Ali: Fear Eats The Soul - Chiến thắng nỗi sợ ăn mòn linh hồn | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
29 Thg 08, 2021
Điện Ảnh

Ali: Fear Eats The Soul - Chiến thắng nỗi sợ ăn mòn linh hồn

Ali: Fear Eats The Soul là kiệt tác về lòng dũng cảm để vượt qua sự cô độc, lời đàm tiếu và nỗi sợ đứng chắn giữa con người và hạnh phúc.

Ali: Fear Eats The Soul - Chiến thắng nỗi sợ ăn mòn linh hồn

Nguồn: Janus Films.

Ali: Fear Eats The Soul là bộ phim của đạo diễn người Đức Rainer Werner Fassbinder. Mặc dù chủ đề của bộ phim khác biệt, nhưng tôi nghĩ nhan đề của nó thì chưa bao giờ cũ, nhất là trong tình thế hiện nay của con người trên khắp thế giới.

Cần phải giới thiệu qua về R.W. Fassbinder một chút. Fassbinder là một trong những đạo diễn tiên phong của phong trào New German Cinema nổi bật trong những năm 70, 80 của thế kỷ 20.

fassbinder
Đạo diễn Rainer Werner Fassbinder, một vị đạo diễn lắm tài nhiều tật. | Nguồn: Tagesspiegel.

Ông là một nhà làm phim, diễn viên, biên kịch, đạo diễn sân khấu, nhà soạn nhạc, thiết kế sản xuất, nhà sản xuất, dựng phim và quay phim. Sức làm việc kinh khủng của Fassbinder khiến ông trở thành một trong những nhà làm phim có sự sáng tạo sung mãn nhất trong sự nghiệp làm nghề ngắn ngủi của mình. 

Từ năm 1969 đến năm 1982 - lúc ông qua đời, tức là chỉ 13 năm, ông đã sản xuất và đạo diễn 44 bộ phim, nhiều trong số đó sau này được công nhận là những kiệt tác điện ảnh của thế giới. Khả năng sản xuất nhanh gọn lẹ của ông giúp ông làm ra một bộ phim với kinh phí cực thấp và thời gian quay cực ngắn. Như bộ phim Fear eats the soul chẳng hạn, chỉ quay trong khoảng 15 ngày.

Fassbinder là một đạo diễn đồng tính công khai, nhưng ông có hai lần kết hôn với... phụ nữ và có nhiều người tình là nam giới. Ông nổi loạn, luôn có xu hướng chỉ trích xã hội, đề cao cuộc sống cá nhân. 

it1
Một số tác phẩm tiêu biểu của Fassbinder: Lola (1981), Ali: Fear Eats The Soul (1974), The Bitter Tears Of Petra Von Kant (1972), Veronika Voss (1982).

Nhưng phim của ông lại có nhiều tác phẩm mang hơi hướng melodrama, mổ xẻ những vấn đề của xã hội, bạo lực, phân biệt chủng tộc và tình thế của con người trong xã hội đó.

Nhiều phim của ông làm về đề tài đồng tính và được xem là một trong ít đạo diễn đưa đề tài này lên phim sớm nhất, trong đó có phim The Bitter Tears of Petra von Kant, 1972 (bản tiếng Việt có tên là Lệ đắng của nàng Petra von Kant).

Tiểu sử của Fassbinder thường nhấn mạnh ông là một người sống bản năng, tự do, hoang dã và có xu hướng tự hủy hoại bản thân. Ban đêm, ông thường mặc chiếc áo khoác da, gương mặt cáu kỉnh tìm đến các quán bar đồng tính để tìm kiếm tình dục và ma tuý. Nhưng ban ngày, ông lại duy trì một sức làm việc vô cùng tập trung, kỷ luật.

Fassbinder qua đời vào tối 10/6/1982, sau một đêm sử dụng ma tuý và thuốc ngủ quá liều, bên cạnh một kịch bản phim đang còn viết dang dở, hưởng dương 37 tuổi khi đang còn ở đỉnh cao của sáng tạo.

Nỗi sợ ăn mòn linh hồn

Ali: Fear Eats The soul (1974) là bộ phim ở khoảng giữa sự nghiệp của Fassbinder. Phim có kinh phí thấp, quay ngắn ngày nhưng sau đó trở thành tác phẩm thành công ở tầm quốc tế đầu tiên của ông. Ngày nay, nó được đánh giá là một trong những kiệt tác của Fassbinder và có thể được xem là bộ phim hay nhất của ông.

it2
Poster phim ALi: Fear Eats The Soul.

Bộ phim tập trung vào hai nhân vật chính. Emmi Kurowski (Brigitte Mira), một goá phụ người Đức ngoài 60 tuổi, làm nhân viên vệ sinh cho một building, có ba đứa con nhưng sống đơn độc một mình trong một căn hộ nhỏ. Ali (El Hedi ben Salem), tầm 40 tuổi, một người nhập cư đến từ Ma rốc, làm nghề thợ sửa xe cho một garage nhỏ. Anh ta sống với 5 người Ả rập khác trong một căn hộ nhỏ với cuộc sống lặp lại đơn giản như anh mô tả “ngày làm việc chí chết, đêm say xỉn trối chết” - tình thế nói chung của những người lao động nhập cư có cuộc sống bấp bênh và luôn bị kì thị. 

Thậm chí cái tên Ali cũng chẳng phải tên thật của anh, đó chỉ là cái tên chung chung để gọi những người lao động nhập cư nước ngoài có làn da sẫm màu ở Đức.

it2
Emmi và Ali, đôi tình nhân đến từ hai "thế giới". | Nguồn: Janus Films.

Emmi gặp Ali trong một quán bar của người Ả rập. Ngay từ góc máy đầu tiên mô tả cuộc gặp gỡ giữa hai người bọn họ, Fassbinder đã tạo ra một khoảng cách có vẻ phóng đại giữa họ. Cái khoảng cách phóng đại này được Fassbinder sử dụng gần như xuyên suốt bộ phim để mô tả tình trạng giữa hai con người này với xã hội mà họ đang sống. Cái khoảng cách chống lại bọn họ, nhìn bọn họ từ xa với sự dèm pha khinh rẻ không giấu diếm.

Nhận lời thách đố của ả phục vụ bàn ăn mặc loè loẹt và gợi dục, Ali tiến lại bàn nơi Emmi đang ngồi một mình và mời bà khiêu vũ trên nền nhạc của một ca khúc Ả rập. Họ trò chuyện và có vẻ cảm mến nhau. Sau đó, vì trời mưa nên Ali đưa Emmi về căn hộ của bà.

Emmi mời Ali lên nhà uống trà. Uống xong trà thì không còn tuyến xe điện về căn hộ ở ngoại ô của Ali. Emmi mời Ali ở lại qua đêm. Nửa đêm không ngủ được, Ali gõ cửa phòng Emmi. Họ ngồi trên giường trò chuyện với nhau đến sáng. Emmi chuẩn bị bữa sáng cho cả hai rồi họ lưu luyến chia tay.

it3
Với hai con người cô đơn, sự dị nghị của xã hội trở nên vô nghĩa. | Nguồn: Janus Films.

Mọi chuyện bắt đầu đơn giản nhưng cũng rất hợp lý như thế để khởi đầu cho một mối quan hệ giữa hai con người cô đơn. Sự khác biệt về tuổi tác, chủng tộc, màu da không còn nghĩa lý gì nữa.

Nhưng cái xã hội mà họ đang sống thì không bao giờ đơn giản như thế. Trong một xã hội ngập tràn sự kì thị, người ta không bao giờ chấp nhận cuộc tình giữa một bà goá lớn tuổi và một anh công nhân Ả rập nhập cư ít hơn 25 tuổi. Họ coi đó là sự phỉ báng, họ coi đó là sự nhơ nhớp, họ coi đó là chuyện tình giữa một mụ điếm già và tên Ả rập lợi dụng.

Đám đàn bà hàng xóm tụm năm tụm ba buôn chuyện và thể hiện sự khinh rẻ ra mặt. Lão bán hàng tạp hoá chuyên bán hàng cho Emmi từ chối khi Ali đi mua. Nhà hàng từ chối phục vụ. Còn ba đứa con của Emmi, những kẻ thường ngày không thèm đoái hoài gì đến bà mẹ già cô độc, nay nghe tin bà mẹ quyết định kết hôn với một anh Ả rập nhỏ hơn tuổi thì giận dữ coi đó là sự nhục nhã, là bà mẹ già lú lẫn hoá rồ. Một thằng con mất dạy còn đập vỡ cái tivi của Emmi rồi lần lượt bỏ ra khỏi nhà bà mẹ như chạy khỏi một cái ổ điếm.

it3
Mặc những khinh miệt đến từ người ngoài và cả gia đình, Emmi và Ali vẫn vững vàng nắm chặt tay nhau. | Nguồn: Janus Films.

Cái khoảng cách mà Fassbinder phóng đại từ đầu và xuyên suốt phim chưa bao giờ hợp lý hơn thế. Cả cái xã hội ấy không ai chấp nhận cuộc tình của Emmi và Ali. Cả xã hội ấy chống lại bọn họ, ghê tởm bọn họ như những kẻ bệnh hoạn. Như Ali nói, “ở đây, người Đức là chủ, người Ả rập là chó”.

Nhưng bất chấp tất cả, Emmi và Ali vẫn giữ chặt tay nhau để vượt qua sự kì thị của xã hội và ngay cả những người thân thuộc của họ. Dù đau đớn và tổn thương, Emmi vẫn không sợ hãi, bởi “sợ hãi ăn mòn linh hồn”, như một câu cách ngôn của người Ả rập mà Ali nói với bà từ đầu.

it5
Nguồn: Janus Films.

Dù vậy, khi vượt qua được sự sợ hãi của sự kì thị xã hội, liệu bọn họ có vượt qua được sự sợ hãi nằm sâu bên trong họ? Sự sợ hãi mà dù bọn họ có giấu kín, vẫn có lúc trỗi dậy để ăn mòn linh hồn của họ? Fassbinder tiếp tục khai phá nỗi sợ hãi bên trong này để đào sâu vào một chủ đề tưởng như đơn giản mà hoá ra không đơn giản chút nào. Chiến thắng nỗi sợ bên trong mình mới là cuộc chiến khó khăn nhất.

Khi phim vận vào cuộc đời

Ali: Fear eats the soul như đã nói là một bộ phim thiên về melodrama, với phong cách dàn dựng như một vở kịch được điện ảnh hoá qua những góc máy phóng đại. Diễn xuất của hai diễn viên B. Mira và El Hedi ben Salem - hai gương mặt nghiệp dư và gần như vô danh trước đó tỏa sáng trong một tác phẩm mà họ gần như lột tả con người thật của họ trước máy quay.

it6
Trong khung hình của R.W. Fassbinder, hai diễn viên B. Mira và El Hedi ben Salem đã có một màn trình diễn xuất sắc dành cho những nhân vật ngoài rìa xã hội. | Nguồn: Janus Films.

Eli Hedi ben Salem là một người Ả rập nhập cư đến từ Bắc Phi. Anh có vóc dáng cao lớn, rậm râu và nam tính, không ít lần khỏa thân toàn vẹn trước ống kính máy quay của Fassbinder. Sau bộ phim thành công quốc tế này, Salem trở thành người tình của Fassbinder và đóng thêm một số phim của ông.

Tuy nhiên, cuộc tình của họ kết thúc sau đó vài năm vì Fassbinder không chịu được tính bạo lực và nghiện ngập nặng của Salem. Sau khi chia tay, Salem uống rượu say xỉn và gây sự rồi đâm chết ba người ở Berlin. Anh quay trở về nhà, nói với Fassbinder rằng: “giờ đây, anh không còn phải sợ hãi nữa” và sau đó treo cổ chết trong tù vào năm 1977 ở tuổi 42. Năm năm sau, đến lượt Fassbinder chết vì sốc thuốc.

“Nỗi sợ ăn mòn linh hồn” không đơn giản là một kiệt tác của Rainer Werner Fassbinder. Đó còn là một bộ phim vận vào cuộc đời của Fassbinder và Eli Hedi ben Salem.