6 Loại vải "khỏi ủi, mặc ngay" cho người bận rộn | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 10, 2020
Thời TrangFashion Forum

6 Loại vải "khỏi ủi, mặc ngay" cho người bận rộn

Bớt việc giặt là với 6 loại vải không nhăn.

6 Loại vải "khỏi ủi, mặc ngay" cho người bận rộn

Nguồn: Net-A-Porter, Tim Dessaint, We Heart It

Khi cuộc sống ngày càng bận rộn, chúng ta sẽ dành ít thời gian hơn cho các công việc nhà. Dành ra thời gian để giặt ủi đối với nhiều người là một việc mất thời gian. Nhưng với những ai phải thường xuyên ra ngoài và công tác, việc giữ cho quần áo không nhăn trong túi xách là một điều khó khăn.

May mắn thay là trên thị trường hiện nay có nhiều loại vải không nhăn (wrinkle-free fabric) — sự lựa chọn hoàn hảo cho những người bận rộn. Cùng tìm hiểu về 6 loại vải không nhăn phổ biến nhất hiện nay qua bài viết sau.

1.  Spandex

Vải spandex, hay còn gọi là elastane hay lycra, là một loại vải có độ đàn hồi cao nhất trong các loại vải. Khi kết hợp với sợi cotton, nó có thể kéo giãn đến 5-7 lần kích cỡ ban đầu.

Khi kết hợp với sợi cotton nó có thể kéo giãn đến 57 lần kích cỡ ban đầu Nguồn NetAPorter
Khi kết hợp với sợi cotton, nó có thể kéo giãn đến 5-7 lần kích cỡ ban đầu. | Nguồn: Net-A-Porter

Spandex là sự lựa chọn tuyệt vời cho các bộ trang phục thể thao, trang phục bơi, trang phục mùa đông bởi đặc tính không thấm nước và chắn gió tốt.

Trên thực tế, không có sản phẩm may mặc nào làm từ 100% sợi spandex vì giá thành sản xuất cao. Chính vì vậy các nhà sản xuất pha với các chất liệu khác như cotton, len, polyester.

Không có sản phẩm may mặc nào làm từ 100 sợi spandex vì giá thành sản xuất cao Nguồn Nike
Không có sản phẩm may mặc nào làm từ 100% sợi spandex vì giá thành sản xuất cao. | Nguồn: Nike

Vải spandex đàn hồi rất tốt, mềm mại, bền, không nhăn và ít gây kích ứng da. Tuy nhiên còn tồn tại một số nhược điểm như thấm hút kém, nhạy cảm và dễ hỏng kết cấu vải khi gặp nhiệt độ cao.

2. Denim

Denim truyền thống được dệt đôi từ các sợi cotton màu trắng và xanh chàm. Còn denim cải tiến được dệt đan xen các chất liệu và màu sắc hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Hai loại denim thông dụng nhất là dry/raw denim và selvedge denim. Dry/raw denim sau khi nhuộm màu sẽ không được xử lý giặt và sấy, khiến chúng nhanh bạc màu và mất dáng sau mỗi lần giặt.

Đường biên vải của selvedge denim Nguồn American Classic London
Đường biên vải của selvedge denim. | Nguồn: American Classic London

Selvedge denim là loại denim được dệt thoi, với phần biên thường được tạo ra từ sợi cotton trắng đan dọc (warp). Selvedge denim được giặt xử lý sẽ có vải mềm hơn, nhưng không bền bằng denim thô.

Nhờ độ bền và tính ứng dụng cao, denim được sử dụng rộng rãi từ quần áo đến túi xách, phù hợp với mọi phân khúc người tiêu dùng. Tuy nhiên loại vải này cũng tồn tại một số nhược điểm như khả năng co giãn thấp, vải dày và lâu khô.

Nhờ độ bền và tính ứng dụng cao denim được sử dụng rộng rãi từ quần áo đến túi xách phù hợp với mọi phân khúc người tiêu dùng Nguồn Unsplash
Nhờ độ bền và tính ứng dụng cao, denim được sử dụng rộng rãi từ quần áo đến túi xách, phù hợp với mọi phân khúc người tiêu dùng. | Nguồn: Unsplash

Đọc thêm về denim và quần jeans tại đây.

3. Len

Len được dệt từ lông cừu hoặc 1 số loài động vật khác như lạc đà hoặc dê. Sau khi thu hoạch, lông sẽ được giặt, tách và chải sợi, sau đó nhuộm màu và se sợi để tạo thành phẩm.

Len giữ nhiệt tốt và được dùng cho các sản phẩm giữ ấm, từ quần áo đến phụ kiện như khăn quàng cổ, mũ, găng tay… Len có đặc điểm bền, ít bị mất form sau khi giặt và đặc biệt là có khả năng chống cháy.

Len có đặc điểm bền ít bị mất form sau khi giặt và đặc biệt là có khả năng chống cháy Nguồn The New Yorker
Len có đặc điểm bền, ít bị mất form sau khi giặt và đặc biệt là có khả năng chống cháy. | Nguồn: The New Yorker

Đối với vải len, nên tránh để đứt hoặc rối các sợi len làm hỏng kết cấu sản phẩm. Để bảo quản đồ len, không nên sấy đồ len bằng máy, khiến sợi len khô giòn và bị rút. Thay vào đó, hãy để quần áo len nằm phẳng ở nơi thông thoáng và để khô tự nhiên.

4. Cashmere

Cashmere được lấy từ lông của giống dê sống ở những vùng núi lạnh và khắc nghiệt, vì vậy chúng cho những bộ lông mềm mượt và giữ ấm tốt hơn gấp 3 lần so với các loại len thường.

Cashmere là loại vải rất mềm mại đồng thời giữ ấm gấp 3 lần len thông thường Nguồn Vince
Cashmere là loại vải rất mềm mại, đồng thời giữ ấm gấp 3 lần len thông thường. | Nguồn: Vince

Mỗi năm, người ta chỉ có thể lấy được từ 50-150 gram lông từ mỗi chú dê và phải cần tới 4 chú dê trưởng thành mới đủ số lông để may một chiếc áo cardigan.

Khác với len, cashmere sẽ không dễ bị rút khi giặt, và sẽ sử dụng được nhiều năm với hình dáng, màu sắc không thay đổi nếu bảo quản đúng cách.

Cũng chính vì chất lượng cùng quy trình sản xuất thủ công tốn kém của cashmere mà giá thành cashmere thường đắt gấp nhiều các loại vải khác Nguồn Brtish Vogue
Cũng chính vì chất lượng cùng quy trình sản xuất thủ công tốn kém của cashmere mà giá thành cashmere thường đắt gấp nhiều các loại vải khác. | Nguồn: Brtish Vogue

Với cashmere, hãy dùng loại nước giặt chuyên dụng và không nên giặt khô. Khi phơi, hãy để vải nằm phẳng; sử dụng móc áo sẽ khiến vải cashmere bị giãn.

5. Dệt kim

Vải dệt kim là loại vải được dệt từ cotton, len hay sợi đan tổng hợp, và có rất nhiều kiểu đan khác nhau. Nếu như dệt thoi chỉ có 2 chiều ngang và dọc, vải dệt kim được đan xen kẽ, tạo thành các vòng đối xứng, giúp vải dệt kim đàn hồi theo nhiều chiều.

Những hoạ tiết đan từ vải dệt kim Nguồn Unsplash
Những hoạ tiết đan từ vải dệt kim. | Nguồn: Unsplash

Ứng dụng dễ thấy nhất của vải dệt kim là các loại tất vớ. Ngoài ra vải dệt kim còn được sử dụng để may đồ lót, quần áo, khăn quàng cổ cho đến túi xách, balo, khăn trải bàn,…

Ứng dụng dễ thấy nhất của vải dệt kim là các loại tất vớ Nguồn Unsplash
Ứng dụng dễ thấy nhất của vải dệt kim là các loại tất vớ. | Nguồn: Unsplash

Không chỉ giữ ấm, vải dệt kim còn có trọng lượng nhẹ, dễ giặt sạch và thoải mái khi mặc. Với vải dệt kim, hãy hạn chế căng bề mặt vải trong thời gian dài, làm hỏng dáng vải và gây tuột vòng đan.

6. Lyocell

Vải lyocell, hay còn gọi là tencel, là một loại vải sinh học được chiết xuất từ cây gỗ thiên nhiên có hàm lượng cellulose cao như cây tre, cây bạch đàn hay phổ biến nhất là cây khuynh diệp.

Cấu tạo của lyocell gần như tương tự cotton chính vì thế mà nó mang trên mình những đặc điểm giống cotton Nguồn Bleed
Cấu tạo của lyocell gần như tương tự cotton, chính vì thế mà nó mang trên mình những đặc điểm giống cotton. | Nguồn: Bleed

Để sản xuất lyocell, vỏ gỗ sẽ được sơ chế và nghiền thành bột, sau đó kéo thành sợi và đan để tạo thành phẩm. Cấu tạo của lyocell gần như tương tự cotton, chính vì thế mà nó mang trên mình những đặc điểm giống cotton.

Lyocell thường được dùng để thay thế cotton hoặc lụa, các trang phục trong y tế hoặc các sản phẩm ga gối. Ngoài ra lyocell còn được dùng làm dây đai an toàn bởi độ bền của nó.

Nhờ sự mềm mại lyocell thường được thay thế cho cotton hoặc lụa Nguồn John Lewis
Nhờ sự mềm mại, lyocell thường được thay thế cho cotton hoặc lụa. | Nguồn: John Lewis

Lyocell có khả năng kháng khuẩn và hút ẩm xuất sắc, mềm mại và không gây kích ứng da. Tuy sở hữu những ưu điểm tuyệt vời này nhưng lyocell vẫn chưa thực sự phổ biến bởi giá thành còn cao và khả năng bền màu của loại vải này kém hơn các loại vải khác.