên quỷ đi ngủ mà không cho ăn tối, hệt như cách mà mẹ Max đã phạt cậu vào buổi tối hôm đó. Dù ấm ức, nhưng sau cùng, cái cậu cần nhất vẫn là tình thương và nơi có “ai đó yêu cậu ấy nhất”. Cậu giăng buồm trở về căn phòng của mình, về với bữa tối nóng sốt đang đợi cậu.
Vẫn giữ nội dung “đinh” của truyện là cuộc phiêu lưu cùng những “thứ hoang dã” của Max, đạo diễn Spike Jonze còn lồng ghép vào đó những tổn thương và giận dữ bên trong khi không nhận được sự thông cảm từ người thân. Nhưng dù bay nhảy với khát vọng lớn đến thế nào thì sau cùng chúng ta cũng chỉ mong được trở về bên gia đình, trong những điều giản dị và thiêng liêng nhất.