7 Kinh nghiệm về sự tự tin trong sáng tạo | Vietcetera
Billboard banner

7 Kinh nghiệm về sự tự tin trong sáng tạo

Sự tự ti là kẻ thù của sáng tạo. Vậy mình đã tìm thấy sự tự tin trong sáng tạo như thế nào?

7 Kinh nghiệm về sự tự tin trong sáng tạo

Đừng hoài nghi nữa, cứ làm đi thôi. | Nguồn: Pexels

Con người cần tự tin để tồn tại, thời ngày xa xưa chúng ta đã cần sự dũng cảm để chạy thoát khỏi thú săn mồi. Khi đã phát triển hơn, chúng ta lại cần niềm tin để vượt qua các định kiến sai lầm như mặt trời xoay quanh trái đất.

Ở chúng ta tồn tại 2 dạng niềm tin khác nhau: niềm tin xã hội và niềm tin cá nhân. Trong khi niềm tin xã hội là 1 dạng bản lĩnh thể hiện bản thân mình ra bên ngoài, thì niềm tin cá nhân là sự dũng cảm đối diện với những nỗi sợ từ sâu thẳm bên trong. Và những người làm công việc sáng tạo, lại là những người luôn có 1 nội tâm đầy nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

Thời còn đi học, lớp hình hoạ có đầy đủ tất cả sinh viên của các ngành mỹ thuật: đồ hoạ, nội thất, thời trang và tạo dáng. Khi chấm bài, các giáo viên sẽ xếp bài theo từng nhóm điểm ở mỗi khu vực khác nhau trong phòng, do đó mọi người dễ biết được điểm của nhau. Mình thường nằm ở nhóm trung bình, điều này khiến cho mình mất hết tự tin trong 1 khoảng thời gian dài sau đó. Đây là giây phút mà mình gọi là "niềm tin bị bẻ gãy".

Cho đến khi... mình chấp nhận nó. Khi hiểu được việc mình vẽ không tốt bằng các bạn, thì cần phải tập trung cho thứ khác để bù đắp. Các đồ án sau đó thường mạnh về ý tưởng hơn là kỹ năng thể hiện, và như vậy mình đã có thể đuổi kịp các bạn trong lớp.

Sáng tạo là một lĩnh vực không có nhiều thước đo rõ ràng cho kết quả, vì thế những nhà thiết kế cần phải trang bị cho mình một sự tự tin sáng tạo nhất định. Để làm việc tốt hơn, để trình bày thuyết phục hơn, và để yêu nghề hơn.

Mình xin phép chia sẻ với các bạn những điều đã giúp mình có được sự tự tin trong công việc.

1. Vượt qua nỗi sợ bị đánh giá

Mình đã học cách vượt qua nỗi sợ bị đánh giá: não bộ không thích tiếp nhận những thông tin có thể khiến niềm tin của nó bị sai lệch, vì thế nên chúng ta thường cảm thấy khó chịu khi bị người khác đánh giá hay nhận xét.

Hay thậm chí, chúng ta sợ cả việc phải để cho người khác đánh giá mình. Nếu ta thật sự muốn sự phát triển, giỏi hơn thì điều đầu tiên cần làm đó là dẹp bỏ cái nỗi sợ vô lý này. Hãy đón nhận những quan điểm của người khác với một tâm thế thật cởi mở và tỉnh táo để rút được nhiều giá trị nhất cho mình. 

Như Plato từng nói: "Courage is knowing what not to fear." - “Dũng cảm là biết được điều gì không đáng để sợ.”

2. Nhận ra thất bại là một phần tất yếu của sự phát triển và quy trình sáng tạo

Mỗi một sản phẩm không được khách hàng chọn lựa, là một thử nghiệm không phù hợp trong vô số những thử nghiệm khác. Mỗi 1 option logo bị từ chối, cũng như là 1 bản sketch chưa đạt yêu cầu, và tất cả những thứ chưa phù hợp đó sẽ dẫn tới 1 sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.

Vì thế, có lẽ mình không cần né tránh thất bại, thậm chí còn tìm tới chúng như một cơ hội để học hỏi.

3. Biết rằng sáng tạo không chỉ là làm ra những cái hoàn toàn mới, mà đôi khi chỉ cần cải thiện được cái cũ

alt
Cải thiện được cái cũ cũng là sáng tạo! | Nguồn: Hoàng Nguyễn

Lúc bắt đầu công việc chúng ta dễ dàng bị mắc kẹt trong cái bẫy của suy nghĩ khi cứ cố gắng tìm ra một ý tưởng gì đó thật mới, thật độc đáo, thật "wow!". Nhưng chúng ta cần biết sáng tạo cũng cần phải trải qua các cấp độ khác nhau

4. Chọn đúng việc, và làm đúng cách

Mình nghĩ mọi công việc trên thế giới này điều có 2 giai đoạn: một là làm đúng thứ cần làm, hai là làm thứ đó thật đúng.

Nếu trong kinh doanh, bạn cần tìm ra đúng thứ cái người ta cần rồi mới tìm chiến lược marketing phù hợp để bán nó. Thì trong thiết kế, mình phải biết được thứ mà khách hàng cần rồi mới bắt tay vào làm nó thật đẹp.

Và đương nhiên là:

Done is better than Perfect

“Hoàn thành hơn hoàn hảo” - Sheryl Sandberg, COO Facebook.

"Hoàn hảo" là một khái niệm vô cùng, không có điểm cuối. Hoàn thành được việc mình đang làm lại giống như một “checkpoint” ở trong game, nó đánh dấu thành tựu trong khoảnh khắc và từ đó chúng ta sẽ có cơ hội để đi xa hơn nếu có thể.

5. Mình học cách thuyết phục người khác về những thiết kế của mình

Thiết kế là một công việc bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cảm giác của người đánh giá, nên để xác định một sản phẩm có đủ tốt hay chưa thì không có gì thuyết phục bằng thực tế. Vì vậy mình cẩn thận dẫn người khác qua từng bước trong quá trình để ra tới sản phẩm hiện tại. Mình tự tạo ra 1 bảng quy tắc chung và không quên sử dụng nó trước khi gửi thiết kế đi.

6. Mình ngừng trách bản thân mình cho những sai lầm đã qua

Và mình cũng sẽ tìm cách để không phải phạm lại sai lầm đó một lần nữa. Mình thường lưu trữ những “bài học rút ra”, như thể nếu có 1 chiếc máy du hành thời gian thì mình sẽ đưa ra những quyết định tốt hơn vậy. 

Dù biết vấn đề sắp tới có thể sẽ không lặp lại giống hệt, nhưng ít nhất mình luôn cảm thấy mình “đã được chuẩn bị".

7. Mình suy nghĩ lạc quan và cũng không đề cao công việc của bản thân

Chúng ta thường có xu hướng đề cao công việc chuyên môn của mình: một thương hiệu sẽ chết nếu logo không đủ đẹp; một ứng dụng sẽ không có người xài khi thiết kế thiếu mượt mà; một poster không có ai xem nếu font chữ quá xấu... 

alt
Mọi dự án đều được xây dựng bởi những mảnh ghép quan trọng như nhau. | Nguồn: Pexels

Sự thành công của một thương hiệu, một sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào thiết kế. Do đó, hãy học cách lắng nghe quan điểm của những người thuộc chuyên môn khác để làm sản phẩm tốt hơn. Và khi sản phẩm tốt hơn thì chúng ta cũng sẽ tự tin hơn.

Kết

Mình hy vọng những điều này có thể giúp các bạn có thêm thông tin để xây dựng niềm tin cá nhân ở mỗi người. Và hãy nhớ:

Đừng để bất cứ điều gì bẻ gãy niềm tin sáng tạo của bạn!