7 Kiến thức gây mê giúp tránh nguy hiểm khi phẫu thuật thẩm mỹ | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 03, 2022
Thời TrangBeauty

7 Kiến thức gây mê giúp tránh nguy hiểm khi phẫu thuật thẩm mỹ

Với mong muốn thay đổi ngoại hình, không ít người đẩy mình vào chỗ nguy hiểm khi tìm đến những cơ sở làm đẹp không có chuyên môn, đặc biệt trong việc gây mê phẫu thuật.
7 Kiến thức gây mê giúp tránh nguy hiểm khi phẫu thuật thẩm mỹ

Việc gây mê khi PTTM và những hậu quả nếu do người không có chuyên môn thực hiện | Nguồn: Gettyimage

Vừa qua, tin tức về một cô gái trẻ tử vong khi đi phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) đang gây xôn xao dư luận. Các cơ quan chức năng cho biết nạn nhân đã đến một cơ sở làm đẹp chưa được cấp phép.

alt
Bác sĩ CK I Mai Anh | Nguồn: NVCC

Người gây mê cho nạn nhân hoàn toàn không có chuyên môn nên đã xảy ra biến chứng. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề gây mê khi PTTM, Vietcetera mời bác sĩ CK I Mai Anh để cung cấp những kiến thức chuẩn xác.

1. Những loại PTTM nào cần phải gây mê?

Trong PTTM, tùy vào loại phẫu thuật mà bác sĩ sẽ dùng phương pháp vô cảm tức gây tê hoặc gây mê. Chẳng hạn như phẫu thuật nâng mũi, cắt mắt... lúc này bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng. Nhưng trong trường hợp nếu bệnh nhân sợ, bác sĩ có thể dùng thêm phương pháp tiền mê.

Trong những phẫu thuật lớn hơn như đặt túi ngực, hút mỡ hay phẫu thuật mũi cấu trúc thì đòi hỏi phải gây mê vì cuộc mổ sẽ kéo dài, gây mê sẽ giúp kiểm soát hô hấp cho bệnh nhân để đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật trong và sau mổ.

2. Những điều cần biết về khám sức khỏe trước khi gây mê để PTTM?

Tai biến, biến chứng trong phẫu thuật lúc nào cũng có thể xảy ra. Trong đó phản vệ là một trong những phản ứng nội khoa khá nặng. Nếu bác sĩ không phát hiện, phòng ngừa và xử trí kịp thời thì có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

PTTM
Khám sức khỏe trước khi làm PTTM là điều cần thiết | Nguồn: Gettyimage

Để hạn chế tối thiểu những tai biến nặng như vậy, người bệnh khi đi đến cơ sở khám bệnh phải khai tiền sử của bản thân có dị ứng với dịch thuốc hoặc thức ăn trước đó. Hoặc bệnh nhân có những bệnh lý như hen suyễn, cơ địa dễ bị dị ứng thì phải khai kỹ cho bác sĩ.

Đồng thời, đối với bác sĩ gây mê, khi khám tiền mê phải đánh giá người bệnh một cách tỉ mỉ, khám lâm sàng và làm tất cả các xét nghiệm cận lâm sàng. Điều này giúp kịp thời phát hiện những bệnh lý kèm theo để tối ưu hóa cho người bệnh và phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra.

3. Vì sao có một số trường hợp khám rồi nhưng vẫn sốc thuốc?

Tai biến, biến chứng sau khi gây mê rất nhiều, đặc biệt có thể xảy ra các tai biến, biến chứng sớm. Trong ngành gây mê hồi sức, các bác sĩ thường lo bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp.

Một số trường hợp người có dùng thuốc giãn cơ, an thần giảm đau thường ảnh hưởng đến chức năng của các cơ của đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới do tồn dư thuốc và không thể đảm bảo nhịp thở.

Trường hợp khác như bệnh nhân có thể bị trào ngược, hít phải những chất từ dạ dày trào vào phổi. Bệnh nhân có cơ địa hen suyễn, chỉ cần một kích ứng như quá lạnh hoặc đau cũng có thể dẫn đến cơn co thắt phế quản, thiếu cung cấp oxy gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch tiềm ẩn mà chưa phát hiện được, bị thiếu máu cơ tim thì chỉ cần bệnh nhân cảm thấy đau cũng có thể tăng nhu cầu oxy và dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Đặc biệt, những bệnh nhân có bệnh lý nội khoa kèm theo như cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa mạch máu thì dễ xảy ra các nguy cơ bị tai biến mạch máu não trong và sau mổ, hoặc thuyên tắc phổi.

4. Những người không nên thực hiện PTTM có gây mê

Những bệnh nhân có bệnh lý nội khoa kèm theo như huyết áp cao, nếu trải qua một cuộc phẫu thuật mà kiểm soát huyết áp không tốt (huyết áp tâm thu trên 180mmHg, tâm trương trên 100mmHg) thì cũng có nguy cơ bị tai biến mạch máu não.

Nếu bệnh nhân phải trải qua một cuộc phẫu thuật có gây mê sẽ dễ cảm thấy căng thẳng, từ đó các yếu tố nguy cơ tim mạch cũng tăng lên.

Đối với khách hàng ngoài 40 tuổi mà có những bệnh lý nền thì nên được khám và điều trị ổn định những bệnh lý nội khoa kèm theo. Đồng thời nên đến các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện, bác sĩ có kinh nghiệm để thực hiện cuộc phẫu thuật tốt nhất, an toàn cho bản thân.

5. Thực hiện gây mê không có chuyên môn có thể gây nên hậu quả gì cho bệnh nhân?

Bác sĩ thực hiện việc gây mê cần có chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm. Nếu thực hiện gây mê tại các cơ sở không được cấp phép, việc này sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như:

  • Biến chứng về hô hấp: tai biến do đặt nội khí quản, co thắt phế quản, co thắt thanh quản, suy hô hấp, ngưng thở.
  • Biến chứng về tuần hoàn: hạ huyết áp, trụy tim mạch, rối loạn nhịp tim.
  • Ngưng tim, ngưng thở.
alt
Khi PTTM, các thủ thuật phức tạp như gây mê đòi hỏi BS phải có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm | Nguồn: Global Times

6. Yêu cầu đối với một bác sĩ đủ điều kiện thực hiện gây mê là thế nào?

Để PTTM an toàn, ngoài bác sĩ có chuyên môn và tay nghề ra thì còn cần thêm bác sĩ chuyên khoa gây mê đã có chứng chỉ hành nghề.

Bác sĩ phải học ngành Y đa khoa trong 6 năm, sau đó học thêm chuyên khoa gây mê hồi sức. Bản thân gây mê hồi sức là một chuyên ngành rất khó, yêu cầu phải nắm vững các kiến thức về nội khoa, ngoại khoa, dược lý…

7. Phải làm gì để giảm thiểu tối đa nguy cơ rủi ro gây mê?

Để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra, bác sĩ phải khám thật kỹ bệnh lý nội khoa của bệnh nhân để tối ưu hóa, điều chỉnh nội khoa ổn định, lúc này mới có thể tiến hành gây mê, phẫu thuật cho người bệnh.

Song song đó, người bệnh cũng phải khai thật tỉ mỉ và rõ ràng với bác sĩ gây mê, phẫu thuật viên những bệnh lý kèm theo để có hướng xử trí tốt nhất. Bệnh nhân tuyệt đối không vì nhu cầu làm đẹp mà giấu bệnh, vô tình che đi những bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ở những bệnh nhân đã biết trước đây cơ địa của mình có dị ứng, bác sĩ gây mê phải đánh giá thật cẩn thận và làm một số bài kiểm tra dị nguyên.

  • Đầu tiên, kiểm tra lẩy da.
  • Nếu như âm tính thì cần thực hiện tiếp kiểm tra nội bì (tức kiểm tra kháng/ dị nguyên trong da).
  • Nếu cho kết quả âm tính thì cần đưa ra hội đồng khoa học để hội chẩn và phải có sự đồng ý của người bệnh bằng văn bản thì người bác sĩ mới được dùng chất/ thuốc đó cho người có cơ địa dị ứng.

Xin cảm ơn Bs Mai Anh.