5 Tiệm đồ thủ công vừa tặng được, vừa chơi được | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

5 Tiệm đồ thủ công vừa tặng được, vừa chơi được

Hành trình thương hiệu kết hợp với nghệ nhân để cho ra đời những sản phẩm hiện đại từ chất liệu truyền thống.
5 Tiệm đồ thủ công vừa tặng được, vừa chơi được

Nguồn: Yen Tong cho Vietcetera

Nhắc đến thủ công mỹ nghệ, ta thường liên tưởng đến chiếc giỏ đan quá khổ, hộp sơn mài in hình con trâu, ruộng lúa, hay những bình gốm với hình ảnh rồng, phượng đơn điệu.

Thế nhưng, khi thẩm mỹ của mọi người trở nên đa dạng hơn, những sản phẩm trên đã không còn chỗ đứng trong đời sống hiện đại. Với mong muốn cho chất liệu dân gian một đời sống mới, 5 thương hiệu thủ công sau đây đã kết hợp với nghệ nhân từ các làng nghề, cho ra đời những sản phẩm với thẩm mỹ hiện đại từ chất liệu truyền thống.

Đó là những bộ boardgame được tỉ mẩn làm trong nhiều giờ đồng hồ, là những bộ cổ phục được nhuộm đi nhuộm lại đến 100 lần, là những chiếc bình gốm được nặn hoàn toàn bằng tay. Tất cả thể hiện tâm huyết của người nghệ nhân, “Vì yêu nghề, nên sẽ luôn tiếp tục.”

Maztermind

alt
Nguồn: Maztermind

  • Maztermind là thương hiệu boardgame thủ công được thành lập vào năm 2018, với tinh thần và thông điệp lớn nhất là kết nối mọi người. Không phân biệt tuổi tác, vùng miền, địa vị, ai cũng có thể ngồi cùng nhau tận hưởng một ván cờ, từ đó chia sẻ những câu chuyện chạm đến tầng cảm xúc sâu hơn.
  • Trước tiên là một tác phẩm nghệ thuật, sau đó mới là boardgame. Cái tên Maztermind (Mastermind) có hai lớp nghĩa: sự tính toán kỹ càng trong những bước đi khi chơi boardgame, và sự khéo léo của các “bậc thầy” thủ công trong thiết kế tạo ra sản phẩm.
  • Lựa chọn hướng đi đề cao thẩm mỹ thay vì giải trí đơn thuần, Maztermind có nhà máy rộng 750m2 cùng 70 nghệ nhân tại Bình Chánh. Tất cả các công đoạn từ đúc khuôn, ghép da, đánh bóng, cắt may, mài giũa đều được hoàn thiện bằng tay. Bộ Cờ Vua Premium chỉ hoàn thiện sau 22 bước chế tác với 15 người thợ thủ công lành nghề, trong suốt 20 giờ làm.
alt
Nguồn: Maztermind

  • Maztermind sử dụng linh hoạt 2 chất liệu cao cấp là da và gỗ trong chế tác sản phẩm. Gỗ walnut được “đo ni đóng giày" cho cờ vua, vì có vân gỗ đẹp, và hài hoà khi kết hợp với những nguyên liệu khác. Gỗ thông sẽ được lựa chọn để sản xuất cá ngựa, bởi đặc tính bám sơn và nhẹ.
  • Bộ cờ tỷ phú Saigonpoly và Hanoipoly là dòng sản phẩm nổi trội của Maztermind. Với tinh thần “mang thủ đô vào từng ô bàn cờ", những mảnh ghép trong bộ cờ Hanoipoly thể hiện những nét đặc trưng nhất của Hà Nội, như Hồ Gươm, Hồ Tây, cà phê Giảng,.. Với Saigonpoly, đó là phố đi bộ Bùi Viện, chợ Bến Thành, Hồ Con Rùa,... Nhiều bạn trẻ đùa rằng, bộ cờ tỷ phú này đã giúp giải toả phần nào nhu cầu du lịch trong những tháng ngày cách ly.

Clemente Studio

alt
Nguồn: Clemente Studio

  • Clemente được thành lập vào năm 2021, bởi hoạ sĩ Hải Linh và nhà thiết kế nội thất Mỹ Linh. Cả hai cùng nâng niu những điều không hoàn hảo, thế nên những chiếc bình gốm của Clemente cũng thể hiện rõ tinh thần này, chúng xiêu vẹo, trông có vẻ chưa hoàn thiện, nhưng lại nổi bật trong không gian sống hiện đại.
  • Những tác phẩm tranh ghép vải tại Clemente được làm thủ công hoàn toàn bởi hoạ sĩ nội bộ, sử dụng các chất liệu bản địa tự nhiên như vải gai dầu từ Lào Cai và giấy Dó từ Hoà Bình. Màu của vải gai dầu cũng được nhuộm tự nhiên với màu be là màu gốc của vải và màu nâu được nhuộm từ củ nâu, một loại củ mọc dại trên rừng hay núi.
  • Sản phẩm bình gốm của Clemente được lấy cảm hứng từ thiên nhiên - Đất, Biển, Nắng, được thiết kế bởi Clemente và sản xuất tại các làng nghề tại Việt Nam. Trong BST Đất, sản phẩm gốm Mường Chanh (Sơn La) được làm bởi những nghệ nhân dân tộc Thái, tỉ mẩn nặn tay từ đất sét và nung trong lòng đất. Xung quanh miệng sản phẩm thường có vòng tròn sóng nước thể hiện sự gắn kết giữa thiên nhiên và văn hoá độc đáo của cộng đồng người Thái.
alt
Nguồn: Clemente Studio

  • Với BST Biển, Clemente đã hợp tác với những nghệ nhân gốm đến từ Bình Dương, cho ra đời những sản phẩm gốm Atlantic độc đáo, thô ráp, như được “khai quật" từ dưới đáy đại dương. Đặc tính của gốm Atlantic là lớp men sủi phủ bề mặt, in vết tích tự nhiên, như những cổ vật bị quên lãng, in hằn vết tích thời gian.
  • Các sản phẩm trong BST Nắng mới nhất được nặn thủ công bởi nghệ nhân tại Bàu Trúc. Đây là một trong những làng nghề gốm cổ nhất tại Ninh Thuận, với khí hậu nắng nóng, khô hạn nhất cả nước. Thế nên quy trình làm gốm cũng khác biệt: sản phẩm gốm được tạo hình bằng tay và nung lộ thiên dưới ánh nắng mặt trời.

Đông Phong

alt
Nguồn: Đông Phong

  • Đông Phong là thương hiệu đầu tiên nghiên cứu và may cổ phục Việt Nam từ thế kỷ 11 đến 20, được thành lập bởi Nguyễn Đức Huy vào năm 2019. Trước khi thành lập Đông Phong, Huy đã có thời gian dài đi học nghề tại các bản làng dân tộc, như học nhuộm chàm của người Mông ở Sapa, học cách vẽ sáp ong trên vải, và cách nhuộm củ nâu ở Pà Cò.
  • Chọn cổ phục vì ai cũng chỉ biết đến áo dài. Nhưng cổ phục Việt là cả kho tàng, tương ứng với những triều đại trong lịch sử, như như áo Nhật bình, áo tấc, áo ngũ thân tay chẽn thời Nguyễn, áo giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm thời Lý – Trần – Lê. Mong muốn của người sáng lập không chỉ dừng lại ở việc hồi sinh cổ phục, mà sâu xa hơn là hồi sinh những làng nghề, kỹ thuật dệt và nhuộm màu truyền thống của người Việt.
  • Toàn bộ vải làm cổ phục đều được nhập từ làng dệt Nam Cao, Thái Bình. Bộ cổ phục cần trải qua 5 công đoạn: dệt vải, nhuộm màu, phơi khô, tạo kiểu, và cắt may. Quá trình nhuộm vải là khó khăn nhất vì đặc tính màu nhuộm tự nhiên khó lên màu, không đều màu, có những tác phẩm cần nhuộm tới 100 lần để ra được thành phẩm ưng ý.
alt
Nguồn: Đông Phong

  • Sau 2 năm miệt mài “vừa học vừa làm", Huy đã tạo ra 10 màu nhuộm ổn định từ cây cỏ trong tự nhiên, và 50 màu khác vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm.
  • Mới đây, Đông Phong đã kết hợp với Ba Ngàn Art thực hiện triển lãm “Nếp màu tự nhiên". Triển lãm trưng bày 15 bộ cổ phục Việt Nam và 27 tấm vải đũi tơ tằm, được nhuộm bằng những chất liệu tự nhiên như gỗ Tô Mộc, lá Bàng, tổ cánh kiến, vỏ Vải khô,...Triển lãm cũng tái hiện một phần của quy trình nhuộm vải. Qua đó lan tỏa giá trị văn hoá, di sản về nghề thủ công truyền thống Việt Nam.

Phùng Ân Artisan

alt
Nguồn: Phùng Ân

  • Thành lập vào năm 2019, Phùng Ân Artisan ban đầu là thương hiệu quà tặng thuần Việt. Sang năm thứ 4, Phùng Ân chuyển thành Design Studio cung cấp 2 dòng sản phẩm chính: trang trí nhà cửa và quà tặng doanh nghiệp, với chất liệu chính là Mây Tre Đan và Sơn Mài.
  • Triết lý của Phùng Ân là sáng tạo động bản - thân thiện môi trường - hướng tới tương lai. Các sản phẩm đều được “sáng tạo bởi Phùng Ân, sản xuất bởi nghệ nhân" với nguyên liệu từ thiên nhiên, cùng phương pháp gia công lành tính.
  • BST mới nhất, Mây Mùa Hạ cũng được thực hiện hoàn toàn thủ công từ chất liệu song mây và guột. Đặc biệt, người sử dụng có thể tháo lắp sản phẩm để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như bày hoa quả, tiệc trà, hoặc dùng làm khay trang trí.
alt
Nguồn: Phùng Ân

  • Phùng Ân hợp tác với cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ, người nghệ nhân cuối cùng còn giữ kỹ thuật may gối trái dựa cung đình Huế ra mắt dòng sản phẩm gối trái dựa (gối cung đình). Đây là loại gối có nhiều nếp gấp, thường được các vị vua chúa gối đầu, tựa lưng lúc nghỉ ngơi, đọc sách.
  • Những tác phẩm sơn mài của Phùng Ân dù nhỏ đến đâu đều phải trải qua 20 công đoạn, kéo dài 30 ngày. Mài rồi lại sơn, sơn rồi lại mài, sản phẩm có thể đạt 15 lớp sơn mài hoặc hơn để biểu đạt độ mịn màng, óng ả lên tầng cao nhất.

Zó Project

alt
Nguồn: Zó Project

  • Được thành lập vào năm 2013 bởi Trần Hồng Nhung, Zó Project ra đời bởi tình yêu với nghệ thuật thư pháp trên giấy Dó, và mong muốn bảo tồn một sản phẩm thủ công đã tồn tại hơn 800 năm trước nguy cơ biến mất hoàn toàn. Zó Project kết nối với những dân tộc thiểu số để họ có thể duy trì nghề truyền thống của cha ông, đồng thời có thêm thu nhập.
  • Zó Project đem giấy Dó trở lại bằng những sản phẩm hiện đại, thay vì chỉ sử dụng để vẽ hay viết thư pháp như trước đây. Ngoài những sản phẩm từ giấy quen thuộc như sổ tay, lịch, thiệp, quạt in tranh Đông Hồ, Zó Project còn có vòng tay, khuyên tai làm từ giấy. Đặc biệt, thương hiệu còn có sản phẩm đèn ốc gấp bằng giấy Dó Vân, được thiết kế bởi Tomoko Fuse. Bà bắt đầu sự nghiệp gấp origami chuyên nghiệp vào năm 19 tuổi, và là bậc thầy origami nổi tiếng Nhật Bản.
  • Quá trình làm giấy Dó có thể kéo dài hàng tháng trời với nhiều công đoạn phức tạp, bao gồm cắt thân cây, đem hấp, tách vỏ, gọt bẩn rồi đập vỏ để tách sợi, cho vào khung ép và cuối cùng là phơi nắng cho giấy khô. Để làm được điều này, người nghệ nhân cần có tay nghề cao, vì chỉ cần sơ sẩy chút là hỏng.

  • Zó Project tổ chức nhiều workshop về giấy Dó đa dạng, để hình thức nghệ thuật này đến gần hơn với các bạn trẻ. Workshop thường được tổ chức trong vòng 2-3 ngày tại Hoà Bình, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Ngoài tìm hiểu và làm giấy Dó, bạn cũng có cơ hội thực hành nhuộm giấy tự nhiên từ chàm, cẩm hồng, hoàng đằng,...
  • Trong 3 năm trở lại đây, Zó Project đã giới thiệu được sản phẩm của mình đến với thị trường châu Âu và Mỹ. Là bước đệm để được bạn bè quốc tế biết đến và có mặt trên kênh YouTube Business Insider.

Cảm ơn Dentsu Redder đã đồng hành cùng chương trình, cùng góp sức thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu Việt.