5 Tập thơ làm chỗ dựa tinh thần trong những ngày bất ổn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

5 Tập thơ làm chỗ dựa tinh thần trong những ngày bất ổn

Đây đã là chỗ dựa tinh thần cho rất nhiều thế hệ người Việt và sẽ mãi là nguồn năng lượng đầy thương yêu giúp ta bình tâm giữa những ngày biến động
5 Tập thơ làm chỗ dựa tinh thần trong những ngày bất ổn

Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Những năm 1593-1594, nước Anh bị căn bệnh dịch hạch tàn phá, các sân khấu và nhà hát buộc phải đóng cửa. Shakespeare vì thế mà cũng thành ra thất nghiệp. Chẳng có việc gì làm, nhà kịch tác gia vĩ đại liền làm thơ. Người ta vẫn phỏng đoán đó là bối cảnh cho những bài thơ nổi tiếng của Shakespeare được ra đời.

Giai đoạn đó có lẽ cũng không khác nhiều bây giờ, bạn có thể làm được những vần thơ, hoặc không. Nhưng ít nhất chúng ta vẫn có thể đọc thơ. Nó không chỉ giúp bồi dưỡng cho tâm hồn, làm dày vốn từ vựng mà còn giúp việc viết lách trôi chảy mượt mà.

Dưới đây, Vietcetera gợi ý cho bạn 5 tập thơ đã từng an ủi biết bao thế hệ người Việt. Ngày hôm nay, hy vọng chúng sẽ tiếp thêm chút năng lượng lạc quan để giúp bạn đi qua những ngày nhiều khó khăn.

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Lưu Quang Vũ

Lưu Quang Vũ mở đầu sự nghiệp cầm bút của mình bằng thơ. Đó là phần "Hương cây" trong tập "Hương cây - Bếp lửa" in cùng Bằng Việt năm 1968. Ngay từ khi mới ra đời, tập thơ đã chiếm được rất nhiều cảm tình của bạn đọc và giới chuyên môn.

Nhà phê bình Hoài Thanh đã gọi anh là "một cây bút nhiều triển vọng" và thơ anh "là một tiếng nói nhỏ nhẹ mà sâu". Nếu coi sự tinh nhạy của trực giác, khả năng nắm bắt hương thơm, màu sắc, âm thanh là những phẩm chất tiền sáng tạo thì Lưu Quang Vũ đã có được một bản tính thi sĩ bẩm sinh.

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Lưu Quang Vũ | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Từ dòng sông Thương “nước chảy đôi dòng”, đến “phố huyện bồi hồi bao kỷ niệm". Từ “mưa đen" đến “phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay". Ngôn ngữ trong thơ Lưu Quang Vũ lúc nào cũng được cất lên với cung bậc trầm lắng và da diết, tình cảm và âu yếm.

“Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" là một tập thơ đẹp theo nhiều nghĩa. Tuy có lần chính Lưu Quang Vũ đã tự viết: “Như tia nắng, chúng mình không sống mãi/ Như câu thơ chắc gì ai đọc lại”, nhưng nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhận xét rằng, thơ ông thật sự đã “thắng được thời gian”.

Những vần thơ đắm đuối trong tập thơ gửi gắm một hồn thơ ở nhiều sắc điệu cảm xúc khác nhau. Xét cho cùng, đắm đuối bởi nhà thơ luôn nặng lòng với con người, quê hương, xứ sở này. Mà đó là điều bất cứ thời cuộc nào, chúng ta cũng cần cho cuộc sống.

Thơ Hoàng Cầm - Hoàng Cầm

Ngày học cấp 3, nhắc đến Hoàng Cầm chúng ta vẫn nhớ đến bài “Bên kia sông Đuống”. Sau này hẳn nhiều người còn biết đến Hoàng Cầm qua Lá diêu bông. Một bài thơ như người Pháp nhận xét - là một trong những bài thơ tình hay nhất Việt Nam.

Mấy chục năm lận đận vì thơ, đến cuối đời mới được nhìn lại, được công nhận. Gia tài thơ của Hoàng Cầm đã được Nhã Nam chỉnh sửa gọn gàng trong cả tập “Thơ Hoàng Cầm" này. Ở bài “Đôi dòng tâm tưởng về thơ”, Hoàng Cầm từng chiêm nghiệm rằng thơ là tinh túy cõi thật người. Có lẽ vì thế mà thơ Hoàng Cầm cũng đa dạng như con người ông, luôn thay đổi khá nhiều theo thời gian, hoàn cảnh.

Thơ Hoàng Cầm - Hoàng Cầm | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Giai đoạn lãng mạn ở tuổi 20 của tác giả trong tập thơ là khi kháng chiến đầu hoà bình, với:

“Những khoảng chiều buồn phơ phất lại

Anh đàn em hát níu xuân xanh”

Nhưng đến những năm tháng của tuổi 70, 80 thì nhiều lúc bắt gặp ông trở lại nhạc điệu, thi ảnh, và cả ngôn từ của thời “Vớt mắt em về bến hóa sinh”. Khi nhận xét về Hoàng Cầm, nhà thơ Trần Dần gọi ông là “nhà tân cổ điển”. Đọc cả tập thơ của ông để thấy bảo ông hoài cổ cũng không có gì lạ.

Nếu tìm hiểu về một giai đoạn thơ ca của Việt Nam, hẳn sẽ thấy thơ Hoàng Cầm giản dị vô cùng. Không trêu đùa như Xuân Diệu, chẳng xót xa như Hữu Loan, hay nồng nhiệt như Trần Dần.

Song đó là những tình cảm chân thật toát lên sự bao dung và nỗi nhớ thương. Đó là chất cổ điển khó có thể lầm lẫn với bất cứ nhà thơ nào. Có lẽ bởi giọng thơ đong đưa trong câu hát của vùng Kinh Bắc và mang hồn của đất Tràng An xưa.

Xa xăm gõ cửa - Nguyễn Bình Phương

Nguyễn Bình Phương - cây bút với sức sáng tạo bền bỉ, là một gương mặt đặc biệt của văn học Việt Nam đương đại. Ông nổi bật ở cả 2 lĩnh vực tiểu thuyết và thơ.

Nguyễn Bình Phương chỉ viết về những điều bình thường, giản dị. Nhưng trong thơ ông, mọi sự vật đều mang một tâm hồn khác, tồn tại trong một hệ quy chiếu khác. Ngay cả tình yêu, nhớ nhung trong thơ Nguyễn Bình Phương, cũng là sự lãng mạn, nhẹ nhàng đẹp nao lòng:

"Anh đang mơ chúng mình cầm tay

Vòng quanh những quả đồi

Em gọi cây nhưng cây không đến nổi

Nắng nhiều như anh hôn em"

Xa xăm gõ cửa - Nguyễn Bình Phương | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Thơ Nguyễn Bình Phương dù vui vẻ hay buồn bã, hạnh ngộ hay chia ly, nước mắt hay nụ cười thì người ta vẫn thấy trong đó một sự trong sáng của ý tứ và hình ảnh thơ đẹp, nhiều sức gợi.

“Xa xăm gõ cửa” được in lúc tác giả đang ở tuổi 50, sức sáng tạo vẫn đang dồi dào. Đây có thể chưa phải những gì tinh túy nhất trong ngòi bút của ông. Nhưng nó cho phép độc giả hình dung bao quát một chặng đường thơ Nguyễn Bình Phương.

Đọc Nguyễn Bình Phương không nên đọc nhanh. Vừa đọc, vừa ngẫm. Tư duy của ông mạch lạc, cá tính, khác biệt với những người viết hiện đại. Đó là điểm khiến các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương luôn hấp dẫn và phù hợp với một giai đoạn nhiều biến động của xã hội.

Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính

Cuộc đời tài hoa của Nguyễn Bính được nhiều thế hệ bạn bè và người nghiên cứu nhắc đến cùng nhiều giai thoại. “Lỡ bước sang ngang” là một trong những tập thơ đặc biệt gắn liền với tên tuổi của ông.

Nguyễn Bính đã dùng tên của một bài thơ để đặt cho cả tập thơ. Nó bao gồm những bài như Mưa xuân, Thời trước, Lòng mẹ, Cô lái đò, Cô hái mơ, Lá thư về Bắc, Tương tư… Tập thơ này cùng với tập “Tâm hồn tôi” đã đưa tên tuổi của thi sĩ vượt lên trên nhiều tác giả đương thời khác.

Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Khi những năm tháng tây học xuất hiện, văn hóa dân gian dần phai nhòa thì “gã trai quê” Nguyễn Bính đã nổi lên giữa làng thơ Việt. Sau bao năm, thơ của ông vẫn làm say người đọc bởi chất men mờ ảo dung dị nằm ẩn khuất trong những dòng thơ lục bát, thơ bảy chữ.

Nguyễn Bính vẫn được hình dung là chàng thi sĩ đậm Tây Hóa với bộ âu phục cùng lối sống phương Tây. Nhưng thơ ông lại thấu nghĩa đạt với lời ca tiếng hát dân gian, chất nhà quê cứ ngấm ngầm tình tự giữa những nỗi lòng.

Đọc Nguyễn Bính là dẫn ta về một xứ sở những lời ru tươi đẹp với mẹ. Đó còn là sự nồng đượm ý tình, tế nhị duyên dáng của các bà các mẹ một thời quá vãng.

Xem đêm - Phùng Cung

Chúng ta đều biết tiếng Việt rất đẹp. Nhưng tiếng Việt trong thơ của Phùng Cung càng đẹp thêm nhiều phần. Phùng Cung rất biết cách sử dụng những ngôn ngữ dân gian một cách sống động, tự nhiên, giàu cảm xúc.

Cuộc đời của Phùng Cung lênh đênh từ sau sự kiện "Nhân văn giai phẩm". Nhưng không vì thế mà thơ ông mất đi sự nồng nhiệt với cuộc đời. Mó vẫn luôn thể hiện một sức chịu đựng kỳ lạ của con người, vẹn nguyên sự nhân hậu để yêu mến cuộc đời:

“Đêm về khuya

Trăng ngả màu hoa lý

Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông"

Xem đêm - Phùng Cung | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Chúng ta hiểu vì sao nhà thơ Quang Huy, trong bài giới thiệu in ở đầu sách, đã khẳng định hoàn toàn khách quan, công bằng: “Phùng Cung xứng đáng là bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ”. Chính điều đó là một trong những yếu tố quan trọng làm cho thơ Phùng Cung độc đáo.

Cũng như Phùng Quán đã “vịn câu thơ mà đứng dậy”. Phùng Cung cũng nhờ thơ và nhờ tất cả vẻ đẹp nên thơ đã từng thấm đẫm mồ hôi và nước mắt để đứng dậy làm người. Ranh giới giữa thơ chơi và thơ có ích, quá khứ và hiện tại, ánh sáng và bóng tối… đã được Phùng Cung thống nhất hài hoà, làm cho thế giới “Xem đêm” có một vẻ đẹp giản dị.

Quên đi những câu chuyện đằng sau cuộc đời Phùng Cung, “Xem đêm” là sự tự do của một tâm hồn nghệ sĩ và là một tác phẩm thi ca giá trị.