7 Phim để ta thấy cuộc đời nhẹ tựa hơi thở | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
21 Thg 08, 2021
Điện Ảnh

7 Phim để ta thấy cuộc đời nhẹ tựa hơi thở

Những bộ phim sau đây có thể giúp bạn nhìn những khó khăn trước mắt một cách nhẹ nhàng hơn.
7 Phim để ta thấy cuộc đời nhẹ tựa hơi thở

Cảnh phim Ikiru (1952), Samsara (2011), 2001: A Space Odyssey (1968).

Điện ảnh là một thứ kỳ diệu. Qua ống kính và câu chuyện mà nó truyền tải, điện ảnh có thể phóng đại một cảm xúc và phân tích tâm lý con người trong cảm xúc đó. Nhưng đồng thời, nó cũng có thể nhìn một sự việc ở một góc rộng, đến mức chúng ta quên mất mình là ai, và những vấn đề đang đè nặng lên chúng ta thực sự nhỏ bé thế nào.

Nếu bạn đang lo lắng, hãy hít một hơi thật sâu, ngồi xuống và thử chìm mình vào một trong những bộ phim dưới đây.

1. Samsara - 2011

Samsara là một bộ phim tài liệu/thể nghiệm của đạo diễn Mark Magidson và Ron Fricke. Bộ phim không có lời thoại hay diễn viên chính, nhưng nhờ vào tài năng của những nhà làm phim mà Samsara đã trở thành một kiệt tác, kể câu chuyện của nhân loại bằng sức mạnh của nghệ thuật thị giác.

Trong bộ phim này, chúng ta sẽ được chu du từ những vùng đất hoang sơ của các bộ lạc châu Phi, tới những đô thị lớn với mật độ dân cư cao và tốc độ công nghiệp hóa phi mã. Xuyên suốt bộ phim, các nhà làm phim đã tinh tế đặt những hình ảnh trái ngược để người xem tự có sự đối chiếu và rút ra những chiêm nghiệm của riêng mình. 

Đó là biểu cảm đầy tính người của những bộ lạc nơi “sự văn minh” chưa chạm tới, so với đôi mắt vô hồn của những công nhân trong những xưởng lắp ráp hàng điện tử ở các thành phố lớn.

Đó là ống kính rộng, bao quát cả một thánh đường nơi có khối lập phương Kaaba và hàng triệu tín đồ Hồi giáo bước vòng quanh, so với những ga tàu điện ngầm kín nghẹt người đang đi làm.

Bộ phim cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về cách thế giới vận động, và cách chúng ta vô thức để mình bị điều khiển bởi những hệ thống vô nghĩa. Thêm vào đó, không quên nhắc chúng ta về sự vô thường của cuộc sống và sự hiện diện của những thế lực tối thượng: thiên nhiên và thời gian.

2. Ikiru (To Live) - 1952

Ikiru, hay tựa tiếng Anh là To Live (Để sống), là một bộ phim đầy triết lý nhân sinh của đạo diễn Nhật Bản Akira Kurosawa. Bộ phim châm biếm lối “sống mòn” của một bộ phận người làm công chức tại Nhật Bản những năm 1950, khi đất nước đang trong giai đoạn tái xây dựng nền kinh tế - sản xuất sau hậu quả thảm khốc của Thế chiến 2.

Nhân vật chính của chúng ta là một người đàn ông lớn tuổi, nắm chức vụ Chánh văn phòng Công vụ và đã là một người làm nhà nước 30 năm. Với tính chất quan liêu của bộ máy nhà nước Nhật Bản thời đó, trong suốt khoảng thời gian “phục vụ” nhân dân của mình, việc duy nhất của ông không có gì khác ngoài đóng dấu để đẩy vấn đề của người dân sang các phòng ban khác.

“Việc tốt nhất một người có thể làm để bảo vệ chức vụ của mình, là không làm gì cả”. Và cuộc đời của ông có lẽ sẽ kết thúc trong vòng xoáy vô nghĩa, nếu dạ dày ông không xuất hiện một khối u ác tính. Dù bác sĩ cố giấu sự thật là ông vô phương cứu chữa, ông vẫn biết rõ mình chẳng tồn tại được bao lâu nữa.

Ngạc nhiên thay, ngày ông biết mình sắp chết, cũng là ngày ông thật sự bắt đầu sống. Trong những ngày cuối cùng của mình, ông đã làm những thứ mình chưa bao giờ làm, để cứu vớt lại chút ý nghĩa cho cuộc đời quẩn quanh và nhàm chán.

3. Tokyo Story - 1953

Tokyo Story là bộ phim đầy tính "thiền" của đạo diễn huyền thoại Yasujiro Ozu, một đạo diễn cùng thời với Akira Kurosawa với tầm ảnh hưởng ngang ngửa. 

Tokyo Story có cốt truyện cổ điển và đơn giản: một cặp vợ chồng già, sống ở vùng quê nước Nhật cùng cô con gái út, lên phố để thăm 4 người con còn lại của mình. Trong chuyến đi, bộ phim chạm đến cảm xúc của người xem qua cách mà những người con đối xử với bố mẹ mình, cũng như góc nhìn của hai ông bà cụ trước những thay đổi của thời cuộc. 

Xem phim, ta nhận ra một tiền đề cốt lõi: mối quan hệ giữa bố mẹ già và những người con trưởng thành sẽ không được như ta hằng mong đợi. Thời gian và khoảng cách là hai trở ngại đáng sợ giữa bố mẹ và những người con. Khi bố mẹ sắp xa lìa trần thế, cũng là lúc những đứa con bận bịu với công việc, gia đình và cuộc sống riêng. 

Xem Tokyo Story, ta thấy được khi một người đã ở tuổi gần đất xa trời, cái nhìn của họ về cuộc đời bỗng nhẹ như tựa hơi thở. Còn hơi thở, là còn thấy được bình minh, là còn thấy được cuộc đời, như vậy là đã đủ rồi.

Đọc thêm: Bậc thiền sư Yasujiro Ozu: Đời thì ngắn, mà tình thì dài

4. Okuribito (Departures) - 2008

Điện ảnh Nhật Bản có lẽ dành một vị trí rất đặc biệt dành cho cái chết. Nhưng những cái chết trong cả Ikiru, Tokyo Story, và dưới đây là Okuribito, đều không có quá nhiều đau đớn khóc than. Cái chết trong những phim này đều được kể trong tâm tưởng và nhịp điệu của những người đang sống. Cái chết của người khác là thứ giúp họ thức tỉnh.

Nhân vật chính của chúng ta là Daigo. Anh có khởi đầu là một nhạc công, nhưng do số phận đẩy đưa, anh trở thành một nhập liệm sư. Việc của anh là chăm sóc cho hình hài của người chết để tiễn họ đi trên chuyến hành trình cuối cùng.

Hiển nhiên, với một bước chuyển nghề không thể bất ngờ hơn này, Daigo không tránh khỏi những lo lắng, hoang mang và thậm chí là chán ghét bản thân. Anh chán ghét mình vì đã không thể theo đuổi nghệ thuật, chán ghét mình vì đã đâm đầu vào một công việc mà xã hội Nhật né tránh. 

Thế nhưng, càng tiếp xúc nhiều với cái chết, anh lại càng được khai sáng về ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Anh nhận ra sự vô thường của cuộc sống này và biết cách trân trọng những điều đẹp đẽ nhất, dù là nhỏ bé nhất.

Đọc thêm: "Người Đưa Tiễn" và hành trình đi tìm vẻ đẹp của cái chết

5. 2001: A Space Odyssey - 1968

2001: A Space Odyssey là một tượng đài của dòng phim khoa học viễn tưởng, và đã thay đổi cách những nhà làm phim theo đuổi thể loại này sau đó. 

Trong 137 phút của 2001: A Space Odyssey, đạo diễn Stanley Kubrick mang tham vọng kể toàn bộ hành trình tiến hóa của nhân loại. Bộ phim đem người xem ngược về quá khứ, từ lúc chúng ta là những con vượn cổ, cho tới một tương lai khi chúng ta hoàn toàn làm chủ du hành không gian.

Ngoài những tưởng tượng đầy tham vọng về khoa học, kỹ thuật, qua cách kể chuyện thuần bằng hình ảnh của mình, những nhà làm phim đã dấy lên trong đầu người xem những câu hỏi về vị trí của chúng ta trong vũ trụ, ý nghĩa và mục đích tồn tại của một sinh vật có nhận thức cao như con người. 

6. Arrival - 2016

Arrival là một tựa phim khoa học viễn tưởng với những tầng ý nghĩa sâu xa về cuộc sống và tình cảm gia đình. Vào một ngày đẹp trời, 12 vật thể lạ từ ngoài hành tinh bỗng dừng chân tại 12 quốc gia trên Trái Đất. Thế nhưng những vật thể này chỉ lặng im lơ lửng trên không trung mà không có động thái muốn tấn công hay giao tiếp với con người.

Đó là khi tiến sĩ ngôn ngữ học Louise Banks được triệu tập bởi chính phủ Mỹ trong nỗ lực giải mã lý do của sự kiện kỳ lạ này. Cô và người cộng sự Ian Donnelly dần tiếp cận được với "họ" - chủ nhân của 12 vật thể và tìm ra sự thật ẩn sâu trong thứ ngôn ngữ bí hiểm họ dùng.

Bộ phim đặt ra một câu hỏi: Nếu biết trước tương lai của mình, liệu bạn có thay đổi nó không? Nếu biết trước rằng đại dịch COVID sẽ bùng phát, khiến xã hội tê liệt và trì trệ, thì bạn có làm gì để thay đổi sự thật này không?

Đọc thêm: Arrival và ngôn ngữ bí ẩn khai mở tương lai

7. Interstellar - 2014

Interstellar diễn ra với bối cảnh trái đất ngày càng trở nên khắc nghiệt, không thể cho con người đủ điều kiện để sinh tồn nữa. Trong tình huống này, một nhóm nhà nghiên cứu và phi hành gia NASA phải dấn thân vào chuyến đi đầy rủi ro trong không gian để tìm một hành tinh mới, một lối thoát cho con người.

Xem Interstellar, chúng ta nhận thức được sự nhỏ bé của đời người so với không gian rộng lớn và lịch sử của vũ trụ. Còn quá nhiều điều chúng ta chưa biết, và so với vũ trụ vô biên, sự tồn tại của con người trở nên thật nhỏ bé. 

Nhận thức được sự thật này không làm cho cuộc đời trở nên bớt phần ý nghĩa, mà ta nhận ra được rằng: dù nhỏ bé, dù vô thường, điều tuyệt vời và ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể làm trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà mình có là lan tỏa tình thương, sự quan tâm tới những người xung quanh.