Những ngày chỉ ở trong nhà, tôi quyết định khoảng thời gian này là để khám phá một thứ gì mới. Tiêu chí của chuyện này bao gồm: liên quan đến văn hóa, thời trang, và càng tiết kiệm càng tốt.
Sau một vài ngày tìm kiếm và trải nghiệm, tôi nhận ra rằng, bước chân vào thế giới thời trang cùng Google Arts & Culture là một lựa chọn tâm đắc.
Đây là một dự án phi lợi nhuận mà Google hợp tác cùng các tổ chức, nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới nhằm bảo tồn văn hoá - nghệ thuật. Bạn chỉ cần điện thoại, máy tính và internet là đã có thể du hành miễn phí vào thế giới nghệ thuật cùng Google Arts & Culture.
Và sau đây là 6 hoạt động xịn xò về thời trang, văn hóa bạn có thể thử ngay trên Google Arts & Culture.
1. Mãn nhãn khám phá bảo tàng thời trang
Google Arts & Culture có hơn 180 bảo tàng, học viện thời trang từ hơn 40 quốc gia. Nhờ công nghệ Google Street View, bạn sẽ được trải nghiệm “dạo bước" trong bảo tàng y như thật. Các hiện vật cũng hiện lên trong không gian 3 chiều rất sống động.
Tôi đã “bay” sang Nhật để dành vài giờ đồng hồ mê say ngắm nhìn các bộ trang phục từ cổ chí kim, từ Âu sang Á được trưng bày trong Bảo Tàng Thời Trang Kobe.
Sau đó, tôi lại “lên đường” sang Florence (Ý) và dạo chơi trong bảo tàng Museo Salvatore Ferragamo - nơi tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của nhà mốt, được mở cửa từ năm 1995.
Tại đây, bạn có thể nhìn ngắm những phục trang đã làm nên tên tuổi của các nhà mốt trứ danh, cũng như mục sở thị bộ sưu tập giày đồ sộ được bày trí vô cùng nghệ thuật.
2. Trở thành “học viên" của các học viện thời trang
Bạn có từng ước ao được một lần đặt chân vào các học viện thời trang để xem giảng đường của họ có gì khác biệt? Google Arts & Culture đã lắng nghe ước mơ nhỏ bé này khi cho phép tôi “lang thang” đến một vài ngôi trường thời trang danh tiếng.
Tôi đã có cơ hội đắm chìm trong các thiết kế, hiện vật được tạo ra bởi sinh viên và giáo sư của các trường như:
-
Đại học thời trang Bunka (Bunka Fashion Graduate University): Tồn tại gần 1 thế kỷ, trường được mệnh danh là trong những nơi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu thời trang tại Nhật.
-
ESMOD: trường thời trang duy nhất của Pháp lọt top 10 trường đào tạo thời trang tốt nhất thế giới.
-
Đại học Bunka Gakuen (Bunka Gakuen University): Cái nôi danh tiếng đã đào tạo nên các NTK lẫy lừng như Kenzo Takada, Junya Watanabe, và Yohji Yamamoto.
Khi ghé triển lãm “Girls Wearing Lights" của Đại học thời trang Bunka, tôi được mở rộng tầm mắt khi đi qua từng giai đoạn của một thiết kế, từ lúc còn nằm trên giấy đến thành phẩm cuối cùng.
Còn ở London College of Fashion, bạn sẽ học thêm nhiều kiến thức hay ho từ các bản phác thảo (sketch) của những bộ trang phục trên sàn runway.
3. “Tận mắt” xem các NTK lừng danh “làm đồ”
Bảo tàng số hoá trên Google Arts & Culture tái hiện lịch sử chế tác của các thiết kế một cách vô cùng sinh động và dễ hiểu nhờ công nghệ AR.
Dưới góc nhìn thực tế tăng cường (AR), khoảng không trước mắt bạn phút chốc sẽ biến thành cảnh vật trong video. Tôi “thấy” Gabrielle Coco Chanel say sưa chế tác chiếc đầm đen (Little Black Dress) đã đi vào lịch sử.
Tôi còn được ngắm nhìn toàn bộ quá trình NTK Stephen Jones tạo ra một chiếc nón thủ công trong thanh âm vui tai của bản hoà tấu La Romance.
4. Học thời trang theo chủ đề cùng 30 nghìn hiện vật
Công nghệ AR còn cho phép chúng ta ngắm nhìn cận cảnh hơn 30 nghìn món đồ thời trang trong kích thước thật. Tôi mê đắm các mẫu thiết kế được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Metropolitan.
Nếu xem bằng laptop, chức năng phóng to cũng hoạt động rất mượt, cho phép bạn ngắm nghía kỹ từng đường kim, mũi chỉ.
Đã đến “lớp học” này thì chắc chắn bạn không thể bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng các trang phục được trưng bày tại The Met - nơi diễn ra sự kiện Met Gala đình đám hàng năm. Gõ từ khóa này vào thanh tìm kiếm, tôi tìm ra được nhiều chủ đề rất hấp dẫn.
Vốn có niềm đam mê với trang phục thời Victoria, chủ đề Lụa (Silk) khiến tôi mãn nhãn nhất với BST đầm quý tộc lộng lẫy bày ra trước mắt. Bên cạnh đó, các hiện vật khác đến từ những NTK bậc thầy trong lịch sử cũng được trưng bày khá đầy đủ.
Bạn có thể tận mắt xem các tác phẩm của huyền thoại từ Gabrielle "Coco" Chanel, Christian Dior, Charles James, Jeanne Lanvin, Gianni Versace một cách không thể sống động hơn.
5. Nghiên cứu thời trang dưới góc nhìn nghệ thuật
Google Arts & Culture có hẳn một chuyên mục lớn dành cho những ai đam mê nghiên cứu thời trang dưới góc nhìn nghệ thuật.
Trong mục này, tôi cóp nhặt được khá nhiều thứ hay ho từ những bộ ảnh thời trang thô sơ đến ảnh hưởng của thời trang trong văn hoá, phim ảnh, sân khấu,...
Một trong những chủ đề đắt giá bạn đừng nên bỏ qua là “Sự tiến hoá trong trang phục múa ba lê trong vở Hồ Thiên Nga" và “Thời trang cổ tích". Tự khám phá nhé, hé lộ nhiều sẽ mất hay!
Một chủ đề khác làm tôi tò mò là “phục trang cho Thần và Quỷ trong điệu múa Khon". Đề tài này mang đến một cái nhìn chi tiết từ nguồn gốc, vai trò và tạo hình của từng nhân vật trong điệu múa cổ truyền của Thái Lan thông qua câu từ, hình ảnh và một đoạn phim ngắn.
Hóa ra, người có công phục dựng các trang phục này chính là nữ hoàng Sirikit. Phải nhìn gần mới thấy được việc tạo ra bộ cổ phục Thái Lan là cả một quá trình công phu.
6. Chuyện chưa kể đằng sau những trang phục
Một trong những chuyên mục mà tôi tâm đắc nhất là The Making Of - kể về cách tạo ra những món đồ mà chúng ta mặc. Bạn sẽ có thêm kiến thức về các loại họa tiết, chất liệu vải, những kiểu phom quần áo từ cổ chí kim.
Ngoài ra, bạn cũng có thể "du lịch văn hóa" khi biết thêm về cách tạo ra các bộ trang phục truyền thống Sari (Ấn Độ), Kimono (Nhật Bản)...
Lần đầu tiên tôi được biết đến nghệ thuật bảo quản phục trang của các nhà mốt và bảo tàng. Để phô bày vẻ đẹp của hiện vật là cả một sự dầy công tính toán, từ hình thức (treo tường hay trưng trong tủ), ánh sáng, nhiệt độ lý tưởng, đến cả phần giá đỡ cũng được thiết kế riêng cho từng món.
Ngoài thời trang, Google Arts & Culture còn là nơi bạn học hỏi về hội họa, kiến trúc, văn học... Với kho tri thức đồ sộ này, những ngày ở nhà của bạn sẽ không trôi qua một cách lãng phí.
Hãy tầm sư học đạo "cô giáo" Google Arts & Culture ngay nhé, rất có thể sau mùa dịch này bạn sẽ trở thành một "học sinh ưu tú" trong nhiều lĩnh vực đấy.